DÂN LÀNG HỒ- Chương XIV : Các Em Ngui Và Pat Lãnh Nhận Phép Rửa Ngày 16 Tháng 10 Năm 1853 – Ông Hmur Lãnh Nhận Phép Rửa Ngày 28 Tháng 12 Năm 1853

DÂN LÀNG HỒ – CHƯƠNG XIV

Các Em Ngui Và Pat Lãnh Nhận Phép Rửa Ngày 16 Tháng 10 Năm 1853 – Ông Hmur Lãnh Nhận Phép Rửa Ngày 28 Thánh 12 Năm 1853

Nguyên tác: “LES SAUVAGES BAHNARS”

P. DOURISBOURE (MEP)

Biên dịch: TGM Kontum

Giọng đọc: Lm Giuse Tiến Lộc (CSsR)

Youtube: Chủng Sinh TV

 

DÂN LÀNG HỒ

HÀNH TRÌNH TRUYỀN GIÁO VÀ KHAI PHÁ

MIỀN TÂY NGUYÊN KONTUM

Nguyên tác

“LES SAUVAGES BAHNARS”

  1. DOURISBOURE

De la Société des Missions Étrangères

– PARIS 1929 –

Giáo Phận Kontum

Tái bản lần thứ hai

– 2008 –

 

CHƯƠNG XIV

CÁC EM NGUI VÀ PAT LÃNH NHẬN PHÉP RỬA NGÀY 16 THÁNG 10 NĂM 1853 – ÔNG HMUR LÃNH NHẬN PHÉP RỬA NGÀY 28 THÁNG 12 NĂM 1853

 

Từ khá lâu, em Ngui dường như đã được chuẩn bị đầy đủ điều kiện để lãnh nhận phép Rửa. Cách cư xử của em đã không khác gì của một Kitô hữu tốt lành. Khi nghe em nói chuyện, người ta không thể nào nhận ra đó là một đứa trẻ ngoại giáo, sống giữa dân ngoại nữa. Tất cả lời nói của em đều giống như của những đứa trẻ được may mắn học biết, kính sợ và yêu mến Chúa trong vòng tay của một bà mẹ đạo đức. Tuy vậy, tôi vẫn chưa dám nhận em vào Giáo Hội.

Ngui, còn quá trẻ và là dự tòng duy nhất, không những đang sống trong một gia đình đông đúc mà còn giữa một làng to lớn nữa. Vì thế, tôi sợ em không chịu đựng nổi những lời chế nhạo, châm biếm, những lời chỉ trích và các phương thế khác mà chắc chắn ma quỷ sẽ dùng để lay chuyển sự kiên định của em. Không phải em thản nhiên chịu đựng sự chậm trễ này. Trái lại, nhiều lần em khẩn thiết xin tôi mau chóng cho em được phúc lãnh nhận ơn Tái Sinh trong Phép Rửa Tội. Nhiều lần, chính em đã lặp lại những lời mà tôi đã nghe em nói với các bạn của em: “Mỗi tối, khi đi ngủ, con đều lo sợ. Con nghĩ nếu con chết trong đêm thì con sẽ chết mà không được rửa tội”.

Cuối cùng, một ngày kia, khi em năn nỉ quá, tôi mới thú thật cho em biết những nỗi lo sợ của tôi và lý do tại sao tôi chưa dám dứt khoát nhận em vào cộng đoàn Kitô hữu. Sau đây là câu trả lời của em nhỏ rất yêu quý của Thiên Chúa mà tôi không bao giờ quên. Mặt đỏ bừng, với giọng sôi nổi, tự tin, em nói với tôi: “Ồ, thưa Cha, nếu tất cả nhà con, nếu tất cả làng này, nếu tất cả dân Xê Đăng muốn sa xuống hoả ngục, thì Cha tưởng rằng con cũng muốn rơi vào đó với họ sao? Những người khác làm gì mặc họ, còn con, con biết việc của con và con muốn hoàn thành việc đó”. Tôi thú nhận mình đã thua cuộc. Tôi ôm em vào lòng, rưng rưng nước mắt đáp lời em: “Vậy thì, con yêu quý, Cha muốn làm phép Rửa cho con, nhưng đừng bao giờ quên những lời con vừa nói. Hãy trung thành cho đến chết!” Đây quả là một trong những giây phút hạnh phúc nhất khiến các thừa sai quên hết những năm tháng dài đã qua với biết bao thiếu thốn, khổ nhọc.

Từ đó cho đến ngày chịu phép Rửa, Ngui đã ăn ở như một thiên thần bé nhỏ. Điều tràn ngập tâm hồn, em đã để nó chảy lan sang tâm hồn đứa em nhỏ trong đức tin, là chú Pat của tôi. Pat, tuy còn quá nhỏ để có được những tâm tình cao vời như thế, nhưng cũng đã được chuẩn bị rất tốt theo lứa tuổi của em. Cha Combes đã viết thư cho tôi: “Khi Cha rửa tội cho bé Ngui yêu quý, trước đó, Cha đừng quên cho tôi biết ngày giờ, bởi vì tôi muốn đến dự phần hạnh phúc của Cha”. Cha Combes đã đến trước hôm lễ một ngày, có ông Hmur, người dự tòng sốt sắng của Cha đi cùng. Đến lúc cử hành nghi lễ rửa tội, tôi đứng nơi cửa phòng hẹp dùng làm nhà nguyện và hỏi Ngui những câu đã qui định trong sách Nghi thức: “Con có tin Thiên Chúa không? Con có từ bỏ ma quỷ không?” Mọi người đều sửng sốt về cách trả lời của em. Lúc chuẩn bị cho em, tôi bảo em chỉ trả lời đơn giản là: “Tôi tin, tôi từ bỏ”, như sách đã chỉ. Nhưng lúc đó, em đã quên lời dạy của tôi. Em thấy một lời xác quyết đơn giản không thoả mãn được tâm hồn, vì thế em liền thêm: “Vâng, vâng, con từ bỏ, và hết lòng từ bỏ và mãi mãi từ bỏ các thứ ác độc đó!” Và nhiều lời tương tự khác. Cha Combes hết sức hân hoan. Sau buổi lễ, ngài nói với tôi: “Này, tất cả những khổ nhọc của chúng ta tại Kơ Lang nay đã qua rồi, quên được hết rồi chứ?”

Đó là hai đứa trẻ đầu tiên mà tôi đã sinh ra cho Chúa nơi người dân tộc. Và đó cũng là ngày hạnh phúc vĩ đại đầu tiên của tôi nơi miền dân tộc này. Tôi đã đặt tên thánh cho Ngui là Giuse và cho Pat là Gioan, vị tông đồ yêu dấu của Chúa Giêsu. Sau này, tôi sẽ nói đến việc Chúa đã cất em Giuse ra khỏi cõi đời này lúc em mười sáu tuổi như thế nào và em đã trung thành với những lời thề hứa lúc chịu phép Rửa biết bao! Còn Gioan bây giờ là một thanh niên hai mươi hai tuổi, luôn là một Kitô hữu tốt lành. Năm vừa qua, tôi đã đính hôn em với một thiếu nữ dân tộc nết na vẹn toàn nhất mà tôi đã từng gặp nơi xứ này. Nhưng tôi chưa kịp làm phép hôn phối cho đôi bạn trẻ này thì bệnh đậu mùa đã cướp mất cô gái đạo đức này mà bây giờ tôi tin rằng cô đang ở trên thiên đàng với Chúa. Pat đã khóc thương người vợ sắp cưới của mình rất nhiều, nhưng em vẫn hết lòng tuân theo Thánh ý Chúa.

Ngày lễ Rửa tội của Giuse và Gioan, tôi đã đãi một bữa tiệc nhỏ để bày tỏ niềm vui của mình và cũng để đón tiếp những vị khách quý của tôi cho đúng phép xã giao. Lúc ấy, có Ngam, anh ruột của Ngui, đang đứng trước lối vào nhà. Cha Combes nhìn anh ấy một lúc rồi nói với tôi:

– Bạn trẻ nào vậy?

– Đó là anh của Ngui.

– Cha đã nói với anh ấy ít nhiều về Thiên Chúa chưa?

– Có nói một ít, nhưng xem ra anh này không muốn theo đạo.

– Không đâu! Tôi dám quả quyết với Cha, anh này sẽ là một Kitô hữu tuyệt vời. Tôi đọc được điều đó trên gương mặt anh ta. Cha nên nghĩ đến việc ấy.

Sau này, người ta sẽ thấy Ngam đã trở nên tốt đẹp như thế nào. Anh cũng xứng đáng được hưởng một trang tốt đẹp viết về anh trong tập hồi ký của tôi.

Về phần mình, ông Hmur tốt lành đã được thử thách khá lâu và đã đến lúc đưa con chiên ngoan hiền này nhập vào đàn chiên của vị Mục Tử Nhân Lành. Thật ra, dù đã cố gắng xua đuổi khỏi tâm trí những ý tưởng mê tín xưa kia, ông cũng chỉ khắc phục được một nửa mà thôi. Dù sao, ông cũng đã hết sức kiềm chế mình, không bao giờ hành động theo các cảm nghĩ đó nữa. Cha linh hướng của ông đã nói: “Ân sủng của phép rửa sẽ tẩy sạch những cặn bã cuối cùng, và Hmur sẽ là một Kitô hữu theo lòng Chúa muốn”. Tôi muốn đi dự lễ rửa tội. Hai anh em Giuse và Gioan, những tân tòng của tôi, cùng tháp tùng đến Kon Kơ Xâm vào ngày áp lễ. Sáng hôm ấy, Cha Combes nói với người dự tòng của ngài: “Trước khi đến lãnh nhận Bí Tích tái sinh, con phải giao nộp cho Cha tất cả ‘do mong’ của con. Chúng ta sẽ lấy chúng làm lễ tế thơm tho dâng cho Chúa bằng cách ném chúng xuống chỗ sông sâu nhất”.

“Do mong” là linh vật của người dân tộc. Chúng chẳng qua là những hòn đá có hình thù khá khác thường, kỳ dị mà ông bà tổ tiên xưa kia đã lượm được trong rừng hay ở đâu đó. Mỗi gia đình đều có linh vật và đôi khi có rất nhiều. Các linh vật này được xem là có chứa đựng “Yang” (Thần linh). Giữ gìn chúng cẩn thận và thỉnh thoảng cúng tế cho chúng thì sẽ đem lại hạnh phúc cho gia đình. Có rất nhiều loại với những đặc tính khác nhau. Ví dụ: linh vật này là linh vật của lúa gạo, được xem như có khả năng duy trì sự dồi dào lúa gạo trong nhà. Linh vật kia là linh vật của việc mua bán, ai có nó thì việc buôn bán sẽ tốt đẹp và lời lãi nhiều. Có những linh vật về sức khoẻ, với đặc tính xua đuổi các bệnh tật. Những linh vật về săn bắn và đánh cá sẽ giúp bạn bắt được cá gọn gàng và săn được nhiều thú rừng, v.v… Linh vật được mến chuộng nhất và giữ gìn tốn kém nhất, đó là linh vật lúa gạo. Khi gieo lúa, lúc lúa còn non, khi bắt đầu gặt hái, lúc lúa đã vào kho lẫm, khi bắt đầu ăn lúa mới, đều phải cúng tế; thường là cúng gà và hơn nữa, tuỳ trường hợp, có khi là cúng heo, dê và đôi lúc cúng cả trâu nữa. Trước khi mọi người dám ăn thịt các con vật này, người ta lấy máu của chúng vảy trên linh vật lúa gạo, rồi cũng vảy trên các linh vật khác nữa, do mối liên hệ cùng tồn tại và vì phép lịch sự thôi. Trường hợp mà tôi vừa kể là việc cúng tế dành riêng cho linh vật lúa gạo. Tôi xin miễn tả những nghi thức tương tự khi cúng tế các linh vật khác. Liệt kê chi tiết quá e rằng sẽ gây nhàm chán!

Việc bảo quản các linh vật này gây ra nhiều tốn kém cho anh em dân tộc. Bởi vì phần đông họ rất nghèo và trong nhiều trường hợp, cúng tế là điều bắt buộc nếu không muốn chuốc lấy sự ghét bỏ của thần linh và liều mình chịu mất mạng hoặc ít nữa cũng phải chịu nhiều tai ương. Cho nên, họ phải sống túng thiếu và đôi khi vay nợ để mua sắm lễ vật cần cho việc cúng tế. Dù cho lúa có quá xấu, báo hiệu đói kém trong năm sắp tới đi nữa thì việc cúng tế vẫn cứ phải làm. Các linh vật được gìn giữ trong một cái túi đan bằng tre và treo trên cột chính trong nhà. Ghè đựng rượu được buộc vào chân cột này để cho hơi men luôn xông lên mũi của thần linh đang ở trong túi.

Vài phút sau khi chúng tôi đến Kon Kơ Xâm, chúng tôi thấy ông Hmur, tay cầm bao chứa các linh vật, bước vào nhà Cha Combes. Vừa vào nhà, ông ta trút ngược cái bao và các linh vật đáng thương rơi xuống đất như những viên đá tầm thường. Một số đông anh em dân tộc ngoại giáo đã chứng kiến hành động này. Tôi thấy trên khuôn mặt của một vài người dấu hiệu của sự kinh hãi. Mọi người đều im lặng trong khi chú nhỏ Giuse Ngui của tôi cầm lấy hai linh vật trong tay và đập vào nhau. Một trong hai hòn đá vỡ ra thành ba bốn mảnh. Giuse Ngui nói: “Kìa, vị thần sao dễ vỡ quá! Để xem da vị kia có cứng hơn không?” Và em lấy búa sắt đập hòn đá thứ hai. Vỡ tan tành! Ngui bèn nói với Cha Combes: “Thưa Cha, con tin rằng cái vật thiêng này dùng làm đá lửa tốt lắm. Nếu Cha cho phép, con xin lấy một miếng để làm quẹt lửa”. Cha Combes trả lời: “Cha không sợ con sẽ dùng nó vào việc gì xấu. Được, con lấy đi!” Ngui đáp lời: “Sao lại dùng vào việc xấu? Con muốn dùng nó để làm một việc tuyệt vời. Đúng là cục đá tạo ra lửa của con không ra chi, nhưng cục này thì rất tốt”. Và như thế, linh vật đã trở thành cục đá lửa. Anh em dân tộc đáng thương kinh hoàng đứng nhìn hành động thù nghịch và nghe những lời phạm thượng của Giuse Ngui.

Hôm sau, ngày 28 tháng 12 là một ngày tốt đẹp đối với tất cả chúng tôi và nhất là đối với ông Hmur. Ông đã tỏ ra đáng khâm phục trong suốt buổi lễ rửa tội. Gương mặt thanh cao của ông rạng rỡ niềm vui và tất cả điệu bộ bên ngoài của ông chứng tỏ niềm hạnh phúc trong tâm hồn. Ông cũng nhận tên thánh là Giuse. Sau lễ rửa tội và tạ ơn, hành vi đầu tiên của người tín hữu này là làm một cử chỉ công khai và dứt khoát nói lên việc từ bỏ mọi sự thờ cúng, mê tín dị đoan bằng hành động ném tất cả các linh vật của mình xuống dòng sông đang chảy cách nhà tôi vài bước. Chú nhỏ Giuse Ngui muốn phụ giúp ông. Ông Hmur luôn nghiêm trang và điềm tĩnh, tỏ ra trịnh trọng trong hành động này, hành động mà ông xem như một hành động mang tính cách tôn giáo. Còn chú bé thì cười vang và làm nhiều trò hề. Khi ném các linh vật xuống sông, ông Hmur bớt vẻ nghiêm nghị và nói lớn tiếng để bà con của ông cũng nghe được: “Hỡi các linh vật, hãy nói lời vĩnh biệt với mọi đồ cúng, vĩnh biệt gà, heo, dê và trâu. Ma quỷ sẽ giỏi lắm nếu còn bắt được tôi phải chịu tốn kém cho vinh quang của nó”. Nhiều anh em dân tộc đã tham dự cảnh tượng kỳ lạ này. Họ sửng sốt không nói nên lời và trong số đó có cả vợ và em gái của ông Hmur nữa. Cô em đã khóc lóc đau đớn khi chứng kiến bao nhiêu là linh vật bị ném xuống sông. Giờ của ân sủng chưa đến với cô, nhưng sẽ không lâu đâu, ta sẽ thấy cô trở nên một Kitô hữu sốt sắng như thế nào, xứng đáng với người anh của mình.

(Còn tiếp)

Đọc thêm: 

*DÂN LÀNG HỒ – Chương I: Những Dự Phóng Đầu Tiên Nhằm Thiết Lập Cơ Sở Truyền Giáo Nơi Các Dân Tộc Thiểu Số – Cuộc Hành Trình Khảo Sát Của Thầy Sáu Do

*DÂN LÀNG HỒ- Chương II : Cha Combes Và Cha Fontaine

*DÂN LÀNG HỒ- Chương III : Cuộc Gặp Gỡ Bok Kiêm – Thầy Sáu Do Và Bok Kiêm Kết Nghĩa Anh Em

*DÂN LÀNG HỒ- Chương IV : Cuộc Du Hành Của Các Cha Desgouts Và Dourisboure

*DÂN LÀNG HỒ- Chương V : Những Ngày Ở Kơ Lang

*DÂN LÀNG HỒ – Chương VI: Hành Trình Khảo Sát Tại Kon Kơxâm – Những Nỗ Lực Của Ma Quỷ Nhằm Làm Hại Các Nhà Thừa Sai

*DÂN LÀNG HỒ- Chương VII : Những Mối Quan Hệ Đầu Tiên Với Dân làng Kon Kơxâm – Vụ Hỏa Hoạn – Âm Mưu Sát Hại các Thừa Sai

*DÂN LÀNG HỒ- Chương VIII : Cha Desgouts Và Cha Fontaine Thoát Chết Đuối – Bắt Đầu Học Tiếng Ba Na – Du Hành Từ Kon Kơ Xâm Đến Kon Kơ Lang

*DÂN LÀNG HỒ- Chương IX : Dân Tộc Rơ Ngao – Những Điểm Đến Khác Của các Nhà Thừa Sai

*DÂN LÀNG HỒ- Chương X : Năm Đầu Tiên Ở Kon Trang

*DÂN LÀNG HỒ- Chương XI : Cha Combes Ở Kon Kơxâm – Một Ngày Phúc Lành -Cha Arnoux Đến

*DÂN LÀNG HỒ- Chương XII : Cha Arnoux Cùng Cha Dourisboure Ở Kon Trang – Cuộc Khởi Hành Rời Xứ Dân Tộc – Cha Fontaine Và Cha Desgouts Đi Về Phía Nam

*DÂN LÀNG HỒ- Chương XIII : Ngui Và Pat, Những Dự Tòng Xê Đăng Đầu Tiên – Hmur, Dự Tòng Ba Na Đầu Tiên

WGPKT(19/04/2023) KONTUM