Chúa Nhật II Mùa Chay – Năm C (CN.13.03.2022)

BÀI ĐỌC I: St 15, 5-12. 17-18

“Thiên Chúa đã thiết lập giao ước với Abraham”.

Bài trích sách Sáng Thế.

Trong những ngày ấy, Thiên Chúa dẫn Abram ra ngoài và nói với ông: “Ngươi hãy ngước mắt lên trời, và nếu có thể được, hãy đếm các ngôi sao”. Rồi Chúa nói tiếp: “Miêu duệ của ngươi sẽ đông đảo như thế”. Abram tin vào Thiên Chúa, và vì đó ông được công chính. Và Chúa lại nói: “Ta là Chúa, Ðấng dẫn dắt ngươi ra khỏi thành Ur của dân Calđê, để ban cho ngươi xứ này làm gia nghiệp”. Abram thưa rằng: “Lạy Chúa là Thiên Chúa, làm sao con có thể biết con sẽ được xứ đó làm gia nghiệp?” Chúa đáp: “Ngươi hãy bắt một con bò cái ba tuổi, một con dê cái ba tuổi, một con cừu đực ba tuổi, một con chim gáy mái và một con bồ câu non”. Abram bắt tất cả những con vật ấy, chặt ra làm đôi, đặt phân nửa này đối diện với phân nửa kia; nhưng ông không chặt đôi các con chim. Các mãnh cầm lao xuống trên những con vật vừa bị giết, song ông Abram đuổi chúng đi. Lúc mặt trời lặn, Abram ngủ mê; một cơn sợ hãi khủng khiếp và u tối bao trùm lấy ông. Khi mặt trời đã lặn rồi, bóng tối mịt mù phủ xuống, có một chiếc lò bốc khói và một khối lửa băng qua giữa những phần con vật bị chia đôi. Trong ngày đó, Chúa đã thiết lập giao ước với Abram mà nói rằng: “Ta ban xứ này cho miêu duệ ngươi, từ sông Ai-cập cho đến sông Eu-phrát”.

Ðó là lời Chúa.

BÀI ĐỌC II: Pl 3,17 – 4,1

“Chúa Kitô sẽ biến đổi thân xác chúng ta nên giống thân xác hiển vinh của Người”.

Bài trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philípphê.

Anh em thân mến, anh em hãy bắt chước tôi, và hãy để mắt nhìn coi những người ăn ở theo như mẫu mực anh em thấy nơi chúng tôi. Bởi chưng như tôi đã thường nói với anh em, và giờ đây tôi đau lòng ứa lệ mà nói lại, có nhiều người sống thù nghịch với thập giá Ðức Kitô. Chung cuộc đời họ là hư vong, chúa tể của họ là cái bụng, và họ đặt vinh danh của họ trong những điều ô nhục; họ chỉ ưa chuộng những cái trên cõi đời này. Phần chúng ta, quê hương chúng ta ở trên trời, nơi đó chúng ta mong đợi Ðấng Cứu Chuộc là Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Người sẽ biến đổi thân xác hèn hạ của chúng ta nên giống như thân xác hiển vinh của Người, nhờ quyền lực mà Người vẫn có, để bắt muôn vật suy phục Người. Bởi thế, anh em thân mến và yêu quý, anh em là niềm hoan lạc và triều thiên của tôi; anh em thân mến, hãy vững vàng trong Chúa.

Ðó là lời Chúa.

Lời Chúa: Lc 9, 28b-36

“Ðang khi cầu nguyện, diện mạo Người biến đổi khác thường”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê và Gioan lên núi cầu nguyện. Và đang khi cầu nguyện, diện mạo Người biến đổi khác thường và áo Người trở nên trắng tinh sáng láng. Bỗng có hai vị đàm đạo với Người, đó là Môsê và Êlia, hiện đến uy nghi, và nói về sự chết của Người sẽ thực hiện tại Giêrusalem. Phêrô và hai bạn ông đang ngủ mê, chợt tỉnh dậy, thấy vinh quang của Chúa và hai vị đang đứng với Người. Lúc hai vị từ biệt Chúa, Phêrô thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm; chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia”. Khi nói thế, Phêrô không rõ mình nói gì. Lúc ông còn đang nói, thì một đám mây bao phủ các Ngài và thấy các ngài biến vào trong đám mây, các môn đệ đều kinh hoàng. Bấy giờ từ đám mây có tiếng phán rằng: “Ðây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người”. Và khi tiếng đang phán ra, thì chỉ thấy còn mình Chúa Giêsu. Suốt thời gian đó, các môn đệ giữ kín không nói với ai những điều mình đã chứng kiến.

Ðó là lời Chúa.

—————

Suy Niệm 1:                         Linh mục Phêrô Nguyễn Vân Đông

QUÊ HƯƠNG CHÚNG TA LÀ Ở TRÊN TRỜI

1. Là người công giáo ai cũng nghe biết câu chuyện trên núi Tabore. Trước mặt ba môn đệ, Chúa Giêsu trở nên khác thường: Y phục Người trở nên trắng tinh chói loà (Lc 9,29); Y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng (Mt 17,7); Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ giặt nào ở trần gian giặt trắng được như vậy (Mc 9,3). Lại có các nhân vật nhà Trời đứng bên cạnh Chúa Giêsu là ông Môise và ông Elia. Không thấy tả các vị này ăn mặc như thế nào, chỉ nói là “hai vị rạng ngời vinh hiển “. Ôi ! Cả một vùng trời đẹp đẽ vô cùng. Phêro mê mẩn luôn tuyên bố làm 3 nhà cho 3 vị nhà Trời. Sao Phêro không nghĩ tới anh em mình nhỉ ? Hôm đó có hai anh em nhà Giacobe và Gioan nữa.

2. Mình cũng được lên núi này một lần ! Đứng trên núi Tabore có thể nhìn thấy Nazareth. Vậy sống ở Nazareth thì cũng nhìn thấy núi này xa xa. Hôm ấy là buổi sáng. Chui cha ! Đầy người: Đã trắng, da đen, da màu. . . Từng nhóm nhỏ. Họ cầu nguyện rất sốt sắng không thèm để ý tới người khác. Rồi mình nghĩ đến biến cố Hiển Dung xưa của Chúa Giêsu tại nơi này. Sau 2.000 năm rồi nhé. Đầy người ! Không đáng cho chúng ta ngẫm nghĩ sao chứ ? Mình nói thật điều này, nếu các bạn có tiền để đi du lịch nước này nước nọ, thì mình khuyên hãy hành hương Đất Thánh một lần ! Đức tin của bạn sẽ được củng cố rất nhiều. Đây là kinh nghiệm bản thân nhé.

3. Tại sao biến cố hôm đó lại có sự hiện diện của ông Môise và ông Elia chứ không phải là tổ phụ Abraham, hay vua Salomon hay là các nhân vật nổi tiếng khác trong Kinh Thánh ?

* Ông Môise là đại diện cho Lề Luật. Ai cũng biết 10 Điều Luật của Chúa mà. Chính Moise nhận từ Thiên Chúa . Ông sống khoảng 1.200 năm trước Chúa Giêsu. Ông sống được 120 tuổi. 40 năm đầu sống trong cung điện như hoàng tử, học làm lãnh đạo, ăn mặc như người Ai Cập loại cao cấp , nói tiếng Ai Cập, nhưng bụng dạ thì rặc Do Thái ! Ông có tật nói hơi cà lăm sao đó. 40 năm kế tiếp, vì giết một người Ai Cập do bênh vực người dân mình, nên phải trốn vào sa mạc. Thời gian này ông học biết nhiều nơi trong sa mạc , biết rõ đời sống nơi sa mạc phải như thế nào ! Khi đã được 80 tuổi thì Chúa sai ông đem dân Do Thái về Đất Hứa. Cuộc hành trình đầy cảm go này cũng kéo dài 40 năm luôn ! 10 Điều Luật của Chúa cũng trong thời gian này. Ông Môise không được vào Đất Hứa. Mồ mả ông cũng không ai biết chỗ nào !

* Tiên Tri Elia : 900-849 trước Chúa Giêsu. Ông là Tiên Tri cương quyết bảo vệ chân lý: Chỉ có duy nhất một Thần mà thôi đó là Thiên Chúa của Israel. Ông đã thách đố các đồ đệ của thần Baal. Ông đã thắng lớn, khiến người ta giết các người thua cuộc. Một cỗ xe lửa đã rước ông lên trời !

4. “. . . Hai vị hiện ra, rạng ngời vinh hiển, và nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giêrusalem “ (Lc 9,31). Đó là nói về chuyện Chúa Giêsu chịu chết để cứu chuộc nhân loại. Cuộc xuất hành này đã được “hoàn tất” tại Giêrusalem như chúng ta đã biết. Vẫn có tiếng từ trời thông báo : “Đây là Con Ta, Người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người “(Lc 9,35)

5. Cuối cùng ba môn đệ lại thấy Thầy mình như mọi ngày ! Khỏi phải làm 3 nhà. Ở trên núi cao lấy gì mà ăn mỗi ngày chớ ? Nhưng phải công nhận điều này: Một thoáng NƯỚC TRỜI thôi cũng đủ làm cho ngài Phero chết mê chết mệt rồi đề nghị lung tung xèng luôn. Mình rất thích Phêro cái tính bộc trực này lắm. Quê hương chúng ta là ở trên trời cơ mà. Ở dưới đất này nhà đẹp hay nhà lớn cho mấy đi nữa thì khi ta chết ta sẽ để lại thôi. Chúng ta sẽ đi đến một nơi khác mà ta gọi là nhà Cha chúng ta ở trên trời ! Chắc chắn là như vậy thôi.

Cha Thomas Nguyễn văn Thượng một linh mục bạn của mình mới qua đời hôm nay. Mình buồn ! Mình chọn câu mà thánh Phaolo khẳng định : Quê hương chúng ta là ở trên trời để tự an ủi mình và cũng để cầu nguyện cho người anh em mau được đến QUÊ HƯƠNG đích thực. Ai rồi cũng thế nhé. Sự sống thay đổi chứ không mất đi bao giờ. Chỗ ở trên trời mới là nơi ta có được Hạnh Phúc vĩnh cửu.

Chúng con cậy vì danh Chúa nhân từ cho linh hồn cha Thomas được lên chốn nghỉ ngơi, hằng xem thấy mặt Đức Chúa Trời sáng láng vui vẻ vô cùng. AMEN

————

Suy Niệm 2:                         Linh mục Giuse Nguyễn Hữu Triết

“Từ đám mây có tiếng Chúa Cha phán:
Đây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe Lời Người”

   1/ Trong Kinh Thánh khi nói tới Mây… ta phải lưu ý tới nghĩa thần học:

– Khi dân Do Thái ra khỏi Ai Cập… ban ngày có cột mây, ban đêm có cột lửa… che chở, soi sáng, hướng dẫn dân… Chính Chúa hiện diện trong cột mây, cột lửa ấy.

– Trên núi Sinai khi Chúa hiện ra với Môsêmây và khói mù mịt bao phủ cả ngọn núi…

– Trên núi Tabor, từ đám mây có tiếng Chúa Cha phán…

– Ngày Chúa quang lâm Con Người ngự mây trời mà đến

Mây theo nghĩa thần học luôn đi với hiện tượng Thiên Chúa có mặt, trực tiếp phán dậy, bảo ban, hướng dẫn… thường khi Kinh Thánh nhắc tới mây… thì phải có sự chuẩn bị đón lệnh của Chúa…

   2/ Con Ta? Loài người không có ngôn ngữ diễn tả Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi nên phải dùng từ Ngôi Cha chỉ Ngôi Thứ NhấtNgôi Con gọi Ngôi Thứ Hai… Liên hệ Cha Con không hiểu theo nghĩa tác tạo. (Cha có trước, dùng mầm sống của mình tạo ra hình hài đứa con… rồi đẻ ra, cho bú mớm nuôi lớn lên…) mà chỉ được hiểu theo nghĩa loại suy… (Con phải bởi cha mà ra thì mới cùng một Bản tính với Cha: bản tính Người).

   Trong kinh Tin Kính ta tuyên xưng: “Chúa Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa, sinh bởi Đứa Chúa Cha từ trước muôn đời, đồng bản thể với Đức Chúa Cha”… khi nói tới Cha, Con, sinh ra… Giáo Hội chỉ nhắm diễn tả chân lý Chúa Con Đồng Bản Thể, Đồng Hiện Hữu với Chúa Cha… chỉ nhắm bấy nhiêu thôi…

   3/ “Các ngươi hãy nghe Lời Người”. Chúa Cha đã công bố rõ ràng từ nay theo đạo là theo Đức Giêsu, giữ đạo hay sống đạo là nghe lời Đức Giêsu… Không nghe theo bất cứ ai khác. Thánh Phaolô nói: Không có Tin Mừng nào khác đâu… Nếu có ai, kể cả chúng tôi hoặc 1 Thiên Thần nào Từ Trời Xuống loan báo cho anh em một Tin Mừng khác với Tin Mừng chúng tôi loan báo cho anh em thì xin Thiên Chúa loại trừ kẻ ấy” (Gl 1, 7- 9).

            Hội Thánh nối nghiệp Chúa Giêsu nên theo Chúa Giêsu cũng là theo Hội Thánh Công Giáo, dưới quyền lãnh đạo của Đức Giáo Hoàng, kế vị thánh Phêrô.    

————

Suy Niệm 3:                        Linh mục Tađêô Võ Xuân Sơn

 

NGHE LỜI CHÚA ĐỂ SỐNG

1. Lắng nghe lời Chúa là lệnh truyền của Chúa Cha

Kính thưa quý ông bà anh chi em,

Lắng nghe Chúa Giêsu là tâm điểm Chúa Cha muốn mọi tín hữu phải đạt được trong cuộc đời để nên thánh: “Đây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người” (Lc 9,35). Đây là lời trọng đại, vì chính Chúa Cha nói với chúng ta. Có ba lần Tin Mừng thuật lại lời Chúa Cha nói. Một là trong biến cố Chúa Giê-su chịu phép rửa: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt 3,17). Lần khác vào dịp Tiệc ly, sau khi Chúa Giêsu cầu nguyện, Chúa Cha đã nói: “Ta đã tôn vinh Ta, Ta sẽ còn tôn vinh Ta nữa” (Ga 12,28). Và lần thứ ba trong dịp Chúa tỏ vinh quang: “Đây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người”. Hôm nay, lệnh truyền “hãy nghe lời Chúa” không phải là lời của Giáo hoàng hay vị Hồng y thời danh nào, mà đó là chính lời Chúa Cha nói với chúng ta. Do đó, lắng nghe lời Chúa có tầm rất quan trọng với cuộc đời chúng ta, đến nỗi, không nghe lời Chúa, không còn thuộc về Chúa, vì chiên của Chúa thì nghe tiếng Chúa.

Lắng nghe lời Chúa đòi hỏi Kitô hữu biến đổi. Trên núi cao được Tin Mừng thuật lại hôm nay, Chúa Giêsu cho các tông đồ thấy vinh quang của Ngài, vinh quang của Đấng Cứu Độ. Chúa Giêsu là Đấng vinh quang, nay Ngài hiện tỏ vinh quang của Ngài. Qua đó Chúa Giêsu cho các tông đồ nhận biết, họ cũng sẽ được vinh quang như thế, một khi họ lắng nghe lời của Chúa Giêsu. Vì thế, nói “biến hình” không nhằm nói Chúa Giêsu thay đổi, vì Ngài vẫn là Đấng vinh quang, nhưng Tin mừng muốn nói đến sự biến đổi phải có nơi mỗi chúng ta. Nhờ lắng nghe lời Chúa, đời sống của chúng ta thay đổi phù hợp với lời Chúa. Do đó, “việc lắng nghe lời Chúa” còn là việc của trái tim hơn là việc của đôi tai. Lắng nghe lời Chúa bây giờ là mở ngõ trái tim để lời Chúa rót vào, biến đổi đời sống ta và đem lại sự sống cho ta.

2. Làm sao lắng nghe lời Chúa?

    Muốn lắng nghe lời Chúa ta cần đến gần với Chúa như đám đông ngày xưa cứ đi theo Chúa trên mọi nẻo đường để được nghe, bất chấp cả những cơn đói, miễn sao được nghe lời Chúa. Ngay cả Matta hôm ấy bận rộn nấu nướng thiếp đãi bữa ăn cho Chúa, nhưng vì không gần Chúa để lắng nghe lời Chúa, cô đã bị Chúa “Sửa lưng”: Maria em con đang làm việc tốt nhất là ngồi kề bên nghe lời Chúa. Cứ lấy lý do bận rộn công việc mà không đến gần Chúa làm sao nghe được lời Chúa? Thử hỏi, ta được lợi ích gì khi đến với bác sĩ và kể một mạch: tôi bị đau lưng, tôi không ngủ được, tôi đau dạ dày v.v, một danh sách triệu chứng và bệnh tật, liền sau đó ta nói với bác sĩ: nhưng tôi không có thời gian để nghe bác sĩ nói, vì tôi phải đi làm bây giờ?. Cũng vậy, ta sẽ không thể lắng nghe lời Chúa, nếu không dành thời giờ ngồi bên Chúa và nghe lời Chúa.

Làm sao ta nghe được lời Chúa mà không đọc Phúc Âm? Chúng ta thường than phiền tại sao cầu nguyện với Chúa hoài mà Chúa chẳng nói gì với chúng ta. Chúa không nói với chúng ta hay chúng ta không muốn nghe lời Chúa nói? Cứ mở sách Phúc Âm ra đọc, sẽ nghe được tiếng Chúa nói với chúng ta rất rõ ràng, nói từng lời. Đó là lý do muốn nghe lời Chúa, ta cần có sách Phúc Âm, mở sách Phúc Âm, đọc Phúc Âm và suy ngắm Phúc Âm. Còn gì tốt cho bằng người kitô hữu cùng mang theo sách Phúc Âm: nơi bàn học có sách Phúc Âm, nơi bàn thờ cũng có sách Phúc Âm, trong túi xách khi đi du lịch cũng có sách Phúc Âm v.v. Cần có sách Phúc Âm bên cạnh chúng ta luôn, vì đó là lời Chúa Giêsu để chúng ta có thể lắng nghe.

Sau hết, lời Chúa chúng ta nghe được cần được loan truyền. Nếu mở Phúc Âm để nghe lời Chúa được ví như hành động lên núi trong cuộc Chúa biến hình, thì xuống núi loan báo lời Chúa phải là quyết định dứt khoát của chúng ta. Sở dĩ thánh Phêrô xin dựng lều để Chúa ở lại với mình trên núi, vì ngài sợ phải xuống núi, sợ phải loan báo lời Chúa và thực hiện lời của Chúa Giêsu lên Giêrusalem chịu chết. Nhưng chúng ta không thể ở trên núi mãi. Gặp gỡ Chúa và nghe lời Chúa là nguồn cảm hứng cho Kitô hữu xuống núi, trở lại nơi chốn thường ngày, nơi đó có những người thân đang đói lời Chúa, có những người quen biết đang mang cơn bạo bệnh, có những người hàng xóm đang vô vọng giữa đường đời, có những người trẻ đang chới với vô định. Lời Chúa đã thấm vào trái tim của Kitô hữu luôn thôi thúc họ chia sẻ cho người khác. Sứ mệnh đó không cho phép chúng ta yên tâm hay bình an, nếu chúng ta thiếu đọc và lắng nghe lời Chúa, nếu chúng ta thiếu đem lời Chúa đến cho anh chị em chúng ta. Vậy chúng ta quyết tâm sống điều Chúa Cha muốn chúng ta hôm nay: đọc và lắng nghe lời Chúa, chia sẻ lời Chúa đến cho anh chị em chúng ta.

Lạy Chúa, chúng con tôn vinh Chúa khi nhìn thấy người trẻ, người già cầm cuốn sách Phúc Âm trên tay. Chúng con tôn vinh Chúa khi nghe người già người trẻ ngồi cạnh nhau trong gia đình chân tình chia sẻ lời Chúa vừa nghe. Chúng con tôn vinh Chúa khi nhận ra niềm vui nơi gương mặt của những người đang dùng lời Chúa an ủi và nâng đỡ những bệnh nhân và người khốn khổ. Chúng con tôn vinh Chúa vì chúng con đang chứng kiến cuộc biến hình của Chúa hôm nay, đó là Chúa đang biến đổi chúng con nhờ chúng con lắng nghe lời Chúa.

————

Suy Niệm 4:                        Linh mục Lu-y Nguyễn Quang Vinh

 

GIAO ƯỚC VỚI CON NGƯỜI

 

Một trong những mặc khải căn bản của sách Sáng Thế đó là lắng nghe chính Thiên Chúa nói với con người rằng chúng ta được dựng nên theo hình ảnh và giống Thiên Chúa.  Thiên Chúa sáng tạo đi vào đối thoại với con người, nghĩa là giữa Thiên Chúa và con người có điểm chung là Thiên Chúa biết nói, biết đối thoại, biết cảm thông  với con người, giữa hai bên có sự hiểu biết lẫn nhau.  Sự hiểu biết nầy đưa đến việc Thiên Chúa ký kết giao ước với ông Ápraham, sự việc cho thấy Thiên Chúa sáng tạo cũng là Thiên Chúa cứu độ. 

Thiên Chúa biết NÓI là mặc khải lớn trong Kinh thánh.  Thật vậy, một người Aram du mục được Thiên Chúa mời gọi ký kết giao ước với Người, khởi đầu cuộc mạo hiểm Đức Tin, khai mào lịch sử ơn cứu chuộc.  Sau nầy Ápraham trở thành cha của các kẻ tin (Bài đọc 1. St 15,5-12.17-18).  Cho thấy nơi con người có một khả năng lắng nghe và  đón nhận lời Thiên Chúa, có như thế con người mới hiểu biết ý định của Thiên Chúa và đi vào đối thoại với Thiên Chúa và cuối cùng là ký kết giao ước với Thiên Chúa.  Con người hiểu biết và cộng tác vào việc làm của Thiên Chúa, nếu không có khả năng đi vào đối thoại với Thiên Chúa thì có nguy cơ giao ước chỉ là độc diễn từ phía Thiên Chúa.

Giao ước với Ápraham không thoát khỏi những toan tính tức thời và có khi còn rất thấp hèn và vật chất: được hứa ban một dòng dõi đông đúc, một gia tộc bền vững, một vùng đất làm cơ nghiệp, như điều khoản của Giao ước. Đất đai và cư dân là những điều tối cần thiết cho một cơ nghiệp.  Những ước muốn nầy được coi là chính đáng: một Giao ước với những điều kiện nhân loại thường tình.  Giao ước nầy không tước đoạt con người khỏi những điều kiện sống của họ, nhưng xem ra đan dệt thêm tính nhân văn.  Khi Thiên Chúa nói với con người, Người không dùng lối nói thần linh, nhưng đi vào tâm trí của những kẻ mà Người muốn đối thoại bằng cách thức của họ, Thiên Chúa thật sự tôn trọng con người. 

Cách thức ký kết Giao ước được trình thuật trong Bài đọc 1, chúng ta thấy có đổ máu các sinh vật theo tục lệ của dân du mục, và có cột khói (tức là sự hiện diện thần linh) đi ngang qua giữa những con vật bị xẻ làm đôi.  Điều nầy cho thấy Giao ước như thần hoá các điều kiện của con người.  Đó là mặc khải đầu tiên trong Kinh thánh, Thiên Chúa không xa lạ với sinh hoạt của con người.  Trái lại Người gần gũi con người trong mọi hình thức cuộc sống.  Máu được dùng trong việc ký kết giao ước như dấu chỉ tượng trưng cho sự sống, ‘màu đỏ’ của máu chỉ thần linh, ‘máu đổ’ như sự dấn thân cam kết, ai vi phạm giao ước sẽ bị ‘đổ máu’ chết; cột khói  chỉ sự hiện diện huyền bí của Thiên Chúa, những phạm trù quen thuộc trong dân gian, thấy khói mà không nắm bắt được khói.

Như thế lịch sử cứu độ mặc lấy tất cả các hình thức văn hoá, chính trị, kinh tế của xã hội Do thái thời đó.  Điều nầy cho biết rằng chúng ta được đựng nên để đi vào tương quan với Thiên Chúa, hiệp thông với Thiên Chúa. Khả năng hiệp thông với Thiên Chúa vốn có sẵn nơi bản chất của con người.  Biến cố biến hình trên núi nói lên khả thể đó nơi con người, khả thể trở nên Thiên Chúa, khả thể được thần hoá, khả thể được biến đổi.  Khả thể nầy được diễn tả qua suy tư ‘Thiên Chúa làm người để con người được làm Thiên Chúa’.

Sự kiện biến hình được Giáo hội kiên quyết rao giảng cho mọi cộng đoàn Kitô khắp nơi trên địa cầu, kể cả chúng ta.   Đấng mà “dung mạo bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói loà” trên núi hôm đó, lại là người như chúng ta, thuộc giống nòi nhân loại.  Không phải là người xa lạ ngoài hành tinh.  Và đã được long trọng giới thiệu với chúng ta: “Nầy là Con Ta, người được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người!” (Bài Tin Mừng Lc 9, 35).  Một sự lắng nghe lời Thiên Chúa đòi hỏi dấn thân sống động : Hãy xem cách Người sống, hãy lắng nghe Người giảng dạy, hãy đi theo Người. 

Và nầy hãy chăm chú nghe một tuyên bố khác “Nầy là Người” từ miệng Philatô sẽ nói về Đức Giêsu vào ngày chịu nạn.  Đức Giêsu không đốt giai đoạn, không dừng lại nơi vinh quang biến hình vì “ở đây thì tốt quá”, như gợi ý của Xatan.  Nhưng Người xuống núi, đi vào cuộc sống cay đắng của đời thường, các môn đệ tạm thời giữ thinh lặng cho đến khi Giáo Ước Mới được thực hiện bằng máu của Đức Giêsu, lúc đó sự kiện biến hình sẽ được biến cố Phục sinh soi sáng.  Đức Giêsu đã kinh qua tử nạn để đến vinh quang Phục sinh.  Phải chăng đây là định mệnh chung của người Kitô hữu, tức sống thân phận hạt lúa gieo vào lòng đất.

Lạy Chúa Giêsu, chính Người là Đấng khởi đầu đức tin, luôn đi bước trước kêu gọi và lập giao ước với con người, nâng đỡ đức tin của họ bằng những biến hình trong đời thường (những thành công) để dẫn dắt con người đi đến hết sự lựa chọn của mình. Lạy Chúa con tin. Xin hãy thêm đức tin cho chúng con. Amen

WGPKT(12/03/2022) KONTUM