13/9/2021 – Thứ Hai – Thánh Gioan Kim Khẩu

Thánh Gioan Kim Khẩu

BÀI ĐỌC I: 1 Tm 2, 1-8

“Cầu nguyện cùng Thiên Chúa cho mọi người. Ngài muốn mọi người được cứu độ”.

Bài trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi Timôthêu.

Trước tiên, cha khuyên hãy cầu xin, khẩn nguyện, kêu van và tạ ơn cho mọi người: cho vua chúa, và tất cả những bậc vị vọng, để chúng ta được sống bằng yên vô sự, trong tinh thần đạo đức và thanh sạch. Đó là điều tốt lành và đẹp lòng Đấng Cứu Độ chúng ta là Thiên Chúa. Người muốn cho mọi người được cứu rỗi và đến nhận biết chân lý. Vì chỉ có một Thiên Chúa, và một Đấng Trung Gian giữa Thiên Chúa và loài người, là Đức Giêsu Kitô, cũng là con người. Người đã phó Mình làm giá cứu chuộc thay cho mọi người, để nên chứng tá trong thời của Người, mà vì chứng tá đó, cha đã được đặt lên làm kẻ rao giảng, làm Tông đồ (cha nói thật chứ không nói dối), và làm Thầy dạy dân ngoại trong đức tin và chân lý. Vậy cha muốn rằng những người đàn ông cầu nguyện trong mọi nơi, hãy giơ lên hai tay thanh sạch, không oán hờn và cạnh tranh.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 27, 2. 7. 8-9

Đáp: Chúc tụng Chúa, bởi Ngài đã nghe tiếng tôi van nài (c. 6).

1) Xin nghe tiếng con van nài, khi con kêu cầu tới Chúa, khi con giang tay hướng về thánh điện của Ngài.

2) Chúa là mãnh lực và là khiên thuẫn của tôi, lòng tôi tin cậy vào Ngài và đã được Ngài cứu trợ, bởi thế tâm hồn tôi hoan hỉ và tôi xướng ca ngợi khen Ngài.

3) Chúa là mãnh lực của dân Ngài, là chiến lũy bảo vệ mạng sống người Chúa đã xức dầu. Xin cứu sống dân tộc và chúc phúc cho phần gia nghiệp Chúa, xin hãy chăn nuôi họ, vinh thăng họ tới muôn đời.

ALLELUIA: Gc 1, 18

Alleluia Alleluia – Do ý định của Thiên Chúa, Người đã sinh chúng ta bằng lời sự thật, để chúng ta nên như của đầu mùa các tạo vật. – Alleluia

LỜI CHÚA: Lc 7, 1-10

“Cả trong dân Israel, Ta cũng chẳng thấy lòng tin mạnh mẽ như vậy”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, lúc Chúa Giêsu đã nói với dân chúng xong, Người vào Capharnaum. Bấy giờ một viên sĩ quan có tên đầy tớ thân tín bị bệnh gần chết. Nghe nói về Chúa Giêsu, ông sai vài người kỳ lão Do-thái đi xin Người đến cứu chữa đầy tớ ông. Họ đến gần Chúa Giêsu và van xin Người rằng: “Ông ta đáng được Thầy ban cho ơn đó, vì thật ông yêu mến dân ta, và chính ông đã xây cất hội đường cho chúng ta”. Chúa Giêsu đi với họ, và khi Người còn cách nhà viên sĩ quan không bao xa, thì ông này sai mấy người bạn đến thưa Người rằng: “Lạy Thầy, không dám phiền Thầy hơn nữa, vì tôi không xứng đáng được Thầy vào nhà tôi, cũng như tôi nghĩ tôi không xứng đáng đi mời Thầy, nhưng xin Thầy phán một lời, thì đầy tớ tôi được lành mạnh. Vì tôi cũng chỉ là một sĩ quan cấp dưới, (tuy nhiên) tôi có những lính dưới quyền tôi, tôi bảo người này đi, thì nó đi; bảo người khác lại, thì nó lại; và bảo đầy tớ tôi làm cái này, thì nó làm”.

Nghe nói thế, Chúa Giêsu ngạc nhiên và quay lại nói với đám đông theo Người rằng: “Ta nói thật với các ngươi, cả trong dân Israel, Ta cũng chẳng thấy lòng tin mạnh mẽ như vậy”. Và những người được sai đi, khi về tới nhà, thấy tên đầy tớ lành mạnh.

Đó là lời Chúa.

*Đọc Giờ Kinh Phụng Vụ link: CGKP

Suy niệm:

Kịch bản bài Tin mừng hôm nay gồm các nhân vật như người đầy tớ bệnh nặng, các kỳ mục, viên đại đội trưởng và Chúa Giêsu.

Khi nghe đọc bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy thánh Lucca muốn đề cao đức tin và lòng khiêm hạ của viên sĩ quan ngoại giáo. Cho nên, nhân vật chính của kịch bản là viện sĩ quan ngoại giáo vỡ Chúa Giêsu; người bệnh là dịp để ông tuyên xưng đức tin mà thôi. Theo cách trình bày của thính Luca thì chúng ta có thể đoạn, viên sĩ quan ngoại giáo đã có đức tin: ông đã xây cất Đền Thờ cho người Do thái, ông thương người Do thái giáo, cho nên khi nghe nói về Chúa Giêsu là ông cho người đi gặp người liền.

Thật, Ta không thấy có ai trong dân Israel tại có được lòng tin như thế.

Một người ngoại giáo mà lại có lòng tin hơn cả người có đạo. Đây cũng là kinh nghiệm mục vụ trong xã hội hôm nay. Có những người ngoại giao nhưng lại tin ở một ông Trời tốt lành, không chấp nhận cách ăn ở bất lương; vì thế họ có một cuộc sống tốt lành hơn cả người công giáo.  Người công giáo học giáo lý tử thuở nhỏ, và cũng tương tự như người Pharisiêu và Biệt phái, họ biết rất nhiều về Chúa, nhưng thực hành chẳng bao nhiêu.

Lạy  Ngài, tôi chẳng đáng  Ngài vào  nhà tôi.

Thái độ khiêm tốn và kính trọng của viên sĩ quan ngoại giáo trái ngược hẳn với thái độ ngạo mạn khinh khi  của người Do thái giáo: Tưởng ai chứ ông Giêsu này thì  ta quá biết: con ông thợ mộc và bà Maria hàng xóm chứ ai xa lạ gì đâu. Ông ta lấy quyền quỉ cả mà trừ qủi. Thái  độ đức tin và lòng khiêm hạ của viên sĩ quan hình như đã đánh động Chúa Giêsu rất nhiều, nên Ngài tuyên bố: Thật, Ta bảo thật, trong Israel, khônq có ai có đức tin mạnh như người nầy!

Tin và khiêm hạ là hai thái độ căn bản của người  Kitô hữu, không tách rời nhau được. Nhiều ví dụ trong  phúc âm, cho phép ta khẳng định điều đó: Hỡi người lên  Đền thờ cầu nguyện, người khiêm tốn vì tin ở Chúa,  được tha thứ; người đàn bà bị bệnh loạn huyết chỉ mong  rờ cho được gấu áo Chúa Giêsu, Mađalêna quì dưới chân  Chúa mà hôn chân Chúa. . . Đó là những con người có  lòng tin mạnh mẽ và đến với Chúa với một thái độ rất  khiêm tốn. Đó cũng chính là thái độ của Chúa Giêsu đối  với Chúa Cha.

Lúc đọc kinh ở nhà, khi vào nhà thờ gặp Chúa, tôi  đã có thái độ đức tin và lòng khiêm tốn như thế chăng?

– – – – – –

LỄ GIOAN KIM KHẨU.

        Gọi thánh Gioan Kim Khẩu,  phải chăng Giáo Hội muốn đề cao tính cách ưu việt, cao siêu và đầy thuyết phục trong lời giảng dạy của thánh nhân.

        Đáp lại lời mời gọi của Chúa: Các  con hãy đi giảng dạy muôn dân, thánh Gioan Kim Khẩu muốn bằng lời rao giảng của mình góp phần làm cho Tin Mừng được loan báo, được lắng nghe, được đón nhận nơi mọi tâm hồn. Dưới tài khéo léo cộng với ơn Chúa, nhữnng lời giáo huấn của ngài làm cho những người tin được vững mạnh, kẻ yếu đuối được can đảm, người tội lỗi được hối cải ăn năn và dân ngoại được tìm đến với Chúa. Nhưng điều ngài hằng lo lắng là làm sao để củng cố niềm tin nơi những người tín hữu, đoàn chiên mà ngài chăn dắt. Ngài viết : Dù muôn sóng gió dồn dập và bão táp nổi lên, chúng ta vẫn không sợ bị chôn vùi. Vì chúng ta đứng trên đá. Biển cuồng nộ vẫn không thể làm tan đá, sóng tới tấp nhưng không thể đánh chìm con tàu của Đức Giêsu. Vậy tôi xin hỏi : chúng ta sợ gì? Sợ chết chăng. Nhưng đối với tôi, sống là Đức Kitô và chết là mối lợi. Hay là sợ bị biệt sứ? Đất đai và màu mỡ tươi tốt đều là của Chúa hoặc bị tịch thu tài sản. Nhưng chúng ta đâu có đem gì vào thế gian và dĩ nhiên cũng chẳng đem theo được gì khi chết? Những đe doạ của thế gian tôi coi thường và những ân huệ của nó chỉ tức cười. Tôi không sợ nghèo túng cũng không ham giàu sang. Tôi không sợ chết cũng không ham sống, ngoại trừ để mưu ích cho anh em. Chính vì thế, tôi muốn nhắc cho anh em biết những gì đang xảy ra và kêu gọi anh em hãy đầy niềm tin tưởng.

        Còn lời lẽ nào đanh thép, khẳng khái, thuyết phục chúng ta về niềm tin và ơn gọi sống đời Kitô trong trung kiên, hy sinh, chịu đựng và nhẫn nại hơn. Bằng cách vạch trần và so sánh những của cải, lợi lộc, địa vị, đau khổ, đe doạ, thử thách, truân chuyên đời này với hạnh phúc của vĩnh cửu, bất diệt, trường tồn, đời sau, ngài giúp chúng ta thấy được điều gì nên chọn lựa, và con đường nào phải theo, mục tiêu nào phải nhắm tới.

        Xin Chúa cho chúng ta luôn tâm niệm với ngài : đối với tôi, sống là Đức Kitô và chết là một mối lợi. Đó là cái lợi của người đã tập trung nơi Chúa, đã hết lòng phục vụ anh em, đã trung thành theo chân Chúa đến tận Thập giá, để cùng ngài chia sẻ một cuộc sống vinh quang bất diệt. Amen.

WGPKT(12/09/2021) KONTUM