Hiện tượng săn lùng thần tượng của giới trẻ. Ngày nay quá nhiều siêu sao điện ảnh, siêu sao thể thao được tung lên mạng, in hình quảng cáo, báo đài tôn vinh. Ngôi sao nầy xuất hiện, ngôi sao khác lặn đi, cứ như thế hành trình tiếp tục. Như công nương Diana qua đời năm1997 trong tai nạn xe hơi khủng khiếp, lúc đó đã có 15.000 bài viết về bà. Năm 2002, lễ giỗ 5 năm đã có 12.000 bài viết về bà, 2007 lễ giỗ 10 năm, chỉ có 7.000 bài. Càng nhiều năm giỗ, bài viết càng giảm thiểu! Đi vào quên lãng là chuyện thường tình cuộc sống.
Sự kiện ngược lại, một thiếu nữ Do thái có tên Maria đã làm cho cả thế giới chú ý. Lời ca tụng Mẹ vang lên từ mọi màu da, chủng tộc, ngôn ngữ. Xuyên suốt thời gian và hoàn cảnh xã hội, các văn sĩ, thi sĩ, họa sĩ, kiến trúc sư, nghệ sĩ thuộc mọi lãnh vực liên tục sáng tác và tán dương Đức Maria. Nhân vật xưa như trong truyện cổ tích, nay vẫn sống mạnh trong tâm hồn người tín hữu công giáo, đến nỗi không có đất nước nào vắng bóng các đền thờ hay lãnh địa hành hương dâng kính Đức Mẹ.Tại sao? Chính vì Đức Mẹ đã cộng tác với Thiên Chúa trong công trình cứu chuộc nhân loại. Khởi từ mầu nhiệm nhập thể của Đức Giêsu đến cái chết thập giá của Người, Đức Maria luôn đồng hành và nâng đỡ người con của mình.
Hơn thế nữa Đức Mẹ có mặt ngay từ buổi đầu khai sinh Giáo Hội, sau khi Đức Giêsu về trời “Tất cả các tông đồ đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với Đức Maria thân mẫu Đức Giêsu và với anh em của Đức Giêsu”(x. Bài đọc 1. Cv 1,12-14). Vào ngày lễ Ngũ Tuần Đức Mẹ cũng đã đón nhận Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các tông đồ, đó là ngày khai trương Giáo hội, từ đây các tông đồ lên tiếng công khai rao giảng và làm chứng cho Tin mừng Chúa Giêsu chết và sống lại.
Như vậy Đức Maria sống trọn vẹn năm sự Vui – Thương – Mừng, các mầu nhiệm chính yếu nầy dệt nên chuổi kinh Mân Côi, như bản tóm tắt lịch sử ơn cứu chuộc. Sức mạnh chiến thắng của kinh Mân Côi toả sáng lần đầu tại vịnh Lepante vào ngày 7. 10. 1571, khi đạo binh công giáo với số quân ít ỏi đã chặn đứng được sức tiến công như vũ bão của quân Thổ đang có ý muốn san bằng vương cung thánh đường thánh Phêrô tại Rôma. Từ đó Đức Giáo Hoàng Piô V đã thiết lập ra lễ Mân Côi để nhớ ơn cứu mạng Giáo Hội. Đó cũng là nguồn gốc kinh Mân Côi.
Giải cứu Giáo Hội khỏi cái chết trước mắt! Cái khó khăn trong câu chuyện nầy như sự bế tắc trong hoạt cảnh Truyền Tin hôm nay (x. Bài Tin Mừng Lc 1, 26-38). Đang khi Đức Maria thắc mắc làm sao Mẹ có thể giữ mình đồng trinh mà có thể thụ thai Con Đức Chúa Trời: “Việc ấy xảy ra cách nào được vì tôi không biết đến việc vợ chồng … ”, thiên thần Gáprien giải đáp cho Mẹ: “Đối với Thiên Chúa không có gì là không thể không làm được”. Và Đức Mẹ đã xin vâng theo ý Chúa: “Vâng tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần truyền”.
Đức Mẹ thắc mắc là phải vì mẹ là người thực tế, việc thụ thai là kết quả thuộc luật sinh vật học, quy luật của truyền sinh sự sống, tuy nhiên phải hiểu rằng Thiên Chúa ở ngoài định luật khoa học, Người không bị chi phối bởi các định luật nầy. Đức Giêsu đi trên biển, Người chữa bách bệnh, Người làm phép lạ … Đức tin công giáo dạy chúng ta: từ hư vô Thiên Chúa tạo dựng nên vạn vật, như vậy rõ ràng Thiên Chúa không hề bị định luật khoa học nào chi phối cả. Đấng tạo dựng nên vạn vật thì cao hơn vạn vật, đừng đặt Đấng sáng tạo dưới quy luật vật lý. Chúng ta thường suy luận theo lối nầy và muốn thỏa mãn tâm trí là giải thích các mầu nhiệm bằng định luật khoa học. Dường như Đức Maria đã sớm hiểu ra điều nầy, nên đã thưa “Xin vâng” theo ý Thiên Chúa.
Việc Đức Mẹ được Thiên Chúa can thiệp sẽ trở thành “cổ tích” khi Người chỉ can thiệp trường hợp của Mẹ ngày xưa, mà không làm gì được cho nhân loại ngày nay. Không phải như thế! Thiên Chúa luôn luôn đồng hành và can thiệp kịp thời cho con cái Mẹ ở khắp nơi trên thế giới qua lời bầu cử của Đức Mẹ. Nếu hành hương tới trung tâm La Vang, sẽ thấy những lời tạ ơn Đức Mẹ được khắc vào bia đá kết thành tường rào bao quanh linh địa. Nếu tới Lộ Đức hay Fatima, sẽ thấy vô số xe lăn, nạng, gậy chống,được để lại nơi đây như lời tạ ơn phép mầu Mẹ ban, lúc đó sẽ không còn có thể nói việc Đức Mẹ can thiệp là chuyện cổ tích được nữa.
Lạy Nữ Vương rất thánh Mân Côi, con kính chào Mẹ và ca tụng lòng thương hải hà của Mẹ, con dâng cho Mẹ bản thân con, mọi thành công và thất bại, mọi nguyện ước và dự tính, xin hãy làm Mẹ con như Mẹ đã nhận làm Mẹ Chúa Giêsu. Amen
Mùa Thường Niên Chúa
Nhật 27 Năm C
Kb 1, 2-3; 2,2-4; 2Tm 1, 6-8.13-14; Lc
17, 5-10
ĐỨC TIN PHI THƯỜNG
Theo kinh nghiệm thực tế: không ai cầu nguyện mà không có đức tin, cũng như hiếm gặp người có đức tin mà không cầu nguyện. Truyền thống Kitô giáo dạy: cầu nguyện là quy luật của người có đức tin (Lex orandi Lex credendi), tức là thờ phượng và đức tin đi đôi nhau. Cầu nguyện là hơi thở của đời sống tâm linh, là tiếp xúc giữa Thiên Chúa và con người, bao hàm ý nói Thiên Chúa biết nói và biết lắng nghe tâm sự của con người.
Tuy nhiên đức tin là gì? Đức tin Kitô giáo là ân huệ Thiên Chúa ban cho người tín hữu ngày họ chịu phép thánh tẩy, ân huệ đó được người tín hữu đón nhận và làm cho lớn lên. Như vậy chỉ có người Kitô hữu mới có đức tin. Đức tin lấy chính Thiên Chúa làm đối tượng, tức là con người tin Thiên Chúa hiện hữu thật sự dù không thấy Người. Thư Do thái định nghĩa rõ ràng: “Đức tin là sự tin chắc những điều mình hy vọng sẽ thành sự thật, là bằng chứng rõ ràng của những điều có thật, dù không nhìn thấy được (Dt 11, 1).
Tuy nhiên ngôn sứ Kha-ba-cúc sống thời vua Na-bu-cô-đô-nô-xo, người Can-đê, ông đô hộ nước Giuđa năm 600 trước công nguyên, nhà tiên tri nhìn thấy những điều thương tâm xảy ra, bóc lột đàn áp chồng chất, con người lâm cảnh hoạn nạn kêu cầu Thiên Chúa, mà Thiên Chúa không trả lời. Ông cả dám cật vấn Thiên Chúa: “Cho đến bao giờ, lạy Đức Chúa, con kêu cứu mà Ngài chẳng đoái nghe, con la lên : ‘Bạo tàn!’ mà Ngài không cứu vớt”( Bài Đọc 1. Kb 1, 2-3; 2,2-4).
Vấn đề là tại sao Đức Chúa lại cho phép sự bất công chiến thắng? Đây là điều bí mật, cách thức Thiên Chúa điều hành thế giới. Ngôn sứ khuyên: “cứ đợi chờ … người công chính sẽ được sống nhờ thành tín” (2, 4), nghĩa là công lý sẽ được thực thi. Thật ra có sự trái nghịch giữa điều mong ước và thực tế phủ phàng xảy đến, đó là sự khuất tất trong đức tin. Các nhà đạo đức coi đó là bóng tối của đức tin, mà người tin hữu cần phải vượt qua, chính sự khuất tất đó làm nên công trạng của người tin: “Phúc cho ai không thấy mà tin”. Đó là lời của Đức Giêsu nói với các môn đệ dịp ông Tôma thách đố Đức Giêsu, đòi kiểm chứng khoa học các vết thương nơi tay Người: “Nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh … tôi sẽ không tin” (x, Ga 20, 24-29).
Đức tin là tài khoản cao quý nhất mà Giáo hội ban cho người tín hữu để họ đạt đến sự sống đời đời, tức dự phần vào sự sống của Thiên Chúa. Thánh Phaolô khi bị tù và sắp chết đã khuyên người môn đệ thân tín của ngài: “Vậy anh đừng hổ thẹn vì tôi, người tù của Chúa … anh hãy đồng lao cộng khổ với tôi để loan báo Tin Mừng. Giáo lý tốt đẹp đã giao phó cho anh (tức là đức tin), anh hãy bảo toàn, nhờ có Thánh Thần ngự trong chúng ta” (Bài Đọc 2. 2Tm 1, 6-8.13-14).
Tất cả nổ lực của Giáo hội từ xưa đến nay là loan báo Tin Mừng cho muôn dân, việc truyền giáo làm nên căn tính của Giáo Hội đến nỗi Công đồng Vaticanô II định nghĩa Giáo Hội tự bản chất là truyền giáo, nghĩa là Giáo hội tự khẳng định mình bằng truyền giáo, không truyền giáo, Giáo hội tự đánh mất chính mình. Truyền giáo là đem đức tin Kitô đến cho kẻ chưa có, tức là trồng cây đức tin nơi tâm hồn vô tín.
Trở
lại với bài Tin Mừng hôm nay, có thể hiểu trong bối cảnh các môn đệ gặp sự chống
đối và thu hoạch kết quả khiêm tốn trong rao giảng nên đã thốt lên: “Thưa
Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con”(Bài Tin Mừng. Lc 17, 5-10). Nhân đó Đức Giêsu dạy các môn đệ biết rằng đức
tin là điều tối cần thiết phải có, với đức tin có thể trồng dâu dưới biển.
Đừng hiểu theo nghĩa ‘chân chữ. Điều Chúa
muốn nói là bất chấp chống đối và ảnh hưởng tội lỗi như biển cả, đại dương được
coi là quê hương của chết chóc, nơi thủy thần hà bá ngự trị thì đức tin vẫn mọc
lên. Thật vậy đức tin Kitô giáo đã lan
tràn khắp mặt địa cầu, xuyên quốc gia và các châu lục. Những vị thừa sai vất vả chỉ là “đầy tớ
vô dụng chỉ làm việc theo bổn phận đấy thôi”, phải biết cho rằng “Phaolô
trồng, Apôlô tưới nhưng Đức Kitô mới làm cho lớn lên” (1Cr 3,6).
Lạy Chúa Giêsu, xin củng cố đức tin yếu đuối của con để con đủ sức mạnh vượt qua khó khăn khi gặp khủng hoảng, xin cho con giữ vững đức tin để chỉ tin Thiên Chúa là Đấng cứu độ duy nhất trên trần gian. Amen
Louis
Vinh, Lm Kontum
Giáo xứ Đức An