Đức TGM Gallagher: Những Giá Trị Tích Cực Của Tôn Giáo Là Một Trợ Giúp Cụ Thể Cho Hoà Bình

Ngày 15/6, Phát biểu tại Hội nghị “Tôn giáo, xung đột và xây dựng hoà bình trong các cuộc khủng hoảng toàn cầu”, Đức Tổng Giám Mục Paul Gallagher, Ngoại trưởng Toà Thánh tái khẳng định rằng các giá trị tôn giáo có thể đóng góp cho việc xây dựng hoà bình.

Đức Tổng Giám Mục nhận xét khi nói về tôn giáo và hòa bình, điều đầu tiên xuất hiện trong tâm trí mọi người là cầu nguyện. Thật vậy, cầu nguyện là một cách đặc quyền để những người thuộc các tôn giáo bày tỏ mong muốn hòa bình của họ và điều này được thể hiện trong những hình thức khác nhau.

Nói về mối quan hệ giữa tôn giáo và hoà bình, Ngoại trưởng Toà Thánh nhận định, thường người ta chấp nhận tôn giáo có ý nghĩa trong chính trị, đặc biệt do các giá trị mang tính xây dựng và tích cực của tôn giáo. Nhưng có những tổ chức đã tìm cách lôi kéo tôn giáo cho mục tiêu chính trị bất chính, và thái độ cực đoan tôn giáo đã dẫn đến khủng bố. Tự bản chất, những điều này không liên quan gì đến tôn giáo. Các tôn giáo dựa trên các giá trị tích cực.

Ngài liệt kê các giá trị tôn giáo có thể đóng góp vào lĩnh vực chính trị và cụ thể là xây dựng hoà bình: Tôn trọng sự sống và cam kết bất bạo động; nói và hành động chân thành, không lừa dối hoặc lôi kéo; đối xử trung thực và công bằng; tôn trọng và yêu thương người khác.

Theo ngài, những hướng dẫn này cũng là nền tảng cho đối thoại liên tôn, là điều cốt yếu để xây dựng hòa bình giữa các quốc gia. Trên thực tế, đối thoại là một yếu tố thúc đẩy hòa bình và đối thoại giữa các tôn giáo.

Trích dẫn Thông điệp Ecclesiam Suam và Hiến chế Gaudium et Spes của Thánh Giáo hoàng Phaolô VI, Ngoại trưởng Toà Thánh nhấn mạnh rằng mục tiêu cuối cùng của đối thoại là để tránh hoặc chấm dứt chiến tranh và đạt được hoà bình.

Ngài nói thêm, Giáo hội luôn là người ủng hộ mạnh mẽ cho bất bạo động, đồng thời nhắc lại việc phê chuẩn vào năm 1868 của Đức Giáo Hoàng Piô IX đối với công ước Genève đầu tiên về đối xử với các nạn nhân của các cuộc xung đột vũ trang. Kể từ thời điểm đó, Tòa Thánh đã nỗ lực không ngừng trong việc thúc đẩy hòa bình, được hiểu không phải là không có chiến tranh do vũ lực áp đặt, mà là một hành động công lý được khắc ghi trong thực tế ngày nay. Nền tảng của điều này, như Đức Thánh Cha Phanxicô thường xuyên nhắc lại, chỉ có thể là tình huynh đệ, bởi vì mọi con người, cũng như mọi quốc gia, đều kết nối với nhau.

Ngọc Yến – Vatican News

Nguồn: Vatican News Tiếng Việt