Bước Chân Thừa Sai

Ưu tư hàng đầu của người truyền giáo là đến với sắc dân, sự sống của Thiên Chúa ở trong họ và cùng họ khám phá thêm về Thiên Chúa.

Thầy sai anh em như chiên vào giữa bầy sói (Lc 10,3). Chúng ta noi gương Chúa Giêsu sống yêu thương, hiền lành, khiêm tốn đơn sơ phó thác theo con đường trẻ thơ để vào Nước Trời.

Ưu tư hàng đầu của người truyền giáo là đến với sắc dân, sự sống của Thiên Chúa ở trong họ và cùng họ khám phá thêm về Thiên Chúa. Việc trở lại của người ngoại không thuộc về chúng ta mà là do quyền năng và ân sủng của Thiên Chúa. Sự trở lại là một huyền nhiệm mà chúng ta giải thích với lối suy tư của con người là hoàn toàn không đúng. Đó là tác động của Chúa thánh Thần. Người truyền giáo không tìm thành công của mình trên những con số. Họ chỉ có bổn phận củng cố nâng đỡ những người anh em đó để họ gặp được Chúa và trung thành với Chúa hơn.

Người truyền giáo thấy mình trần trụi nghèo hèn, khiêm tốn cả về mặt đức tin, phải bám vào người khác chính những người ngoại giúp người truyền giáo trở lại.

Sự hiện diện là một lời rao giảng. Truyền giáo là sự mạo hiểm, say mê và đau khổ, chấp nhận một cuộc xuất hành mà nơi đến không có. Phải có tư thế luôn luôn lên đường, ra khỏi con người của mình, lột xác. Một cuộc mạo hiểm không có đích, không bao giờ nói là tôi đã làm xong vì việc hoàn tất là của Thiên Chúa. Người truyền giáo chấp nhận con đường Đức Giêsu vạch ra – con đường đến Giêrusalem. Chấp nhận cả đời mình là kẻ xa lạ với người bản xứ, phải xa lạ với chính mình nhưng lại gần gũi với Đức Giêsu. Họ chỉ sẵn sàng chấp nhận những sự ngạc nhiên, sự ngỡ ngàng đôi khi mang lại sự hạnh phúc bình an, nhưng lắm khi gieo nghi ngờ về chính mình và về Thiên Chúa.

Người truyền giáo có sức mạnh về tinh thần, thể xác đến từ hai nguồn:

Đức tin của người truyền giáo gắn bó thực sự với Đức Giêsu.

Tất cả con tim lòng mến gắn bó với người bản xứ.

Họ xác tín việc truyền giáo là của Thiên Chúa nên cho dù con người của họ hạn chế về nhiều mặt như sức khỏe, tài năng nhưng họ vẫn là nhà truyền giáo tốt. Người truyền giáo biến những nghịch cảnh thành những niềm hạnh phúc vì khi con người không làm được thì Chúa sẽ làm.

Người truyền giáo đi một bước thấy được một bước. Không thể thấy được bước thứ ba.

Hội nhập về tập tục văn hoá, ăn uống, ngôn ngữ là chuyện nhỏ. Vấn đề dằn vặt, xâu xé là điều khó. Người dân tộc coi truyền khẩu là quan trọng, không phải sách vở chữ viết. Do đó cần thận trọng khi dùng sách giáo lý…

Sự thật của Tin Mừng mình không có quyền áp đặt trên người khác. Trình bày một sự thật, trong sáng, tôn trọng người khác là tôn vinh Tin Mừng. Ngay lối suy nghĩ trong cộng đoàn cũng có đủ loại mà đòi hỏi mình phải lựa chọn hoặc là áp đặt hoặc là tôn trọng người khác.

Dân tộc nào cũng có khuynh hướng thực dân muốn đem nền văn hoá của mình áp đặt lên người khác. Cần có sự hợp nhất trong sự khác biệt về lối diễn tả đức tin của họ. Đừng hấp tấp, đừng tưởng mình đang làm một điều tốt cho người khác nhưng mình lại đang làm ngược lại. Phải đồng hành với họ mới hiểu được tâm tư của họ.

Người truyền giáo không đếm số người rửa tội. Có một vị truyền giáo cả đời chỉ rửa tội cho một người. Nếu chọn lại tôi cũng chỉ chọn vậy thôi. Tôi là bạn của mọi người và tôi đến sống giữa những người ngoại.

Truyền giáo là có mâu thuẫn, có cám dỗ. Cần xem đức tin mình có từ đâu. Chúng ta muốn đồng hành với họ để rồi dần dần Chúa cảm hoá đức tin của họ.

Đừng để họ quen với Giáo xứ trị: chỉ có cha nói họ mới nghe. Hoặc bị Giám mục địa phương nghi ngờ vì đi quá nhanh, có đúng giáo luật, có đúng thần học và đường lối của Giáo hội chăng?

Người truyền giáo đến phải biết cởi mở, không xoá đi những hoạt động quá khứ. Phải đặt mình vào địa vị của họ rồi từ từ canh tân dưới ánh sáng Tin Mừng, cập nhật hoá mỗi ngày. Phải biết chấp nhận cả những điều mình không muốn. Đồng hành với Hội Thánh địa phương phải trả giá với những ngỡ ngàng, những lối suy nghĩ khác lạ nhưng từ đó mình lại học hỏi được nhiều điều nơi người ta. Chúng ta phải coi chừng, thận trọng, vấn đề này không bao giờ đủ. Đừng vội vàng bắt người ta làm cái này cái kia, đừng có quyết định quá nhanh, quyết định thay dân. Chúng ta thường ảo tưởng mình biết nhiều, có thể tổ chức mọi sự. Người truyền giáo phải biết giúp họ tìm về nguồn của họ, tìm lại và phát huy những cái đẹp, cái hay nơi họ.

Người truyền giáo theo Chúa, phục vụ với tất cả tâm hồn và đồng hành với dân. Người truyền giáo phải can đảm, nhẫn nại, chịu thiệt thòi, đơn sơ, khiêm tốn, tan hoà, hoà nhập với họ chứ không sống tách biệt. Nếu có sự tranh chấp với Hội Thánh địa phương thì người truyền giáo luôn nhường phần thắng cho họ còn mình thì rút lui.

Học tiếng là một hình thức chứng minh người truyền giáo tôn trọng người khác. Qua ngôn ngữ họ muốn thực sự yêu mến dân tộc đó. Việc học tiếng là việc cả đời vì không chỉ học ngôn ngữ nói mà còn đi sâu vào lối suy nghĩ, phong cách dùng từ của ngôn ngữ đó. Biết không phải chỉ cùng ăn cùng ở với người khác mà sống với họ để họ trở thành tấm gương phản ánh về chính mình giúp mình biết mình hơn, biết mình mỏng giòn để Thiên Chúa sử dụng làm công cụ.

Người truyền giáo dám lao mình vào văn hóa khác không phải vì tò mò trong mặt tri thức nhưng họ muốn biết, yêu mến và muốn sống với người đó. Hạnh phúc của họ là hiểu được người khác, sống với người đó nên như một gia đình. Niền vui nỗi buồn của người khác chính là của họ.

Người truyền giáo phải có khả năng đón tiếp người khác. Đó là một ân huệ Chúa ban. Họ không ngừng làm giàu về đời sống văn hóa, đạo đức. Tuy nhiên đòi hỏi một sự mạo hiểm trong tâm hồn, mạo hiểm đức tin và không bao giờ đi tới đích.

Vậy, người truyền giáo phải có sự sáng suốt vì không có văn hóa nào làm lý tưởng cả. Mình phải biết tôn trọng yêu mến và nhận ra những hạn chế của họ. Tôn trọng văn hóa là tôn trọng con người đang sống trước mặt mình là anh em của mình. Khi mình trở thành người của họ mình làm cho cộng đoàn của họ thăng tiến.

Tinh thần của việc Phúc Âm Hoá

Vòng tròn giữa (hiện diện): người được sai đi phải sống hiện diện tại nơi đó để trở thành người bản xứ cách triệt để.

Sự hiện diện ấy với con người cần có tác động của Chúa Thánh Thần

Lắng nghe Chúa Thánh Thần phải có hoa quả là hiệp nhất với mọi thành phần.

Lòng yêu thương của người thừa sai họa lại hình ảnh lòng Thiên Chúa yêu thương

Để phục vụ cách nhiệt tình nơi mọi người mọi sắc dân.

Để làm chứng nhân của Tin Mừng

Và phục vụ chân lý

Tóm lại: để sống tinh thần Phúc Âm Hoá điều quan trọng là hiện diện tại đó, tại môi trường mình đến, dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần với tư cách là một người Kitô hữu đúng nghĩa. Hiện diện: NGHE – NHÌN – SỐNG cần có thời gian để Chúa Thánh Thần huấn luyện dạy dỗ?

Niềm vui:

Đem Chúa cho anh em, làm cho anh em biết Chúa, cùng làm vườn nho của Chúa.

Khi có người nguội lạnh trở lại. Khi đón nhận Lời Chúa, đón nhận nhau là anh em con một Cha. Khi cảm nghiệm được Lời Chúa trong cuộc đời.

Khi đi khắp nơi loan báo Tin Mừng và ngay cả khi bị bắt bớ.

Khi thấy anh em sắc tộc sống đơn giản, vô tư sẵn sàng ra đi không lo gì đến ngày mai.

Khi thấy người sắc tộc rất hiếu khách. Sống có tình anh em, làng xóm trong các đám ma, đám cưới.

Được biến cải, sống dễ dãi hơn, kiên nhẫn hơn. Nhất là được củng cố niềm tin và được chính những người nghèo loan báo Tin Mừng cho mình.

Nt. M. Madalena Trần Thị Thơm, FMI
(Vài nét suy tư và học hỏi sau 20 năm truyền giáo ở Tây Nguyên)
WGPKT(11/10/2021) KONTUM