Ngày 18/12: Thánh Phêrô Trương Văn Đường – Thánh Phaolô Nguyễn Văn Mỹ – Thánh Phêrô Vũ Văn Truật, Thầy Giảng, Tử Đạo

1. Thánh PHÊRÔ TRƯƠNG VĂN ĐƯỜNG

Thầy giảng (1808 – 1838)

Ngày tử đạo: 18 tháng 12 năm 1838

Bước qua thập giá là tự giết cả linh hồn lẫn xác đời đời.

Thánh Phêrô Trương Văn Đường sinh năm 1808 tại Kẻ Sở, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, trong một gia đình nghèo nhưng rất đạo đức. Từ nhỏ, ngài ao ước sống đời tu trì và được thánh linh mục Trương Văn Thi, chú ruột, gửi đến xứ An Tập, nhờ cha Phượng nuôi dạy.

Hình ảnh chú Đường hiền hòa và đảm đang đã trở nên quen thuộc với mọi người. Chú chăm chỉ học chữ Nho và Latinh. Năm 26 tuổi, chú được lên bậc thầy giảng và được cử về giúp cho thừa sai François Marette – Phan tại giáo xứ Bầu Nọ.

Thầy dạy giáo lý cho tân tòng và phục vụ giáo dân xứ Bầu Nọ. Ngày 20-6-1837, khi quan quân vây làng để tìm bắt thừa sai Cornay – Tân, thầy Đường bị một người chỉ điểm nói là học trò của thừa sai Tân nên bị bắt.

Ngày 21-6-1837, cùng với thừa sai Cornay – Tân, thầy Mỹ và thầy Truật, thầy Đường bị giải về công đường Sơn Tây. Ngày 19-10-1837, thầy Đường bị án giảo giam hậu.

Trong suốt 14 tháng, chịu đói khát, nóng rét, gông cùm, xích xiềng, thầy vẫn kiên trung tuyên xưng đức tin. Thầy viết cho thừa sai Marette: “Nghĩ tới phúc trọng con sắp được, cửa thiên đàng đã gần kề, nghĩ đến hạnh phúc bất diệt đang chờ đợi con, con không còn mơ ước sự gì ở trần gian này nữa. Lạy cha, sắp đến ngày con bị đưa ra xét xử, con xin bái lạy cha lần sau hết, xin cha cầu cho con là người tội lỗi”.

Mùa thu năm 1838, vua Minh Mạng hạ lệnh cứu xét lại các bản án và truyền thi hành lệnh xử ba Thầy Nguyễn Văn Mỹ, Vũ Văn Truật và Trương Văn Đường.

Sau khi đã lãnh nhận Bí tích Hòa giải, thầy Đường bị giải ra pháp trường rạng sáng ngày 18-12-1838. Cầu nguyện xong, thầy nằm xuống cho binh lính thi hành án và  thầy đã an nghỉ trong Chúa.

Thầy giảng Phêrô Trương Văn Ðường được nâng lên hàng chân phước ngày 27-5-1900 và được tôn phong hiển thánh  ngày 19-6-1988.

2. Thánh PHAOLÔ NGUYỄN VĂN MỸ

Thầy giảng (1798 – 1838)

Ngày tử đạo: 18 tháng 12 năm 1838

Nếu chúng ta đã cùng chết với Ðức Kitô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người. (Rm 6, 8)

Thánh Phaolô Nguyễn Văn Mỹ sinh năm 1798 tại làng Kẻ Non, còn gọi là Sơn Nga, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Cha mẹ cậu là những người ngoan đạo. Khi còn bé, Phaolô Mỹ có tên sổ bộ là Nguyễn Văn Hựu, tên gọi ở nhà là Hào.

Khi lên mười lăm tuổi cậu Mỹ được vào ở trong nhà xứ và được Đức cha đặt tên là Mỹ. Hai năm sau, cha Luật từ xứ Kẻ Đầm xin đem chú Mỹ về với mình để tập tành làm các việc trong nhà xứ. Cậu ở với cha Luật độ bốn năm thì vào tiểu chủng viện Vĩnh Trị học tiếng Latinh. Sau đó, cậu về giúp cha Nghiêm, linh mục thừa sai, rồi làm việc trong nhà chung cho đến khi Đức cha sai người lên xứ Bầu Nọ giúp cha Phan và cha Tân – hai linh mục thừa sai.

Những người đã quen biết thầy Mỹ đều khen ngợi và nể trọng thầy. Vì thầy chịu khó làm việc theo bậc của mình, giúp giáo hữu đón nhận các bí tích, khuyên bảo kẻ có tội ăn năn trở lại, mở lối cho những kẻ ngoại đạo được biết và theo đạo Thánh Đức Chúa Trời.

Khi quan vây làng Bầu Nọ có ý bắt cha Tân, họ bắt được thầy Mỹ, thầy Đường và chú Truật. Đến ngày 18-12-1838, các quan đưa thầy Mỹ đi xử giảo. Sau khi xử giảo, quan giao xác cho các giáo hữu chôn, rồi đi về tỉnh. Khi quân kéo về, các tín hữu lấy xác ra bỏ vào chiếu đem về làng Kẻ Máy, Cao Mại. Vài năm sau, người ta đem hài cốt thầy Phaolô Mỹ về quê nhà Kẻ Non.

Thầy giảng Phao lô Nguyễn Văn Mỹ được suy tôn chân phước ngày 27-5-1900 và được tôn phong hiển thánh ngày 19-6-1988.

3. Thánh PHÊRÔ VŨ VĂN TRUẬT

Thầy giảng (1817 – 1838)

Ngày tử đạo: 18 tháng 12 năm 1838

Ai khôn mới biết hiến mình cho chân lý, để chiếm hữu phần gia nghiệp muôn đời.

Thánh Phêrô Vũ Văn Truật sinh năm 1817 tại Hà Thạch, họ Kẻ Thiếc, huyện Sơn Vy, trấn Sơn Tây. Cha mất sớm, nhà nghèo, nên Phêrô Truật không được đi học. Tuy nhiên, anh Truật có lòng đạo đức, mơ ước dâng mình cho Chúa. Năm lên 15 tuổi, thừa sai Cornay – Tân thông cảm, nhận chú Truật gia nhập Nhà Chúa.

Năm 1838, chú Truật về giúp thừa sai François Marette – Phan và Jean Cornay – Tân đang quản nhiệm xứ đạo Bầu Nọ. Dầu học ít nhưng chú Truật vẫn đủ khả năng giúp dạy giáo lý cho giáo dân.

Bà Yến vợ tên tướng giặc Đức, muốn chạy tội cho chồng đã đi tố cáo nhà quan việc các đạo trưởng Tây Nam đang ẩn núp tại xứ Bầu Nọ. Khi quan quân đến vây làng, thầy Truật bị tập họp tại đình làng để điểm danh. Cuối ngày, vẫn chưa tìm ra tung tích đạo trưởng, chú Truật bị đóng gông và tra tấn để khai báo nơi đạo trưởng tây dương trốn tránh, nhưng chú vẫn im lặng. Chú Truật bị bắt ngày 20-6-1837 và áp giải về nhà lao Sơn Tây.

Đức cha Havard – Du hay tin chú Truật vững vàng can đảm tuyên xưng đức tin nên nâng chú lên hàng “thầy giảng” để khuyến khích tôi tớ Chúa xưng danh thánh Chúa trước mặt giáo hữu và lương dân, cũng như trước mặt quan quyền thế gian. Sau bốn tháng bị giam cầm, thầy Truật bị kết án xử giảo giam hậu.

Mùa đông năm Mậu Tuất, ngày 18-12-1838, vị anh hùng đức tin nhận bản án xử giảo tại pháp trường gần ngọn đồi nhỏ Đò Voi thuộc làng Mông Phụ. Thầy Truật qùy cầu nguyện bên cạnh thẻ án ghi: Tên Truật, họ Vũ, quán làng Hà Thạch, huyện Sơn Vì, bị xử vì theo đạo Giatô, đã thú nhận.

Sau khi lãnh nhận Bí tích Giải tội do cha Triệu ban, Thầy Truật hiến dâng mạng sống theo án lệnh xử giảo.

Thầy giảng Phêrô Vũ Văn Truật được nâng lên hàng chân phước ngày 27-5-1900 và được tôn phong hiển thánh ngày 19-6-1988.

Trích sách “Hạnh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
Biên soạn: 
Hội đồng Giám mục Việt Nam
WHĐ