Ngày 19/12: Thánh PX. Hà Trọng Mậu – Thánh Đaminh Bùi Văn Úy – Thánh Aug. Nguyễn Văn Mới – Thánh Tôma Nguyễn Văn Đệ – Thánh Stêp. Nguyễn Văn Vĩnh, Tử Đạo

1. Thánh PHANXICÔ XAVIÊ HÀ TRỌNG MẬU

Thầy giảng (1790 – 1839)

Ngày tử đạo: 19 tháng 12 năm 1839

Xin cha thương nhận con làm môn đệ, để con cùng được chết vì đạo như cha cho tròn đức tin.

Thánh Phanxicô Xaviê Hà Trọng Mậu chào đời năm 1790, tại làng Kẻ Diền (nay thuộc xứ Duyên Lãng, tỉnh Thái Bình). Song thân dâng chú Mậu vào đời sống thánh hiến. Cậu lên chức thầy giảng và gia nhập dòng Ba Đa Minh. Thầy Mậu hiền lành, tận tụy, lãnh hội kiến thức giáo lý vững chắc, được ủy nhiệm theo giúp cha Nguyễn Văn Tự tại làng Đức Trai, xứ đạo Kẻ Mốt.

Khi hay tin cha Tự bị bắt, thầy Mậu vội vã đi dò la tin tức. Để an toàn, thầy được giáo hữu gửi trọ tại nhà một lương dân làng Nhất Trai. Thế nhưng, chính chủ nhà lại đi khai báo với quan để nhận tiền thưởng. Thế là thầy bị bắt giam vào ngục cùng với cha Tự.

Tại công đường Bắc Ninh, quan bố chánh tra hỏi, thầy Mậu trả lời: “Bẩm quan, tôi là thầy giảng, môn đệ thân tín của linh mục Tự”. Vì muốn cứu thầy, cha Tự làm hiệu khuyên thầy đừng khai rõ lý lịch, nhưng thầy Mận vẫn cương quyết thưa: “Xin cha thương nhận con làm môn đệ để con cùng được chết vì đạo như cha cho tròn đức tin”. Thấy thầy can đảm vững vàng, cha Tự vui mừng cảm tạ Chúa.

Tại công đường, quan án bảo thầy Mậu rằng: “Anh là người khôi ngô tuấn tú, lại ít tuổi, có muốn làm quan, ta sẽ tâu vua; hay muốn về nhà làm thuốc ta sẽ liệu, nhưng phải bước qua ảnh này”. Thầy Mận thưa lại: “Cám ơn quan lớn, tôi không dám bước qua mặt Chúa tôi”.

Trong chốn tù ngục, bị tra hỏi về nơi ẩn trốn của các linh mục, thầy Mậu luôn nhanh nhẹn trả lời thay cho các ông: Bùi Văn Úy, Nguyễn Văn Mới, Nguyễn Văn Vinh và Nguyễn Văn Đệ. Thầy Mậu và bốn giáo hữu đã mặc áo dòng Ba Đa Minh nên các ông đều trung thành sống luật dòng. Trong thư viết cho cha Huấn và cha Thuận, thầy Mậu tường trình: “Con và bốn anh em thường ăn chay kiêng thịt như luật dòng dạy vào các ngày thứ Hai, thứ Tư, thứ Sáu và thứ Bảy, nhưng có khi cũng không giữ được. Xin hai cha thương tha lỗi cho chúng con. Chúng con ao ước xin hai cha ban phép cho chúng con khấn dòng. Chúng con xin hứa giữ luật dòng thánh Đa Minh”. Ngày 19-8-1838, quan truyền lệnh bước qua Thánh Giá, thầy Mậu khẳng khái từ chối nên bị đánh 60 roi, đau đớn đến ngất đi. Binh lính phải khiêng thầy vào ngục.

Ngày 19-12-1839, thầy Mậu chịu xử giảo tại pháp trường Cổ Mễ, dười thời vua Minh Mạng. Thi hài của thầy được giáo hữu rước về an táng tại nhà thờ họ Hương La, xứ Tử Nê, Giáo phận Bắc Ninh. Hiện nay, hài cốt của thầy vẫn còn được lưu giữ một phần tại Tòa Giám mục Bắc Ninh.

Thầy giảng Phanxicô Xaviê Hà Trọng Mậu được nâng lên hàng chân phước ngày 27-5-1900 và được tôn phong hiển thánh ngày 19-6-1988.

2. Thánh ĐAMINH BÙI VĂN ÚY

Thầy giảng (1812 – 1839)

Ngày tử đạo: 19 tháng 12 năm 1839

Cha tôi không trốn, xin các quan đừng đánh người. Hãy đánh tôi.

Thánh Đaminh Bùi Văn Úy sinh năm 1812 tại họ Tiền Môn, làng Kẻ Rèm, tỉnh Thái Bình. Chú Úy vào Nhà Đức Chúa Trời từ nhỏ, giúp việc cha Nguyễn Văn Tự và học làm thầy giảng. Đến lúc cha Tự thuyên chuyển về xứ Kẻ Mốt, tỉnh Bắc Ninh, thầy Úy cũng theo cha cho đến ngày cả hai cùng bị bắt.

Ngày 29-6-1838, khi quân lính bao vây làng Kẻ Mốt và bắt cha Tự, họ buộc toàn dân phải ra đình làng điểm danh, rồi bước qua Thánh Giá. Vì thầy Úy cương quyết không chịu đạp lên Thánh Giá, nên bị bắt và áp giải chung với cha Tự, ông trùm Cảnh và thầy Mậu lên trại giam Bắc Ninh. Sợ cha Tự bị đánh, thầy Úy nói với quân lính: “Cha tôi không trốn, xin các quan đừng đánh người, hãy đánh tôi”.

Cha Tự sợ thầy bị âm mưu của các quan mà bỏ đạo, nên nhiều lần bảo thầy: “Con có muốn sống, cha sẽ nói cho con nhẹ tội?”. Cha muốn nói với các quan rằng thầy Úy chỉ là người nấu ăn cho cha thôi. Thầy Úy nghiêm nghị bày tỏ ý muốn của mình: “Thưa cha, con muốn được chết với cha. Xin cha nói cách nào cho tội con ra thật nặng”. Cha Tự an tâm, vui mừng bảo với thầy: “Cha sẽ nói con là thầy giảng, như thế, con sẽ được phúc chết vì đạo”. Thầy hân hoan và xin xưng tội dọn mình ngay.

Tại công đường, hơn một lần, khi các quan bắt bước qua thập tự, thầy không chịu, còn can đảm đặt câu hỏi: “Các quan có dám bước qua mặt vua không mà lại bắt tôi bước qua ảnh Chúa tôi? Cho dù các quan có bước qua mặt của vua; phần tôi, tôi cũng không bước qua mặt Chúa tôi!” Các quan tức giận đòi mang thầy ra tử hình.

Trong một phiên tòa khác, quan án bảo: “Sao mày cứng đầu thế, thầy mày (Cha Tự) đã xuất giáo[1] rồi!”. Thầy Úy minh định: “Dù thầy (Cha Tự) tôi có xuất giáo, tôi cũng không theo, nhưng không lẽ thầy tôi làm như vậy?”.

Thầy Úy chịu xử giảo ngày 19-12-1839 tại pháp trường Cổ Mễ, tỉnh Nam Định. Thi hài thầy được mai táng trong nhà thờ họ Đông Tiến, Giáo phận Bắc Ninh. hiện nay, một phần hài cốt vẫn còn được lưu giữ tại Tòa giám mục giáo phận.

Thầy giảng Bùi Văn Úy được nâng lên hàng chân phước ngày 27-5-1900 và được tôn phong  hiển thánh ngày 19-6-1988.

3. Thánh AUGUSTINÔ NGUYỄN VĂN MỚI

Giáo dân (1806 – 1839)

Ngày tử đạo: 19 tháng 12 năm 1839

 

Lạy Chúa con, xin cứu con; con xin phó linh hồn và thân xác con trong tay Chúa.

Thánh Augustinô Nguyễn Văn Mới sinh năm 1806 tại làng Bồ Trang, tỉnh Thái Bình (nay thuộc giáo họ Bái Đông, xứ Bồ Ngọc, xã Quỳnh Hoa, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, Giáo phận Thái Bình). Sinh ra trong một gia đình ngoại giáo, nhưng cậu Mới thường có dịp đi làm thuê tại làng Đức Trai, xứ Kẻ Mốt. Sống giữa xóm đạo Công giáo, cậu đem lòng mộ mến đạo, xin theo đạo lúc 31 tuổi, được cha Nguyễn Văn Tự rửa tội và xin gia nhập dòng Ba Đa Minh.

Ngày 29-6-1838, cha Nguyễn Văn Tự bị bắt khi quan quân tỉnh Bắc Ninh đến vây làng Đức Trai tìm bắt linh mục. Quan tỉnh còn đòi bắt dân bỏ đạo. Có một số ít người nhẹ dạ, sợ hãi trốn thoát, còn lại hai thầy giảng: Hà Trọng Mậu và Bùi Văn Úy. Anh Nguyễn Văn Mới cương quyết không đạp lên Thánh Giá nên bị bắt cùng với anh Nguyễn Văn Đệ và Nguyễn Văn Vinh. Cùng với cha Tự, tất cả bị giải về giam tại Bắc Ninh.

Ngày 24-11-1838, quan tỉnh Bắc Ninh mở trận chiến cuối cùng. Quan truyền lệnh tra tấn từng tử tù, khởi đầu từ tội nhân Nguyễn Văn Mới.  Quan vừa khuyên vừa đe dọa, bắt bước qua ảnh Thánh Giá đặt sẵn trên mặt đất. Vị anh hùng đức tin quỳ lạy Thánh Giá, hôn kính và thì thầm cầu nguyện: “Lạy Chúa con, xin cứu con; con xin phó linh hồn và thân xác con trong tay Chúa”.

Vua Minh Mạng hạ lệnh xử tử các tín hữu. Chứng nhân đức tin Nguyễn Văn Mới lãnh án xử giảo vào ngày 19-12-1839 tại pháp trường Cổ Mễ  (Bắc Ninh). Thi hài của ngài được cung kính rước về mai táng trong nhà thờ giáo xứ Phương Vĩ, Giáo phận Bắc Ninh. Năm 1945, khi di cư vào Nam, giáo hữu xứ phương Vĩ đã mang theo hài cốt của ngài.

Chứng nhân đức tin Augustinô Nguyễn Văn Mới được tuyên phong chân phước ngày 27-5-1900 và được tôn phong hiển thánh ngày 19-6-1988.

4. Thánh TÔMA NGUYỄN VĂN ĐỆ

Thợ May (1811 – 1839)

Ngày tử đạo: 19 tháng 12 năm 1839

Anh đã dâng em và các con cho Ngài. Nhớ cầu xin Chúa cho anh được thêm sức mạnh để nhẫn nại đến cùng.

Thánh Tôma Nguyễn Văn Đệ sinh năm 1811 tại làng Bồ Trang, tỉnh Thái Bình (nay thuộc Giáo họ Bái Đông, xứ Bồ Ngọc, xã Quỳnh Hoa, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, Giáo phận Thái Bình).  Gia đình cậu là những người Công giáo đạo đức. Vì sinh kế, từ bé, cậu Đệ theo song thân về sinh sống bằng nghề thợ may tại làng Kẻ Mốt, tỉnh Bắc Ninh. Lớn lên, cậu theo học nghề may của thân phụ làm kế sinh nhai.

Cậu Đệ là một giáo dân nhiệt thành hoạt động tông đồ trong giáo xứ. Đời sống kinh tế ổn định, cậu Đệ lập gia đình và dọn ra ở riêng.

Ngày 29-6-1838, binh lính vua quan bủa vây làng Kẻ Mốt, bắt các trai tráng trên 18 tuổi tập trung tại đình làng, buộc họ đạp lên Thánh Giá, chối đạo mới thả về. Lúc đó, anh Đệ đang lẩn trốn ra phía sau nhà. Khi biết quân lính sẽ đến vây bắt, anh biết mình không thể tránh được nữa, liền giã từ vợ, dặn đưa con về bên ngoại, ôm hôn từng đứa con rồi ra trình diện. Khi mới tròn 28 tuổi, anh bị triều đình kết án xử giảo nhưng bản án sẽ được thi hành sau một năm nếu anh vẫn cố chấp tin đạo.

Trong trại giam Bắc Ninh, còn nỗi khổ tâm nào hơn khi bị xiềng xích, gông cùm, đối diện với người vợ trẻ và ba đứa con còn thơ dại. Tuy nhiên, cậu Đệ vẫn tìm được bình an, phó thác tất cả cho Thiên Chúa quan phòng. Cậu tâm sự với vợ đến thăm nuôi: “Đừng khóc mình ạ! Mình hãy về dạy dỗ các con nên người, dạy chúng thờ phượng Chúa. Anh đã dâng em và các con cho Ngài. Nhớ cầu xin Chúa cho anh được thêm sức mạnh để nhẫn nại đến cùng!”

Một năm trôi qua cùng biết bao tra tấn, nhục hình, cậu Đệ vẫn kiên trung với niềm tin của mình.

Ngày 19-12-1839, dưới thời Minh Mạng, chứng nhân đức tin Tôma Nguyễn Văn Đệ bị xử giảo tại pháp trường Cổ Mễ. Thi hài của ngài được các tín hữu cung kính mai táng tại nhà thờ Phong Cốc, Giáo phận Bắc Ninh. Hiện nay, một phần hài cốt vẫn còn được lưu giữ tại xứ Phong Cốc, một phần được lưu giữ tại quê hương giáo xứ Bồ Ngọc của ngài.

Vị chứng nhân đức tin thợ may Tôma Nguyễn Văn Ðệ được nâng lên hàng chân phước ngày 27-5-1900 và được tôn phong hiển thánh ngày 19-6-1988.

5. Thánh STÊPHANÔ NGUYỄN VĂN VINH

Tá điền (1813 – 1839)

Ngày tử đạo: 19 tháng 12 năm 1839

Tôi thà chết chứ không bao giờ chịu đạp lên Thánh Giá, vì tôi biết đạo Chúa Giêsu là đạo thật.

Thánh Stêphanô Nguyễn Văn Vinh sinh năm 1813 tại làng Bồ Trang, tỉnh Thái Bình (nay thuộc giáo họ Bái Đông, xứ Bồ Ngọc, Giáo phận Thái Bình). Vì gia đình nghèo, anh phải đi làm mướn ở Kẻ Mốt, tỉnh Bắc Ninh. Anh được bà con thương mến vì tính đơn sơ, chất phác, khỏe mạnh và thật thà. Khi bị bắt anh vẫn chưa lập gia đình và chưa rửa tội dù anh hay tham dự các lớp giáo lý, thuộc một vài kinh cũng là để học chữ.

Ngày 29-6-1839, khi quan quân bao vây xứ Kẻ Mốt bắt cha Phêrô Tự và buộc mọi người đạp lên Thánh Giá, chàng thanh niên chưa rửa tội này đã tuyên bố: “Tôi thà chết chứ không bao giờ chịu đạp lên Thánh Giá, vì tôi biết đạo Chúa Giêsu là đạo thật”. Quan quân tưởng anh là người Công giáo nên họ bắt anh và áp giải về Bắc Ninh, giam chung với cha Tự và nhiều người khác. Chính tại đây, anh được cha Tự rửa tội và được diễm phúc làm Kitô hữu. Khi chọn thánh Stêphanô làm bổn mạng, anh cương quyết noi theo vị tử đạo tiên khởi của Giáo hội đến hơi thở cuối cùng.

Bản án từ kinh đô gửi về, vua Minh Mạng quyết xử trảm cha Tự và ông trùm Cảnh; xử giảo giam hậu, nghĩa là năm sau mới xử, hai thầy Mậu, Úy và ba anh Mới, Đệ, Vinh. Năm vị khích lệ nhau tuyên xưng niềm tin, cùng viết thư cho cha Bề Trên xin gia nhập dòng Ba Đa Minh và tuyên khấn ngay trong ngục tù. Dưới sự điều hành của thầy Mậu, năm vị đã giới thiệu cho các bạn tù về Thiên Chúa, cắt nghĩa giáo lý. Các vị đã rửa tội được 44 người.

Ngày 19-8-1839, quan cho điệu tất cả ra tòa, vẫn Thánh Giá một bên, bên kia là các dụng cụ tra tấn. Quan hỏi: “Các anh bị giam cầm đã lâu ngày, chịu khổ cũng đã nhiều, vậy bỏ đạo đi, ta tha về với vợ con”. Thầy Mậu đại diện anh em nói lên quyết tâm trung thành với Chúa. Rồi cả năm vị quỳ xuống bái lạy Thánh Giá và cầu nguyện: “Lạy Chúa! Xin cứu chúng con, con xin phó thác hồn con trong tay Chúa”. Thất vọng, quan cho lính đưa tất cả về ngục và thốt lên: “Bọn này không thể tha thứ được, mà chúng có thèm được tha đâu!”.

Ngày 19-12-1839, trước khi xử, quan cho năm vị một cơ hội cuối cùng. Quan nói: “Chỉ cần đi ngang qua phía chân tượng, ta cũng tha”, và: “Chỉ cần đi vòng quanh tượng ta cũng tha”. Nhưng các chứng nhân đức tin không để bị mắc lừa, họ quỳ xuống đọc kinh lớn tiếng.

Tại pháp trường Cổ Mễ, mỗi vị bị trói vào một cọc đã chôn sẵn rồi chịu xử giảo. Thi hài anh Nguyễn Văn Vinh được đem về an táng tại nhà thờ họ Hương La, xứ Tử Nê, Giáo phận Bắc Ninh. Hài cốt của thánh nhân hiện vẫn còn được lưu giữ tại đây.

Chứng nhân đức tin Stêphanô Nguyễn Văn Vinh được suy tôn lên hàng chân phước ngày 27-5-1900 và được tôn phong hiển thánh ngày 19-06-1988.

Trích sách “Hạnh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
Biên soạn: 
Hội đồng Giám mục Việt Nam
WHD