Chúa Nhật Chúa Hiển Linh – Năm A (CN 08.01.2023)

Bài đọc 1: Is 60,1-6

Vinh quang của Đức Chúa chiếu toả trên ngươi.

Bài trích sách ngôn sứ I-sai-a.

1Đứng lên, bừng sáng lên, Giê-ru-sa-lem hỡi,
vì ánh sáng của ngươi đến rồi.
Vinh quang của Đức Chúa
như bình minh chiếu toả trên ngươi.
2Kìa bóng tối bao trùm mặt đất,
và mây mù phủ lấp chư dân ;
còn trên ngươi, Đức Chúa như bình minh chiếu toả,
vinh quang Người xuất hiện trên ngươi.
3Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi,
vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước.
4Đưa mắt nhìn tứ phía mà xem,
tất cả đều tập hợp, kéo đến với ngươi :
con trai ngươi từ phương xa tới,
con gái ngươi được ẵm bên hông.
5Trước cảnh đó, mặt mày ngươi rạng rỡ,
lòng dạ ngươi hớn hở tưng bừng,
vì nguồn giàu sang sẽ đổ về từ biển cả,
của cải muôn dân nước sẽ tràn đến với ngươi.
6Lạc đà từng đàn che rợp đất, lạc đà Ma-đi-an và Ê-pha :
tất cả những người từ Sơ-va kéo đến,
đều mang theo vàng với trầm hương,
và loan truyền lời ca tụng Đức Chúa.

Đáp ca: Tv 71,1-2.7-8.10-11.12-13 (Đ. x. c.11)

Đ.Lạy Chúa, muôn dân nước sẽ thờ lạy Ngài.

1Tâu Thượng Đế, xin ban quyền bính Ngài cho vị Tân Vương,
trao công lý Ngài vào tay Thái Tử,2để Tân Vương xét xử dân Ngài theo công lý,
và bênh vực quyền lợi kẻ nghèo hèn.

Đ.Lạy Chúa, muôn dân nước sẽ thờ lạy Ngài.

7Triều đại Người, đua nở hoa công lý
và thái bình thịnh trị
tới ngày nao tuế nguyệt chẳng còn.8Người làm bá chủ từ biển này qua biển nọ,
từ Sông Cả đến tận cùng cõi đất.

Đ.Lạy Chúa, muôn dân nước sẽ thờ lạy Ngài.

10Từ Tác-sít và hải đảo xa xăm,
hàng vương giả sẽ về triều cống.
Cả những vua Ả-rập, Xơ-va,
cũng đều tới tiến dâng lễ vật.11Mọi quân vương phủ phục trước bệ rồng,
muôn dân nước thảy đều phụng sự.

Đ.Lạy Chúa, muôn dân nước sẽ thờ lạy Ngài.

12Người giải thoát bần dân kêu khổ
và kẻ khốn cùng không chỗ tựa nương,13chạnh lòng thương ai bé nhỏ khó nghèo.
Mạng sống dân nghèo, Người ra tay tế độ.

Đ.Lạy Chúa, muôn dân nước sẽ thờ lạy Ngài.

Bài đọc 2: Ep 3,2-3a.5-6

Nay mầu nhiệm được mặc khải là các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp.

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Ê-phê-xô.

2 Thưa anh em, hẳn anh em đã được nghe biết về kế hoạch ân sủng mà Thiên Chúa đã uỷ thác cho tôi, liên quan đến anh em. 3a Người đã mặc khải để tôi được biết mầu nhiệm Đức Ki-tô. 5 Mầu nhiệm này, Thiên Chúa đã không cho những người thuộc các thế hệ trước được biết, nhưng nay Người đã dùng Thần Khí mà mặc khải cho các thánh Tông Đồ và ngôn sứ của Người. 6 Mầu nhiệm đó là : trong Đức Ki-tô Giê-su và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do-thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa.

Tin Mừng: Mt 2,1-12

Từ phương Đông chúng tôi đến bái lạy Người.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

1 Khi Đức Giê-su ra đời tại Bê-lem, miền Giu-đê, thời vua Hê-rô-đê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giê-ru-sa-lem, 2 và hỏi : “Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu ? Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người.” 3 Nghe tin ấy, vua Hê-rô-đê bối rối, và cả thành Giê-ru-sa-lem cũng xôn xao. 4 Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân lại, rồi hỏi cho biết Đấng Ki-tô phải sinh ra ở đâu. 5 Họ trả lời : “Tại Bê-lem, miền Giu-đê, vì trong sách ngôn sứ, có chép rằng : 6 Phần ngươi, hỡi Bê-lem, miền đất Giu-đa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giu-đa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ít-ra-en dân Ta sẽ ra đời.”

7 Bấy giờ vua Hê-rô-đê bí mật vời các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện. 8 Rồi vua phái các vị ấy đi Bê-lem và dặn rằng : “Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người.” 9 Nghe nhà vua nói thế, họ ra đi. Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại. 10 Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng. 11 Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Ma-ri-a, liền sấp mình thờ lạy Người. Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến. 12 Sau đó, họ được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hê-rô-đê nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình.

 

Suy Niệm 1: Lm Lu-y Gonzaga Nguyễn Quang Vinh

 

HÃY ĐẾN BÁI LẠY NGƯỜI

 

Ngôi Lời làm người luôn luôn là một mầu nhiệm đối với nhà thần học cũng như đối với giới bình dân. Ngôi Lời Thiên Chúa xuống thế làm người có tên gọi là Đức Giêsu, Người là một thực tại khó hiểu, là mầu nhiệm, mầu nhiệm “Giêsu” không khác với mầu nhiệm Thiên Chúa.  Đức Giêsu là sự xuất hiện ra bên ngoài của Thiên Chúa mà Thiên Chúa thì không ai thấy bao giờ, người ta thấy việc Đức Giêsu làm và nghe lời Đức Giêsu nói, từ đó hiểu về Thiên Chúa.  “Hiển linh” có nghĩa Thiên Chúa tỏ mình ra. 

Thiên Chúa tỏ mình ra trong Đức Giêsu qua mầu nhiệm nhập thể, chính nơi bản thân Đức Giêsu, Thiên Chúa bộc lộ chính mình qua những việc Đức Giêsu  làm và các lời Người giảng dạy, như vậy tất cả con người của Đức Giêsu là trọn vẹn mặc khải và trình bày về Thiên Chúa.  Nhân loại biết được gì về Thiên Chúa là nhờ mặc khải của Đức Giêsu, lý trí nhân loại có thể suy luận đạt đến một đấng sáng tạo ra vũ trũ vạn vật, nhưng đấng đó là gì, công việc sinh hoạt ra sao thì con người hoàn toàn vô minh.  Tất cả phải nhờ Trung gian duy nhất là Đức Giêsu.

Đức Giêsu là nhân vật trung tâm của lịch sử Do thái được các tiên tri loan báo dưới nhiều danh hiệu có sứ mệnh khác nhau: đấng cứu tinh dân tộc, nhà giải phóng, người chăn chiên tốt lành, vị ngôn sứ cao cả, hoàng tử hòa bình … Tuy nhiên Người có gốc gác là dân Do thái, sinh ra từ chi họ Giuđa, thuộc dòng tộc vua Đavít.  Điều gây vấp phạm cho đức tin Kitô giáo, đó là Thiên Chúa xuống thế làm người, đến ở giữa chúng ta qua con đường trần gian. 

Đức Giêsu thật sự là mầu nhiệm khó hiểu, vì bản thân của Người mang hai bản thể, bản thể Thiên Chúa và bản thể nhân loại.  Người không phải là nhân vật thần thoại gồm một nửa là ‘thần’, nửa kia là ‘nhân’ mà trong các huyền thoại giả tưởng nói đến như con vật “đầu người mình sư tử” hay “đầu người mình ngựa”.  Đức Giêsu trọn vẹn là Thiên Chúa và trọn vẹn là con người.  Đó là điều khó chấp nhận đối với nhân loại đương thời cũng như đối với cả chúng ta hôm nay, bởi vì không có hữu thể nào trên trần gian nầy mang hai bản thể cả.  Nhân loại không có kinh nghiệm về điều nầy.  Đây là biến cố độc nhất vô nhị xảy ra nơi trần gian.  Cái khó khăn nằm ở chỗ đó, một hữu thể mang hai bản thể khác nhau.

Việc Đức Giêsu hiển linh được thể hiện nhiều lần chứ không phải chỉ một lần mà thôi, điển hình hôm nay hiển linh được thực hiện trong ba sự kiện: trong tiệc cưới Cana, trong lời giới thiệu của Chúa Cha khi Đức Giêsu vừa nhận phép rửa tại sông Giođan, và trong việc “Chúa đã khiến ngôi sao chỉ đường mà mặc khải cho muôn dân nhận biết Con Một Chúa” (Lời nguyện nhập lễ Hiển Linh).  Nghĩa là chính Thiên Chúa bày tỏ mình ra cho dân ngoại, điều đó cho hiểu rằng ơn cứu chuộc không dành cho riêng ai, chính Thiên Chúa đi bước trước mở lối cho con người tìm về với Thiên Chúa, để tất cả những ai chấp nhận Đức Giêsu là Chúa đều được ở : “Trong Đức Kitô Giêsu và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa” (Bài đọc 2. Ep 3, 6).

Thiên Chúa mời gọi con người đến gặp Người ở mọi thời, bằng những ‘hiển linh’ khác nhau, tuy nhiên muốn gặp Người trước hết cần phải lên đường, tức là từ bỏ sự yên thân, chấp nhận cuộc sống bị xáo trộn.  Đây là cách hành xử của các đạo sĩ Phương Đông đi tìm kiếm Thiên Chúa: Dựa vào lời Kinh thánh cùng với sự chỉ dẫn của bậc cao minh, nhìn trời theo dấu sao lạ, họ đã lên đường truy tìm ấu Chúa để bái lạy “Đức Vua Do thái”.   Con người có khả năng tìm gặp Thiên Chúa nhờ dựa vào Kinh thánh – lời người có kinh nghiệm dẫn dắt – đọc dấu thời đại – và nổ lực tìm kiếm của cá nhân,

Từ chân trời góc biển các đạo sĩ vất vả lên đường tìm đến hang Bêlem, đối lại, người ở thành Giêrusalem như Hêrôđê lại bối rối âm mưu đen tối tính kế thanh toán ấu Chúa mới chào đời.  Khi tới hang Bêlem, các đạo sĩ đã phủ phục thờ lạy Hài Nhi Giêsu nơi hang lừa máng cỏ, rồi dâng lên Người vàng, nhủ hương và mộc dược những lễ phẩm quý giá của Phương Đông (x. Mt 2, 10.11) để tỏ lòng kính trọng, thần phục suy tôn; ngược lại vua Hêrôđê cũng tìm kiếm ấu Chúa nhưng với ý đồ sát hại chứ không phải để thờ lạy. 

Kinh thánh vẫn còn đó, ánh sao lạ vẫn chưa tắt nơi tâm hồn mỗi người chúng ta, khi chúng ta lắng nghe sự thật, cố sống theo lương tâm ngay thẳng, chính lúc đó chúng ta đã lên đường tìm về sự thật và đến gần với Chân Lý.  Ánh sáng sao lạ đó không bao giờ thiếu cho từng người trong chúng ta, có điều là chúng ta đủ can đảm hay không trở thành đạo sĩ truy tìm chân lý hay bóp nghẹt sự thật như Hêrôđê.

Lạy Chúa Giêsu Hài Đồng, con cảm tạ Chúa đã hành trình xuống trần gian bằng con đường máng cỏ để tỏ cho con biết đường về trời, xin cho con biết yêu mến sự thật và có can đảm trở nên ánh sao lạ dẫn đường người khác về với Chúa. Amen

 

Suy Niệm 2: Lm Lu-y Gonzaga Nguyễn Quang Vinh

 

CHÚA HIỂN LINH

 

Được sao lạ dẫn đường, mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến thờ lạy Hài nhi Giêsu.  Đó là công thức cổ truyền trong Tin Mừng nói về lễ Hiển Linh (x. Bài Tin Mừng. Mt 2, 1-12).  Thật ra khó để nắm bắt tình huống lịch sử về trình thuật Ba Vua đến thờ lạy Chúa, bởi lẽ chúng ta không diện kiến với một bài tường thuật tại chỗ do một phóng viên ghi lại chi tiết, nhưng chúng ta đứng trước niềm tin của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi.  Nhưng không phải vì vậy mà ngày lễ Chúa Hiển linh không mang lại lợi ích thiêng liêng quan trọng.  Phải vượt qua trình thuật về giai thoại lễ Ba Vua để đạt đến trình thuật đức tin mà tác giả muốn trình bày đó là sự bộc lộ mình ra cho dân ngoại, hiển linh có nghĩa Chúa tỏ mình.

Hiển linh là một mầu nhiệm, không phải là điều gì đó âm u khó hiểu, nhưng Hiển linh tích lũy phong phú ý nghĩa, sự sống và ánh sáng mà người ta không thể nào gói ghém hết nội dung trong một hạn từ, hay một định nghĩa được.  Hiển linh thuộc trật tự sống động bao hàm cả chúng ta nữa.  Trình thuật tin mừng Mátthêu chiếu ánh sáng vào niềm tin và niềm hy vọng của chúng ta cũng như chiếu ánh sáng vào Giáo Hội và thế giới. 

Khi so sánh lễ Hiện xuống với lễ Phục sinh, người ta thường nói lễ Hiện xuống ném lửa vào trần gian và làm bùng cháy lên.  Thì Hiển linh cũng được hiểu như thế, lễ Hiển linh chứ không phải lễ Giáng Sinh làm bùng lên ánh sáng cứu chuộc cho khắp muôn dân, thuộc mọi ngôn ngữ, mọi thời đại, mọi văn hoá.  Hiển linh mang tính cứu độ hoàn vũ cho hết mọi người.  Nếu Chúa Giáng sinh mà không hiển linh cho dân ngoại thì nào có được lợi gì cho dân ngoại, vì con người nào có biết Thiên Chúa đâu mà thờ lạy.  Thiên Chúa sinh hạ làm người chưa đủ để làm cho con người nhận biết ThiênChúa, Người còn bộc lộ mình ra, nói về chính gốc tích mình và căn cước của mình nữa.

Các nhà Chiêm tinh, trước đây được gọi là Ba Vua, thật sự họ là những nhà Tiên tri vì:  Thứ nhất là vì họ đặt mình dưới sự hướng dẫn của Ngôi sao lạ, mà không cậy dựa vào sức mạnh của quyền lực, của tri thức thiên văn, của giàu sang để đi tìm kiếm Thiên Chúa, điều nầy cho chúng ta thấy rằng sự hiểu biết Thiên Chúa thuộc về một trật tự khác, không phải là trật tự theo suy luận, hay theo khoa học trần thế. 

Thứ hai, họ dâng cho Hoàng Tử Hoà Bình những sản phẩm quê hương mình theo phong tục và tập quán, chẳng phải họ đã làm tiên tri cho cả thế giới cách thức tôn thờ Thiên Chúa  theo phong tục và tập quán của địa phương mình đó sao?  Dâng hương để nhận Người là Chúa, dâng vàng để nhận Người là vua, và dâng mộc dược để loan báo Người sẽ chết.  Vàng tượng trưng uy quyền bậc quân vương, nhũ hương nói lên chức vụ thượng tế, và mộc dược báo trước ngày Chúa chịu mai táng trong mồ.  Những cách thức tôn thờ đó ngày nay chúng ta gọi là hội nhập văn hoá, có cùng một tâm tình thờ lạy nhưng được diễn tả nhiều phương thức khác nhau theo mỗi phong tục tập quán. 

Thứ đến, Ba Vua là dân ngoại, đến với Đức Giêsu bằng con đường chiêm tinh và tôn giáo của họ, làm cho chúng ta phải trân trọng ánh sáng chân lý trong các tôn giáo bạn.  Tuy nhiên phải xác tín rằng mặc khải trọn vẹn chỉ có nơi Đức Giêsu Ki-tô, Người là chân lý trọn vẹn mà Thiên Chúa mặc khải cho nhân loại.  Tất cả mặc khải Cựu ước và Tân ước, các lời sấm của các tiên tri được thể hiện nơi Đức Kitô, là Ngôi Lời của Thiên Chúa.

Suy luận theo tư tưởng của Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI, có bao nhiêu con người là có bấy nhiêu con đường dẫn đến Thiên Chúa, tuy nhiên con đường của Thiên Chúa thì rộng rãi và bao quát mọi con đường của con người, cho nên mọi con đường nhân loại đều nằm trong con đường của Thiên Chúa (Đức Bênêđictô 16).  Và thật phù hợp với lời sấm của Isaia: “ Trên ngươi Ðức Chúa như bình minh chiếu toả, vinh quang Người xuất hiện trên ngươi.  Chư dân sẽ đi về ánh sáng của ngươi, vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước.… Đưa mắt nhìn tứ phía mà xem, tất cả đều tập hợp, kéo đến với ngươi” (Bài đọc 1.  Is 60,1-6); và như lời Thư Êphêxô: “Trong Đức Kitô Giêsu và nhờ Tin Mừng các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa ” (Bài đọc 2. Ep 3,2-3a.5-6). 

Hiển linh, Chúa tỏ mình ra cho dân ngoại, trong đó có chúng ta nữa.  Tuy nhiên phải hiểu rằng, hiển linh không phải chỉ một lần, mà tất cả lời Đức Giêsu nói và việc Đức Giêsu làm đều bộc lộ thần tính của Thiên Chúa vì mọi sinh hoạt của Đức Giêsu chính là sự bộc lộ hoạt động của Thiên Chúa ra bên ngoài.  Giáo hội cô đọng biến cố hiển linh qua sự kiện Ngôi sao lạ chỉ đường cho ba Chiêm tinh gia, qua phép lạ nước hóa thành rượu ngon tại tiệc cưới Cana, qua việc hiển dung trên núi cho ba môn đệ.  Những biến cố nầy là tiêu biểu cho lễ Hiển Linh.

Lạy Chúa Giêsu Hài Đồng, con xin tạ ơn Chúa vì đã mặc khải mầu nhiệm Con Thiên Chúa xuống thế làm người, Người thật sự là Thiên Chúa không thiên vị, xin cho Tin Mừng lan truyền đến  anh chị em chưa nhận biết Thiên Chúa.




WGPKT(05/01/2023) KONTUM