Chúa Nhật IV Mùa Chay – Năm C (CN.27.03.2022)

BÀI ĐỌC I: Gs 5, 9a.10-12

“Dân Chúa tiến vào đất Chúa hứa và mừng Lễ Vượt Qua”.

Bài trích sách Giosuê.

Trong những ngày ấy, Chúa phán cùng Giosuê rằng: “Hôm nay, Ta đã cất sự dơ nhớp của Ai-cập khỏi các ngươi!” Con cái Israel tạm trú tại Galgali và mừng Lễ Vượt Qua vào ban chiều ngày mười bốn trong tháng, trên cánh đồng Giêricô. Ngày hôm sau Lễ Vượt Qua, họ ăn các thức ăn địa phương, bánh không men và lúa mạch gặt năm ấy. Từ khi họ ăn các thức ăn địa phương, thì không có manna nữa. Và con cái Israel không còn ăn manna nữa, nhưng họ ăn thổ sản năm đó của xứ Canaan.

Đó là lời Chúa.

BÀI ĐỌC II: 2 Cr 5, 17-21

“Thiên Chúa đã nhờ Đức Kitô giao hoà chúng ta với mình”.

Bài trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, nếu ai ở trong Đức Kitô, thì người đó sẽ là một thụ tạo mới, những gì là cũ đã qua đi: này đây tất cả mọi sự đã trở thành mới. Vì mọi sự bởi Thiên Chúa, Đấng đã nhờ Đức Kitô giao hoà chúng ta với mình, và trao phó cho chúng tôi chức vụ giao hoà. Thật vậy, Thiên Chúa là Đấng giao hoà thế gian với chính mình Người trong Đức Kitô, nên không kể chi đến tội lỗi của loài người, và đặt lên môi miệng chúng tôi lời giao hoà. Nên chúng tôi là sứ giả thay mặt Đức Kitô, như chính Chúa dùng chúng tôi mà khuyên bảo. Vì Đức Kitô, chúng tôi van nài anh em hãy giao hoà với Thiên Chúa. Đấng không hề biết tội, thì Thiên Chúa làm nên thân tội vì chúng ta, để trong Ngài, chúng ta trở nên sự công chính của Thiên Chúa.

Đó là lời Chúa.

 

Lời Chúa: Lc 15, 1-3. 11-32

“Em con đã chết nay sống lại”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, những người thu thuế và những kẻ tội lỗi đến gần Chúa Giêsu để nghe Người giảng; thấy vậy, những người biệt phái và luật sĩ lẩm bẩm rằng: “Ông này đón tiếp những kẻ tội lỗi và cùng ngồi ăn uống với chúng”. Bấy giờ Người phán bảo họ dụ ngôn này: “Người kia có hai con trai. Đứa em thưa với cha rằng: “Thưa cha, xin cha cho con phần gia tài thuộc về con”. Người cha liền chia gia tài cho các con. Ít ngày sau, người em thu nhặt tất cả của mình, trẩy đi miền xa và ở đó ăn chơi xa xỉ phung phí hết tiền của. Khi nó tiêu hết tiền của thì vừa gặp nạn đói lớn trong miền đó, và nó bắt đầu cảm thấy túng thiếu. Nó vào giúp việc cho một người trong miền, người này sai nó ra đồng chăn heo. Nó muốn ăn những đồ cặn bã heo ăn cho đầy bụng, nhưng cũng không ai cho. Bấy giờ nó hồi tâm lại và tự nhủ: “Biết bao người làm công ở nhà cha tôi được ăn uống dư dật, còn tôi, tôi ở đây phải chết đói. Tôi muốn ra đi trở về với cha tôi và thưa người rằng: “Thưa cha, con đã lỗi phạm đến trời và đến cha, con không đáng được gọi là con cha nữa, xin cha đối xử với con như một người làm công của cha”. Vậy nó ra đi và trở về với cha nó. Khi nó còn ở đàng xa, cha nó chợt trông thấy, liền động lòng thương; ông chạy ra ôm choàng lấy cổ nó và hôn nó hồi lâu… Người con trai lúc đó thưa rằng: “Thưa cha, con đã lỗi phạm đến trời và đến cha, con không đáng được gọi là con cha nữa”. Nhưng người cha bảo đầy tớ: “Mau mang áo đẹp nhất ra đây và mặc cho cậu, hãy đeo nhẫn vào ngón tay cậu, và xỏ giầy vào chân cậu. Hãy bắt con bê béo làm thịt để chúng ta ăn mừng: vì con ta đây đã chết, nay sống lại, đã mất, nay lại tìm thấy”. Và người ta bắt đầu ăn uống linh đình.

“Người con cả đang ở ngoài đồng. Khi về gần đến nhà, nghe tiếng đàn hát và nhảy múa, anh gọi một tên đầy tớ để hỏi xem có chuyện gì. Tên đầy tớ nói: “Đó là em cậu đã trở về, và cha cậu đã giết bê béo, vì thấy cậu ấy về mạnh khoẻ”. Anh liền nổi giận và quyết định không vào nhà. Cha anh ra xin anh vào. Nhưng anh trả lời: “Cha coi, đã bao năm con hầu hạ cha, không hề trái lệnh cha một điều nào, mà không bao giờ cha cho riêng con một con bê nhỏ để ăn mừng với chúng bạn. Còn thằng con của cha kia, sau khi phung phí hết tài sản của cha với bọn đàng điếm, nay trở về thì cha lại sai làm thịt bê béo ăn mừng nó”. Nhưng người cha bảo: “Hỡi con, con luôn ở với cha, và mọi sự của cha đều là của con. Nhưng phải ăn tiệc và vui mừng, vì em con đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy”.

Đó là lời Chúa.

————–

Suy Niệm 1:                              Linh mục Tađêô Võ Xuân Sơn

LÀ CON CỦA THIÊN CHÚA CHỨ KHÔNG PHẢI NÔ LỆ

Quý ông bà anh chị em rất thân mến,

khi nghe dụ ngôn người con hoang đàng, nhân vật đựợc chúng ta chú ý thường là người con hoang đàng. Vì thế, nhiều người cứ đinh ninh rằng sự trở về của người con đáng nêu gương cho mọi người. Nhưng khi đọc kỹ, người đọc mới thấy nhân vật được thánh Luca hướng về trước hết là người cha, được hiểu về Thiên Chúa, và hai nhân vật khác là người con cả và người con hoang đàng, được hiểu về mọi người chúng ta và nhấn mạnh đến lòng nhẫn nại và tình thương của Thiên Chúa.

1. Những người con tệ bạc

Dụ ngôn cho biết người cha rất thương hai con, trong khi các con ông đối xử với ông quá tệ! chúng bất hiếu không nhìn nhận ông là cha. Tệ hơn nữa, chúng chỉ muốn làm người nô lệ chứ không muốn làm con trong nhà.

Trước hết, đứa con thứ xin chia gia tài. Theo luật Do-thái và cả luật Dân Sự Việt Nam hôm nay quy định, con cái không được đòi chia thừa kế khi cha mẹ còn sống. Điều đó có nghĩa đòi chia gia tài khi cha mẹ còn sống chẳng khác gì khai tử cha mẹ khi các ngài đang sống. Nói cách khác, người con thứ không còn muốn làm con của người cha. Đâu chỉ vậy, khi đói ăn nó trở về nhà, nơi nó hy vọng được đón nhận, nó vẫn cứ chỉ xin được làm người làm thuê, người nô lệ trong nhà: “Xin cha coi con như một người làm công trong nhà”. Nó phủ nhận sự thật làm con và phủ nhận mối liên hệ với cha mình, với gia đình của mình. Tóm lại, nó chỉ muốn làm nô lệ mà thôi.

Đừng quên đứa con cả vẫn tệ bạc với cha mình như em nó và cũng chỉ muốn làm nô lệ, chứ không muốn làm con nữa. Nếu em nó đòi chia gia tài, người con cả này cũng đòi chia phần: “Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng bao giờ trái lệnh cha, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy một con dê con để ăn mừng với bạn bè.” Nó đòi chia phần để “nhậu”, hay vì nó “nhậu” nên đòi chia phần.” Nếu em nó bỏ nhà ra đi, thì người con cả này không muốn vào nhà, dù cha nó ra ngoài mời vào. Nếu em nó không nghĩ mình là con và chỉ muốn là người nô lệ, người con cả này cũng muốn cha đối xử với mình như người làm công để đòi phải trả công. Tóm lại, người con cả cũng tệ bạc như em nó. Cả hai đều là những người con bất hiếu.

Không một ai trong chúng ta dám tự hào mình chưa từng phủ nhận Thiên Chúa hay sự chăm sóc của Giáo hội, bởi sự bất hiếu đó ta từng phạm. Không ai dám quả quyết tôi chưa hề phàn nàn than trách Chúa hay chưa đòi hỏi Chúa trả công điều gì. Đã bao nhiêu lần ta khăng khăng đóng sầm cửa mặc cơn đau lòng của Thiên Chúa để ra đi phạm tội này, tội khác. Đâu phải một lần, hai lần! Nghĩ lại, những lúc ấy đâu phải vì tôi yếu đuối, lỡ sa ngã, nhưng có nhiều lần tôi quyết lao vào phạm tội nhân danh quyền tự do của tôi. Chúng ta muốn khai tử Thiên Chúa, không muốn nhìn nhận Thiên Chúa kẻo sợ Ngài can dự vào đời tôi. Triết gia vô thần Nietzche từng muốn như thế khi tuyên bố Thiên Chúa đã chết và chúng ta là những người ám sát Thiên Chúa. Và đâu phải một lần hai lần, nhiều lần Thiên Chúa kêu gọi tôi trở lại nhà Chúa để xin lỗi Chúa, để được ơn tha thứ, được sống tình người con của Thiên Chúa, thế mà tôi vẫn cứ muốn đứng ngoài, không vào, không sống lại tình thân với Chúa, thậm chí than trách Chúa sao không yêu thương và ban phép lạ cho tôi. Như thế, tôi có khác gì hai người con trong dụ ngôn, không muốn vào nhà Chúa, quên mất mình là con của Thiên Chúa.

2. Kitô hữu là con của Thiên Chúa chứ không phải nô lệ

Hôm nay, Chúa nhắc lại cho chúng ta: “Hỡi con, con luôn ở với cha, và mọi sự của cha đều là của con” (Lc 15,31). Thánh Phaolô đã tha thiết nhắc lại cho chúng ta sự thật đó nơi chúng ta: Chúng ta là con cái của Thiên Chúa. Ngài viết: “Thiên Chúa đã sai Thần Khí của con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: “Ab ba, Cha ơi!” vậy anh em không còn phải là nô lệ nữa, nhưng là con, mà đã là con thì cũng là người thừa kế” (Gl 4, 6-7). Chúng ta được nhắc lại một lần nữa:  Chúng ta là con trai, con gái của Thiên Chúa (2Cr 6,18). Thánh Gioan ngạc nhiên trước ân huệ này khi viết trong thư thứ nhất của Ngài: “Anh em hãy xem Chúa Cha yêu thương chúng ta dường nào: Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa” (1Ga 3,1). Chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa hết lòng.

Nhờ được lãnh nhận bí tích Rửa Tội trong hy tế thập giá của Chúa Giêsu, chúng ta được làm con Thiên Chúa. Vì thế, Thánh Phaolô khẳng định Chúa Giêsu là trưởng tử của Thiên Chúa Cha giữa một đàn em đông đúc là chúng ta (Rm 8,29). Vả lại , tác giả thư gởi tín hữu Do-thái còn nói, Chúa Giêsu không hề hổ thẹn gọi chúng ta là anh em của Ngài.

Vậy, chúng ta có vui mừng sống niềm vui được làm con Chúa không? Tại sao hổ thẹn khi tuyên xưng Danh Chúa, khi thờ phượng Chúa mà không nhận ra Thiên Chúa quá yêu thương và cho chúng ta làm con cái của Ngài? Đời sống hằng ngày chúng ta thể hiện, chúng ta là con cái Chúa hay là kẻ nô lệ? Amen.

————-

Suy Niệm 2:                       Linh mục Lu-y Nguyễn Quang Vinh


ĐIỀU  MỚI  MẼ


Các bài đọc phụng vụ hôm nay đặt chúng ta trong bầu khí của mùa xuân mới, mùa phát sinh sự sống mới.  Người Do thái sau 40 năm lang thang trong sa mạc, nay vào đất hứa, tại Ghin-gan họ cử hành lễ kỷ niệm Vượt Qua biển đỏ, kỷ niệm ngày giải phóng khỏi đất nô lệ Ai cập, ngày vào vùng tự do, ăn sản phẩm do bàn tay lao động sản xuất chứ không còn ăn man-na nữa (x. Bài Đọc 1. Gs 5, 9a.10-12). 

Bài đọc 2 nói đến thụ tạo mới đối với những ai ở trong Chúa Kitô, họ được hoà giải với Thiên Chúa, được trở nên công chính (2Cr 5, 17-21).  Bài Tin mừng (Lc 15, 1-3.11-32) nói đến lòng nhân hậu của người cha chậm bất bình và rất mực yêu thương con, cho dù là đứa con có quá khứ hư hỏng, ông vẫn tha thứ và phục hồi chức vị làm con khi nó đi hoang trở về: “Em con đây đã chết nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy” (c.32).  Các bài đọc đồng loạt nói lên bầu khí mới, bầu khí sống lại mà trong ba tuần nữa chúng ta mới thực sự bước vào.  Cả ba bài đều nói đến việc cắt đứt dứt khoát với quá khứ tội lỗi, đi vào sự sống mới.

Chúng ta sẽ làm cho bài Tin mừng nghèo nàn đi khi chỉ dừng lại nơi khía cạnh luân lý của người thanh niên, anh ta muốn tự ý kiến tạo đời mình theo sở thích ngông cuồng, đòi chia gia tài và bỏ nhà ra đi bất chấp gia đình.  Chỉ sau khi bị khuất phục bởi những hoàn cảnh và thất bại trắng tay, anh ta mới hồi tâm mà trở về với cha già, anh ta hành động theo ý riêng mà quên đi sự tốt lành của người cha.  Ông bố “có lý” khi tôn trọng tự do của người con và cho con mình toại nguyện làm theo tính ngông cuồng của tuổi trẻ ? 

Sách Giôsuê soi sáng chúng ta về sự trưởng thành tự lập, Sách nói đến lễ Vượt Qua tại Ghin-Gan, một nơi thánh mà người Do thái cử hành để ghi dấu ấn việc kết thúc biến cố Xuất hành, nghĩa là hoan hỉ chấm dứt thời kỳ sa mạc, nơi thiếu thốn nhiều mặt, mà man-na là duy nhất thực phẩm hằng ngay.  Thời điểm chấm dứt đời sống trong sa mạc, nay tìm gặp được mối tương quan mới với Thiên Chúa, như thể họ bước đi từ tuổi thiếu niên hoàn toàn lệ thuộc cha mẹ đến tuổi trưởng thành tự lập. 

Họ ăn những sản phẩm do bàn tay lao động sản xuất, và không còn ăn man-na nữa.  Thay đổi thức ăn như một biến chuyển thay đổi tận căn cuộc sống, thay đổi quan hệ giữa Thiên Chúa và dân Ítraen, họ đi từ thời kỳ quản giáo sang thời kỳ ý thức trưởng thành.  Từ trong sa mạc đói khát và trần trụi họ tìm gặp mối tương quan mới với Thiên Chúa, một tương quan ổn định “định canh định cư”.  Một sự sống mới phất lên nơi dân Do thái, một giai đoạn mới.

Tương tự như vậy, hình ảnh nầy cho ta hiểu tâm trạng của người thanh niên đi hoang trở về: từ sa mạc cuộc đời cay đắng về lại với mái ấm gia đình.  Và nỗi niềm hân hoan của người cha đón con về, ông đã không ngớt yêu thương con, tôn trọng ý muốn tự do của con, ông đã mở cửa cho con đi, nhưng không bao giờ ông ngừng hy vọng đón con về.  Ông mở lối đi ra, nhưng cũng trù bị đường về cho con, cửa nhà ông luôn rộng mở đón chờ con.  Cũng vậy Thiên Chúa luôn tôn trọng tự do và quyết định của con người.

Cái nhân từ của ông là ở chỗ đó.  Không áp đặt, không chế tài, nhưng luôn luôn chờ đợi con với vòng tay ôm ấp tha thứ.  Ông thật tế nhị khi chưa nghe hết lời thú tội của con, ông đã tha thứ cho con, không những thế ông lại phục hồi nhân phẩm cho con: xỏ nhẫn quý, mặc áo mới, đi giầy sang, mở tiệc rượu với bê béo có liên hoan ca hát nhảy múa.  Chiếc nhẫn chỉ sự cao quý, y phục chỉ chức phận xã hội , đi giầy chỉ sự tự do đi lại, thời đó chỉ người tự do mới được đi giầy dép, tiệc béo và ca hát chỉ sự hân hoan đón chào và chúc mừng.  Như thế người con không chỉ được tha thứ mà còn được phục hồi nhân phẩm, phục hồi tư cách làm con.

Người cha đón tiếp long trọng con, như Thiên Chúa dành cho người tội lỗi thống hối trở về.  Khó tin quá!  Nơi người con được phục hồi chức phận, chúng ta thấy được hình ảnh của Đức Giêsu là Người Con của Cha, có nhà đạo đức ví Đức Giêsu là người con hoang trở về, sau khi đã ra đi theo tiếng gọi yêu thương nhân loại, tiêu sạch những gì cha đã cho.  Người Con tự huỷ mình ra không, được Cha ôm ấp tôn vinh.  Như thế nơi Đức Giêsu hình ảnh người cha nhân từ ôm con và người con được cha ôm ấp, được diễn tả trọn vẹn.  Còn thánh Phaolô làm vang vọng lại dụ ngôn nầy khi viết: thế giới cũ đã qua đi và thế giới mới đã đến (x. Bài đọc 2. 2Cr 5, 17-21).  Đi vào thế giới mới là do lòng tốt hoàn toàn và nhưng không của  người cha, chứ không phải là công trạng gì của con.

Lạy Chúa Giêsu, người con hoang đó không ai xa lạ, con đã gặp, con đã tiếp xúc, con đã ý thức có khi đó là chính con!  Xin cho con đừng bao giờ thất vọng vì tội lỗi của mình nhưng tin cậy vào lòng nhân từ  hay tha thứ của Chúa.  “Thôi đứng dậy, đi về cùng Cha” trong mùa Chay thánh . Amen

——————-

Suy Niệm 3:                             Linh mục Phêrô Nguyễn Vân Đông

 

BÓNG CON TRỞ VỀ . . .

Lc 15, 1-3.11-32 : Người con hoang đàng trở về !

 

1. Ngày xưa ở Bình Định có một bài hát mình rất thích, hình như là của cha nhạc sĩ Ánh Thiều dòng Đaminh cũng quê Bình Định. Sau này sao không thấy hát bài đó ở trong nhà thờ nữa ? Bài hát đó bắt đầu như thế này : “Bóng con trở về, từ nơi sao thưa trăng xế ( tức là đã muộn lắm), từ nơi mây đen dương thế ( tức là từ chốn tội lỗi) ! Bóng con trở về, Mẹ thấy bóng con về đây có lẽ Mẹ buồn ngất ngây . . .” Nội dung là nói đứa con trở về tiều tụy, thân mình mang đầy vết thương do tội lỗi . . . Người Mẹ nhìn con mình trở về mà lòng buồn “ngất ngây” ! Bài Tin Mừng hôm nay thì ngược lại, vì ông Bố vui “ngất ngây” khi thấy cậu quý tử hoang đàng thân tàn ma dại quay đầu về nhà .

2. Chỉ có Thánh Luca là viết lại Dụ ngôn này thôi. Dụ ngôn là những bài học chính Chúa Giêsu dạy. Lời Chúa là Chân Lý. Tin Mừng Thánh Luca là Tin Mừng của lòng thương xót. Ngày xưa đoạn Tin Mừng này được lấy tựa đề là : Người Con Hoang Đàng ; sau này thì thấy lấy tựa đề là : Người Cha Nhân Hậu. Mình lại thích cả hai : “Hoang đàng” là mình; “Nhân hậu” là Chúa ! Lòng nhân hậu của Thiên Chúa thật lạ lùng, không ai nghĩ Chúa nhân hậu quá lẽ như thế !

3. Vai mang túi bạc lè kè, nói quấy nói quá chúng nghe ào ào !

Thời nào cũng thế thôi : Có tiền là có quyền và có quyền là dễ có tiền. Vì thế mà ai cũng thích 2 thứ này là: TIỀN và QUYỀN. Mỗi người chúng ta cũng nên xét mình.

Anh chàng thanh niên trong dụ này cũng vậy thôi : bạn bè, ăn nhậu, đĩ điếm . . . Tiền có ra mà không có vào thì tiền như núi cũng hết thôi ! Và thật sự đã như thế đó !

4. Hết tiền hết bạc hết ông tôi !

Hết tiền là hết bạn hết bè. Rồi lại xảy ra nạn đói trong vùng ! Đúng là họa vô đơn chí. Đứa nào cũng đói meo mà. Không ai có thể cho người khác điều mình không có nếu mà muốn cho đi nữa . Muốn có ăn thì bây giờ phải đi làm thuê ! Chăn heo ! Người Do Thái không ăn heo. Vậy là làm thuê cho người ngoại đạo ! Muốn ăn cái thứ muồng muồng gì đó mà người ta cho heo ăn mà cũng không được ăn ! Người ta hay bảo: Lên voi xuống chó ! Ở đây cũng không có chó để mà xuống nữa .

5. Hồi tâm và nghĩ về nhà Cha mình :

“ Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa mà ta ở đây lại chết đói ! (Lc 15,17)

6. Hồi tâm rồi quyết tâm :

“ Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người : Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy “ (Lc 15, 18-19) . Dễ thương hết sức luôn. Nhưng quan trọng nhất là: “ Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha” ( Lc 15,20 ). Ông bố này rất thương đứa con hư, ông có thể cho người đi tìm đứa con mà ông yêu thương vì biết có nạn đói xảy ra trong vùng , nhưng sao ông không làm như vậy ? Đây là Dụ ngôn của Chúa Giêsu nhé. Nó đi được thì nó phải tự về !

7. “Bóng con trở về từ nơi sao thưa trăng xế, từ nơi mây đen dương thế . . . “ Ngạc nhiên chưa ? Ông bố từ xa đưa tay lên che mắt nhìn kỹ. Đúng rồi, con trai yêu quý ta “ đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay tìm thấy “ (Lc 15,32). Thôi khỏi cần người con thanh minh thanh nga gì cả . Nó mà về nhà là tốt rồi. Khỏi nói thêm, chúng ta đều biết cả rồi : Ôm con , hôn con hồi lâu, áo mới, dép mới, đeo nhẫn, bê béo ăn mừng . . . Mình nghĩ ông bố này lẩm cẩm rồi ! Nhưng đây là Dụ ngôn của Chúa Giêsu ! Nhờ Chúa Giêsu chúng ta mới biết Thiên Chúa của chúng ta là như vậy. Như người cha xót thương con cái mình . . . Hy vọng duy nhất của ta là nơi lòng Thương Xót của Chúa. Sự Tha Thứ của Chúa là Vinh Quang của Chúa.

8. Mỗi người chúng ta là hiện thân của anh “trai cả” trong Dụ ngôn : ganh tỵ, phân bì, không chịu thấy niềm vui tha thứ của bố mình. Không chịu nghe lời bố “năn nỉ”. Không biết thương xót người em ruột thịt dại khờ. . . Mình nghĩ vớ vẩn chút : Người anh cả này đã lý luận đúng ! “ Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng?” (Lc 15,30) Tại sao lại vậy chứ ? Tại sao cha lại làm chuyện lẩm cẩm như vậy chứ ? Nếu mình là người anh cả hôm đó, mình sẽ nhào vô, tóm cổ, cho nó mấy bạt tai, tống cổ nó ra khỏi nhà . . . Cút đi ! Xéo ngay ! Mày về đây làm gì nữa hả ? Mày không còn cái gì là của mày trong nhà này nữa. Mày đã lấy mang đi hết cả rồi ! Nghe rõ chưa hả ? . . . Nhất định thằng con hoang đàng không dám làm gì đâu ! Ôi , tình thương yêu tha thứ của Chúa thật lạ lùng quá lẽ chừng.

Lạy Chúa Giêsu , Chúa đã dạy chúng con một bài học về sự THA THỨ của Thiên Chúa thật tuyệt vời, ngoài sự tưởng tượng của loài người chúng con. Xin Chúa giúp chúng con biết quyết tâm đứng dậy mà đi về nhà Cha “từ nơi sao thưa trăng xế, từ nơi mây đen dương thế !”Amen.

——————–

Suy Niệm 4:                             Linh mục Giuse Nguyễn Hữu Triết

 

“Con à! Con luôn ở với Cha, mọi sự của Cha là của con… nhưng chúng ta phải ăn mừng vì em con đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy”

   1/ Dụ ngôn này xưa gọi là chuyện Đứa con hoang đàng, nay gọi chính xác hơn là chuyện Người cha nhân hậu.

   2/ Người Cha trong dụ ngôn tượng trưng cho Thiên Chúa, lúc nào cũng đầy lòng thương xót, tha thứ, kiên nhẫn chịu đựng, đợi chờ đứa con hoang đàng trở về… ông ra cổng ngóng đợi nó mỗi ngày…

   3/ Khi nó mang cái xác tàn tạ về, từ xa ông đã nhận ra nó… ông chạy lại ôm nó mà hôn lấy hôn để… không cho nó nói hết lời thú tội… ông không trách nó 1 câu… ra lệnh cho đầy tớ trang bị đồ mới cho cậu…

   4/ Đứa con đi hoang là hiện thân của chúng ta, tội lỗi, hoang đàng, rách nát, hèn hạ (thèm cả cám heo)…

   5/ Người anh cũng là hiện thân của loài người: hẹp hòi, ghen tỵ, chỉ muốn loại trừ chính em mình…

   6/ Bài học rút ra:

– Bỏ nhà ra đi xa Cha… chỉ có bất ổn, đói rét, bệnh tật, rách nát… mất cả nhân phẩm… (làm bạn với heo)

– Sám hối để hưởng lòng thương xót của Cha không bao giờ muộn. Đó là con đường duy nhất đúng và có lợi.

– Để quay về cần có sự can đảm dứt khoát quá khứ, khiêm nhường xưng thú tội lỗi, quyết tâm chấn chỉnh..

– Trong tương quan với nhau, phải học theo lòng nhân hậu của Cha, đừng học thói ghen tỵ, hẹp hòi, ưa loại trừ nhau… của người anh cả.

            Hoàng tử Apsalôn đã giết Amôn người anh cùng cha khác mẹ để trả thù cho em gái mình bị anh làm nhục rồi còn chống lại cha, toan cướp ngôi cha… kết cục anh chết thảm khốc… còn Vua Đavít vẫn lo bảo toàn sinh mạng anh… khi nghe tin anh chết vua đã than khóc anh thảm thiết … còn muốn chết thế cho anh nữa… Vua Đavit đã học được bài học nhân hậu của Chúa Cha

WGPKT(25/03/2022) KONTUM