Trường Học Thánh Phaolô – Thư Êphêxô (tiếp theo)

TRƯỜNG HỌC THÁNH PHAOLÔ

Suy Niệm

 

Nguyên tác: “Un temps de prièrès à l’école de Saint Paul”

Lm  Fichelle, Lourdes 2005

  Lm Lu-Y Nguyễn Quang Vinh chuyển ng

 

Đọc thêm:

Nhập Đề

Thư 1 Thêxalônica

Thư 2 Thêxalônica

Thư 1 Côrintô

Thư 1 Côrintô (tiếp theo)

Thư 2 Côrintô 

Thư 2 Côrintô (tiếp theo)

Thư gửi tín hữu Philípphê

Thư gửi Côlôxê

Thư gửi Êphêxô

 

THƯ ÊPHÊXÔ (tiếp theo)

 

Chúng ta tiếp tục bài suy niệm chương thứ nhất Thư Êphêxô.  Phần đầu kinh nguyện của thánh Phaolô (Ep 1, 3-14) có sắc thái của một tuyên bố long trọng về mầu nhiệm Kitô, mầu nhiện của Chúa Kitô trong toàn cõi vũ trụ: Đức Kitô, đầu của Hội thánh và của hoàn vũ.  Thánh thi này trải rộng có thể đạt thấu bất cứ ai.  Kinh nguyện tiếp theo, bằng bút pháp quen thuộc hơn, như đi vào thực tế, áp dụng cho cộng đoàn mà thánh Phaolô muốn ngỏ lời, những viễn cảnh mà ngài trình bày liên hệ đến tất cả các cộng đoàn Kitô hữu và tất cả Hội thánh.  Bản văn đầu tiên sẽ là Ep 1, 15-23; rồi chúng ta sẽ đọc chương 3, mà một số câu lại được coi như là lời kinh nguyện mà thánh Phaolô ngỏ với Cha của Chúa chúng ta Đức Giêsu Kitô (Ep 3, 14-21).

Bản dịch Đại Kết (TOB) lấy tựa đề: “Kinh nguyện soi sáng”.  Có sự liên hoàn giữ thánh thi và kinh nguyện: “Vì lẽ đó mà tôi (thánh Phaolô quy chiếu về phần đầu trình bày của ngài), từ khi nghe biết được đức tin của anh em trong Chúa Giêsu, và lòng mến của anh em đối với hết thảy các thánh, tôi không ngớt tạ ơn Thiên Chúa cho anh em, hằng nhớ đến anh em trong các kinh nguyện của tôi” (Ep 1, 15-16).  Chúng ta gặp lại công thức cổ điển trong tất cả các Thư của ngài: hành động tạ ơn vì đức tin và tình bác ái của anh em nhận thư, nhắc đến họ trong kinh nguyện của ngài; đó là bút pháp bình thường của kinh nguyện nơi thánh Phaolô.

Xin Thiên Chúa của Chúa chúng ta Đức Giêsu Kitô và là Cha vinh hiển ban cho anh em Thần khí khôn ngoan và mặc khải làm cho anh em được am tường về Người, được nhỡn quang tâm thần rạng sáng, khiến anh em biết là gì hy vọng tức là ơn Người kêu gọi; là gì lường phong phú vinh quang nơi cơ nghiệp Người dành cho các thánh; và là gì quyền năng vĩ đại tuyệt vời của Người, Người thi thố ra trong ta, những kẻ tin, chiếu theo phép mầu  của uy quyền mãnh lực Người.  Quyền năng ấy Người đã ra uy trong Đức Kitô: Người đã làm cho Ngài sống lại từ cõi chết, và đã cho ngự bên hữu Người, chốn hoằng thiên, trên mọi cấp trật: thiên phủ, uy linh, và quyền năng thiên chủ, và bất cứ danh phận nào được nêu tên, không những trong thời này, mà cả trong thời sẽ đến.  Muôn sự, Người đã đặt cả dưới chân Ngài, và đã ban Ngài, đứng trên vạn vật, làm Đầu Hội thánh, đích thực là Thân mình Ngài, sự viên mãn của Đấng viên thành vạn sự trong mọi người.”(Ep 1, 17-23).

Lời cầu xin dâng lên Cha của Chúa chúng ta Đức Giêsu Kitô: quy về Cha, mọi vinh quang, thánh Phaolô nài xin Cha cho người nhận thư được “Thần khí khôn ngoan để mặc khải cho anh em nhận biết Người”.   Ngài cầu xin cho những người thuộc về ngài được một lễ hiện xuống mới của Thần khí Đức Giêsu:  sự khôn ngoan là ân huệ của Thánh Thần.  Cũng như đối với tín hữu Philípphê và tín hữu Côlôxê, thánh Phaolô lo lắng cho tín hữu Êphêxô được đi vào Mầu Nhiệm mà ngài tuyên xưng trong kinh nguyện của ngài, để họ hưởng nếm và am tường kinh nguyện theo chiều hướng chia sẻ hương vị và sự phong phú của kinh nguyện đó.  Mầu nhiệm này thì ngoại thường mà không dễ xâm nhập vào trong đó.  Thánh Phaolô gọi là Thần khí khôn ngoan, thần khí cư ngụ nơi tâm hồn và tâm trí của các tín hữu là những môn đệ, để làm cho họ lắng nghe mặc khải ngoại thường này và thật sự hiểu biết mầu nhiệm về Đức Giêsu, Mầu nhiệm này vượt lên trên sự hiểu biết của chúng ta; ân sủng của Chúa giúp chúng ta xâm nhập và đi vào trong mầu nhiệm đó.

Xin Người soi lòng mở trí cho anh em thấy rõ”.  Đó là sự hiểu biết tâm linh: để có thể đạt thấu Mầu nhiệm này, cần phải mở rộng tâm hồn, cố gắng hiểu biết sự bao la của tình yêu Thiên Chúa được mặc khải ra trong Đức Giêsu Kitô.  “Để anh em thấy rõ đâu là niềm hy vọng anh em đã nhận được nhờ ơn Người kêu gọi, đâu là gia nghiệp vinh quang phong phú anh em được chia sẻ cùng dân thánh”.  Điều này đưa chúng ta về những câu ở phần đầu trong kinh nguyện nói về niềm hy vọng; Thánh Phaolô đã nhắc đến lời kêu gọi này: “Trong Đức Kitô, Người đã chọn chúng ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện nhờ tình thươntg của Người” (Ep 1, 4).  Ước gì lời mời gọi của Chúa tiếp tục vang vọng trong chúng ta để làm cho chúng ta hiểu biết rằng Người vẫn liên lỉ ở với chúng ta.  Sự lựa chọn này của Chúa không chỉ là sự lựa chọn của thời quá khứ mà thôi đâu, nhưng là sự lựa chọn miên trường.  Đức Chúa không ngừng kêu gọi chúng ta đến với Cha, tuyển chọn và yêu thương chúng ta.

“Đâu là gia nghiệp vinh quang phong phú anh em được chia sẻ cùng dân thánh”.  Đó là vấn đề gia nghiệp: chúng ta đã nhận phần của mình: “Thiên Chúa đã tiền định cho chúng tôi, để chúng tôi ngợi khen vinh quang Người” (Ep 1, 11-12).  Chớ gì sự hiểu biết này về Mầu nhiệm đạt thấu chúng ta cách cá nhân, chứ không phải chỉ là sự chiêm ngưỡng từ xa một điều gì đó rất tốt đẹp, nhưng chớ gì chúng ta nhìn nhận sự hiểu biết này là điều gì đó liên quan đến chúng ta và trong đó chúng ta phải dấn bước đi vào.

Tiếp theo : “ Quyền năng ấy Người đã ra uy trong Đức Kitô: Người đã làm cho Ngài sống lại từ cõi chết, và đã cho ngự bên hữu Người, chốn hoằng thiên, trên mọi cấp trật: thiên phủ, uy linh, và quyền năng thiên chủ, và bất cứ danh phận nào được nêu tên”.  Chúng ta phải đón nhận quyền năng nào?  Quyền năng của Đức Kitô.  Trong sách Công Vụ Các Tông Đồ, Chúa Thánh Thần được mô tả như là quyền năng, năng lực, sức năng động.  Năng lực toàn năng này được phô diễn ra nơi chúng ta, được dùng để phục vụ chúng ta, có liên hệ đến chúng ta, đó là sức mạnh toàn năng.  Ơ đâu Chúng ta nhận biết quyền năng sự sống này nơi Thiên Chúa?  Chúng ta nhận biết quyền năng sự sống này khi chúng ta chiêm ngưỡng Đức Kitô trong mầu nhiệm Sống lại.  Điều này thật lạ lùng, cần phải có một quyền năng thần thiêng để phục sinh một người chết.  Điều này tỏ hiện quyền năng tình yêu, quyền năng sự sống đó là quyền năng có thể chiến thắng mọi chết chóc, mọi chướng ngại, mọi ngưng trệ.  Người ta luôn luôn trở về với Ngôi vị của Đức Kitô, với mầu nhiệm của Chúa Kitô phục sinh, lên trời, ngự bên hữu Đức Chúa Cha.

“Chốn hoằng thiên, trên mọi cấp trật: thiên phủ, uy linh, và quyền năng thiên chủ (Đức Kitô đã lãnh nhận một danh hiệu vượt trên mọi danh như thánh thi trong Thư Philípphê ca tụng)

và bất cứ danh phận nào được nêu tên, không những trong thời này, mà cả trong thời sẽ đến”.  Nói về Đức Kitô, là nói một danh tánh, là kêu một con người có tên gọi.  Không một ai có tước hiệu như Ngài, có danh xưng như Ngài và vì vậy cho nên không thể có căn tính như Ngài, ngay cả khi Ngài chia sẻ cho chúng ta căn tính này.  Ngài chia sẻ cho chúng ta bởi vì Ngài có căn tính đó ở một cấp độ ưu việt vượt trội đến nỗi mà chúng ta không bao giờ có thể đạt tới được.

Câu kết thúc kinh nguyện này nhắc đến Hội thánh.  “Muôn sự, Người đã đặt cả dưới chân Ngài (trích lời Cựu Ước), và đã ban Ngài, đứng trên vạn vật, làm Đầu Hội thánh, đích thực là Thân mình Ngài, sự viên mãn của Đấng viên thành vạn sự trong mọi người”.  Câu này, thật khó hiểu, nói về một điều gì đó rất quan trọng.  Đức Kitô phục sinh được ban cho làm đầu Hội thánh.  Có nghĩa gì khi Thánh Phaolô nói về viên mãn?  Điều ngài muốn nói: Đức Kitô này đầy tràn Thiên Chúa tuy nhiên Ngài cũng muốn đầy tràn cả chúng ta nữa, đầy tràn nhân loại tính có niềm tin và Ngài đạt được chiều kích chân thật khi sự viên mãn thần linh cư ngụ nơi Ngài cũng đến cư ngụ nơi tất cả các con cái khác của Thiên Chúa, nơi tất cả anh em khác, nơi tất cả chi thể khác của thân mình ngài.  Với tư cách đầy tràn Thiên Chúa, Đức Kitô không cần được bổ túc, hay thêm thắt gì nữa cả.  Chủ yếu phải hiểu là Đức Kitô cần có chúng ta để Ngài viên mãn chính mình.  “Hội thánh, đích thực là Thân mình Ngài, sự viên mãn của Đấng viên thành vạn sự trong mọi người”.  Thiên Chúa lấp đầy Đức Kitô cách viên mãn, tuy nhiên Hội thánh cũng trở nên sự viên mãn của Ngài.  Tất cả mọi tín hữu, đang khi trở thành thân mình ngài, Ngài cho phép họ đạt đến tầm vóc hoàn hảo của Ngài.  Một cách nào đó Đức Kitô được đầy tràn Thiên Chúa vì Ngài là Thiên Chúa và Ngài đầy tràn chúng ta vì Ngài là người.

Ngài cần chúng ta để viên mãn chính mình.  Thiên Chúa là Cha của Ngài, Người  ban cho Ngài một thân xác (x. Dt 10, 5), không những là một thân xác nhân loại mà Ngài đã nhận từ nơi Đức Trinh Nữ Maria, mà còn là một thân thể hội thánh mà bây giờ đây thân thể đó dự phần vào bản thân Ngài, không thể nào cách ly khỏi Ngài được.  Cái nhìn thâm sâu về mầu nhiệm Hội thánh cố gắng biểu hiện, làm cho ăn khớp, làm thành công thức, mối liên hệ ngoại thường nối kết Đức Kitô và Hội thánh:  mối liên hệ hữu thể, điều này đụng chạm đến hữu thể của Ngài.  Đức Kitô từ nay về sau không tách lìa khỏi Hội thánh của Ngài như Ngài không tách lìa khỏi Thiên Chúa.  Hình ảnh của Đức Trinh Nữ Maria trong hoạt cảnh Truyền tin có thể được lấy lại như là hình ảnh của Hội thánh.  Thần khí rợp bóng bao trùm chúng ta như trước đây đã rợp bóng bao phủ Đức Trinh Nữ Maria để làm phát sinh không ngừng Ngôi Lời của Thiên Chúa trong thế gian bằng lời chúng ta cho chúng ta.  Ngài cần đến chúng ta để cho Ngôi Lời của Thiên Chúa trở thành lời nhân loại trong thế gian.  Bởi vì không còn nữa Đức Giêsu thành Nagiarét phát ngôn, nhưng cần một ai khác nói nhơn danh Ngài.  Sau lễ Ngũ Tuần của Truyền tin và lễ Ngũ Tuần của phòng tiệc ly, cần có lễ Ngũ Tuần miên trường: Thần khí của Đức Giêsu cư ngụ nơi chúng ta làm phát sinh không ngừng trong thế gian thân xác hội thánh của Ngôi Lời Thiên Chúa, thân thể hội thánh của Đức Giêsu.

Nét đậm đặc và phức tạp của câu cuối cùng kết thúc lời kinh khẩn nguyện: thánh Phaolô xin với Cha của Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô, cho chúng ta nắm bắt được và cảm nếm được sự viên mãn của mầu nhiệm Đức Kitô, Đấng mà trong Hội thánh trở nên mầu nhiệm của chúng ta. Nghĩa là cho chúng ta biết được chúng ta là gì trong chân lý thâm sâu.  Ở đây, hạn từ “chúng ta” là hội thánh (nous ecclésial) đem lại giá trị, nhưng đối với từng người, từng môn đệ, từng tín hữu, đều có một mối tương quan nền tảng với Đức Kitô.  Đó là một trong những dữ kiện căn bản nhất trong những Thư cuối cùng của thánh Phaolô, đặc biệt Thư Êphêxô và Côlôxê.  Có một sự tiến bộ; không còn nữa một Phaolô trẻ trung khởi đầu sự nghiệp tông đồ; có một sự chín muồi về giáo lý và đức tin nơi thánh Phaolô dẫn ngài đến mầu nhiệm về Hội thánh như là thân thể của Đức Kitô.

Ở chương 3.  Kinh nguyện này khởi đầu bằng: “Nhân vì lẽ ấy”.  Điều này buộc chúng ta phải xem lại phần trước: đó là sự triển khai về ân sủng mà thánh Phaolô đã nhận được để loan báo Mầu nhiệm vĩ đại, mầu nhiệm Đức Kitô:

Nhân vì lẽ ấy, tôi, Phaolô, tù nhân của Đức Kitô Giêsu  vì anh em là dân ngoại … Thảng hoặc anh em đã nghe biết việc ThiênChúa an bài về ân sủng Người đã ban xuống cho tôi vì anh em.  Vì quả chiếu theo một mặc khải, mầu nhiệm đã được thông tri cho tôi, như tôi vừa diễn bày vắn tắt ở trên.  Đọc đi, anh em có thể hội ra được sự tôi am hiểu về mầu nhiệm Đức Kitô (ngài được ơn đi vào mầu nhiệm Đức Kitô): mầu nhiệm ấy, trong các thế hệ trước, chưa hề thông tri cho con cái loài người, nhưng nay trong Thần khí, đã được mặc khải ra cho các thánh tông đồ và tiên tri của Ngài: Ấy là dân ngoại, cùng với Ítraen là kẻ thừa tự, là Thân mình, và đồng hưởng lời hứa trong Đức Kitô Giêsu, nhờ bởi Tin Mừng (tất cả nhân loại được gọi làm dân tuyển chọn trở nên thân thể Đức Kitô).  Và tôi đã được sung làm tôi bộc của Ngài, thể theo ơn huệ Thiên Chúa đã ban xuống cho tôi, chiếu theo phép mầu của quyền năng Người: Tôi, người nhỏ hèn nhất giữa các thánh hết thảy, đã được ơn này ban xuống cho tôi là: giảng Tin mừng cho dân ngoại, để họ được biết sự giàu có vô phương dò thấu của Đức Kitô, và rọi soi cho biết Thiên Chúa an bài làm sao về mầu nhiệm đã giữ kín từ muôn thuở trong Thiên Chúa, Đấng tạo thành vạn sự, ngõ hầu bây giờ mầu nhiệm ấy được thông tri ra cho các thiên phủ, và các đấng uy linh chốn hoằng thiên, nhờ Hội thánh họ mới nhận ra sự khôn ngoan muôn hình vạn trạng của Thiên Chúa.  Đó là dự án có từ muôn thuở, Người đã thi hành trong Đức Kitô Giêsu Chúa chúng ta.  Trong Ngài, ta được tự do dạn dĩ, và được đến cùng Cha, đầy lòng tín thị bởi đã tin vào Ngài. (Nhờ Thiên Chúa; chúng ta trở nên những người nghĩa thiết của Thiên Chúa và Người cho phép chúng ta lại gần Người trong Đức Kitô)  Bởi vậy, tôi nài xin anh em đừng thối chí vì những nỗi quẫn bách tôi phải chịu vì anh em, đó là mối vinh dự cho anh em!” (Ep 13, 1-13).

Và thánh Phaolô dẫn vào kinh nguyện : “Nhân vì lẽ ấy, tôi quỳ gối trước mặt Cha, do tự người mọi gia tộc, trên trời dưới đất được có tên, xin người chiếu theo sự giàu có vinh quang của người, ban cho anh em: được phấn chấn đầy dũng lực, nhờ bởi Thần khí của Người, để thành người bên trong, được Đức Kitô ngự trong lòng anh em – nhờ bởi lòng tin – ngõ hầu khi đã đâm rễ sâu, và có nền móng trong lòng mến, anh em cùng hết thảy các thánh, có sức hội ra được mọi chiều: rộng dài cao sâu của lòng mến, được biết lòng mến của Đức Kitô siêu vời vượt quá trí tri; để anh em được sung mãn, hòng được vào trong tất cả sự viên mãn của Thiên Chúa.  Kính chúc Đấng vạn năng trên mọi sự, làm được cho ta hơn ngàn  trùng những điều ta cầu xin hay nghĩ tưởng, chiếu theo quyền phép kiến hiệu của Người trong ta, kính chúc Người vinh quang trong Hội thánh và trong Đức Kitô Giêsu, cho đến muôn nuôn thế hệ, đời đời kiếp kiếp. Amen” (Ep 3, 14-21).

Chúng ta có thái độ mới trong kinh nguyện của thánh Phaolô: thái độ thờ lạy.  Trước mầu nhiệm này, chỉ có một thái độ phù hợp : cúi sâu mình, chiêm ngưỡng, để cho mình loá mắt rồi nhắm lại trước vẽ đẹp, vẽ huy hoàng của Mầu nhiệm và cuối cùng quỳ gối xuống mà thờ lạy: “Tôi quỳ gối trước mặt Cha, do tự người mọi gia tộc, trên trời dưới đất được có tên”.  Cha là nguồn suối duy nhất, từ đó phát xuất mọi tình phụ tử, mẫu tử và mọi khả năng sinh sản.  Con người chỉ có thể là con người sinh ra nhưng là con người.  Kinh nguyện nào dâng lên cho Cha? Một kinh nguyện khẩn cầu, trong thái độ thờ lạy, quỳ gối: “Xin người chiếu theo sự giàu có vinh quang của người, ban cho anh em: được phấn chấn đầy dũng lực, nhờ bởi Thần khí của Người, để thành người bên trong”.  Ở đây, Thần khí được gọi đích danh:  “Hãy đến lạy Chúa Thánh Thần”.  Xin hãy đến lạy Thánh Thần Thiên Chúa, xin ban cho chúng con Thánh Thần Chúa đến cư ngụ trong chúng con, chiếm đoạt chúng con.   Lạy Thần khí của ngày lễ Ngũ Tuần xin hãy đến với lưỡi lửa, gió lớn đã chuyển động nhà Tiệc ly.  Xin Thần khí, hơi thở của Thiên Chúa lại đến, xin Ngài đánh động chúng con, xin Ngài đến trong chúng con để chiếm đoạt chúng con: “Ban cho anh em: được phấn chấn đầy dũng lực, nhờ bởi Thần khí của Người, để thành người bên trong”.  Đó là Thần khí sức mạnh; chúng ta yếu đuối, chúng ta cần được củng cố, vững mạnh; có những cuộc chiến phải đương đầu, đời sống không dễ dàng.  Các thánh Tông đồ, nhát đảm trước ngày lễ Hiện xuống, bổng chốc được Thần khí chiếm đoạt trở nên gan dạ trong việc tông đồ.  Để trở thành gan dạ trong sứ vụ cần phải có một sự vững chắc nội tâm để chúng ta không bị lay chuyển bởi mọi luồng gió: chúng ta phải kiên định khi cần thiết.

Được Đức Kitô ngự trong lòng anh em, nhờ bởi lòng tin”.  Chúng ta phải trở thành nơi cư trú của Đức Giêsu, nhà của Người.  Mầu nhiệm của đức tin, không chỉ đơn thuần là mầu nhiệm về tri thức, đó là mầu nhiệm kết nối với Đức Chúa cốt để cho Người cảm thấy thoải mái nơi chúng ta, để cho Người có thể đến chiếm đoạt chúng ta, làm cho chúng ta trở nên nghĩa tử, biến đổi chúng ta trong Người.  Và nếu Đức Giêsu là, chứng nhân, người thực hiện và diễn xuất tình yêu Thiên Chúa trong thế gian, cư ngụ trong chúng ta, lúc đó chúng ta được bám rễ và được thiết lập trong tìnhyêu: chớ gì chúng ta đâm rễ sâu trong tình yêu của Thiên Chúa để cho tình yêu đó trở nên nhựa sống nuôi dưỡng chúng ta.  Chớ gì chúng ta đâm rễ trong tình yêu, điều đó không có gì nguy hại.  Và hình ảnh của bộ rễ nói lên nhiều điều.  Nếu đọc lại Tin Mừng Gioan chương 15, với hình ảnh cây nho và cành nho, đó là hình ảnh thực vật, các bạn gặp được: “Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người đó” (x. Ga 15, 5).  Đó là cách mà Gioan nói về sự hiện diện của Chúa Kitô trong chúng ta.  Sự hiện diện nầy làm cho chúng ta ăn rễ trong Thiên Chúa tình yêu.  Một hình ảnh khác ít gợi hình hơn: “được thiết lập”; đó là hình ảnh về sự vững chắc, nền móng bền vững: củng cố con người nội tâm.

Ngõ hầu khi đã đâm rễ sâu, và có nền móng trong lòng mến, anh em cùng hết thảy các thánh, có sức hội ra được mọi chiều: rộng dài cao sâu của lòng mến, được biết lòng mến của Đức Kitô siêu vời vượt quá trí tri”.  Nếu bạn muốn đo lường tình yêu của Chúa Kitô:  chiều rộng, chiều dài, chiều cao, chiều sâu, điều đó là không thể!  Thật ảo tưởng bởi vì tình yêu này của Chúa Kitô vượt trên mọi hiểu biết.  Có điều gì đó mâu thuẫn: “biết lòng mến của Đức Kitô siêu vời vượt quá trí tri” !  Như thế không thể nào hiểu biết được tình yêu đó!  Và dù vậy mặc lòng cần phải chu tất sự mâu thuẫn này.  Tình yêu này bao phủ chúng ta, vượt trên chúng ta hoàn toàn.  Có một loại tri thức do đồng bản tính: nếu chúng ta yêu mến anh em, chúng ta hiểu biết, chúng ta nắm bắt cái gì đó của tình yêu, mà tình yêu này ở trong Thiên Chúa; người ta nắm bắt một số những khía cạnh nhỏ chứ không thể làm chủ tri thức này: người ta không thể đo lường tình yêu đó được, nó vô biên, khôn lường.  “Được biết lòng mến của Đức Kitô siêu vời vượt quá trí tri; để anh em được sung mãn, hòng được vào trong tất cả sự viên mãn của Thiên Chúa”.   Trước đó thánh Phaolô đã nói về sự viên mãn của Hội thánh.  Sự viên mãn của Thiên Chúa ban tặng chúng ta, chúng ta có thể đầy ắp Thiên Chúa: Thiên Chúa yêu thương chúng ta đối nỗi Người thông ban cho chúng ta chính sự sống của Người.

Vinh tụng ca rất tuyệt vời bởi sự lặp lại những mối liên hệ giữa Đức Kitô và Hội thánh: “Kính chúc Đấng vạn năng trên mọi sự, làm được cho ta hơn ngàn  trùng những điều ta cầu xin hay nghĩ tưởng”.  Chúng ta có thể cầu xin điều chúng ta mong ước.  Thiên Chúa có thể  làm vượt lên trên những điều chúng ta xin, những gì chúng ta nghĩ tưởng, tuy nhiên hiện thực về Thiên Chúa, về Đức Giêsu Kitô, về Mầu nhiệm trào tràn trên chúng ta tứ phía và điều đó là tốt nhất, theo ngôn từ của thánh Phaolô.  Chúng ta không đứng trước hiện thực đó, chúng ta nằm lọt vào trong.  “Chiếu theo quyền phép kiến hiệu của Người trong ta, kính chúc Người vinh quang trong Hội thánh và trong Đức Kitô Giêsu, cho đến muôn nuôn thế hệ, đời đời kiếp kiếp. Amen”.    Trong phần cuối của kinh nguyện này, sự kết hợp giữa Hội thánh và  Đức Giêsu Kitô lại bắt gặp phần cuối của kinh nguyện trước đây để nói rằng Hội thánh là bí tích của Chúa Kitô hôm nay.  Hội thánh là sự hiện diện của Chúa Kitô nơi trần gian, Hội thánh là hoạt động của Chúa Kitô trong thế gian.  Bà thánh Jeanne d’Arc nói: “Đức Kitô và Hội thánh, chỉ là một”.  Điều này không ngụ ý nói Hội thánh là Thiên Chúa nhưng nói Hội thánh là sự sống phong phú  của Thiên Chúa được ban cho Hội thánh.  Từ cuối cùng của kinh nguyện là : “Amen”.

 

Lm  Fichelle

  Lm Lu-Y Nguyễn Quang Vinh chuyển ng

WGPKT(02/04/2023) KONTUM