Chúa Nhật IX Thường Niên Năm A – Chúa Ba Ngôi (CN 04.06.2023)

Bài đọc 1: Xh 34,4b-6.8-9

Đức Chúa ! Đức Chúa ! Thiên Chúa nhân hậu và từ bi.

Bài trích sách Xuất hành.

4b Khi ấy, ông Mô-sê thức dậy và lên núi Xi-nai theo lệnh của Đức Chúa, tay mang hai bia đá.

5 Đức Chúa ngự xuống trong đám mây và đứng đó với ông. Người xưng danh Người là Đức Chúa. 6 Đức Chúa đi qua trước mặt ông và xướng : “Đức Chúa ! Đức Chúa ! Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín.” 8 Ông Mô-sê vội vàng phục xuống đất thờ lạy 9 và thưa : “Lạy Chúa, nếu quả thật con được nghĩa với Chúa, thì xin Chúa cùng đi với chúng con. Dân này là một dân cứng đầu cứng cổ, nhưng xin Ngài tha thứ những lỗi lầm và tội lỗi của chúng con, và nhận chúng con làm cơ nghiệp của Ngài.”

Đáp ca: Đn 3,52.53-54.55-56 (Đ. c.52b)

Đ.Xin dâng lời khen ngợi suy tôn muôn đời.

52Lạy Chúa, chúc tụng Ngài
là Thiên Chúa tổ tiên chúng con,
chúc tụng danh thánh Ngài vinh hiển.

Đ.Xin dâng lời khen ngợi suy tôn muôn đời.

53Chúc tụng Chúa trong thánh điện vinh quang,54chúc tụng Chúa trên ngôi báu cửu trùng.

Đ.Xin dâng lời khen ngợi suy tôn muôn đời.

55Chúc tụng Chúa, Đấng ngự trên các thần hộ giá
mà thấu nhìn vực thẳm,56chúc tụng Chúa trên vòm trời tận chốn cao xanh.

Đ.Xin dâng lời khen ngợi suy tôn muôn đời.

Bài đọc 2: 2 Cr 13,11-13

Ân sủng của Chúa Giê-su Ki-tô, tình thương của Chúa Cha, và ơn hiệp thông của Chúa Thánh Thần.

Bài trích thư thứ hai của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.

11 Thưa anh em, anh em hãy vui mừng và gắng nên hoàn thiện. Hãy khuyến khích nhau, hãy đồng tâm nhất trí và ăn ở thuận hoà. Như vậy, Thiên Chúa là nguồn yêu thương và bình an, sẽ ở cùng anh em.

12 Anh em hãy hôn chào nhau cách thánh thiện. Mọi người thuộc dân thánh ở đây gửi lời chào anh em.

13 Cầu chúc toàn thể anh em được đầy tràn ân sủng của Chúa Giê-su Ki-tô, đầy tình thương của Thiên Chúa, và ơn hiệp thông của Thánh Thần. A-men.

Tung hô Tin Mừng: x. Kh 1,8

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a.

Xin dâng lời tôn vinh chúc tụng

Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần

là Thiên Chúa đã có, hiện có và đang đến,

xin tôn vinh chúc tụng muôn đời. Ha-lê-lui-a.

Tin Mừng: Ga 3,16-18

Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

16 “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. 17 Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. 18 Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án ; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa.”

(Nguồn: ktcgkpv.org)

Suy niệm 1: Lm. Lu-y Gonzaga Nguyễn Quang Vinh

MẦU NHIỆM CHÚA BA NGÔI

Tín điều Một Chúa Ba Ngôi ngày xưa được gọi: Nhất Thể Tam Vị, là một tín điều quan trọng và khó hiểu trong Kitô giáo, thật ra mầu nhiệm Thiên Chúa Độc Nhất thì trong Cựu Ước đã có từ lâu rồi, người Do thái được gọi là dân theo độc thần giáo, tức chỉ tôn thờ Một Thiên Chúa mà thôi, còn các dân khác theo đa thần giáo.  Thiên Chúa Ba Ngôi là tín điều mới mẽ, một mặc khải Kinh thánh và được Giáo Hội định tín.

Kinh thánh nói gì về tín điều này.  Tìm trong Kinh thánh về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, chúng ta thấy có sự thinh lặng.  Không đoạn Kinh thánh nào nói rõ về tín điều Một Chúa Ba Ngôi cả.    Trong Cựu Ước có ám chỉ đến Chúa Ba Ngôi qua trình thuật ông Ápraham đón tiếp ba thần sứ của Thiên Chúa : “Đức Chúa hiện ra với ông Ápraham tại cụm sồi Mamrê, khi ông đang ngồi ở cửa lều, vào lúc nóng nực nhất trong ngày.  Ông ngước mắt lên thì thấy có ba người đứng gần ông … ông sụp xuống lạy…” (St 18, 1-2).  Được gợi ý từ trình thuật nầy họa sĩ André Roublev người Nga, ở thế kỷ 16 đã sáng tác bức tranh thánh tượng (icône) nổi tiếng diễn tả buổi tiếp đón các thần sứ dưới hình dạng ba nhân vật ngồi bàn ăn, còn ông Ápraham đứng hầu bàn.  Bức thánh tượng được truyền thống công giáo nhìn nhận là lời tiên báo về Chúa Ba Ngôi.  Điều đáng suy niệm là trong bức thánh tượng này nhà họa sĩ có đặt một chiếc ghế đẩu trống, không ai ngồi cả.  Phải chăng ngụ ý của nhà hoạ sĩ muốn nói chiếc ghế đó là chỗ dành cho bất cứ ai muốn đi vào đối thoại và tham dự đời sống của Thiên Chúa.

Trong Tân Ước nhiều đoạn nói đến Chúa Ba Ngôi nhưng không dùng số đếm toán học: “Cầu chúc toàn thể anh em được đầy tràn ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, đầy tình thương của Thiên Chúa, và ơn hiệp thông của Thánh Thần. A-men” (x. Bài Đọc 2. 2Cr 13, 11-13) .  Trong Thư thứ nhất, Thánh Gioan có nói đến số ba: “Cả ba đều làm chứng: nước, Thánh Thần và máu” (1Ga 5,8).   Lời mặc khải về Thiên Chúa được thánh Gioan khẳng định: “ Thiên Chúa đã ban Con Một cho thế gian để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết” (x. Bài Tin Mừng Ga 3, 16-18).  Như thế có sự khẳng định sự hiện diện của Cha, Con và Thánh Thần.  Ba Ngôi cũng không phải là danh xưng của Thiên Chúa, nhưng là tên của một tín điều được Giáo Hội tuyên xưng.  Chúng ta không biết gì về sinh hoạt của Thiên Chúa.  Chúng ta chỉ có thể nói về Thiên Chúa căn cứ vào những gì Đức Giêsu mặc khải qua lời Người nói và việc Người làm.  Đức Giêsu chính là hoạt động bên ngoài của Thiên Chúa. Căn cứ vào hoạt động của Người thi ân cho chúng ta mà chúng ta biết về Chúa Ba Ngôi, hoạt động đó gồm có lời Người giảng dạy và các phép lạ Người làm, bản thân của Đức Giêsu là trọn vẹn mặc khải về Chúa Ba Ngôi.

Trong ý nghĩa giản lược chúng ta có thể hiểu về chức năng của từng ngôi vị:  Chúa Cha sáng tạo và vận hành vũ trụ ; Chúa Con xuống thế cứu chuộc nhân loại bằng cái chết và sự phục sinh của mình; Chúa Thánh Thần thánh hoá và hướng dẫn Giáo Hội.  Chức năng chính yếu của Cha là sinh ra Con; Con được Cha sinh ra; và Thánh Thần xuất hiện cách nhiệm lạ từ tình yêu của Cha và Con, chứ không phải Cha và Con sinh ra Thánh Thần. Ba Ngôi hiện hữu cùng một trật, có cùng một bản thể, có quyền năng ngang nhau, điều làm cho Ba Ngôi khác biệt nhau chính là mối tương quan, Cha sinh ra Con, chứ không nói ngược lại Con sinh ra Cha …  Mọi hoạt động của Thiên Chúa Ba Ngôi là do năng lực của Chúa Thánh Thần từ sáng tạo cho đến cứu chuộc.

Thánh Thần là tình yêu liên lỉ giữa Cha và Con, như vậy Thiên Chúa là tình yêu có chuyển động, một tình yêu không đơn độc khép kín trong tháp ngà, do đó sinh hoạt của Thiên Chúa chỉ là tình yêu tạo dựng và cứu độ .  Truyền thống Giáo Hội Đông phương cho rằng Thánh Thần là nụ hôn của Cha trao cho Con, khi Cha yêu Con và hôn Con thì Thánh Thần xuất hiện.  Thánh Thần xuất hiện một cách nhiệm lạ từ Cha và Con, thần học gọi là nhiệm xuất.

Lạy Chúa Ba Ngôi, con tin thật tình yêu của Chúa Cha đã được thực hiện trong vũ trụ qua các công trình sáng tạo, con tin Chúa Con cứu độ trần gian bằng cuộc khổ nạn và phục sinh, con tin Chúa Thánh Thần là sức sống thánh hoá Giáo Hội.  Amen

__________________

Suy niệm 2: Lm. Thái Nguyên

NGUỒN TÌNH YÊU

Suy niệm

Có lẽ trong tất cả mọi điều khó hiểu, thì tình yêu là điều khó hiểu nhất, nhưng lại là sự chi phối lớn nhất trong cuộc sống con người. Tình yêu làm nên những điều kỳ diệu trong đời sống nhân loại. Chẳng ai có thể định nghĩa được tình yêu, vì tình yêu thì vô biên. Nhưng chẳng có gì vô biên ngoài Thiên Chúa, mà Thiên Chúa là Tình Yêu, một mầu nhiệm vượt trí não và chỉ cảm nghiệm bằng con tim: một con tim tràn đầy yêu thương sẽ nhận ra biết bao điều lạ lùng mà Thiên Chúa làm nên trong vũ trụ thiên nhiên, và trong chính sự hiện diện của mình. Voltaire đã nói: “Chỉ cần mở mắt ra là ta nhận biết sự hiện hữu của Thiên Chúa”. Abraham Lincoln còn nói: “Tôi không hiểu làm sao người ta có thể là người vô thần được khi nhìn xuống mặt đất. Tôi cũng không thể hình dung một người nào đó nhìn lên trời mà nói không có Thiên Chúa”.

Thiên Chúa đã làm nên tất cả chỉ vì yêu thương loài người mà Ngài đã dựng nên. Trong bài đọc 1, trích sách Xuất Hành, Thiên Chúa đã tự mạc khải Ngài là “Thiên Chúa từ bi, nhân hậu, nhẫn nại, giàu ân nghĩa và thành tín” (Xh 34,4-6.8-9). Cho dù dân được tuyển chọn đã đem lòng phản bội, Ngài vẫn yêu thương tha thứ. Qua những trang Sách Thánh, Thiên Chúa còn cho ta biết thêm rằng Ngài không phải là Thiên Chúa đơn độc, nhưng là Thiên Chúa Ba Ngôi: Ngôi Cha, Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần. Tuy Ba Ngôi Vị khác nhau, nhưng cùng một bản thể, một sự sống, một ước muốn, một hành động. Nói vắn tắt là Ba Ngôi nên một với nhau trong tình yêu. Đây là mầu nhiệm về đời sống nội tại của Thiên Chúa, nhưng còn là mầu nhiệm của Thiên Chúa “cho chúng ta”.

Thiên Chúa Ba Ngôi là Thiên Chúa Tình Yêu, vì Cha trao tất cả cho Con, Con dâng tất cả cho Cha. Thánh Thần là sự thông hiệp giữa Cha và Con. Đó là một Tình Yêu duy nhất tràn ngập khắp vũ trụ, hiển hiện dưới ba hoạt động làm nền tảng của đời sống con người, đó là:

– Tình Yêu Sáng Tạo khi Thiên Chúa dựng nên con người theo hình ảnh của Ngài, mang tính linh thiêng và sâu nhiệm.

– Tình Yêu Cứu Độ khi Thiên Chúa giải thoát chúng ta khỏi ách nô lệ tội lỗi nhờ Đức Giêsu Kitô, để ta nên con cái Thiên Chúa.

– Tình Yêu Thánh Hóa khi Ngài ban cho chúng ta sức sống mới là đời sống trong Chúa Thánh Thần, để ta mang Tin Mừng đến muôn dân.

Tình yêu Thiên Chúa là tình yêu hiến trao:“Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã trao ban Con Một của Người, để bất cứ ai tin vào Người Con ấy thì không phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Ga 3, 16). Thiên Chúa không muốn cho ai phải trầm luân hay hư mất. Nếu có, thì không phải vì Thiên Chúa đành tâm bỏ mặc, nhưng vì con người đã vô tâm bỏ mặc, không tha thiết gì. Con người có thể tin hay từ chối, mở ra hay khép lại trước sự sống mới được trao ban như một quà tặng cho không. Chỉ là tình yêu khi có sự đáp trả nơi con người.

Nhân loại chúng ta phát xuất từ tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi, nên mỗi người đều mang trong mình một trái tim yêu thương. Càng yêu thương, con người càng nên giống Thiên Chúa, càng có khả năng siêu việt mà triết lý Đông phương gọi là “cùng Thần tri hóa”, nghĩa là cùng góp phần với Thiên Chúa, để đổi mới thế giới này cho phù hợp với kế hoạch tình yêu của Ngài. Tuy nhiên, tình yêu nơi con người vẫn chen lẫn nhiều ích kỷ, kiêu căng, hận thù, ghen ghét…, cần phải thanh luyện cho tình yêu của mình ngày càng thêm tinh ròng và sâu rộng, giống như tình yêu Thiên Chúa, Đấng đã dựng nên con người giống hình ảnh Ngài.

Chúng ta sẽ mãi mãi xa lạ với Thiên Chúa nếu chúng ta không sống tình yêu. “Ai không yêu thì không biết Thiên Chúa” (1Ga 4,8). Ai không ở lại trong tình yêu thì cũng không ở lại trong Thiên Chúa (x.1Ga 4,16). Tình yêu biến đổi phận người và làm cho chúng ta nên vĩ đại. Nếu có những kẻ tầm thường ti tiện, bị coi là tiểu nhân hay kẻ xấu xa, thì không phải là những kẻ vô danh tiểu tốt, hay dốt nát không có văn hóa, mà là những kẻ sống không có tình yêu, hoặc đó là tình yêu ích kỷ chỉ biết lo nghĩ cho riêng mình, không hướng tới tha nhân.

Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi sẽ sáng lên trong cuộc đời Kitô hữu, khi chúng ta làm mọi việc chỉ vì tình yêu, một tình yêu như Chúa đã yêu thương chúng ta. Chính trong tình yêu mà chúng ta được hiệp nhất với Chúa và với nhau, làm thành một sức mạnh linh thiêng để xây dựng gia đình, cộng đoàn, xứ đạo, Giáo Hội, thành hiện thân của tình yêu Chúa Ba Ngôi. Đó chính là dấu chứng của một thực tại vô hình, là biểu hiện đích thực của niềm vui sự sống và hạnh phúc muôn đời.

Cầu nguyện

Lạy Chúa là Thiên Chúa Ba Ngôi!

là nguồn suối tình yêu và sự sống,

là an vui và hạnh phúc hiệp thông,

là khởi nguyên và cùng đích của con người.

Xin cho chúng con vững tin vào Ngài,

Đấng ẩn thân lặng lẽ trong cuộc trần,

Đấng ẩn dật nơi thiên nhiên vạn vật,

Đấng ẩn mình trong tận đáy lòng con.

Đấng mà thế nhân luôn hằng khao khát,

luôn băn khoăn khắc khoải kiếm tìm Ngài.

Trong một thế giới phân tranh,

đề cao quyền lực và lợi danh,

xin cho con sống hiền lành và khiêm nhượng.

Trong một thế giới phân chia,

đầy ham mê thống trị và chiếm đoạt,

xin cho con sống phục vụ và thanh thoát.

Trong một thế giới phân hóa,

phân biệt giàu nghèo và trên dưới sang hèn,

xin cho con sống hòa đồng và hiệp thông.

Trong một thế giới thực dụng và hưởng thụ,

lo mưu tìm giàu sang danh vọng và lạc thú,

xin cho con sống thanh bần và khiết tịnh.

Như tình yêu Ba Ngôi luôn hiệp nhất,

xin cho con đừng cao thấp hơn thua,

đừng ngồi đó mà phân bua phê phán,

nhưng ra đi xây dựng lại tình người,

điểm tô đời bằng cuộc sống đẹp tươi,

đem an vui và tin yêu hy vọng.

Xin cho thế giới lần hồi biến đổi,

để mai kia thành trời mới đất mới

nơi vinh phúc ngàn đời con ca ngợi,

cùng muôn người tán tạ Chúa Ba Ngôi. Amen.

WGPKT(31/05/2023) KONTUM