Hãy Đi Và Làm Phép Rửa (24.05.2020 – Chúa Nhật VII Phục Sinh – Chúa Thăng Thiên – Năm A)

     Đức Giêsu sống lại là niềm tin lớn nhất, căn bản nhất trong các tín điều Kitô giáo, tuy nhiên sống lại chưa phải là tận điểm của hành trình Kitô giáo mà còn hướng về trời nữa, vì quê thật chúng ta ở trên trời.  Sống lại là biến cố bản lề, từ đó đi vào giai đoạn mới của lịch sử Cứu Độ, đặt chúng ta trong niềm cậy trông lên trời cùng với Đấng phục sinh. 

     Lịch sử Cứu độ chia thành nhiều giai đoạnThời kỳ chuẩn bị trong Cựu Ước khá dài gần 20 thế kỷ từ khi ông Ápraham được Thiên Chúa kêu gọi cho đến khi Đức Giêsu ra đời.  Tiếp đến là thời kỳ Thiên Chúa hiện diện hữu hình nơi trần gian, chừng 33 năm, từ Đức Giêsu nhập thể sống thân phận con người như chúng ta, lao động, sinh hoạt, rao giảng Nước Thiên Chúa, rồi tử nạn và phục sinh.  Sau biến cố phục sinh Đức Giêsu lưu lại với các môn đệ 40 ngày:  “trong bốn mươi ngày, Người hiện ra nói chuyện với các ông về Nước Thiên Chúa” (x. Bài Đọc 1. Cv 1, 1-11).  Đến thời điểm Đức Giêsu về trời, chấm dứt giai đoạn xuất hiện hữu hình.  Người đổi cách thức hiện diện, thay vì hiện diện cách cụ thể, Người tiếp tục ở với các môn đệ bằng sự hiện diện vô hình, thời kỳ nầy người Kitô hữu phải dùng con mắt đức tin để nhận ra Thiên Chúa hiện diện trong  sinh hoạt của Hội thánh và trong cuộc sống của họ.  “Phúc cho ai không thấy mà tin“, lời của Đức Giêsu.

     Biến cố Lên trời được Tin mừng Mátthêu tường thuật: Đức Giêsu hẹn gặp các môn đệ trên một ngọn núi, tại Galilê  “vùng đất dân ngoại”.  Khi Thấy Đức Giêsu, các môn đệ sụp lạy Chúa.  Đức Giêsu trao cho họ sứ mệnh truyền giáo: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em.  Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (x. Bài Tin mừng. Mt 28,16-20).  “Nói xong, Người được cất lên ngay trước mặt các ông” (Bài Đọc 1). 

     Chấm dứt giai đoạn hiện diện hữu hình, bước vào một giai đoạn mới, giai đoạn Chúa hiện diện mà không bị lệ thuộc vào không gian và thời gian nữa.  Ở vào giai đoạn nầy người tín hữu sử dụng đức tin để nhận ra Đấng vô hình, Người vắng mặt nhưng vẫn cận kề với môn đệ, bằng cầu nguyện, suy niệm, chiêm niệm người tín hữu đi vào hiệp thông với Thiên Chúa, tức là sống sự hiện diện vô hình của Thiên Chúa.

     Sự kiện Đức Giêsu chọn một ngọn núi tại Galilê, “vùng đất dân ngoại” để từ biệt các môn đệ và trao ban sứ điệp quan trọng về truyền giáo trước khi về trời, chắc hẳn Đức Giêsu muốn đánh động các môn đệ về ý thức truyền giáo, rằng ơn cứu độ được ban cho mọi dân tộc không kỳ thị bất cứ ai, rằng Giáo hội không thuộc độc quyền về dân tộc nào cả.  Lệnh truyền giáo được ban ra vào thời điểm trước khi về trời là mệnh lệnh và là lời trăn trối của Chúa Giêsu cho đến hôm nay vẫn còn nguyên hiệu lực của nó.  Lệnh truyền nầy vẫn chưa ‘quá đát’ hay lỗi thời, nhất là khi nhìn vào cục diện thế giới, mới chỉ 1/6 nhân loại tin theo Đức Giêsu Kitô, khi nhìn đến các nước theo Kitô giáo cũ cần được tái rao giảng tin mừng hay tân phúc âm hóa, tất cả cho thấy rằng lệnh truyền giáo sau 2.000 năm vẫn giữ y nguyên hiệu lực cùng với sự cấp bách của nó. 

     Loan báo Tin mừng vẫn luôn là ưu tư hàng đầu của Giáo hội hôm nay.  Đan cử Á Châu, một lục địa đông dân nhất hành tinh nhưng lại ít Kitô hữu nhất.  Một sứ mệnh bao la được trao cho nhóm môn đệ ít học với lời hứa đơn giản: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”.  Vốn liếng chỉ có thế !  Xem ra viễn vông, làm chúng ta thất vọng.  Nhưng hãy suy nghĩ kỹ, nếu Giáo hội là của con người thì Giáo hội đã thành bùn từ lâu rồi. 

     Chính Chúa Thánh thần là hơi thở, là linh hồn và là sự sống của Giáo hội, sức mạnh thần thiêng nầy được Đức Giêsu hứa ban cùng với lời bảo chứng “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”.  Truyền giáo là bản chất của Giáo hội theo định nghĩa của Công Đồng Vaticanô II, nghĩa là một khi không truyền giáo, Giáo hội không còn là mình nữa.  Những gì nói cho Giáo hội thì cũng nói cho người Kitô hữu, nghĩa là Kitô hữu luôn mật thiết gắn bó với sứ mệnh loan báo tin mừng.

     Lạy Chúa Giêsu Kitô phục sinh, xin cho con biết quan tâm đến lệnh truyền giáo của Chúa để con biết cầu nguyện, khích lệ ơn gọi nơi con em, đóng góp công sức cho việc truyền giáo trong Giáo Phận con đang sống. Amen

Lu-Y Nguyễn Quang Vinh

Lm Kontum giáo xứ Đức An

WGPKT(22/05/2020) KONTUM