Chúa Nhật XV Thường Niên – Năm C (CN.10.07.2022)

BÀI ĐỌC I: Đnl 30, 10-14

“Lời ở sát bên các ngươi, để các ngươi thực thi”.

Trích sách Đệ Nhị Luật.

Môsê nói cùng dân chúng rằng: “Nếu các ngươi nghe tiếng Chúa là Thiên Chúa các ngươi, hãy tuân giữ các giới răn và huấn thị của Người đã được ghi chép trong sách Luật này, hãy trở về cùng Chúa là Thiên Chúa các ngươi hết lòng và hết linh hồn các ngươi. Thánh chỉ ta truyền cho các ngươi hôm nay không quá khó khăn cũng không quá sức các ngươi. Nó không phải ở đâu trên trời, để các ngươi có thể nói: ‘Ai trong chúng tôi có thể lên trời mang luật xuống giảng cho chúng tôi nghe để chúng tôi thực hành được?’ Nó cũng không phải ở bên kia biển, để các ngươi viện lẽ nói rằng: ‘Ai trong chúng tôi có thể vượt biển, và mang nó về cho chúng tôi, để chúng tôi được nghe và thực hành điều đã truyền dạy?’ Nhưng lời ở sát bên các ngươi, nơi miệng các ngươi, trong lòng các ngươi, để các ngươi thực thi”.

Đó là lời Chúa.

BÀI ĐỌC II: Cl 1, 15-20

“Mọi vật đã được tạo thành nhờ Người và trong Người”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôxê.

Đức Giêsu Kitô là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử mọi tạo vật; vì trong Người muôn loài trên trời dưới đất đã được tác thành, mọi vật hữu hình và vô hình, dù là các Bệ thần hay Quản thần, dù là Chủ thần hay Quyền thần: Mọi vật đã được tạo thành nhờ Người và trong Người. Và Người có trước mọi loài và mọi loài tồn tại trong Người. Người là đầu thân thể tức là Hội thánh, là nguyên thuỷ và là trưởng tử giữa kẻ chết, để Người làm bá chủ mọi loài. Vì chưng, Thiên Chúa đã muốn đặt tất cả viên mãn nơi Người. và Thiên Chúa đã giao hoà vạn vật nhờ Người và vì Người; nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa ban hoà bình trên trời dưới đất.

Đó là lời Chúa.

Lời Chúa: Lc 10, 25-37

“Ai là anh em của tôi?”

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, có một người thông luật đứng dậy hỏi thử Chúa Giêsu rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời”. Người nói với ông: “Trong Lề luật đã chép như thế nào? Ông đọc thấy gì trong đó?” Ông trả lời: “Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức và hết trí khôn ngươi, và hãy thương mến anh em như chính mình”. Chúa Giêsu nói: “Ông đã trả lời đúng, hãy làm như vậy và ông sẽ được sống”. Nhưng người đó muốn bào chữa mình, nên thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Nhưng ai là anh em của tôi?” Chúa Giêsu nói tiếp:

“Một người đi từ Giêrusalem xuống Giêricô, và rơi vào tay bọn cướp; chúng bóc lột người ấy, đánh nhừ tử rồi bỏ đi, để người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ một tư tế cũng đi qua đường đó, trông thấy nạn nhân, ông liền đi qua. Cũng vậy, một trợ tế khi đi đến đó, trông thấy nạn nhân, cũng đi qua. Nhưng một người xứ Samaria đi đường đến gần người ấy, trông thấy và động lòng thương. Người đó lại gần, băng bó những vết thương, xức dầu và rượu, rồi đỡ nạn nhân lên lừa mình, đưa về quán trọ săn sóc. Hôm sau, lấy ra hai quan tiền, ông trao cho chủ quán mà bảo rằng: ‘Ông hãy săn sóc người ấy và ngoài ra, còn tốn phí hơn bao nhiêu, khi trở về, tôi sẽ trả lại ông’. Theo ông nghĩ, ai trong ba người đó là anh em của người bị rơi vào tay bọn cướp?” Người thông luật trả lời: “Kẻ đã tỏ lòng thương xót với người ấy”. Và Chúa Giêsu bảo ông: “Ông cũng hãy đi và làm như vậy”.

Đó là lời Chúa

——————-

Suy Niệm 1:                       Linh mục Lu-y Nguyễn Quang Vinh

 

NGƯỜI  SAMARI NHÂN HẬU

Người Samari nhân hậu là chủ đề của Chúa nhật 15 C.  Lời Chúa soi sáng buổi cử hành phụng vụ và mặc cho nó tính phong phú và sâu rộng, dĩ nhiên đừng coi đây là bài học thuần túy luân lý (chỉ dạy làm điều thiện, tránh việc ác).  Chuyện người thông luật hỏi Đức Giêsu làm thế nào để có sự sống đời đời.  Người đã bắt ông trả bài về điều luật dạy, người thông luật trích dẫn sách Đệ Nhị Luật 6,4: “Ngươi phải yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực và hết trí khôn ngươi”, và ông đọc tiếp sách Lêvi 19,18: “và yêu người thân cận như chính mình”.  Đức Giêsu khen lời trích dẫn của ông phù hợp với giáo huấn của Chúa và khuyên ông thực hành như vậy.

Nhưng nhà thông luật vặn lại: “Nhưng ai là người thân cận của tôi?” (x. Bài Tin Mừng Lc 10, 25-37).  Ông ta muốn đi vào thực tế hơn là lý thuyết trong sách vở. Chúng ta biết rằng vào thời đó có nhiều chủ trương khác nhau được các tiến sĩ luật tranh luận về luật nào quan trọng nhất, người thì cho rằng tôn thờ Thiên Chúa là điều quan trọng nhất, tức là độc thần giáo, chỉ thờ một mình Thiên Chúa mà thôi; người thì cho rằng luật yêu thương là quan trọng nhất.  Đức Giêsu là người Đông Phương, Người trả lời bằng một dụ ngôn hơn là lý giải theo não trạng Tây Phương dựa vào luận lý, có khuynh hướng chẻ sợi tóc làm bốn.  Tố chất người Đông Phương là huyền bí.

Câu chuyện xảy ra trên con đường dài 25 cây số từ Giêrusalem đến Giêrikhô, về mặt địa dư kinh thành Giêrusalem cao hơn Giêrikhô chừng 1.000 mét, một cuộc phục kích của đạo tặc đã cướp tài sản và đánh thừa sống thiếu chết một bộ hành.  Xuất hiện ba nhân vật đi ngang qua hiện trường nầy gồm có thầy tư tế, thầy Lêvi và người Samari, cả ba đều bất ngờ gặp người bị nạn nằm lề đường vào thời điểm khác nhau.  Thầy tư tế và thầy Lêvi, đại diện cho hàng lãnh đạo Do thái, cả hai chức sắc vội tránh sang mé bên kia đường và nhanh chân tiến bước không ngoái cổ lại, có lẽ các thầy nhớ điều khoản nầy trong sách Dân số 19,11-13.16 : cấm không được đụng vào xác chết, ai đụng vào thì mắc ô uế trong 7 ngày, như thế sẽ không dâng lễ tế được. 

Tuy nhiên các thầy chóng quên câu nói của tiên tri Hôsê 6,6: “Ta muốn lòng nhân từ, chứ không muốn hy lễ”.   Người thứ ba đi ngang qua đó là cư dân Samari, ông bị coi là kẻ lạc giáo, đạo ba rọi, đối chọi với hai vị thầy đáng kính của đền thờ. Ông nhận thấy ở hiện trường có người lâm nạn, ông động lòng trắc ẩn, xuống lừa ra tay cứu giúp, băng bó, xoa bóp và đem đến quán trọ và trả tiền thuốc men.   Xứ Samari nằm ở miền trung nước Do thái, xứ nầy đã bị xâm chiếm và cai trị bởi nhiều sắc dân khác nhau, cho nên tôn giáo của Samari ngã theo đa thần giáo so với tôn giáo được coi là tinh ròng của người Do thái ở Giuđê thuộc miền Nam nơi đây có thành thánh Giêrusalem.  Cho nên có sự kỳ thị, tẩy chay nhau giữa người Do thái và người Samari, họ bị người Do thái khinh bỉ vì theo đạo hỗn hợp.

Kể xong câu chuyện, Đức Giêsu  hỏi ý kiến : “Ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?”  Chúng ta nhận thấy Đức Giêsu đảo ngược câu hỏi của nhà thông luật, thay vì trả lời câu hỏi “Ai là người thân cận”,  thì Người lại hỏi “Ai đã tỏ ra thân cận với người gặp nạn ?”   Cách đặt vấn đề như tích cực chất vấn người đặt câu hỏi.  Thật ra câu hỏi “Ai là người thân cận” không quan trọng bằng câu hỏi ‘tôi đã tỏ ra thân cận với ai’.  Nhận ra người thân cận không quan trọng bằng tỏ ra thân cận với họ, đó chính là thái độ tích cực thực hành tôn giáo, sống tình huynh đệ đối với tha nhân.  Cách hành xử tốt với tha nhân kéo người tín hữu ra khỏi mớ lý thuyết, nó sẽ vô tích sự nếu không đem ra ứng dụng trong đời sống.

Tỏ ra thân cận giả thiết có sự cảm thông, am hiểu hoàn cảnh và quảng đại hy sinh thời giờ, tiền bạc, giúp đỡ người lâm nạn, bằng lòng liên lụy với họ, đó là sống bác ái bằng hành động.  Bài học rút được từ dụ ngôn nầy là có khi chúng ta tự hào quá đáng về tư cách Kitô hữu của mình mà quên đi tỏ ra thân cận với tha nhân, quên sống bác ái với người gặp nạn, thử hỏi liệu tín hữu đó hơn gì lương dân.  Động lòng trắc ẩn thi hành bác ái, là quy luật không miễn chuẩn cho bất cứ giới chức nào trong Giáo Hội.

Người bị nạn đó là ai?  Là người gặp bất hạnh về tinh thần và vật chất trong đời thường.  Có thể là chính chúng ta, lúc đó sự quan tâm của ai khác dù là một lời nói, là sự có mặt hay một lời cổ vũ động viên, tất cả đếu rất quý và được đón nhận ghi ơn.  Biết đâu kẻ đó lại là một Đức Kitô bị bỏ rơi xuất hiện qua một thân xác nghèo khổ, nhớ lại lời của Tin mừng Mátthêu (25, 35-45) khi làm một việc nhỏ cho kẻ bất hạnh là làm cho chính Đức Giêsu.  Và người Samari nhân hậu đó là Ai?  Có nhà chiêm niệm cho rằng đó là Đức Giêsu Kitô và kẻ bộ hành là nhân loại bị thương tích trầm trọng, được chính Đấng Cứu Độ thương giúp tận tình ban lại cho con người tình thương và sự sống.

Lạy Chúa Giêsu, xin dạy con có tâm hồn nhạy cảm, biết cảm thông và ra tay giúp đỡ tha nhân, là dấu chỉ thân cận mà Chúa đòi hỏi; xin cho con đừng chỉ ngồi chờ, mong đợi người khác tỏ ra thân vận mà tích cực tỏ ra thân cận với tha nhân. Amen

————-

Suy Niệm 2:                             Linh mục Phêrô Nguyễn Vân Đông

 

THẤY NGƯỜI HOẠN NẠN THÌ THƯƠNG

1. “Thấy người hoạn nạn thì thương,

Thấy người tàn tật lại càng chăm nom.”

Hai câu đầy tính nhân văn này là trong Gia Huấn Ca của Nguyễn Trãi. (1380-1442). Những năm còn ngồi trên ghế nhà trường, mình cũng được học về tình thương người qua những giòng thơ lục bát rất ư là dễ thương này.

2. Bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu kể chuyện có một người gặp hoạn nạn rất tội nghiệp, mà thầy tư tế cao cả , rồi thầy Lê-vi, là những bậc mô phạm, có địa vị đáng nể trong Đền Thờ mà làm lơ trước lời van xin kêu cứu của nạn nhân và bỏ mặc mà đành đi luôn. Nhưng có một người ngoại đạo dân Samari thì lại tận tình cứu giúp.

3. Bài Tin Mừng này là một Dụ Ngôn của Chúa Giêsu. Trong các sách Tin Mừng có khoảng 50 Dụ Ngôn. Dụ Ngôn là những bài học rất dễ hiểu mà Chúa Giêsu dạy cho dân chúng. Dùng những chuyện dưới đất mà dạy về những chuyện trên trời : Chuyện người cha nhân hậu qua hình ảnh đứa con hoang đàng hối hận trở về; chuyện người làm công giờ thứ 11 mà cũng lãnh tiền bằng người làm từ đầu ngày; chuyện 10 người trinh nữ cầm đèn đón chàng rể mà có 5 cô khôn và có tới 5 cô dại. . .

4. Trở lại với bài Tin Mừng hôm nay :

Từ Giêrusalem đến Giêrikho là khoảng gần 40 km. Giêrusalem là thủ đô, là nơi có Đền Thờ, nơi quy tụ các vị cao cấp đạo, đời. Giêrikho thành phố có tuổi đời 10 ngàn năm thì ở vùng đồng bằng. Một nơi là cao nguyên, một nơi là vùng thấp , nên Chúa Giêsu nói: Từ Giêrusalem “xuống” Giêrikho. Có thể xưa là có đoạn đèo vắng vẻ nên có kẻ cướp như chúng ta thấy trong chuyện. Bài chúng ta đáng học qua Dụ Ngôn này là:

5. Việc tốt việc xấu thì GIỐNG và KHÁC nhau như thế nào ?

* Việc tốt nào cũng tốn tiền. Ông ngoại đạo tốn tiền : Đưa tiền cho chủ quán và dặn chăm sóc người gặp nạn và còn nói nếu cần thì cứ chi thêm. . . Thầy tư tế và thầy Lê-vi đâu tốn tiền ?

* Việc tốt nào cũng tốn giờ. Ông ngoại đạo dừng lại chăm sóc vết thương thì phải tốn giờ. Thầy tư tế và thầy Lê-vi thì dong luôn, đâu tốn chút giờ nào ?

* Việc tốt nào cũng tốn sức. Ông ngoại đạo nhường con lừa mình cho người gặp nạn ngồi, còn mình thì đi bộ mệt chết luôn. Các vị kia thì cứ chễm chệ trên lưng lừa mình và ung dung đường ta ta đi khỏe re !

* Trong chuyện này thì nên để ý một điều nữa : Đoạn đường này có thể gặp kẻ cướp. Ông ngoại đạo này cũng phải liều mạng để dừng lại cứu người.

Nhưng ngược lại :

* Việc xấu nào cũng phải tốn tiền: Đi nhậu nhẹt, đi chơi bời cũng trả tiền thôi.

* Việc xấu nào cũng tốn giờ: Cờ bạc, nhậu thâu đêm suốt sáng. . . tốn giờ chứ ?

* Việc xấu nào cũng tốn sức: Những người đi rình rập để bắt trộm chó ! Đã tốn sức mà còn rất nguy hiểm nữa cơ !

Điều nên nhớ : Hễ gieo nhân nào thì gặt quả đó. Luật đời cũng thế mà luật Trời cũng chắc khé như thế thôi. Vậy chúng ta nên hiểu cái giống và cái khác nhau của việc tốt và việc xấu là như thế nào rồi.

6. Sở dĩ mà Chúa Giêsu dạy chúng ta Dụ Ngôn này vì hôm đó có một thầy thông luật nọ hỏi Chúa Giêsu ai là anh em của tôi ?(Lc10,29). Qua nội dung Dụ Ngôn thì Chúa Giêsu dạy chúng ta: Muốn có anh em thì ta phải đi bước trước, phải trở thành anh em trước. Cuối bài Dụ Ngôn Chúa Giêsu hỏi thầy thông luật rằng: “Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó (thầy tư tế, thầy Lê-vi, người Samari ngoại đạo), ai đã tỏ ra là người anh em với người bị rơi vào tay kẻ cướp? Người thông luật trả lời : Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy. Chúa Giêsu bảo ông ta : Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy “ (Lc 20,36-37)

Lạy Chúa, con là linh mục thời đại này cũng y như tư tế của thời xa xưa ấy, đã bao nhiêu lần con thấy người hoạn nạn mà không chịu thương, thấy người ốm đau mà không chịu giúp đỡ . Xin cho con biết nghe lời Chúa dạy mà làm như ông ngoại đạo Samari. Amen

—————

WGPKT(09/07/2022) KONTUM