Chúa Nhật XI Thường Niên, Năm B (CN 16.06.2024) – Hạt Giống Nước Trời

Bài đọc 1: Ed 17,22-24

Ta hạ thấp cây cao và nâng cao cây thấp.

Bài trích sách ngôn sứ Ê-dê-ki-en.

22 Đức Chúa là Chúa Thượng phán như sau :

Từ ngọn cây, từ ngọn hương bá cao chót vót,
Ta sẽ lấy, sẽ ngắt một chồi non ;
chính Ta sẽ trồng nó trên đỉnh núi cao vòi vọi.
23Ta sẽ trồng nó trên núi cao của Ít-ra-en.
Nó sẽ trổ cành và kết trái
thành một cây hương bá huy hoàng.
Muông chim đến nương mình bên nó,
và ẩn thân dưới bóng lá cành.
24Tất cả cây cối ngoài đồng ruộng
sẽ nhận biết chính Ta là Đức Chúa.
Ta hạ thấp cây cao và nâng cao cây thấp,
Ta làm cho cây xanh tươi phải khô héo
và cây khô héo được xanh tươi.
Chính Ta là Đức Chúa, Ta đã phán là Ta thực hiện.

Đáp ca: Tv 91,2-3.13-14.15-16 (Đ. x. c.2a)

Đ.Lạy Chúa, hạnh phúc thay được tạ ơn Ngài.

2Thú vị thay được tạ ơn Chúa,
được mừng hát danh Ngài, lạy Đấng Tối Cao,3được tuyên xưng tình thương của Ngài từ buổi sớm,
và lòng thành tín của Ngài suốt canh khuya.

Đ.Lạy Chúa, hạnh phúc thay được tạ ơn Ngài.

13Người công chính vươn lên tựa cây dừa tươi tốt,
lớn mạnh như hương bá Li-băng14được trồng nơi nhà Chúa,
mơn mởn giữa khuôn viên đền thánh Chúa ta.

Đ.Lạy Chúa, hạnh phúc thay được tạ ơn Ngài.

15Già cỗi rồi, vẫn sinh hoa kết quả,
tràn đầy nhựa sống, cành lá xanh rờn,16để loan truyền rằng : Chúa thực là ngay thẳng,
là núi đá cho tôi ẩn náu,
nơi Người chẳng có chút bất công.

Đ.Lạy Chúa, hạnh phúc thay được tạ ơn Ngài.

Bài đọc 2: 2 Cr 5,6-10

Dù còn ở trong thân xác, hoặc đã lìa bỏ thân xác, chúng tôi chỉ có một tham vọng là làm đẹp lòng Chúa.

Bài trích thư thứ hai của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.

6 Thưa anh em, chúng tôi luôn mạnh dạn, và chúng tôi biết rằng : ở lại trong thân xác này là lưu lạc xa Chúa, 7 vì chúng ta tiến bước nhờ lòng tin chứ không phải nhờ được thấy Chúa … 8 Vậy, chúng tôi luôn mạnh dạn, và điều chúng tôi thích hơn, đó là lìa bỏ thân xác để được ở bên Chúa. 9 Nhưng, dù còn ở trong thân xác hoặc đã lìa bỏ thân xác, chúng tôi chỉ có một tham vọng là làm đẹp lòng Người. 10 Vì tất cả chúng ta đều phải được đưa ra ánh sáng, trước toà Đức Ki-tô, để mỗi người lãnh nhận những gì tương xứng với các việc tốt hay xấu đã làm, khi còn ở trong thân xác.

Tung hô Tin Mừng:

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Hạt giống là lời Thiên Chúa, người gieo giống là Đức Ki-tô. Ai tuân giữ lời Người, sẽ muôn đời tồn tại. Ha-lê-lui-a.

Tin Mừng: Mc 4,26-34

 

 

Hạt cải là loại nhỏ nhất, nhưng đã trở thành cây lớn hơn mọi thứ rau cỏ.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.

26 Khi ấy, Đức Giê-su nói với dân chúng dụ ngôn này : “Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất. 27 Đêm hay ngày, người ấy ngủ hay thức, hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết. 28 Đất tự động sinh hoa kết quả : trước hết cây lúa mọc lên, rồi trổ đòng đòng, và sau cùng thành bông lúa nặng trĩu hạt. 29 Lúa vừa chín, người ấy đem liềm ra gặt, vì đã đến mùa.”

30 Rồi Người lại nói : “Chúng ta ví Nước Thiên Chúa với cái gì đây ? Lấy dụ ngôn nào mà hình dung được ? 31 Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, lúc gieo xuống đất, nó là loại nhỏ nhất trong các hạt giống trên mặt đất. 32 Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng.”

33 Người dùng nhiều dụ ngôn tương tự mà giảng lời cho họ, tuỳ theo mức họ có thể nghe. 34 Người không bao giờ nói với họ mà không dùng dụ ngôn. Nhưng khi chỉ có thầy trò với nhau, thì Người giải nghĩa hết.

(Nguồn: ktcgkpv.org)

—————————-

 

Suy niệm 1: TGM Giuse Vũ Văn Thiên

 

 

 

SỨC SỐNG SIÊU NHIÊN

 

Giáo hội Ki-tô khởi đi từ một Hài Nhi sinh hạ trong chuồng bò, trần trụi đơn sơ khó nghèo. Hài Nhi ấy lớn lên từng ngày, trở thành một vị Ngôn sứ vĩ đại, có quyền năng trong lời nói và việc làm. Vị Ngôn sứ ấy đã gặp chống đối và cuối cùng bị lên án tử và giết chết vô cùng đau thương. Từ cái chết trên thập giá, một cộng đoàn mới được sinh ra và dần dần phát triển, hiện diện trên khắp các châu lục, quy tụ muôn dân trên mặt đất và có hàng tỷ tín hữu. Vâng, Giáo hội của chúng ta khởi sự rất âm thầm, nhưng lớn lên rất mạnh mẽ, vì có Thiên Chúa là sức sống siêu nhiên của Giáo hội. Chúa Giê-su vẫn hiện diện trong Giáo hội. Chúa Thánh Thần vẫn không ngừng hướng dẫn và thánh hóa Giáo hội, nhờ đó Giáo hội của Chúa Ki-tô vượt lên mọi bão táp mưa sa của cuộc đời.

Trong Tin mừng hôm nay, Chúa Giê-su dùng hai dụ ngôn, đều khởi đi từ những hình ảnh rất bình dị ở thôn quê, đó là hạt giống được gieo vào lòng đất nảy mầm và hạt cải từ bé nhỏ trở thành lớn mạnh. Dẫn nhập cho cả hai dụ ngôn này, Chúa Giê-su đều nói: “Nước Thiên Chúa giống như…”. Điều đó có nghĩa, Đức Giê-su dùng những hình ảnh cụ thể đời thường để giáo huấn những thực tại cao siêu, vượt qua trí hiểu của quần chúng. Nước Thiên Chúa không phải là người gieo hạt, mà chỉ giống như người gieo hạt. Trong Tin mừng, nhiều lần Chúa Giê-su đã dùng lối nói so sánh như thế khi giảng về Nước Trời.

Tin mừng được gieo vào tâm hồn mọi người, đặc biệt là các tín hữu, như hạt giống được gieo vào thửa ruộng. Tuy vậy, sức sống siêu nhiên nảy nở từ hạt giống Tin mừng lại không hoàn toàn phụ thuộc vào con người. Mặc dù con người là tác nhân quan trọng, góp phần chăm bón cho hạt giống được gieo, nhưng Thiên Chúa mới là nguyên lý cho sự sống siêu nhiên. Sự sống ấy dần dần hình thành và lớn lên nơi con người. Không phủ nhận sự cộng tác hữu hiệu của cá nhân mỗi người, nhưng sự thánh thiện nơi con người có được là nhờ Chúa. Ngài là Đấng quyền năng làm cho cây cỏ mọc lên, như hình ảnh tượng trưng mà ngôn sứ Ê-dê-ki-en đã diễn tả (Bài đọc I). Hiểu như thế, mỗi người sống nơi trần gian là một cây được Thiên Chúa chăm sóc kể từ khi gieo hạt, tức là khi con người được hình thành trong dạ mẫu thân, rồi từng bước lớn lên, thành đạt trong cuộc đời.

Hạt giống Tin mừng được gieo vào tâm hồn chúng ta. Có nhiều người đã hợp tác thiện chí, chăm bón vun xới và làm cho “cây cuộc đời” lớn lên, sinh hoa kết trái dồi dào. Tuy vậy, cũng có những người vô trách nhiệm để mặc cho mầm sống ấy cằn cỗi, còi cọc và chỉ sinh ra trái đắng. Thiên Chúa vẫn luôn ban ơn chúc phúc, vì bản chất của Ngài là tốt lành và thánh thiện, nhưng việc đón nhận Chúa lại là chọn lựa tự do của con người. Con người được mời gọi yêu mến Chúa và yêu mến tha nhân, nhưng đó là một tình yêu tự do, chứ không phải một chế tài áp lực. Yêu Chúa và đón nhận giáo huấn của Ngài, đó là một đề nghị từ chính Thiên Chúa. Ai đón nhận sẽ được hạnh phúc an bình.

Nhiều người trong chúng ta có cái nhìn bi quan về tương lai của Giáo hội, khi chứng kiến sự giảm sút trong thực hành đức tin nơi một số tín hữu. Chúng ta tin tưởng và hy vọng nơi Thiên Chúa, Đấng là Chủ đích thực của vườn đời, mà mỗi chúng ta là một cây trồng trong thửa vườn mênh mông ấy. Nếu bề ngoài dường như khô cằn, thì bên trong sức sống siêu nhiên vẫn không ngừng tăng trưởng.

Lời Chúa hôm nay chất vấn mỗi chúng ta: tôi có phải là một hạt giống tốt, hoặc là một cây màu mỡ xanh tươi trong cuộc sống thường ngày? Đâu là mức độ tín thác và hy vọng của tôi nơi Thiên Chúa quyền năng, để luôn luôn lắng nghe và thực hành những gì Ngài truyền dạy?

Là Ki-tô hữu, mỗi chúng ta hãy cùng lên đường gieo hạt giống của Phúc Âm, thể hiện qua lòng nhân ái huynh đệ. Đừng ngại ngần gieo hạt, dù ở những nơi xem ra không có hy vọng, vì Thiên Chúa là Đấng làm cho điều không có thể trở thành điều có thể. Lịch sử đã chứng minh điều đó. Hãy tín thác vào Chúa, như thánh Phao-lô (Bài đọc II). Thánh nhân đã đạt tới lòng xác tín trọn hảo nơi Thiên Chúa. Đối với ngài, sống hay chết không còn quan trọng, vì ngài đã được Thiên Chúa bao bọc trong tình yêu viên mãn và ngập tràn hạnh phúc.

Sức sống siêu nhiên trong Giáo hội và nơi cá nhân tín hữu đến từ Thiên Chúa. Hành trình cuộc đời chúng ta là hành trình lớn lên và phát triển của Hạt Giống Ngôi Lời nơi bản thân. Hạt giống ấy xem ra bé nhỏ vô hình, nhưng lại có sức mạnh vô song, mở ra cho chúng ta một tương lai sáng ngời, đó là sự sống vĩnh cửu và hạnh phúc. Chúa Giê-su đã hứa: “Ai ở trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5).

+TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

 

—————————-

 

Suy niệm 2: Lm. Lu-y Gonzaga Nguyễn Quang Vinh

 

 

SỨC BẬT CỦA NƯỚC THIÊN CHÚA

 

 

Kinh thánh là pho sách mặc khải những chân lý siêu nhiên và tự nhiên, có những chân lý mà con người không thể suy luận để nắm bắt được nếu không nhờ ơn mặc khải, ví dụ như Thiên Chúa sáng tạo, Thiên Chúa tình yêu, tuy nhiên cũng có những chân lý tự nhiên con người có thể sở hữu được ví dụ như cây cối, sinh vật, lòng trắc ẩn, sự công bằng, tình liên đới…. Những chân lý nầy con người không cần mặc khải thánh cũng biết được.

Các bài đọc phụng vụ hôm nay nói về đề tài “Cây”, một đề tài rộng rãi được nói đến nhiều ngay từ trang đầu tiên của sách Sáng thề.  Cây sự Sống đã được nhắc đến ngay từ đầu pho sách Kinh thánh, cây biết Lành biết Dữ được trồng ngay trong vườn địa đàng : “Thiên Chúa khiến từ đất mọc lên đủ mọi thứ cây trông thì đẹp, ăn thì ngon, với cây trường sinh ở giữa vườn, và cây cho biết điều Thiện điều Ác” (St 2,9).

Chủ đề “Cây” thực vật được nói đến ám chỉ đến một dân tộc được ví như “Cây” sinh trưởng là dân Ítraen được Thiên Chúa vun trồng, cây đơm bông kết trái hệ tại ở sự trung thành với Giao ước. Khi cây không sinh hoa trái nữa, nó bị đốn chặt đi theo ý Thiên Chúa và lại được Thiên Chúa tái trồng trọt.  Thánh Matthêu ví Thiên Chúa như người tiều phu đốn chặt cây hoang dại : “Cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa” (Mt 3,10).  Tin mừng Gioan chương 15 nói về cây nho và cành nho, nói đến sự cắt tỉa để cây nho được sai trái, cành nho dứt khoát phải gắn liền với thân cây nho, một sự gắn kết sống chết.  Những gì nói cho dân Ítraen thì cũng có thể hiểu về mỗi người trong tương quan với Thiên Chúa.

Khi cắt tỉa cành cũ, mầm mới sẽ tược ra, một sự sống mới trào lên, một sự đổi mới thể hiện nơi thân cây.  Tiên tri Êdêkien diễn tả bằng hình ảnh sự đổi mới đó: “Từ ngọn cây Ta sẽ ngắt một chồi non… Ta sẽ trồng nó trên núi cao của Ítraen.  Nó sẽ trổ cành và kết trái… muông chim đến nương mình bên nó” (x. Bài Đọc 1. Ed 17, 22-24).  Trong cái nhìn đó thánh Máccô viết Nước Thiên Chúa giống như sự nẩy mầm của hạt cải gieo xuống lòng đất, nó âm thầm phát triển đêm ngày, trở nên to lớn, “đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng” (Bài Tin Mừng Mc 4,26-34).  Ý muốn nói Nước Thiên Chúa gieo xuống rất nhỏ bé, nhưng tự nó có sức sống nơi chính mình, âm thầm và khiêm tốn phát triển không ồn ào qua thời gian.  “Ngày qua mách bảo cho ngày tới, đêm này kẻ lại với đêm kia.  Chẳng một lời  một lẽ, chẳng nghe thấy âm thanh, mà tiếng vang đã dội khắp hoàn cầu và thông điệp loan tới chân trời góc biển” (Tv 19,2-5).  Thật vậy khắp mọi miền hẻo lánh trên trái đất đều đã in dấu chân của các thừa sai, công việc vĩ đại khởi sự với nhóm 12 ngư phủ Galilê.

Đức Giêsu rao giảng Nước Thiên Chúa và đó cũng là đối tượng rao giảng của Giáo hội,  Giáo hội rao giảng Nước Thiên Chúa chứ không rao giảng chính mình.  Nước Thiên Chúa là một thực tại mầu nhiệm siêu hình khó có thể định nghĩa cách rõ ràng.  Tuy nhiên người ta không thể hiểu Nước Thiên Chúa tách khỏi Đức Giêsu, cũng không thể hiểu Nước Thiên Chúa tách khỏi Giáo hội.  Giáo hội không đồng nhất với Nước Thiên Chúa.  Một cách đơn giản có thể hiểu Nước Thiên Chúa là chính Thiên Chúa xuống thế làm người tức là Đức Giêsu, cho nên Nước Thiên Chúa là một ngôi vị.  Tin mừng Matthêu dùng từ Nước Trời, có thể hiểu là Nước Thiên Chúa.

Thiên Chúa như thinh lặng nhưng Người vẫn tiếp tục sáng tạo, gieo hạt, cắt tỉa và làm phát triển không ngừng, Người làm chủ lịch sử.  Chủ đề “Cây” cho phép chúng ta hiểu về cây Thập giá được trồng cao trên đỉnh đồi Can-vê mà sức sống mãnh liệt đã có hiệu năng chảy tràn sang người trộm lành “nội hôm nay anh được ở trên thiên đàng với tôi”, chảy sang viên đại đội trưởng khi ông chứng kiến Chúa chết và ông đã tuyên xưng đức tin: “Ông nầy đích thực là người công chính”.   Sức sống mãnh liệt đó chảy tràn sang đám đông đang chứng kiến cảnh thiên sầu địa thảm khi Chúa hấp hối và họ đấm ngực sám hối ăn năn. 

Cây Thập giá làm nhớ lại cây cột trụ treo cao con rắn đồng trong sa mạc mang lại ơn cứu mạng cho những ai nhìn lên khi bị rắn lửa cắn.  Con rắn đồng chữa bệnh rắn cắn không phải do ma thuật, nhưng do lòng tin vào Thiên Chúa trong tương quan với Thập giá Chúa Kitô, trụ treo con rắn bằng đồng là hình ảnh tiên báo Rắn Đồng Mới được trồng cao trên đồi Canvê.  Thập Gía là cây đem lại sự sống trường sinh, đối lại với cây biết Lành biết Dữ đã làm ông bà nguyên tổ sa ngã trong vườn địa đàng, mang lại tai họa là ách nô lệ cho nhân loại.  Thập giá trên đồi Canvê là cây sự sống mang lại ơn cứu độ cho muôn dân, thế chỗ cho cây biết lành biết dữ.

Lạy Chúa Giêsu xin cho con biết phát triển hiệu năng ơn Phép Rửa Tội mà con đã lãnh nhận, và làm cho con ngày càng gắn bó mật thiết với Cây thập giá của Chúa hơn.  “Xin hãy làm cho tôi say mê thập giá Chúa”, “Fac me cruce inebriari” (Khẩu hiệu của Giám mục Kontum Paul Seitz Rip 1984). Amen

—————————-

 

Suy niệm 3: Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc, SJ

 

Hạt giống biểu trưng cho Lời Chúa. Ảnh: Canva

 

Sức sống phải từ bên trong

 

Không biết nên vui hay buồn với trào lưu khoe khoang của nhiều người? Giới trẻ gọi từ khoe khoang là “flex”. Hiểu nôm na, đây là cách người trẻ khoe khoang thành tích, những điều hãnh diện về bản thân, gia đình theo một hướng dí dỏm, hài hước và truyền năng lượng tích cực đến mọi người. Chắc là có những niềm vui nho nhỏ với trào lưu này, nhưng hệ quả thật tai hại. Khoe dễ dẫn chúng ta chuộng hình thức bên ngoài hơn chiều sâu nội tâm. Sự thật là chiều sâu bên trong mới làm nên sức sống của hoa trái bên ngoài. Chẳng hạn bạn có tài đức làm giàu, thì sự giàu có đó là kết quả của công sức bạn làm ra. Nếu bạn làm ngược lại tiến trình này, thì sự giàu có đó hoàn toàn trống rỗng và mau qua.                       

Tin mừng Chúa Nhật 11 hôm nay (Mk 4,26-34) giới thiệu cho chúng ta về sức sống mãnh liệt đến từ bên trong. Để diễn giải mầu nhiệm Nước Trời, Chúa Giêsu dùng hai dụ ngôn liên quan đến hạt giống. Chủ vườn gieo hạt sống vào lòng đất. Với những điều kiện tốt nhất, hạt giống ấy âm thầm nảy mầm, vươn thành cây tươi tốt và đơm hoa kết trái. Nếu để ý, bộ rễ của cây này có sức nuôi cho toàn thân và trổ bông hạt, hứa hẹn mùa bội thu. Thật tốt để chúng ta chú ý vài điểm sau:

  • “Người vãi hạt giống xuống đất” tượng trưng cho những ai gieo rắc Lời Chúa, hoặc những người rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa.

  • “Hạt giống nẩy mầm và mọc lên” biểu tượng cho Lời Chúa hay những hạt mầm của đức tin, vốn đang ở trong lòng ta.

  • “Việc hạt giống nẩy mầm và mọc lên” tượng trưng cho sự phát triển tự nhiên và kỳ diệu của đức tin trong lòng người, điều mà con người không thể hiểu hết hay kiểm soát được.

  • “Người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên” nói lên sự phát triển của đức tin. Tiến trình này một phần cần ta chăm bón, nhưng cần nhớ rằng nó còn nhờ vào ân sủng của Thiên Chúa

  • “Đất tự động sinh ra hoa màu” tượng trưng cho tâm hồn con người, nơi Lời Chúa được gieo vào. Khi Lời Chúa đã được gieo vào lòng người, nó sẽ tự nhiên sinh hoa kết trái nếu môi trường tâm hồn thuận lợi.

  • “Quá trình phát triển của cây lúa” gồm ba giai đoạn: cây lúa mọc lên, trổ đòng đòng, và thành bông lúa nặng trĩu hạt. Đây là hình ảnh về sự trưởng thành của đức tin qua các giai đoạn khác nhau, từ khi mới nảy mầm cho đến khi trưởng thành.

  • “Người ấy đem liềm hái ra gặt khi lúa chín”, nghĩa là khi đức tin đã trưởng thành và đến lúc thu hoạch, người gieo sẽ nhận được thành quả của mình. Đây cũng là hình ảnh về Ngày Phán Xét cuối cùng, khi Thiên Chúa sẽ đến và thu hoạch những linh hồn đã trưởng thành trong đức tin.

Nếu hiểu như trên, chúng ta thấy nội lực mới làm nên số phận. Ta chỉ thành công, thành nhân, và thành con Chúa khi chăm bón cho những nội lực bên trong mình. Đó là những tài năng, là những giá trị làm người, làm con Chúa. Trong Kinh Thánh, đặc biệt là trong Tân Ước, có nhiều đoạn viết về tài năng và khả năng của con người. Tài năng, nén bạc (Mt 25,14-30) của mỗi người có ít nhiều khác nhau, nhưng ân sủng của Thiên Chúa là như nhau. Thiên Chúa biết chúng ta cần bao nhiêu ân sủng để tài năng ấy được phát triển, để phục vụ chính mình, gia đình mình, người khác và tôn vinh Thiên Chúa.

Tôi rất tiếc, nếu ai dùng tài năng của mình để gây tai hại cho con người! Đó không phải là hoa trái tốt, nhưng là hậu quả của nội lực xấu xa. Chắc không ai muốn rơi vào cảnh điêu tàn đó. Một giải pháp mà Tin Mừng hôm nay chỉ cho mỗi người: “Hãy để Lời Chúa lớn lên trong tâm hồn mình.” Thật vậy, Lời Chúa trong Kinh Thánh có vai trò hướng dẫn lương tâm (nội lực) con người, giúp chúng ta sống theo ý muốn của Thiên Chúa và đạt được sự bình an nội tâm cũng như sự cứu rỗi. Chẳng hạn khi sống theo Lời Chúa, chúng ta:

  • Lấy Lời Chúa là ánh sáng chỉ đường: “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi.” (Tv 119, 105). Lời Chúa giống như ngọn đèn dẫn đường, giúp con người biết đâu là đúng, đâu là sai, và sống theo đường lối ngay thẳng.

  • Lời Chúa giúp ta nhận biết và tránh xa tội lỗi: “Con giữ Lời Chúa trong lòng, để con không phạm tội cùng Chúa.” (Tv 119,11).

  • Thanh lọc và biến đổi tâm hồn: “Thiên Chúa thánh hóa và thanh tẩy Hội Thánh bằng nước và lời hằng sống”. (Ep 5,26).

  • Mang lại sự bình an và an ủi: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy.” (Ga 14,27).

  • Sau cùng nhưng chưa hết, Lời Chúa khơi dậy lòng yêu thương và tha thứ: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc”. (x. 1 Cr 13,4-7).

Để kết thúc, Tin Mừng hôm nay thách thức chúng ta đi ngược dòng đời. Xã hội mời gọi chúng ta phô trương, Thiên Chúa mời chúng ta chăm sóc cho tâm hồn. Xã hội đẩy chúng ta vào đường gian dối, Thiên Chúa dẫn chúng ta đến nẻo chính đường ngay. Xã hội bày ra những mồi ngon ngọt để ta sập bẫy, Thiên Chúa rọi ánh sáng vào lòng để ta đi đúng đường. Ước gì mỗi người thường xuyên xem lại mảnh đất của lòng mình. Đâu là những hạt mầm đang nảy sinh trong lòng tôi? Hãy nuôi dưỡng những hạt mầm chất lượng, những đức tin làm nên thành công và hạnh phúc thực sự, bạn nhé!

Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc, SJ

 

WGPKT(12/06/2024) KONTUM