Giáo Hội Công Giáo Lào Và Tinh Thần Truyền Giáo Trong Cộng Đoàn Kitô Bé Nhỏ

Cha Paul Chatsirey Roeung, người Campuchia, thuộc Hạt Đại diện Tông toà Phnom Penh, Giám đốc các Hội Giáo hoàng Truyền giáo của Lào và Campuchia, nói với hãng tin Fides của Bộ Loan Báo Tin Mừng rằng mặc dù bé nhỏ và nghèo nhưng Giáo hội Công giáo ở Lào rất nhiệt thành trong các hoạt động loan báo Tin Mừng.

Theo cha Roeung, sở dĩ các tín hữu có lòng nhiệt thành truyền giáo là bởi vì tương lai của Giáo hội địa phương nằm trong tay họ. Thực tế, theo quy định của nhà nước, các nhà thừa sai nước ngoài chỉ có thể lưu lại đất nước trong khoảng thời gian ngắn. Do đó, điều quan trọng là phải chăm sóc tốt các ơn gọi bản xứ, linh mục cũng như đời sống thánh hiến, giáo dân và giáo lý viên.

Cha cho biết, đời sống mục vụ diễn ra bình yên. Đối với những cuộc tụ họp lớn hoặc sáng kiến đặc biệt thì cần phải có phép của chính quyền. Và mặc dù có nhiều khó khăn, cộng đoàn Công giáo bé nhỏ ở đây được nuôi dưỡng niềm hy vọng lớn và thu hút giới trẻ. Tiểu chúng viện cho năm dự bị và đại chủng viện có khoảng 50 người Lào; điều này mang lại hy vọng cho tương lai.

Hoạt động mục vụ và truyền giáo tiến triển theo từng bước nhỏ. Các giáo lý viên hỗ trợ các linh mục đi đến các làng ban các Bí tích. Đôi khi, do nhu cầu, chính các giáo lý viên là những người đến thăm các vùng lãnh thổ, làm chứng về đức tin và cử hành Bí tích Thánh tẩy. Mặc dù bé nhỏ và nghèo, nhưng trong Ngày Thế giới Truyền giáo vừa qua, các tín hữu cũng quảng đại đóng góp 1.000 đô la cho công cuộc loan báo Tin Mừng. Đây là một cử chỉ có ý nghĩa sâu sắc, dấu chỉ quan trọng của tinh thần truyền giáo hướng về Giáo hội hoàn vũ.

Hiện diện trong một quốc gia có nền văn hoá Phật giáo có dân số 7,5 triệu người, Giáo hội Công giáo ở Lào có bốn hạt Đại diện Tông tòa, với tổng số khoảng 60.000 người Công giáo trên khắp đất nước. Sau khi Mặt trận Lào chính thức công nhận Giáo hội Công giáo vào năm 1979, quan hệ giữa Giáo hội và chính phủ dần được cải thiện, cũng trong khuôn khổ tự do tôn giáo được Hiến pháp năm 1991 công nhận.

 

Nguồn: Vatican News Tiếng Việt (04.06.2024)