Ai Thông Minh Hơn?

 

AI THÔNG MINH HƠN?

 

Có bao nhiêu tiêu chuẩn để đánh giá một học sinh giỏi? Thông thường tiêu chuẩn đánh giá là điểm số của các môn học. Các môn học này thường là toán, tự nhiên, khoa học, và xã hội. Thế nhưng liệu điểm số có đủ để đánh giá thực lực của một học sinh, để xác định một học sinh là thông minh, là giỏi, là dốt chưa?

Rất dễ thấy là học sinh thiên về toán, khoa học, hoặc ngôn ngữ rất dễ được xem là học sinh giỏi hay thông minh. Thế nhưng khi nhà tâm lý học Howard Gardner phát triển lý thuyết về thông minh đa diện (Theory of Multiple Intelligences), thì những định lượng đo lường về trí tuệ dường như cần phải xem xét lại.

Thực vậy, theo Gardner, thông minh trí tuệ được chia ra thành nhiều loại khác nhau dựa trên cách thức mỗi người tiếp cận và thu thập thông tin.

– tiếp cận thông tin, kiến thức bằng hình ảnh, trực quan, không gian (visual-spatial intelligence);

– nhạy bén với ngôn ngữ (verbal-linguistic intelligence);

– có năng khiếu về suy luận toán học (logical-mathematical intelligence);

– xuất sắc trong các hoạt động thể chất hay khéo léo trong các vận động mang tính thể lý (bodily-kinesthetic intelligence);

– nhanh nhạy với âm nhạc (musical intelligence);

– khả năng giao tiếp xã hội (interpersonal intelligence);

– khả năng khám phá nội tâm, suy tư triết lý (intrapersonal intelligence);

– khám phá thiên nhiên (naturalist intelligence);

– khả năng tư duy hiện sinh băn khoăn với các câu hỏi mang tính triết học hiện sinh (existential intelligence).[1]

Theo lý thuyết này, cách thức nhận biết và đánh giá năng lực học sinh không còn hệ tại ở một chuyên ngành tự nhiên, xã hội, hay nghệ thuật đơn thuần nữa mà là sự quan sát tổng thể, tìm ra đâu là thế mạnh của mỗi học sinh để phát huy và định hướng. Một học sinh có thể vượt bậc trong lãnh vực này nhưng lại khập khiễng trong lãnh vực khác. Một học sinh có thể giải mọi bài toán khó cách dễ dàng nhưng lại vật vã với một bài làm văn đơn giản. Một người có thể là thiên tài về phương diện này nhưng lại có thể là thiên tai về phương diện khác; giỏi khoa học nhưng lại kém các môn nghệ thuật; nhanh nhạy khi tính toán nhưng lại khó khăn khi viết văn! Rõ ràng, giỏi hay dở chỉ là những phân biệt có tính phiếm diện, tùy từng lĩnh vực. Nói thế không có nghĩa là không có người giỏi toàn diện!

Điều lý thú ở lý thuyết thông minh đa diện chính là sự thích ứng, mềm mỏng có thể đem lại hiệu quả tích cực trong việc dạy và học. Thực vậy, theo một nghiên cứu khoa học, phương pháp học tập và thông minh đa diện có những tương quan qua lại, và bổ túc lẫn nhau [2]. Thiên hướng tiếp thu kiến thức tác động đến phương pháp học tập của các học sinh. Nếu kiến thức được chuyển trao đúng cách, thích ứng với phương pháp học của từng học sinh, cả thầy và trò sẽ dễ dàng hơn trong giảng dạy và học tập. Bài học sẽ thực tế và được tiếp thu cách triệt để và sáng tạo hơn. Thí dụ, nếu học sinh học có khuynh hướng học bằng cách quan sát thực tế, những thí nghiệm tận tay thì một bài giảng chay dài dòng là quả là một sự tra tấn. Công bằng mà nói, không phải môn học nào cũng có thể đáp ứng cách học của tất cả 9 phương pháp tư duy trí tuệ trên cách hoàn hảo. May mắn thay, một học sinh có thể có 2 hay nhiều hơn 1 cách học, tùy từng nội dung và chủ đề vì, thực ra, ai cũng có đầy đủ 9 loại trí tuệ với những thang bậc khác nhau. Có người thiên nhiều về ngôn ngữ trong khi vẫn nắm giữ khả năng suy tư, lý luận; người khác thì thiên về hình ảnh trực quan, người thì nhỉnh hơn về giao tiếp xã hội dù rằng trí tuệ nội tâm hoặc khoa học vẫn được phát huy. Vấn đề được đặt ra là làm sao để học sinh có thể khám phá ra đâu là cách học hiệu quả nhất cho bản thân trong từng lĩnh vực khi đang ngồi trên ghế nhà trường.

Một điểm sáng khác cho lý thuyết thông minh đa dạng là sự nhìn nhận rằng, mỗi học sinh có thể đào sâu khả năng của mình tùy vào sở thích và sở đoản. Nếu giáo viên nhanh nhạy đủ để nhìn ra những khả năng tiểm ẩn thông qua cách học của học sinh thì học sinh đó có cơ hội để tiến xa, và để khám phá tiềm năng của chính mình. [3]

Lý thuyết thông minh đa dạng đã thổi một luồng khí mới vào giáo dục khi giáo dục giúp hoàn thiện con người theo cách độc đáo riêng của từng người, và gạt bỏ những khuôn mẫu sẵn có. Thuyết thông minh đa dạng không chỉ quan trọng cho chính các nhà giáo dục khi lên các bài đánh giá kiểm tra để có cái nhìn toàn diện về chất lượng đào tạo. Lý thuyết này còn quan trọng cho chính các học sinh trong quá trình nhận biết bản thân và tìm ra cách thế riêng cho mình trên con đường tự học. Có lẽ đã qua rồi cách dạy và học chỉ chú trọng vào kiến thức suông thay vì lưu tâm đến con người. Có lẽ, đã đến lúc cần tạm dừng cách giáo viên cố gắng truyền đạt kiến thức cho học sinh theo một giáo án định sẵn, cái cách một kích cỡ cho tất cả, khi mà học sinh cố gắng nhồi nhét, học thuộc lòng, và giải bài tập theo khuôn để đạt điểm cao trong các kỳ kiểm tra và kỳ thi! Mỗi người là một cá thể độc đáo và đầy tiềm năng. Ai cũng thông minh theo cách riêng của họ.

Như thế, phải chăng không có học sinh nào dốt, mà chỉ có những giáo viên chưa giỏi và nhanh nhạy đủ để đáp ứng những nhu cầu hoặc khả năng của từng học sinh?

 

Nt. Anna Kim Anh, OP

Nguồn: daminhthanhtam.com

Nguồn trích dẫn:

[1]. Northern Illinois University Center for Innovative Teaching and Learning. (2020). Howard Gardner’s theory of multiple intelligences. In Instructional guide for university faculty and teaching assistants. Retrieved from https://www.niu.edu/citl/resources/guides/instructional-guide và Duy Thắng (2021). Trí thông minh đa diện và những ứng dụng trong giáo dục. Khoa học và phát triển. https://khoahocphattrien.vn/chinh-sach/giao-duc-dai-hoc-vien-canh-cho-thap-ky-toi/20210708104641595p1c785.htm.

[2]. Nazmi Xhomara & Fleura Shkembi (2020). The influence of multiple intelligences on learning styles in teaching and learning. Journal of Applied Technical and educational sciences. https://www.researchgate.net/publication/340594584_The_influence_of_multiple_

intelligences_on_learning _styles_in_teaching_and_learning.

[3]. Natalie Parry (2016). Multiple intelligences in the classroom. Acorn House International https://www.acornhouse.school/2016/11/26/multiple-intelligences-classroom/