Chúa Nhật XIX Thường Niên – Năm C (CN.07.08.2022)

BÀI ĐỌC I: Kn 18, 6-9

“Như Chúa đã làm hại đối thủ thế nào, Chúa cũng đã làm cho chúng tôi được vẻ vang như vậy”.

Trích sách Khôn Ngoan.

Chính đêm ấy, cha ông chúng ta đã biết trước, để biết chắc mình đã tin tưởng vào lời thề nào mà được can đảm. Dân Chúa đã mong đợi sự giải thoát những người công chính và sự tiêu diệt kẻ thù. Vì như Chúa đã làm hại đối thủ thế nào, Chúa cũng kêu gọi để làm cho chúng tôi được vẻ vang như vậy.

Vì những con cái thánh thiện của các tổ phụ tốt lành đã lén lút tế lễ, và đồng tâm thiết lập luật thánh thiện, ấn định rằng những người công chính sẽ đồng hưởng vinh nhục, may rủi đều nhau; như vậy là họ đã xướng lên trước bài ca tụng của các tổ phụ.

Đó là lời Chúa.

BÀI ĐỌC II: Dt 11, 1-2, 8-19

“Ông mong đợi thành trì có nền móng mà Thiên Chúa là kiến trúc sư và là Đấng sáng lập”.

Trích thư gửi tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, đức tin là cốt yếu những thực tại người ta mong đợi, là bằng chứng điều bí ẩn. Vì nhờ đức tin mà các tiền nhân đã nhận được bằng chứng tốt.

Nhờ đức tin, Abraham đáp lại tiếng Chúa gọi, để ra đi đến xứ ông sẽ được lãnh làm gia nghiệp, và ông ra đi mà không biết mình đi đâu. Nhờ đức tin, ông đến cư ngụ trong đất Chúa hứa, như trong đất khách quê người, sống trong lều trại, cũng như Isaac và Giacóp, những kẻ đồng thừa tự cùng một lời hứa. Vì chưng, ông mong đợi thành trì có nền móng mà Thiên Chúa là kiến trúc sư và là Đấng sáng lập.

Nhờ đức tin mà ngay cả bà Sara son sẻ được sức mang thai, mặc dầu bà đã già, bởi vì bà tin rằng Đấng đã hứa sẽ trung tín giữ lời. Vì thế, do tự một người, mặc dầu người đó như chết rồi, mà có một dòng dõi đông đúc vô số như sao trên trời và như cát bãi biển.

Chính trong đức tin mà tất cả những kẻ ấy đã chết trước khi nhận lãnh điều đã hứa, nhưng được nhìn thấy và đón chào từ đàng xa, đồng thời thú nhận rằng mình là lữ khách trên mặt đất. Những ai nói những lời như thế, chứng tỏ rằng mình đang đi tìm quê hương. Giá như họ còn nhớ đến quê hương dưới đất mà họ đã lìa bỏ, chắc họ có đủ thời giờ trở về. Nhưng hiện giờ họ ước mong một quê hương hoàn hảo hơn, tức là quê trời. Vì thế, Thiên Chúa không ngại để họ gọi mình là Thiên Chúa của họ, vì Người đã dọn sẵn cho họ một thành trì.

Nhờ đức tin, khi bị thử lòng, Abraham đã dâng Isaac. Ông hiến dâng con một mình, ông là người nhận lãnh lời hứa, là người đã được phán bảo lời này: “Chính nơi Isaac mà có một dòng dõi mang tên ngươi”. Vì ông nghĩ rằng Thiên Chúa có quyền làm cho kẻ chết sống lại, do đó, ông đã đón nhận con ông như một hình ảnh.

Đó là lời Chúa.

Hoặc bài vắn này: Dt 11, 1-2, 8-12

Anh em thân mến, đức tin là cốt yếu những thực tại người ta mong đợi, là bằng chứng điều bí ẩn. Vì nhờ đức tin mà các tiền nhân đã nhận được bằng chứng tốt.

Nhờ đức tin, Abraham đáp lại tiếng Chúa gọi, để ra đi đến xứ ông sẽ được lãnh làm gia nghiệp, và ông ra đi mà không biết mình đi đâu. Nhờ đức tin, ông đến cư ngụ trong đất Chúa hứa, như trong đất khách quê người, sống trong lều trại, cũng như Isaac và Giacóp, những kẻ đồng thừa tự cùng một lời hứa. Vì chưng, ông mong đợi thành trì có nền móng mà Thiên Chúa là kiến trúc sư và là Đấng sáng lập.

Nhờ đức tin mà ngay cả bà Sara son sẻ được sức mang thai, mặc dầu bà đã già, bởi vì bà tin rằng Đấng đã hứa sẽ trung tín giữ lời. Vì thế, do tự một người, mặc dầu người đó như chết rồi, mà có một dòng dõi đông đúc vô số như sao trên trời và như cát bãi biển.

Đó là lời Chúa.

Lời Chúa: Lc 12, 32-48

“Các con hãy sẵn sàng”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Hỡi đoàn bé nhỏ, các con đừng sợ, vì Cha các con đã vui lòng ban nước trời cho các con. Các con hãy bán những của các con có mà bố thí. Hãy sắm cho các con những túi không hư nát, và kho tàng không hao mòn trên trời, là nơi trộm cướp không lai vãng và mối mọt không làm hư nát. Vì kho tàng các con ở đâu, thì lòng các con cũng ở đó.

“Các con hãy thắt lưng, hãy cầm đèn cháy sáng trong tay, và hãy làm như người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ về gõ cửa, thì mở ngay cho chủ. Phúc cho những đầy tớ nào khi chủ về còn thấy tỉnh thức: Thầy bảo thật các con, chủ sẽ thắt lưng, đặt chúng vào bàn ăn, và đi lại hầu hạ chúng. Nếu canh hai hoặc canh ba, chủ trở về mà gặp thấy như vậy, thì phúc cho các đầy tớ ấy. Các con hãy hiểu biết điều này là nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, ắt sẽ tỉnh thức, không để nó đào ngạch nhà mình. Cho nên các con hãy sẵn sàng: vì giờ nào các con không ngờ, thì Con Người sẽ đến”.

Phêrô thưa Người rằng: “Lạy Thầy, Thầy nói dụ ngôn đó chỉ về chúng con hay về mọi người?” Chúa phán: “Vậy con nghĩ ai là người quản lý trung tín khôn ngoan mà chủ đã đặt coi sóc gia nhân mình, để đến giờ phân phát phần lúa thóc cho họ? Phúc cho đầy tớ đó, khi chủ về, thấy nó đang làm như vậy. Thầy bảo thật các con, chủ sẽ đặt người đó trông coi tất cả gia sản mình. Nhưng nếu đầy tớ ấy nghĩ trong lòng rằng: “Chủ tôi về muộn”, nên đánh đập tớ trai tớ gái, ăn uống say sưa: chủ người đầy tớ ấy sẽ về vào ngày nó không ngờ, vào giờ nó không biết, chủ sẽ loại trừ nó, và bắt nó chung số phận với những kẻ bất trung. Nhưng đầy tớ nào đã biết ý chủ mình mà không chuẩn bị sẵn sàng, và không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều. Còn đầy tớ nào không biết ý chủ mình mà làm những sự đáng trừng phạt, thì sẽ bị đòn ít hơn. Vì người ta đã ban cho ai nhiều, thì sẽ đòi lại kẻ ấy nhiều, và đã giao phó cho ai nhiều, thì sẽ đòi kẻ ấy nhiều hơn”.

Đó là lời Chúa.

Hoặc bài vắn này: Lc 12, 35-40

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con hãy thắt lưng, hãy cầm đèn cháy sáng trong tay, và hãy làm như người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ về gõ cửa, thì mở ngay cho chủ. Phúc cho những đầy tớ nào khi chủ về còn thấy tỉnh thức: Thầy bảo thật các con, chủ sẽ thắt lưng, đặt chúng vào bàn ăn, và đi lại hầu hạ chúng. Nếu canh hai hoặc canh ba, chủ trở về mà gặp thấy như vậy, thì phúc cho các đầy tớ ấy. Các con hãy hiểu biết điều này là nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, ắt sẽ tỉnh thức, không để nó đào ngạch nhà mình. Cho nên các con hãy sẵn sàng: vì giờ nào các con không ngờ, thì Con Người sẽ đến”.

Đó là lời Chúa.

——————

Suy Niệm 1:                       Linh mục Lu-y Nguyễn Quang Vinh

VUI MỪNG ĐỢI TRÔNG

Vui mừng đợi trông là ý lực sống của Giáo hội Chúa Kitô, dù sống trong bất cứ mùa phụng vụ nào thì thực tế người tín hữu luôn hướng về niềm hy vọng sống lại, họ sống đức cậy trông, chờ đợi Chúa quang lâm.  Đặc biệt hôm nay các bài đọc phụng vụ nhắc lại tính duy nhất của đức cậy trông, lấy Thiên Chúa làm đối tượng lầp đầy mọi ước vọng sâu xa nhất nơi con người. 

Sách Khôn ngoan diễn tả niềm mong đợi của dân Do thái, đêm họ chuẩn bị bỏ đất nô lệ tiến về miền đất hứa : “Dân Chúa đã trông đợi đêm ấy, như đêm cứu thoát người chính trực và tiêu diệt kẻ địch thù” Bài đọc 1 (Kn 18,6-9).  Thư Do thái nói đến niềm tin và hy vọng bất khuất của tổ phụ Ápraham  “Nhờ đức tin, khi bị thử thách, ông Ápraham đã hiến tế Ixaác; dù đã nhận được lời hứa, ông vẫn hiến tế người con một”, Bài đọc 2 (Dt 11,1-2.8-19), và bài Tin mừng Luca (Lc 12, 32-48) nói đến người đầy tớ trung thành, thắt lưng, chong đèn chờ đợi chủ đi ăn tiệc cưới về.

Các bài đọc nói đến những biến cố quá khứ như nhắc cho người tín hữu biết họ đang sống thời điểm lắng nghe Lời Chúa và chờ đợi Chúa đến: niềm vui của dân Do thái trong đêm giải phóng, niềm tin giúp ông Ápraham vượt qua mọi thử thách, sự tỉnh thức của người môn đệ khi phục vụ Nườc Trời.  Tất cả cấu tạo nên nơi người nghe một niềm hy vọng được đổi mới dựa vào những biến cố cứu độ.  “Hãy sắm lấy những túi tiền không hề cũ rách, một kho tàng không thể hao hụt ở trên trời, nơi kẻ trộm không bén mảng, mối mọt không đục phá” (Lc 12, 33).

Những bài đọc nầy nói với người tín hữu công giáo, họ là những người kế thừa ân huệ của lễ Vượt qua, là con cháu của tổ phụ Ápraham, cha của các kẻ tin, họ là những người đầy tớ trung tín tỉnh thức cầm đèn sáng đợi chủ về, như lời họ tuyên xưng trong mỗi thánh lễ: “Lạy Chúa, chúng con loan truyền Chúa đã chịu chết và tuyên xưng Chúa đã sống lại cho tới khi Chúa lại đến”.  Hạnh phúc cho đầy tớ khi chủ về còn thấy tỉnh thức, chủ sẽ ký thác cho người đó quản lý công việc nhà Chúa. 

Giáo hội của Chúa Kitô là dân tộc sống kỷ niệm những biến cố ơn cứu độ, là dân tỉnh thức, là đầy tớ canh phòng và tuân giữ Lời Thiên Chúa.  Một mẫu gương sống đức tin được nhắc lại cho chúng ta: tổ phụ Ápraham, cha của những kẻ tin, ông được kêu gọi vào lúc tuổi xế chiều để đi đến một nơi bất định, ông ra đi mà không biết mình đi về đâu; có con lúc đã trăm tuổi; hoàn toàn vân theo thánh ý Chúa, ông dâng hiến con độc nhất làm lễ tế, cuộc đời của ông Ápraham là tuyệt đối tin và phó thác  vào lời Thiên Chúa hứa.

Nhờ tin mà cụ già Ápraham đã được nhận đất hứa làm gia nghiệp; nhờ tin mà bà Sara, vợ ông, đã trở thành người mẹ vào lúc tuổi 90 đã hết thời sinh nở.  Cũng vậy nhờ tin mà người Kitô hữu được Nước Trời làm gia nghiệp: “Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta trông thấy” (Dt 11,1). 

Người lương dân chỉ có niềm hy vọng trần thế mà không có đức cậy trông.  Niềm hy vọng trần thế thì chấm dứt nơi trần gian, đức cậy trông đưa người tín hữu đi vào sự sống đời đời với Thiên Chúa.  Đức cậy trông được ban cho người tín hữu ngày chịu phép Rửa tội, đức trông cậy dạy người tín hữu biết rằng sau cuộc sống trần gian nầy họ được gặp gỡ và sống với Thiên Chúa.  Đức cậy trông lấy chính Thiên Chúa làm đối tượng chứ không phải vật chất hay quyền lực nào khác.  Người Kitô hữu tin rằng : “đối với chúng con là những tín hữu, sự sống thay đổi chứ không mất đi, và khi nơi trú ngụ dưới trần bị tiêu hủy, chúng con được về hưởng hạnh phúc vĩnh cửu trên quê trời” (Kinh tiền tụng I cầu cho tín hữu đã qua đời)

Tuy nhiên sự chờ đợi của Dân Thiên Chúa không phải là thụ động khoanh tay chờ sung rụng, nhưng là tích cực chờ đợi trong hoạt động, sống đức cậy trông với hy vọng được Thiên Chúa viếng thăm và cứu thoát, chờ đợi trong hoàn tất bổn phận xây dựng xã hội trần thế, trong năng động lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành.  Nghĩa là người tín hữu chuyển biến đức tin trong tâm hồn thành việc làm trong đức ái hoạt động xã hội. 

Tin Thiên Chúa chân thật và sống chân thành, là hai điều cần đi đôi với nhau; cũng như tin Thiên Chúa là tình yêu và yêu thương tha nhân là hợp đạo lý Chúa dạy.  Đó là tư cách của người đầy tớ khôn ngoan và tỉnh thức chờ đợi chủ trở về. 

Đức tin và đức cậy trông đi đôi với nhau, có tin thì mới cậy trông, tin Thiên Chúa toàn năng mới hy vọng sự cứu giúp đến từ Thiên Chúa.  Cũng như đức tin cần được biểu lộ ra bên ngoài bằng đức ái.  Sự liên kết giữa ba nhân đức nầy làm nên cột trụ đời sống tâm linh nơi người tín hữu.  Cả ba nhân đức tin-cậy-mến được gọi là nhân đức đối thần, nghĩa là được Thiên Chúa ban tặng để tin cậy mến Thiên Chúa, cho nên chỉ người Kitô hữu mới có đức tin, đức cậy và đức mến theo nghĩa chặt của từ ngữ.

Lạy Chúa Giêsu, băng qua những thử thách và hoàn cảnh có khi đen tối trong gia đình, trong cuộc sống, xin cho con đừng bao giờ mất niềm hy vọng sống lại, vì đêm có dài thì hừng đông có lúc vụt sáng, xin cho con luôn tỉnh thức tìm kiếm Nước Trời. Amen

————-

Suy Niệm 2:                             Linh mục Phêrô Nguyễn Vân Đông

 

KHO TÀNG TRÊN TRỜI- KHO TÀNG DƯỚI ĐẤT
 

1. Chúa Giêsu luôn kêu gọi mọi người lo tích trữ kho tàng trên trời.

“ Hãy bán tài sản của mình đi mà bố thí. Hãy sắm lấy những túi tiền không hề cũ rách, một kho tàng không thể hao hụt ở trên trời, nơi kẻ trộm không bén mảng, mối mọt không đục phá . . .” (Lc 12,33)

Qua chuyện anh thanh niên giàu có trong Tin Mừng mà ai cũng biết thì Chúa Giêsu mạc khải cho chúng ta một chân lý rất lạ là chúng ta có thể làm cho kho tàng dưới đất thành kho tàng trên trời được. Trời-Đất ký hợp đồng trao đổi hàng hoá. Việc phải làm là ta lấy kho tàng dưới đất của ta đem giúp đỡ người nghèo thì nó trở thành kho tàng trên trời. Kho tàng dưới đất ta xài dưới đất, kho tàng trên trời ta xài cho đời sau, sau khi ta chết. “Hãy vào hưởng HẠNH PHÚC ngàn đời dành sẵn cho các ngươi, vì xưa Ta đói các ngươi cho ăn . . .”

2. Tích trữ kho tàng trên trời dễ hơn !

Khi dạy giáo lý cho trẻ em, mình bảo : Ở đời người ta phân biệt có 2 thứ lao động; một là lao động chân tay, hai là lao động trí óc. Lao động là để làm ra của cải vật chất, đó là kho tàng dưới đất. Có tay có chân thì mới có thể lao động chân tay, có trí khôn minh mẫn mới lao động trí óc. Nhưng mình cũng “phịa” ra một thứ lao động nữa mà mình gọi là “lao động thiêng liêng” ! Lao động thiêng liêng là cầu nguyện, là làm việc tốt, là sống bác ái yêu thương, là chia sẻ cho người nghèo. . . Vậy cho nên người tàn tật, người nằm trên giường bệnh, người không biết đọc biết viết . . . cũng lao động thiêng liêng được, nghĩa là tích trữ kho tàng trên trời được. Những người này khó mà lao động tích trữ kho tàng dưới đất, nhưng kho tàng trên trời thì họ làm được ngon lành.

3. Hãy tỉnh thức và chờ đợi chủ về . . . (Lc 12, 35-40).

Tỉnh thức và chờ đợi ông chủ không có nghĩa là ngồi hát karaoke cho khỏi buồn ngủ. Tỉnh thức đây là luôn luôn sống tốt, siêng năng làm việc đạo đức, từ bỏ tội lỗi, từ bỏ tính hư tật xấu. . . Tỉnh thức đây là một hành động đạo đức chớ không phải là ngồi chơi xơi nước hay nhậu nhẹt bù khú. Ông chủ này không ô kê đâu.

4. Một “Ông Chủ” khác thường !

“ Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ. Thầy bảo thật anh em : chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ.” (Lc 12,37). Ở trên thế gian này không bao giờ thấy như vậy đâu ! Có thể ông chủ tăng lương hay cho quà hay thăng chức là mừng lắm rồi. Ông chủ mà đi phục vụ hầu bàn cho một đầy tớ tốt thì chỉ có Chúa Giêsu nói như vậy thôi. Chúa Giêsu đã từng rửa chân cho các môn đệ mình!

5. “Ông Chủ” không hẹn giờ nào thì về ! ! !

“ Chủ của tên đầy tớ ấy sẽ đến vào ngày hắn không ngờ, vào giờ hắn không biết. “

(Lc 12, 46). Đâu có ai biết mình sẽ chết lúc nào ? Và nếu tên đầy tớ sống không ra gì thì ông chủ sẽ “loại hắn ra ngoài, bắt phải chung số phận với những tên thất tín.” (Lc 12, 46b).

Gieo cái gì thì gặt cái đó ! Luật đời cũng vậy, luật Trời cũng thế.

6. Nhận và Cho.

“ Hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn” (Lc 12,48). Mình có nghe câu này mà không nhớ từ đâu : “ Chúng ta mắc nợ người nghèo “ ! Nợ thì phải trả ! Mình nghĩ linh mục như mình cũng mắc nợ giáo dân nữa! “Quyền năng” thừa tác viên các bí tích là Chúa “giao” cho mình, mà mình không làm đầy đủ để phục vụ là coi như mình “nợ” giáo dân chớ gì nữa ? ! Mình sắp kỷ niệm 50 năm linh mục. Con xin Chúa xoá nợ cho con ! Con xin Chúa tha tội cho con.

Lạy Chúa, xin cho con biết tích trữ kho tàng trên trời : ten sét không làm hư được, mối mọt không gặm nhấm được, kẻ trộm không lấy được. Xin cho con biết biến kho tàng dưới đất thành kho tàng trên trời bằng cách chia sẻ cho người nghèo như Chúa chỉ dạy. Amen

WGPKT(06/08/2022) KONTUM