Phụng Vụ của Hội Thánh xếp đặt Lễ Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ ngay sau Lễ Thánh Tâm, điều này cho thấy mối dây liên hệ khắn khít giữa việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa và sùng kính Trái Tim Mẹ. Bởi vì, hơn ai hết, những kỷ niệm về Đức Giêsu luôn được ghi khắc trong tim Mẹ, luôn đi theo Mẹ và thúc đẩy Mẹ suy gẫm về những thời gian sống bên cạnh Con mình. Một cách nào đó, những kỷ niệm ấy như tràng chuỗi hạt, mà Mẹ không ngừng ngâm nga trong suốt cuộc đời mình. Với tư cách là Mẹ Hội Thánh, Mẹ đã không ngừng kể lại cảm nghiệm riêng về Con Mẹ cho chúng ta. Mẹ không ngừng đặt chúng ta trước các mầu nhiệm của Con Mẹ, để cùng với Mẹ, chúng ta chiêm ngắm các mầu nhiệm đó, hầu cho, các mầu nhiệm đó sản sinh những hoa trái tốt đẹp cho đời sống của chúng ta.
Hội Thánh luôn quy hướng về điểm hẹn cuối cùng là Thập Giá Đức Kitô, nơi cạnh sườn bị đâm thâu: máu và nước đã tuôn trào khai sinh Hội Thánh. Ước gì chúng ta biết cùng với Mẹ đứng dưới chân thập giá để chiêm ngắm Trái Tim của Đấng bị đâm thâu vì chúng ta, và để cùng với Mẹ tiến vào chiều sâu thẳm của tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại, để rồi, chúng ta cũng có khả năng làm lan tỏa tình yêu của Đấng đã yêu thương và thí mạng vì chúng ta.
Khi cử chính Con Một đến trong thân phận tôi đòi, thân phận loài người và phải chết vì tội lỗi nhân loại, Chúa Cha vì loài người chúng ta, đã coi Ðức Kitô, Ðấng không hề biết tội là gì, như hiện thân của tội lỗi, để trong Người, chúng ta được trở nên công chính trước mặt Thiên Chúa. Vì không hề phạm tội, Ðức Giêsu không bao giờ bị Cha ruồng bỏ, nhưng, vì Ðức Giêsu đã đón nhận chúng ta trong tình yêu cứu chuộc và liên kết Người với chúng ta, cho đến độ: Người xem như bị tách lìa khỏi Cha vì tội lỗi của chúng ta, nên Người thay chúng ta mà thốt lên, trên thập giá: “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài nỡ bỏ rơi con!”.
Ước gì chúng ta luôn biết bắt chước Mẹ chiêm ngắm tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa, để cảm nghiệm được phần nào tình yêu tự hiến của Người dành cho nhân loại chúng ta: Chúa Cha đã chẳng dung tha, nhưng đã trao nộp chính Con Một của Người vì hết thảy chúng ta, để chúng ta được hòa giải với Người, nhờ cái chết của Con Một Người. Ý định yêu thương của Chúa Cha luôn đi trước mọi công trạng của chúng ta, không phải chúng ta đã yêu mến Chúa Cha trước, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta trước, và đã cử Con Một đến hy sinh làm của lễ đền tội thay cho chúng ta. Với ý chí nhân loại, Đức Giêsu đã chấp nhận thánh ý Chúa Cha: đón nhận cái chết để cứu độ chúng ta, ước gì chúng ta cảm nghiệm được nỗi kinh hoàng: khi bị tách lìa khỏi Thiên Chúa, như Đức Giêsu trên thập giá, để chúng ta mau mắn quay về kết hợp với Chúa, như cành nho kết hợp với cây nho.
Việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa và sùng kính Trái Tim Mẹ phải đưa chúng ta về lại đồi Canvê, để nhìn lên thập giá: chiêm ngắm Trái Tim của Đấng bị đâm thâu vì chúng ta, và nhìn xuống dưới chân thập giá: lặng ngắm Cõi Lòng tan nát của Đấng đã hiệp thông cứu chuộc cùng với Con mình. Mẹ đã hiện diện đầy can đảm dưới chân thập giá. Trái tim (coeur) là nguồn gốc của sức mạnh, của sự can đảm (courage).
Can đảm là nhân đức giữ mức trung dung: vừa khử trừ cảm xúc sợ hãi, kẻo kiệt lực không dám tiến lên, vừa tiết chế cảm xúc táo bạo, kẻo sinh ra liều lĩnh, ngông cuồng. Dưới chân thập giá, Mẹ sầu bi, nhưng, không ngã quỵ; Mẹ im lặng, nhưng, sự thinh lặng thấu tận trời cao. Dưới chân thập giá, Mẹ ôm lấy tất cả nhân loại được ủy thác cho Mẹ, Mẹ đứng bên cạnh tất cả những ai đang đau khổ: âm thầm chia sẻ và chịu đựng nỗi đau khổ của từng người như thể của riêng Mẹ. Bóng thập giá bao phủ khắp nơi, khổ đau không miễn trừ bất cứ một người nào. Nhờ lời chuyển cầu của Mẹ, xin cho chúng ta có cùng một kinh nghiệm như Mẹ: can đảm đứng dưới chân thập giá đau thương của cuộc đời, xin cho chúng ta cảm nhận, với niềm vui và hạnh phúc, sự sống mới của Đức Kitô luôn triển nở dồi dào trong thế giới hôm nay, cho dẫu, cuộc sống luôn hứa hẹn nhiều cam go, thử thách.