DÂN LÀNG HỒ- Chương XXI : Giữ Ngày Chúa Nhật – Ảnh Hưởng Của Các Nhà Thừa Sai

 

DÂN LÀNG HỒ – CHƯƠNG XXI

Giữ Ngày Chúa Nhật – Ảnh Hưởng Của Các Nhà Thừa Sai

Nguyên tác: “LES SAUVAGES BAHNARS”

P. DOURISBOURE (MEP)

Biên dịch: TGM Kontum

Giọng đọc: Lm Giuse Tiến Lộc (CSsR)

 

Youtube: Chủng Sinh TV

 

DÂN LÀNG HỒ

HÀNH TRÌNH TRUYỀN GIÁO VÀ KHAI PHÁ

MIỀN TÂY NGUYÊN KONTUM

Nguyên tác

“LES SAUVAGES BAHNARS”

  1. DOURISBOURE

De la Société des Missions Étrangères

– PARIS 1929 –

Giáo Phận Kontum

Tái bản lần thứ hai

– 2008 –

 

CHƯƠNG XXI

GIỮ NGÀY CHÚA NHẬT – ẢNH HƯỞNG CỦA CÁC NHÀ THỪA SAI

 

Tôi đã đặt tên cho cuốn sách này là Hồi Ký, vì trí nhớ kém cỏi của tôi đã không cho phép tôi viết tuần tự một câu chuyện xuyên suốt và đầy đủ. Nên tôi chỉ thuật lại theo từng giai đoạn vài sự kiện nổi bật nhất mà tôi còn ghi nhớ. Vì vậy, tôi muốn kể một cuộc phiêu lưu nhỏ xảy đến với tôi ít lâu sau cái chết của Giuse Ngui. Sở dĩ có chuyện phiêu lưu này là vì lòng sốt sắng phi thường của các tân tòng của chúng tôi trong việc dâng Thánh Lễ Chúa Nhật, và tôi phải thuật lại một trường hợp, lựa chọn trong nhiều trường hợp khác cũng giống như thế.

Vào một ngày thứ sáu nọ, có hai giáo dân làng Kon Trang đi đến một làng kia, cách xa hơn một ngày đường. Họ dự tính sẽ về vào ngày hôm sau để có thể tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật tại làng như thường lệ. Thế nhưng sự việc xảy ra ngoài ý muốn, hai người đó đã phải ở lại cho đến tận chiều thứ bảy. Làm sao đây? Những người này rất buồn phiền. Họ nói với nhau: “Mai là ngày của Chúa, vậy mà chúng ta lại ở quá xa ông Cha.”

Hơn nữa, trời đang giông bão, và trăng chỉ sáng vào nửa đêm. Mặc kệ. Họ quyết định dốc lòng giữ luật Giáo Hội và họ đã lên đường trở về. Bất chấp cơn mưa dai dẳng, bất chấp bóng đêm dày đặc, họ vẫn tiếp tục đi, băng qua gai góc, bụi rậm, đầm lầy, hào hố. Sáng hôm sau, mệt nhừ không thể tưởng, họ cũng đã về đến làng, đúng lúc Thánh Lễ sắp bắt đầu. Không kịp tắm rửa, không kịp thay đồ, họ đi một mạch đến nhà thờ và tham dự Thánh Lễ rất sốt sắng, lòng vui mừng khôn tả vì đã chu toàn bổn phận. Tôi đã thực sự cảm động trước hành vi đức tin này; nhưng Chúa nhân lành không chỉ đòi hỏi nơi tôi một sự ngưỡng mộ suông mà thôi.

Vài ngày sau tấm gương sáng về việc giữ luật đó, đến lượt mình, tôi cũng rời làng Kon Trang. Sáng thứ bảy, Cha Verdier và tôi đi Rơ Hai và dự tính chiều sẽ trở về Kon Trang cho kịp ngày Chúa Nhật. Nhưng hôm đó, thời tiết thật tồi tệ. Không những mưa như thác đổ, các khe suối tràn ngập nước một cách bất thường mà còn kèm theo bão tố dữ dội làm tróc gốc và xô ngã các cây cổ thụ, tàn phá tan hoang cây cỏ trong rừng và ngoài đồng. Thật ra, nếu ở lại Rơ Hai, chúng tôi vẫn có tiện nghi để dâng Thánh lễ Chúa Nhật ngày mai. Nhưng rồi, anh chị em tân tòng sẽ nói gì? Họ đã hy sinh biết bao khó nhọc để giữ trọn luật buộc, và họ sẽ nói sao khi thấy chúng tôi, Cha Cố của họ, lẽ ra phải làm gương cho họ, lại làm họ mất lễ Chúa Nhật vì sợ mệt nhọc ư? Liệu vị chủ chăn được phép tỏ ra hèn nhát hơn con chiên của mình? Không, thế là tôi quyết đi về. Tôi nói với Cha Verdier: “Cha luôn đau yếu, Cha hãy ở lại đây và đợi cho đến khi thời tiết tốt trở lại. Chỉ cần một trong hai anh em chúng ta trở về Kon Trang thôi. Tôi khoẻ mạnh hơn Cha và quen chống chọi với gió mưa, tôi sẽ về một mình, xin chào Cha nhé!”

Chưa đầy mươi phút tôi đã ướt như chuột. Thời đó, tuy đã yếu đi nhiều, nhưng tôi không suy nhược, mong manh như bây giờ vì bệnh tật triền miên khiến sức khoẻ tôi sa sút trầm trọng. Tôi chưa hiểu ý nghĩa những từ: chăm sóc, cẩn thận, dè chừng, phòng ngừa, v.v… mà các bác sĩ từ hồi nào đến giờ cứ lặp đi lặp lại với tôi không biết bao nhiêu lần. Người dân tộc không biết các từ này cũng chẳng hề lo lắng, vậy mà họ vẫn khoẻ mạnh như các bác sĩ trên toàn thế giới. Xét về điểm này, tôi cũng đã trở nên người dân tộc một phần nào rồi! Từ tám giờ sáng đến ba giờ chiều, trời mưa không dứt. Để nhanh nhẹn hơn, hôm đó tôi chỉ mặc áo sơ mi và quần đùi. Kinh nghiệm cho hay không có gì khiến ta ngon miệng như đi du hành kiểu như vịt, tức là luôn dầm nước sẽ mau đói lắm, nên tôi đã dự phòng đem theo một gói cơm lớn bọc trong lá chuối, buộc ngang thắt lưng. Nửa đêm, dạ dày tôi lên tiếng, tôi liền ngồi xuống, không phải trên cỏ non mà trong bùn (cũng đúng thôi vì nào có cỏ), để rồi chỉ trong chốc lát nước mưa và nước suối sẽ giặt sạch bộ đồ vía nhẹ tênh của tôi. Ăn xong, tôi lại tiếp tục hành trình.

Tôi đang vui bước như chú chim sơn ca thì quỷ sứ lại ghen tức với niềm vui của tôi, và rõ ràng nó đã thành công vì làm gián đoạn niềm hân hoan trong tôi. Trước đó, tôi chỉ gặp những con suối không sâu lắm, nước chỉ đến ngang thắt lưng. Bây giờ tôi đang đối diện với một con suối rộng, nước lớn vì mưa to, chảy cuồn cuộn, rất nguy hiểm. May thay, một thân cây lớn bị tróc gốc vì giông bão vừa rồi, ngã nằm chắn ngang con suối, tạo thành một chiếc cầu mới tinh. Không chút ngần ngại, tôi sử dụng ngay và đã sang được bên kia bờ, nhưng khi nhảy lên bờ, thì chân tôi vướng phải một nhánh cây và trong chớp mắt, tôi nằm sâu dưới suối. Tôi ngoi đầu lên, nước ngập tới cổ, nhưng nếu chỉ có thế thì chẳng đáng kể gì, và có lẽ tôi sẽ phát cười về cuộc phiêu lưu ngộ nghĩnh ấy. Đàng này, khi ngã, chân tôi đụng phải một rễ cây khiến da thịt tôi toạc rách khá sâu.

Bất hạnh chồng chất bất hạnh, cả khu rừng đã trở nên một ổ vắt thực sự. Loại đỉa rừng hắc ám ấy luôn là một cực hình cho người đi đường, ngay cả khi đôi chân lành lặn. Vậy sẽ ra sao, khi vô phúc, vắt có thể bám riết vào vết thương còn đang chảy máu? Tôi ngừng lại từng lúc để rứt chúng ra khỏi vết thương, nhưng luống công vô ích. Tôi không thể nào lấy hết được, và ít phút sau chúng lại càng bám nhiều hơn nữa. Nản chí, tôi đành “bó tay” và cứ bước đi vờ không thèm để ý đến chúng nữa. Thế nhưng, ngày này cũng đã kết thúc như những ngày khác, và sáng hôm sau, Chúa Nhật, các tân tòng của tôi vẫn được tham dự Thánh lễ như thường lệ. Còn tôi thì hài lòng vì đã làm tròn phận sự của mình.

Vài ngày sau cuộc phiêu lưu kể trên, một biến cố nhỏ đã xảy đến chứng tỏ rằng từ lúc ấy, các thừa sai đã có ảnh hưởng nào đó trên người bản xứ, uy tín càng ngày càng gia tăng. Đã qua rồi thời kỳ mà các làng dân tộc luôn đóng cổng làng với chúng tôi, thời người dân tộc còn sống cô lập, luôn chạy trốn ngay khi thấy bóng dáng chúng tôi từ xa. Bây giờ chúng tôi nhận thấy ở khắp nơi không những dễ dàng tiếp xúc mà còn tiếp đón niềm nở, kính trọng và quý mến chúng tôi nữa. Từ khi chúng tôi nói được tiếng địa phương và có thể trao đổi, bàn luận về đề tài mới xảy ra thì chúng tôi không ngừng bắt chuyện với họ. Dần dần, họ đã hiểu ra những lợi ích mà chúng tôi mang đến cho họ và những ý hướng ngay lành của chúng tôi trong quan hệ với họ. Vì vậy mà bây giờ, chúng tôi nhận thấy nhiều người tín cẩn chúng tôi còn hơn đối với họ hàng, bạn bè của họ nữa. Họ tự nguyện đến hỏi ý kiến chúng tôi và phó thác cho chúng tôi việc chăm lo cho lợi ích của họ. Nếu hai làng có xảy ra bất đồng, hoặc công khai gây chiến với nhau, họ đều yêu cầu chúng tôi đứng ra làm trung gian hòa giải mà không làm mất danh dự phía nào. Và không chỉ những làng chúng tôi cư trú đã hành động như vậy thôi đâu, mà còn nhiều làng dân tộc khác ở xa, hoàn toàn ngoại đạo, cũng tỏ ra tín cẩn không kém. Hơn thế nữa, đã xảy ra trường hợp mà tôi sắp kể lại đây, rằng có nhiều làng chúng tôi quen biết đang lâm chiến với các làng khác, chính những làng xa lạ với chúng tôi đã đến nhờ chúng tôi dàn xếp việc giao hảo cho họ. Bởi họ tin chắc rằng chúng tôi sẽ không bao giờ vì kiêng nể hay thiên vị ai mà bỏ lẽ công bằng, hay làm mất danh dự phía nào, ngay cả đối với những người mà theo lẽ tự nhiên chúng tôi phải tỏ ra thương mến họ hơn.

Có một làng nọ tên là Rơ De đang giao chiến với làng Kon Trang. Dân làng Kon Trang tóm được năm tù binh, trói lại và nhốt trong nhà rông. Cuộc chiến tranh đã kéo dài từ nhiều năm nay, lúc đầu làng Rơ De chiếm ưu thế nên đã gây nhiều tổn thất nặng nề cho làng Kon Trang. Cuối cùng, làng Kon Trang đã tìm được cơ hội giành lại những gì đã mất và báo thù cho danh dự của mình. Họ đã quyết tâm bắt kẻ thù phải trả giá thật đắt cho việc giảng hòa. Những tù binh khốn khổ kia đã nài xin tôi đến làng Rơ De của họ, thuyết phục dân làng nhượng bộ những hiềm khích trước đó và chuộc họ về. Nhưng chưa bao giờ nghe nói có người dân tộc nào dám mon men đến làng đang giao chiến với làng mình. Và đây là vấn đề nan giải, nhất là việc đến làng có những người đang bị làng mình bắt giữ làm tù binh. Người ta xem đây là một hành động điên rồ, bởi vì chắc chắn người ấy sẽ không tránh khỏi bị bắt và nhốt lại ngay khi anh ta đến.

Vì vậy, khi năm tù binh yêu cầu tôi đi đến làng của họ thì những người chứng kiến những lời thỉnh cầu đó bắt đầu cười ầm lên vì sự ngây ngô của những kẻ đáng thương này. Nhưng khi tôi chấp nhận lời thỉnh cầu và hứa sẽ đến làng Rơ De thì hết mọi dân làng Kon Trang đều vô cùng sửng sốt. Cả làng phản đối việc thực hiện ý định của tôi, mà theo họ, tôi sẽ phải trả giá đắt bằng chính sự tự do và thậm chí cả mạng sống của tôi. Tôi nói với họ:

– Hãy nghe tôi một chút. Nếu cũng trong trường hợp như thế, tôi đến làng anh em, chỉ với ý định duy nhất là mến thương anh em, để cứu anh em thoát cơn ngặt nghèo, thì liệu anh em có làm gì gây hại đến tôi chăng?

– Không, bởi vì chúng con biết Cha, nhưng ai mà biết được những kẻ khác có tôn trọng Cha như vậy hay không?

– Anh em hãy để tôi lo liệu. Như anh em, làng Rơ De cũng biết rõ rằng những nhà truyền giáo chúng tôi là bạn hữu của tất cả mọi người, chúng tôi đến đó không phải vì một lợi lộc hay bất cứ một tình cảm thiên tư nào cả. Vì thế, tôi sẽ đi Rơ De và sẽ trở về bình an vô sự. Ít ngày nữa, anh em sẽ phải ăn mừng vì sự can thiệp của tôi trong việc này.

Tôi ra đi. Không những dân làng Rơ De không làm hại gì đến tôi mà họ còn tỏ ra phấn khởi vì tôi đã đặt niềm tin nơi họ. Hai ngày tôi ở lại Rơ De là hai ngày lễ hội. Như họ nói thì nhà nhà đều lấy làm vinh dự để tiếp đón tôi hoặc mời tôi nếm rượu cần, nhưng vì tôi không có thời giờ để đến riêng từng gia đình, nên họ đã họp nhau lại tổ chức một lễ hội tập thể. Dân làng Rơ De đã lắng nghe những lời đề nghị của tôi. Các tù binh đã được chuộc về, và hoà bình chung cuộc đã được nối kết giữa hai làng.

Một lần khác, tình thế còn tế nhị hơn nhiều, bởi đó là một sự tranh chấp giữa một làng dân tộc láng giềng với anh em người Kinh ở cơ sở Rơ Hai của chúng tôi. Xét cho cùng, thì anh em ở cơ sở Rơ Hai có lý, nhưng họ đã sai trong cách hành xử bề ngoài. Thái độ trịch thượng, kiểu cách ngạo mạn, khinh người của họ làm cho người dân tộc tức giận. Thế nhưng, họ vẫn tin vào sự phân minh của tôi để rồi nhờ tôi giải quyết. Tôi đã dàn xếp vụ việc và làm thỏa lòng cả đôi bên.

Nhân dịp này, tôi phải lưu ý rằng bản tính kiêu căng của anh em người Kinh là một trở ngại lớn trong việc chiếm lấy cảm tình của người địa phương, và điều đó đã gây ra cho chúng tôi nhiều tình huống khó xử. Người Ba Na cũng như các bộ tộc thiểu số khác, vốn thích sống tự do, độc lập, và không có gì làm tổn thương đến niềm tự hào cố hữu của họ cho bằng việc ra lệnh một cách trịch thượng hoặc có thái độ khinh thường họ. Ngược lại, người Kinh, trong xứ sở nô lệ, đã quen dẫm đạp lên bất cứ ai dưới quyền mình, bắt họ phải tuân lệnh mà không nói một lời. Chính các linh mục người Kinh cũng không biết khắc phục nhược điểm này và họ không được người địa phương tôn trọng và vâng phục cho bằng các linh mục người Âu, chính xác hơn vì họ thích đặt động từ ở thể ra lệnh nhiều hơn chúng tôi. Tuy vậy, tôi cũng vội nói thêm là vẫn có trường hợp ngoại lệ rất đáng khâm phục, trong số các Cha người Kinh thì Cha Do là người được anh em dân tộc hết lòng yêu mến. Nhưng nói chung, người dân tộc vẫn tin cậy và tôn trọng các Cha thừa sai Pháp hơn, chỉ vì chúng tôi đã yêu thương họ với trọn tấm lòng của một người cha.

Nhiều lần, tôi đã được mời làm trọng tài cho các làng, cả những lúc lòng thù hận đang sục sôi. Các bạn đồng nghiệp khác, trong nhiều trường hợp khác nhau, cũng đã đóng vai trò trung gian như thế. Nhưng có một người trong tất cả anh em chúng tôi được người dân tộc mến yêu, kính phục hơn hết đó là Cha Combes. Người cha tốt lành này thật sự là bạn của họ. Ngài thường xuyên ra tận rẫy để thăm họ. Đang khi họ cuốc đất, gieo hạt, trồng tỉa, gặt hái, thì ngài đứng bên họ, kể chuyện cho họ nghe, rồi thỉnh thoảng lấy thuốc ra mời họ cùng hút. Họ thường nói với nhau: “Chính ngài là Bề trên, ngài lớn hơn hết, thế mà khi ở với chúng ta, ngài làm kẻ bé mọn nhất.”

Vì vậy, Cha có ảnh hưởng rất lớn và lời ngài nói luôn được nghe theo, nhờ đó, đã làm vơi đi nhiều oan trái, oán hờn, và đã ngăn chặn được biết bao điều bất công.

(Còn tiếp)

 

 

Đọc thêm: 

*DÂN LÀNG HỒ – Chương I: Những Dự Phóng Đầu Tiên Nhằm Thiết Lập Cơ Sở Truyền Giáo Nơi Các Dân Tộc Thiểu Số – Cuộc Hành Trình Khảo Sát Của Thầy Sáu Do

*DÂN LÀNG HỒ- Chương II : Cha Combes Và Cha Fontaine

*DÂN LÀNG HỒ- Chương III : Cuộc Gặp Gỡ Bok Kiêm – Thầy Sáu Do Và Bok Kiêm Kết Nghĩa Anh Em

*DÂN LÀNG HỒ- Chương IV : Cuộc Du Hành Của Các Cha Desgouts Và Dourisboure

*DÂN LÀNG HỒ- Chương V : Những Ngày Ở Kơ Lang

*DÂN LÀNG HỒ – Chương VI: Hành Trình Khảo Sát Tại Kon Kơxâm – Những Nỗ Lực Của Ma Quỷ Nhằm Làm Hại Các Nhà Thừa Sai

*DÂN LÀNG HỒ- Chương VII : Những Mối Quan Hệ Đầu Tiên Với Dân làng Kon Kơxâm – Vụ Hỏa Hoạn – Âm Mưu Sát Hại các Thừa Sai

*DÂN LÀNG HỒ- Chương VIII : Cha Desgouts Và Cha Fontaine Thoát Chết Đuối – Bắt Đầu Học Tiếng Ba Na – Du Hành Từ Kon Kơ Xâm Đến Kon Kơ Lang

*DÂN LÀNG HỒ- Chương IX : Dân Tộc Rơ Ngao – Những Điểm Đến Khác Của các Nhà Thừa Sai

*DÂN LÀNG HỒ- Chương X : Năm Đầu Tiên Ở Kon Trang

*DÂN LÀNG HỒ- Chương XI : Cha Combes Ở Kon Kơxâm – Một Ngày Phúc Lành -Cha Arnoux Đến

*DÂN LÀNG HỒ- Chương XII : Cha Arnoux Cùng Cha Dourisboure Ở Kon Trang – Cuộc Khởi Hành Rời Xứ Dân Tộc – Cha Fontaine Và Cha Desgouts Đi Về Phía Nam

*DÂN LÀNG HỒ- Chương XIII : Ngui Và Pat, Những Dự Tòng Xê Đăng Đầu Tiên – Hmur, Dự Tòng Ba Na Đầu Tiên

*DÂN LÀNG HỒ- Chương XIV : Các Em Ngui Và Pat Lãnh Nhận Phép Rửa Ngày 16 Tháng 10 Năm 1853 – Ông Hmur Lãnh Nhận Phép Rửa Ngày 28 Thánh 12 Năm 1853

*DÂN LÀNG HỒ- Chương XV : Cha Do Tại Rơ Hai – Cái Chết Của Chú Lục, Chú Giúp Việc Của Tôi – Cha Verdier Đến

*DÂN LÀNG HỒ- Chương XVI : Người Đưa Thư Bị Bắt – Bok Kiêm Bảo Vệ Chúng Tôi Thoát Khỏi Tay Nhà Chức Trách An Nam

*DÂN LÀNG HỒ- Chương XVII : Những Kitô Hữu Mới ở Kon Kơ Xâm

*DÂN LÀNG HỒ- Chương XVIII : Những Kitô Hữu Mới Ở Kon Trang – Cuộc Mưu Sát, Một Thử Thách Khủng Khiếp

*DÂN LÀNG HỒ- Chương XIX : Giuse Ngui Lâm Bệnh Và Qua Đời

*DÂN LÀNG HỒ- Chương XX : Andrê Ngam – Ma Quỷ Quấy Phá Anh

 

 

WGPKT(17/06/2023) KONTUM