DÂN LÀNG HỒ- Chương XVIII : Những Kitô Hữu Mới Ở Kon Trang – Cuộc Mưu Sát, Một Thử Thách Khủng Khiếp

DÂN LÀNG HỒ – CHƯƠNG XVII

Những Kitô Hữu Mới Ở Kon Kơ Xâm

Nguyên tác: “LES SAUVAGES BAHNARS”

P. DOURISBOURE (MEP)

Biên dịch: TGM Kontum

Giọng đọc: Lm Giuse Tiến Lộc (CSsR)

Youtube: Chủng Sinh TV

 

DÂN LÀNG HỒ

HÀNH TRÌNH TRUYỀN GIÁO VÀ KHAI PHÁ

MIỀN TÂY NGUYÊN KONTUM

Nguyên tác

“LES SAUVAGES BAHNARS”

  1. DOURISBOURE

De la Société des Missions Étrangères

– PARIS 1929 –

Giáo Phận Kontum

Tái bản lần thứ hai

– 2008 –

 

CHƯƠNG XVIII

NHỮNG KITÔ HỮU MỚI Ở KON TRANG – CUỘC MƯU SÁT, MỘT THỬ THÁCH KHỦNG KHIẾP

Trong năm 1854, các bạn trẻ của Giuse Ngui tiếp tục lui tới nhà tôi để học giáo lý. Sau khi thử thách đức tin và lòng kiên vững của các em, tôi đã rửa tội cho bốn em. Như vậy, số tân tòng của tôi là sáu người tại Kon Trang. Cha Combes đã dâng kính làng Kon Kơ Xâm cho Đức Mẹ Giải Thoát. Còn tôi, tôi đã đặt họ đạo mới của tôi dưới sự bảo trợ của Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.

Vào cuối năm đó, làng đã thay đổi chỗ ở. Mặc dù những người dân tộc ở các miền này không phải là dân du mục đích thực, nghĩa là những bộ tộc lang thang không có nhà ở cố định, nhưng ít nhiều họ cũng có thói quen đó, và hiếm khi họ ở một chỗ trong nhiều năm. Tin vào chuyện dị đoan luôn là nguyên nhân chính của các cuộc đổi chỗ ở. Khi cháy nhà hoặc cháy làng, khi có nhiều người chết hơn thường lệ, khi có người trong làng bị quân thù bắt hay bị giết chết cách thảm khốc, v.v… thì đó là vì đất của làng đang ở đã đem đến tai ương, phải đổi chỗ thôi. Dĩ nhiên, mụ phù thuỷ của làng, tức là Bơ Dâu, có toàn quyền trong những trường hợp như thế. Chính mụ là người tuyên bố không nên ở chỗ cũ nữa và cũng chính mụ, sau nhiều nghi lễ dị đoan, sẽ chỉ định một nơi thuận lợi hơn, nơi mà dứt khoát người ta sẽ tìm thấy hạnh phúc và trường thọ! Nhưng nếu vài năm sau, làng có phải bỏ mảnh đất may mắn đó mà dời đi nơi khác nữa thì đó là do số tử vong tăng cao hơn trước, nên không ai nghĩ đến việc tố cáo mụ Bơ Dâu là dốt nát và lừa bịp.

Vậy, dân làng Kon Trang đã dời làng của họ đến một địa điểm mới cách chỗ cũ khoảng ba cây số đi về phía bộ tộc người Rơ Ngao. Trong suốt thời gian dựng nhà mới, khoảng một tháng, mọi người đều ngủ màn trời chiếu đất ngoài rừng, cạnh các ngôi nhà đang làm. Nhà tôi chỉ có ba người, và bởi thiếu thốn phương tiện, nên tôi không thể nghĩ đến việc dựng nhà mới. Được sự đồng ý của anh em dân tộc trong làng, tôi tiếp tục ở lại nhà cũ cho đến khi dân làng đã làm xong nhà của họ, thì cả làng sẽ giúp tôi dựng nhà. Vậy là một mình tôi ở lại làng cũ một tháng, cách làng mới ba cây số đường rừng. Vào mỗi Chúa Nhật, Ngui đều đến dự lễ. Đối với nó, việc ấy không phải là chuyện nhỏ, vì một trẻ em dân tộc, ít khi đi vào rừng một mình, và Ngui cần tất cả lòng đạo đức để lướt thắng nỗi sợ hãi trên suốt quãng đường đó.

Một hôm, Ngui đã không đến nhà tôi. Cha của em đau rất nặng và em không thể nghĩ đến việc bỏ cha dù chỉ một giây. Ngam, anh ruột của em vẫn chưa theo đạo, cùng chia sẻ với em mình bổn phận đạo hiếu này. Hai anh em thương nhau thắm thiết, và điều lạ lùng là tình huynh đệ càng ngày càng đậm đà hơn từ ngày Ngui được rửa tội. Chỉ có điều giữa hai anh em, Đạo Thánh của chúng ta đã trở nên đề tài tranh luận thường xuyên. Giuse Ngui muốn lôi kéo anh Ngam theo đạo, còn Ngam không từ bỏ một cố gắng nào để xúi em Ngui bỏ đạo.

Ngồi dưới chân người cha đang đau yếu trong rừng, cả hai anh em, mỗi người mỗi cách, cố bảo vệ sự sống thân thương đó. Giuse Ngui cầu nguyện và cầu nguyện không ngừng. Đôi khi em nói xa nói gần với cha về lợi ích và sự cần thiết phải theo đạo. Ngam thì không biết cầu nguyện nhưng qua nhiều nghi thức mê tín dị đoan, anh cố làm cho các thần linh nguôi giận. Anh hứa nếu cha anh khoẻ lại, thì anh sẽ cúng một con dê, một con heo và một con trâu. Đó là một lễ vật cúng tế tốn kém nhất. Giuse Ngui cũng khấn hứa hãm mình ăn chay một số ngày và tham dự Thánh lễ trong các ngày đó. Trong khi đó, bệnh tình của ông Lam không hề suy giảm chút nào. Ngui đến gặp tôi, em xin tôi đến thăm và thuyết phục cha em chịu phép rửa tội. Tôi lập tức đến thăm người bệnh. Khi nhìn ông, tôi tin là ông đã bị sưng huyết phổi. Tôi bèn dùng phương pháp cho đỉa hút máu. Ông đã thuyên giảm ngay, và ít ngày sau thì lành bệnh. Trong thời gian dưỡng bệnh, ông hứa với tôi rằng khi nào bình phục sẽ đến xin học đạo và ông đã giữ lời hứa.

Sau rất nhiều do dự, Ngam cũng đã đến xin học đạo. Ơn Chúa đã phải khó nhọc lắm mới thắng được sự kháng cự của anh. Có lẽ ma quỷ thấy trước rằng chàng thanh niên này, một khi đã trở thành Kitô hữu sẽ gây thiệt hại lớn đến những ảnh hưởng của chúng. Cho nên, bằng mọi cách có thể, chúng đã cố hết sức ngăn cản anh theo đạo. Ngui, em trai anh, không ngừng cầu nguyện cho anh và động viên anh mình bằng những lời lẽ vô cùng cảm động. Ngam không nói lời nào chống đối đạo nữa; nhưng lòng tự phụ của một người anh đã không cho phép anh chịu thua đứa em mình. Anh nói với Ngui: “Có lẽ nào mày, một đứa trẻ ranh lại thắng anh mày sao?” Giuse Ngui đáp lại: “Không, không phải em thắng anh đâu, nhưng chính Thiên Chúa đã thắng anh đó; còn em, em chỉ biết, trước là cầu xin Chúa, sau là nài xin anh.” Cuối cùng, Ngam nhượng bộ.

Một ngày nọ, Ngam nói với Ngui: “Này em yêu quý, anh sẽ theo đạo, em đã thuyết phục được anh từ lâu rồi, nhưng vì tự ái, anh đã không muốn nhượng bộ. Đến nay thì kể như xong, anh sẽ đến gặp Cha xin học giáo lý”. Anh đã đến và đã lãnh nhận phép rửa. Ta sẽ thấy anh luôn là một Kitô hữu tuyệt vời như thế nào. Vào ngày lễ rửa tội, anh nói: “Ma quỷ cứ việc ghi nhớ những lời tôi đã hứa trong lúc cha tôi bệnh! Chính lời cầu nguyện của Ngui đã chữa lành cha chúng tôi, chứ không phải lời khấn hứa của tôi. Người ta bảo tôi sẽ phải chết nếu không thực hành lời khấn. Để rồi xem! Trong khi chờ đợi, tôi quyết bỏ lời khấn đó, và đặt hết lòng tin cậy vào Thiên Chúa mà tôi đã xúc phạm khi đưa ra những lời khấn ấy”. Lam và con trai ông được rửa tội cùng một ngày. Cha Combes cũng đến dự lễ để làm bố đỡ đầu cho ông.

Cũng trong năm 1855 này, có khoảng mười thanh niên nữa đã theo gương của ông Lam và Ngam. Đoàn chiên nhỏ đã gia tăng càng ngày càng đông, vì vậy ma quỷ vội vã tấn công. Nhưng chúng chỉ thay đổi một chút kế hoạch. Trong khi ở Kon Kơ Xâm, các thuộc hạ của chúng đuổi bắt các tân tòng bằng những lời cười nhạo quấy nhiễu, chửi bới, thì ở Kon Trang, ma quỷ chủ yếu tìm cách làm cho những kẻ muốn đón nhận đức tin phải hoảng sợ bằng những lời bịa đặt ngây ngô, những lời vu khống lố bịch. Chẳng hạn, người ta nói những kẻ theo đạo sau này thế nào cũng trở thành nô lệ cho chúng tôi. Họ quả quyết rằng mỗi lần có một người trở lại đạo thì chính trong ngày rửa tội, tôi bắt linh hồn của người đó bọc trong một tờ giấy rồi bán cho “Bă Yang” (Thần, Chúa).

Người ta còn nói thêm rằng việc buôn bán đó tạo nguồn lợi tức cho tôi; điều gì tôi có, đó là giá bán các linh hồn cho Chúa. Kẻ khác thì nói rằng: “Lại nữa, nếu theo đạo thì không được cưới vợ, lấy chồng, phải ở đồng trinh. Không đúng sao? Chẳng gì thì ông Cha đã gọi bà Maria là Thánh Nữ Đồng Trinh đó sao? Vậy người có đạo không thể cưới vợ, lấy chồng”. Có một dự tòng có vẻ khá vững đã bị quật ngã bởi lập luận khủng khiếp ấy. Vì không biết giải đáp làm sao và vì muốn lấy vợ, anh chàng đã hoãn ngày trở lại đạo đến bốn năm năm sau. Anh đã cần đến ngần ấy thời gian để hiểu rằng người có đạo vẫn được phép cưới vợ lấy chồng, cho dù Mẹ Thiên Chúa đã luôn ở đồng trinh. Dường như ta đã không thể tin được rằng những lời nói ngu xuẩn đó, và nhiều vấn nạn khác còn phi lý hơn nữa đã làm tê liệt biết bao bước tiến của Tin Mừng tại Kon Trang.

Vài ba tháng trước đó, chúng tôi không ngờ lại trải qua một cơn nguy biến. Vụ việc như sau: ngày nọ, một người dân tộc Rơ Ngao ở làng Kon Rơ Bang, vùng lân cận với Rơ Hai, đã đến làng Kon Trang. Sau khi đi thăm một số người, anh ta cũng vào nhà tôi. Tôi tiếp đón anh giống như các anh em dân tộc khác tiếp các bạn hữu của họ bằng cách mời ăn cơm và uống rượu. Ông Lam, cha của Ngui và Ngam, đã chứng kiến sự tiếp đón thân tình này. Tối hôm đó, ông Lam đến nhà tôi. Ông không say, nhưng đã uống hơn mức thường ngày một chút và đến mức mà người ta không còn biết làm thinh hay che giấu điều gì nữa. Ông nói với tôi: “Thưa Cha, Cha đã tiếp đón ông Poi quá lịch sự”. – “Tôi lịch sự với hết mọi người, tại sao lại không lịch sự với ông Poi?” Ông Lam cười mỉa mai đáp lời tôi: “Đúng vậy, lão Poi này xứng đáng quá mà!” Rồi bỗng chốc lấy vẻ trang nghiêm, ông nói thêm: “Con muốn tiết lộ cho Cha biết một việc, cách đây vài tháng lão Poi này đã đến gặp con và nói: ‘Chúng tao có bốn làng hợp nhau lại để cướp nhà cửa bọn người Kinh ở Rơ Hai. Tao được những làng này phái đến đề nghị mày hợp tác với chúng tao. Nếu mày đồng ý thì đến ngày đó, dân Rơ Ngao sẽ xông vào Rơ Hai, cùng lúc mày với làng mày ở đây, xông vào nhà chiếm đoạt tất cả tài sản của Bok Ân (tên của tôi ở miền dân tộc). Chúng ta sẽ giết những người này và cướp lấy của cải’. Khi con nghe lão đưa ra lời đề nghị dại dột đó với vẻ mặt rất lạnh lùng thì con nổi giận đến nghẹn lời, phải một lúc sau con mới trả lời với lão ta: ‘Đồ khốn nạn! Mày dám đề nghị với tao một việc gian ác như vậy sao! Mày xem tao là hạng người nào? Người Kinh đã làm điều gì hại đến chúng ta, mà mày tưởng tao cũng không ngần ngại nhúng tay vào máu của họ sao? Mày hãy về nói lại với bọn đã cử mày đến đây rằng không những tao không đồng ý tiếp tay mà còn là kẻ thù cương quyết nhất của tất cả những ai tấn công những người vô tội này’. Và cuộc mưu sát đã không diễn ra. Đấy, Cha thấy không, cái lão Poi mà Cha đã tiếp đãi quá tử tế này là một tên phản bội, nếu con nghe theo lão thì giờ này Cha đã mất mạng rồi”.

Ngay sau hôm tiết lộ câu chuyện đó, ông Lam lại đến gặp tôi và nói: “Hôm qua, con đã nói quá nhiều. Rượu vào lời ra. Nhưng vì việc này đã qua lâu rồi và cũng không còn gì nguy hiểm cho Cha nữa. Vậy con xin Cha đừng nghĩ ngợi gì đến âm mưu đó nữa. Nếu không thì chắc Cha sẽ tạo nên nhiều kẻ thù một cách vô ích, và Cha sẽ không được lợi gì đâu. Hơn nữa, bây giờ các làng đó đã có cảm tình với Cha rồi”.

Mối nguy hiểm đã tan biến. Sự chăm sóc của Thiên Chúa nhân lành như người cha đối với con cái mình không những đã phá tan các âm mưu của hoả ngục ngay trong trứng nước mà còn gìn giữ chúng tôi khỏi mọi nỗi lo âu bằng cách để chúng tôi không hề hay biết gì. Nhưng ít lâu sau, lại bắt đầu xảy ra cho tôi và họ đạo Kon Trang một thử thách khủng khiếp hơn nhiều mà hậu quả vẫn còn in đậm đến bây giờ. Tôi không thể nhớ lại cơn thử thách này mà không cảm thấy buồn man mác. Lạy Chúa, xin tha thứ cho con, nếu trong nỗi buồn này có pha lẫn chút ít vẩn đục do bị chạm đến lòng tự ái! Xin chúc tụng Chúa, bởi vì Chúa là Cha, ngay cả khi bàn tay Chúa đè nặng trên chúng con! Xin chúc tụng Chúa bởi vì đường lối quan phòng của Người luôn đáng thán phục, và Người biết hơn chúng con, những gì thích hợp cho vinh quang cao cả của Người!

Từ trước đến nay, hai xứ truyền giáo Đức Mẹ Giải Thoát và Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội đã có những bước tiến sánh ngang nhau. Những điều tốt đẹp diễn ra chậm nhưng chắc. Số tân tòng không đông lắm, nhưng được tuyển chọn kỹ, luôn tỏ ra ngoan ngoãn đáng phục. Dân ngoại giáo, phần lớn đã bị lay chuyển, và ta có thể hy vọng sắp tới sẽ có được một mùa gặt dồi dào. Nhưng, Thiên Chúa, vì  những lý do mà chỉ mình Người biết, đã hành động một cách khác nhau nơi hai xứ đạo. Trong khi Kon Kơ Xâm liên tục tiến triển thì Kon Trang lại dậm chân tại chỗ. Tại Kon Kơ Xâm, trong những năm đầu rao giảng Phúc Âm, không một tân tòng hay dự tòng nào chết hoặc mắc bệnh nặng. Hơn nữa, đạo đã giải thoát họ khỏi bao nhiêu tập tục mê tín. Họ có thể canh tác trồng trọt kịp thời và thu hoạch được mùa màng tốt hơn nhiều, khiến cho đời sống của họ trở nên sung túc, không còn nạn đói kém nữa. Anh em dân tộc cho là nhờ đạo mà họ có được lợi lộc và cuộc sống dễ chịu này.

Tại Kon Trang thì khác hẳn. Vào cuối năm 1855, có khoảng hai mươi tân tòng đều còn trẻ tuổi, chỉ trừ ông Lam ra, không ai quá hai mươi lăm. Cuối năm 1856, tám người trong số họ đã chết. Điều đã gây nên trong tâm trí họ ấn tượng còn tai hại hơn cái chết nữa, đó là cách chết của những người đó. Một cô gái chết vì ra máu liên tục từ mũi, cô đã chết vì kiệt sức. Một cô gái khác chết vì bị rắn độc cắn. Bốn thanh niên đã chết sau bốn mươi tám tiếng vì một căn bệnh cấp tính mà không ai biết là bệnh gì. Một người anh em bà con của Giuse Ngui, tên là Gioakim Am, cũng đã chết vì thổ tả sau ba ngày đau bụng dữ dội. Cuối cùng là Giuse Ngui quỵ ngã vì bệnh màng não! Điều lạ lùng nhất là trong khi các trẻ thân yêu của tôi mắc bệnh và chết thì không một người ngoại giáo nào cùng trang lứa thiệt mạng cả. Tôi phải nói ra điều này để tôi và cả bạn đọc nữa được an ủi. Đó là rất may tất cả các em đã lìa đời đều được chuẩn bị hết sức chu đáo, và tôi có cơ sở để hy vọng họ đều được lên thiên đàng. Hơn nữa đức tin của các em còn sống không hề bị nao núng khi đứng trước hành vi đầy huyền nhiệm mà Chúa Quan Phòng thực hiện. Nhưng ma quỷ đã lợi dụng sự việc này để vu khống đạo, để loan truyền những lời đồn đại lố lăng nhất và để quả quyết với người dân tộc rằng những tai hoạ chết chóc đó chỉ xảy ra cho các tân tòng sau khi chịu phép rửa. Và chính phép rửa là nguyên nhân độc nhất. Ta dễ dàng tưởng tượng ra hậu quả của sự việc trên.

Một vài anh em dân tộc, tuy đã bắt đầu học kinh nhưng đức tin còn yếu kém, nay đã bỏ trốn, không đến nhà tôi nữa. Một người trong số đó đã bị trừng phạt cách khủng khiếp vì lạm dụng ân sủng. Anh đã tin chân lý của đạo và đã nhận thức rõ bổn phận phải theo đạo. Nhưng sự sợ hãi do mê tín dị đoan đã khiến anh bỏ tất cả. Có lần tôi đã gặp riêng anh và hỏi: “Này chú Xem đáng thương của Cha, tại sao con không đến học kinh nữa? Đã lâu rồi Cha không thấy con”. Xem trả lời: “Con không hề muốn bỏ đạo, nhưng lúc này người ta chống đối đạo quá, con không dám theo học. Sau này, khi có đông người đến nghe Cha dạy thì con cũng theo họ đến học.” Tôi hỏi lại: “Con nói ‘sau này’ nhưng sau này biết còn có con không? Mặc dù còn trẻ nhưng con có chắc mình sẽ sống được lâu không?” Anh im lặng và tôi đã từ biệt anh. Vài ngày sau, tôi đến làng Đức Mẹ Giải Thoát để thăm Cha Combes và ở chơi với ngài hai ngày rồi mới về. Khi gần đến làng Kon Trang, tôi nghe thấy tiếng cồng chiêng. Tôi gặp một người phụ nữ ở cổng và hỏi: “Hôm nay có việc gì mà người ta đánh cồng chiêng vậy?”“Đêm qua, tên Xem đã chết bất thình lình.”“Vô phúc cho nó – tôi nghĩ bụng – Nó đã không biết, không muốn tận dụng thời gian của ân sủng. Nó cũng lặp lại như bao nhiêu người khác lời bi thảm trong tiếng kêu của loài quạ, như thánh Augustinô đã nói: ‘cras, cras’ (mai, mai), nhưng cũng như nhiều người khác, nó chẳng có cái ngày mai đo”.

Một năm buồn thảm biết bao, và tâm hồn tôi đau đớn biết ngần nào! Bao hy vọng của tôi tan thành mây khói. Tôi thấy toà nhà được xây lên với biết bao khó nhọc, nay bị phá đổ tan hoang. Hoả ngục đang chiếm lại phần đất đã mất. Và điều làm tăng thêm nỗi đau khổ là sự sợ hãi khủng khiếp vì tôi thấy tội lỗi mình đã góp phần tạo nên các tai ương này. Tại Kon Kơ Xâm, mọi việc đều thành công. Thiên Chúa hằng ban phúc lành cho việc truyền giáo tại làng Đức Mẹ Giải Thoát. Tại sao? Vì địa sở đó được điều khiển bởi một người bạn đồng nghiệp đạo đức, một vị thừa sai thánh thiện, một tông đồ nhiệt thành. Trái lại, tại Kon Trang, mọi sự bị đe doạ sụp đổ. Phải chăng là vì tội lỗi tôi phạm hằng ngày, vì những điều vô ơn bạc nghĩa của tôi? Biết bao lần tôi nhớ đến Aben công chính và người anh khốn nạn của anh ta. Của lễ hiến dâng của người này thì như hương thơm tỏa bay đến trời cao; còn của lễ của người kia thì bị từ chối. Nếu lời cầu khẩn của tôi bay lên tới ngai Thiên Chúa, với lòng sốt mến và tinh tuyền như của người bạn đồng nghiệp, thì những ơn phúc mà ngài đã xin được cho các tân tòng của ngài, tôi cũng đã có thể xin được cho tân tòng của tôi. Lạy Chúa, xin thương xót con! Xin Chúa chớ để cho sự khốn nạn của con trở thành nguyên nhân khiến các linh hồn phải hư mất, những linh hồn đã được cứu độ bằng giá máu của Con Chúa là Đức Giêsu Kitô.

(Còn tiếp)

Đọc thêm: 

*DÂN LÀNG HỒ – Chương I: Những Dự Phóng Đầu Tiên Nhằm Thiết Lập Cơ Sở Truyền Giáo Nơi Các Dân Tộc Thiểu Số – Cuộc Hành Trình Khảo Sát Của Thầy Sáu Do

*DÂN LÀNG HỒ- Chương II : Cha Combes Và Cha Fontaine

*DÂN LÀNG HỒ- Chương III : Cuộc Gặp Gỡ Bok Kiêm – Thầy Sáu Do Và Bok Kiêm Kết Nghĩa Anh Em

*DÂN LÀNG HỒ- Chương IV : Cuộc Du Hành Của Các Cha Desgouts Và Dourisboure

*DÂN LÀNG HỒ- Chương V : Những Ngày Ở Kơ Lang

*DÂN LÀNG HỒ – Chương VI: Hành Trình Khảo Sát Tại Kon Kơxâm – Những Nỗ Lực Của Ma Quỷ Nhằm Làm Hại Các Nhà Thừa Sai

*DÂN LÀNG HỒ- Chương VII : Những Mối Quan Hệ Đầu Tiên Với Dân làng Kon Kơxâm – Vụ Hỏa Hoạn – Âm Mưu Sát Hại các Thừa Sai

*DÂN LÀNG HỒ- Chương VIII : Cha Desgouts Và Cha Fontaine Thoát Chết Đuối – Bắt Đầu Học Tiếng Ba Na – Du Hành Từ Kon Kơ Xâm Đến Kon Kơ Lang

*DÂN LÀNG HỒ- Chương IX : Dân Tộc Rơ Ngao – Những Điểm Đến Khác Của các Nhà Thừa Sai

*DÂN LÀNG HỒ- Chương X : Năm Đầu Tiên Ở Kon Trang

*DÂN LÀNG HỒ- Chương XI : Cha Combes Ở Kon Kơxâm – Một Ngày Phúc Lành -Cha Arnoux Đến

*DÂN LÀNG HỒ- Chương XII : Cha Arnoux Cùng Cha Dourisboure Ở Kon Trang – Cuộc Khởi Hành Rời Xứ Dân Tộc – Cha Fontaine Và Cha Desgouts Đi Về Phía Nam

*DÂN LÀNG HỒ- Chương XIII : Ngui Và Pat, Những Dự Tòng Xê Đăng Đầu Tiên – Hmur, Dự Tòng Ba Na Đầu Tiên

*DÂN LÀNG HỒ- Chương XIV : Các Em Ngui Và Pat Lãnh Nhận Phép Rửa Ngày 16 Tháng 10 Năm 1853 – Ông Hmur Lãnh Nhận Phép Rửa Ngày 28 Thánh 12 Năm 1853

*DÂN LÀNG HỒ- Chương XV : Cha Do Tại Rơ Hai – Cái Chết Của Chú Lục, Chú Giúp Việc Của Tôi – Cha Verdier Đến

*DÂN LÀNG HỒ- Chương XVI : Người Đưa Thư Bị Bắt – Bok Kiêm Bảo Vệ Chúng Tôi Thoát Khỏi Tay Nhà Chức Trách An Nam

*DÂN LÀNG HỒ- Chương XVII : Những Kitô Hữu Mới ở Kon Kơ Xâm

WGPKT(25/05/2023) KONTUM