DÂN LÀNG HỒ- Chương XXIII : Cha Combes Qua Đời Ngày 14 Tháng 9 Năm 1857

 

DÂN LÀNG HỒ – CHƯƠNG XXIII

Cha Combes Qua Đời Ngày 14 Tháng 9 Năm 1857

Nguyên tác: “LES SAUVAGES BAHNARS”

P. DOURISBOURE (MEP)

Biên dịch: TGM Kontum

Giọng đọc: Lm Giuse Tiến Lộc (CSsR)

 

Youtube: Chủng Sinh TV

 

 

DÂN LÀNG HỒ

HÀNH TRÌNH TRUYỀN GIÁO VÀ KHAI PHÁ

MIỀN TÂY NGUYÊN KONTUM

Nguyên tác

“LES SAUVAGES BAHNARS”

  1. DOURISBOURE

De la Société des Missions Étrangères

– PARIS 1929 –

Giáo Phận Kontum

Tái bản lần thứ hai

– 2008 –

 

CHƯƠNG XXIII

CHA COMBES QUA ĐỜI NGÀY 14 THÁNG 9 NĂM 1857

 

Trước kia, khi chúng tôi mới đến ở làng Kon Kơ Lang, Cha Combes đã từng nói: “Nếu trước khi chết, tôi có thể được diễm phúc Rửa tội cho năm người lớn; hoặc ít nữa là giúp chuẩn bị rửa tội cho mười lăm dự tòng, thì tôi sẽ vui mừng đọc kinh ‘Nunc Dimittis’ (Muôn Lạy Chúa)”.

Thiên Chúa nhân lành đã nhậm lời ngài và còn hơn thế nữa. Không kể một đám đông những trẻ em ngoại đạo mà ngài đã đưa về Thiên đàng, cùng hai người già mà ngài giúp trở lại đạo và đã Rửa tội cho họ trong phút lâm chung, thì ngài đã ban phép Rửa cho ba mươi bốn người lớn, và tất cả không trừ một ai, đều đã trở thành những Kitô hữu tuyệt hảo. Ngài cũng chuẩn bị cho hai mươi ba dự tòng có nhiều triển vọng trong tương lai. Đúng là đến giờ đọc câu “Nunc Dimittis” và an bình ra đi. Dường như Thiên Chúa muốn tỏ lộ rõ ràng việc Người gọi Cha Combes về với Người chỉ vì Người đã thỏa mãn ước nguyện của Cha, nên người cha tốt lành đã qua đời mà không bệnh tật gì cả. Và ngài ra đi đang lúc thi hành tác vụ tông đồ là giảng dạy anh chị em dự tòng.

Ngày 10 tháng chín, Cha Verdier đến Kon Kơ Xâm thăm người đồng nghiệp thân yêu của chúng tôi; cả hai cùng ở với nhau trọn hai ngày. Ngày 14, lúc Cha Verdier sắp lên đường trở về Kon Trang, Cha Bề trên đã nói với ngài:

– Hôm nay, tôi thấy không được khoẻ lắm, và vì không biết việc gì có thể xảy ra, nên tôi muốn xưng tội trước khi Cha ra về.

Ngài đã xưng tội, và Cha Verdier nói với ngài:

– Xem nào, nếu Cha bệnh thì tôi sẽ ở lại với Cha. Không có gì phải về gấp cả, vì ở Kon Trang đã có Cha Dourisboure ở với giáo dân của ngài rồi.

– Không, không, không cần thiết đâu. Tôi chỉ muốn giữ đúng luật và dọn mình sẵn sàng cho mọi biến cố thế thôi. Cha cứ việc lên đường. Tôi nghĩ chẳng có việc gì đâu.

Và họ chia tay nhau.

Cũng ngày hôm đó, khoảng giữa trưa, Cha Bảo từ Trung Châu đến Kon Kơ Xâm, mang theo một gói thư, có những thư được gửi từ Châu Âu, hay từ các miền Truyền giáo khác, cũng có những thư  gửi từ Trung Châu nữa. Ai trong chúng tôi cũng đều có thư. Nhiều thư được gửi đến cho Cha Combes, trong đó có một bức thư của Đức Cha Cuénot chỉ thị cho ngài trở xuống Trung Châu, vì Đức Cha muốn tấn phong ngài làm Giám Mục và đặt làm Giám Mục phó. Cha Combes rất xúc động khi đọc lá thư này. Phần tôi, người biết rõ về ngài và là người có diễm phúc được làm bạn thân tình với ngài, tôi biết chắc, bởi chính miệng ngài đã nói, rằng trong trường hợp Đức Cha đề nghị ban chức vị này cho ngài thì ngài sẽ nhất quyết từ chối. Tôi nghiêng về việc tin rằng lá thư của Đức Cha đã gây một cảm xúc mạnh, góp phần không nhỏ dẫn đến cái chết của Cha Combes, và nhiều người khác cũng đã nghĩ như vậy. Sau khi đọc lá thư của Đức Cha, bạn đồng nghiệp của chúng tôi đã không muốn đọc thêm một lá thư nào khác, mặc cho trong đó có viết gì đi nữa. Và sau khi ngài qua đời, chúng tôi đã tìm thấy nhiều lá thư gửi cho ngài còn nguyên chưa được bóc ra. Cả ngày hôm đó, trái với mọi khi, ngài có vẻ rầu rĩ và ưu phiền. Đến chiều tối, vào giờ dạy giáo lý, chúng tôi hỏi ngài vẫn dạy bình thường hay nên hoãn lại vì ngài đang khó chịu trong người. Ngài bảo: “Cứ đánh trống triệu tập các dự tòng đến; giảng dạy cho họ không làm tôi mệt đâu”. Các dự tòng kéo đến ngồi vây quanh Cha Combes, ngài đã tỏ vẻ phấn khởi và tươi cười với họ.

Nhưng, buổi dạy giáo lý kéo dài không bao lâu. Cha Combes cho họ về và nói: “Thế là đủ rồi. Tối nay cha thấy không được thoải mái lắm”.

Vừa lúc các dự tòng ra khỏi nhà, thì người bạn yêu quý của chúng tôi liền cảm thấy suy kiệt hẳn, ngài đến gần vách ngăn bằng phên tre để dựa vào và ngồi xuống sàn nhà. Một phút sau, ngài khuỵ xuống và ngã lăn ra nền nhà. Chúng tôi vội chạy đến đỡ ngài dậy; ngài bị cấm khẩu và có lẽ cũng đã bất tỉnh. Cha Bảo có mặt ở đó, vừa kịp xức dầu cho ngài, và Cha Bề trên tốt lành của chúng tôi đã ra đi mãi mãi.

Thế là chấm dứt cuộc đời một vị thừa sai mẫu mực. Bởi ngài vẫn còn trẻ – ba mươi hai tuổi – và đã khá thích nghi với phong thổ miền dân tộc, nên chúng tôi đã nuôi hy vọng ngài sẽ ở lâu dài giữa chúng tôi và trong nhiều năm nữa anh em sẽ tìm thấy nơi ngài sự nâng đỡ, lời khuyên bảo, và niềm an ủi! Nhưng đường lối của Thiên Chúa không phải là đường lối của chúng ta; và Thánh ý của Người thì khôn dò khôn thấu. Giờ đã đến. Xin hãy lưu ý đến hoàn cảnh của cái chết an lành này. Này đây, một thừa sai khó nghèo, sống một thân một mình trong buôn làng dân tộc, xa cách các bạn đồng nghiệp, lâu lâu mới gặp nhau vào những ngày ấn định. Ngài sẽ chết bất thình lình và người ta sẽ không có thời gian để mời linh mục vào giờ phút lâm chung.

Chúa đã tiên liệu mọi sự.  Một vị thừa sai khác đã tình cờ đến thăm, Cha Combes đã lãnh nhận Bí Tích Hòa Giải và tẩy sạch linh hồn mình khỏi mọi tội nhẹ mà chính các đấng Thánh cũng không hoàn toàn tránh được. Giải tội cho ngài xong, vị linh mục mà Chúa Quan Phòng sai đến, đã ra về. Cái chết đã đến cận kề, nhưng không một ai ngờ đến điều đó, vị thừa sai lại một thân một mình. Thế thì ai sẽ Xức Dầu cho ngài? Ai sẽ giúp ngài trong giờ lâm tử ? Đúng vào giây phút đó, từ một vương quốc xa xôi, một linh mục khác nữa đã đến và ban các Bí tích sau cùng cho ngài, linh hồn ngài đã bay thẳng về trời! Ôi lạy Chúa! Ngài quảng đại biết bao đối với các thừa sai của Ngài! Sự bao bọc chăm sóc của Ngài đầy dịu dàng và thắm tình phụ tử xiết bao! Ôi tình yêu của Thiên Chúa! Nếu có khi nào con quên ơn Ngài thì ước gì tay hữu sẽ thành tê bại! Lưỡi xướng ca sẽ dính với hàm, nếu có ngày nào con ngừng chúc tụng, ngợi khen Chúa!

Ngay khi tin về cái chết của Cha Combes được loan truyền trong làng Kon Kơ Xâm, đâu đâu cũng nghe tiếng rên xiết, khóc than. Mặc dù mưa như thác đổ, mặc dù đêm tối mịt mù, trong chốc lát, căn nhà của người quá cố đã trở nên quá bé nhỏ để chứa các dân làng. Vì đang mùa lúa trổ bông, và vì phần lớn dân làng phải đi canh rẫy, không có mặt ở làng, nên người ta phải khua chiêng gõ trống giống như những lần có tai họa lớn. Nghe tiếng chiêng trống báo động, tất cả những người canh đồng, dù ở rất xa, cũng đều bỏ rẫy chạy về và cả làng họp mặt đông đủ, vây quanh ngôi nhà có người chết. Tất cả mọi người, không phân biệt lương giáo, đều thành tâm khóc thương nhà thừa sai. Nhưng hơn ai hết, các tân tòng và các dự tòng biết rằng họ đã mất đi một kho tàng quý báu và họ đau đớn khôn cùng! Họ thức suốt đêm bên thi hài của người cha yêu quý, cùng nhau cầu kinh hòa lẫn tiếng khóc than thảm thiết!

Trong khi làng Kon Kơ Xâm chìm trong đau đớn, thì Cha Verdier và tôi, chúng tôi không hề nghi ngờ về đòn khủng khiếp vừa giáng xuống trên công trình truyền giáo miền dân tộc. Hôm sau, khoảng hai giờ chiều, có hai người giúp việc của địa sở Kon Kơ Xâm đến Kon Trang, trao cho chúng tôi một gói thư mà không nói lời nào; đó là những thư đến từ Châu Âu và từ An Nam. Trong đó có mảnh giấy Cha Bảo gửi cho chúng tôi, nhưng vô tình chúng tôi không mở ra xem trước. Mỗi người chúng tôi đã đọc những lá thư từ Pháp gửi sang với niềm vui rất tự nhiên mà một thừa sai thường cảm nhận khi thỉnh thoảng nhận được tin tức của cha mẹ và của hết mọi người thân yêu. Cuối cùng, tôi cầm mảnh giấy của Cha Bảo. Trên mảnh giấy chỉ ghi mấy chữ như sau: “Cha Combes đã chết”. Đây thật là một cú sét đánh đối với chúng tôi. Tôi bần thần sửng sốt vì cú sốc đột ngột này, cú sốc mà tâm trí tôi chưa thể chấp nhận được. Không những tôi đã mất một người bạn thân yêu mà còn mất đi một vị thủ lãnh tiên phong trong công cuộc truyền giáo miền dân tộc, và một cột trụ vững chắc. Như thế, ngài đã bỏ chúng tôi ở lại không còn ai chỉ đạo, không còn ai cố vấn. Tôi cảm thấy một gánh nặng thật lớn lao, vượt quá sức, sắp đè nặng trên đôi vai yếu đuối của mình. Tôi chỉ biết vừa khóc vừa lặp lại câu Kinh Thánh: “Chúa đã ban cho, Chúa lại cất đi, Người là Chúa tể, xin thực hiện điều đẹp ý Người, và xin chúc tụng danh Người.”

Cố nén đau thương, tôi lập tức lên đường đi Kon Kơ Xâm. Hai người đưa thư muốn đi cùng với tôi, nhưng họ không sao theo kịp bước chạy của tôi, và trong chốc lát họ không còn thấy tôi nữa. Lúc mặt trời xế bóng, tôi đã đi được một ngày đường trong vòng một buổi, và tôi đã đến làng Kon Mơ Nây, bên bờ sông Dak Bla. Chỉ khi đó tôi mới nhận thấy thân mình tôi từ chân tới thắt lưng, nhuốm đầy máu vì bị bọn đỉa và vắt rừng “chăm sóc”. Cần phải lội qua sông đang mùa nước lớn vì mưa bão; nhưng vì bão đang còn kéo dài, nên không ai đủ can đảm chèo xuồng chở tôi sang bờ bên kia, dù tôi có thưởng hậu hĩnh đến mấy đi nữa. Tôi đã chuốc lấy mệt nhọc một cách vô ích, buộc lòng kiên nhẫn vâng theo Thánh ý Chúa và đã ngủ lại ở làng Kon Mơ Nây. Lúc gà gáy, tôi lại lên đường, và sau hai giờ lội bùn, vượt suối, băng rừng, tôi đã đến Kon Kơ Xâm lúc bảy giờ sáng.

Anh chị em dân tộc đang chờ tôi. Họ đã đón tiếp tôi rất tử tế, thể hiện qua cử chỉ, thái độ để nói lên lòng tha thiết chia buồn với tôi. Nhất là các tân tòng tội nghiệp, họ đã quấn quýt vây quanh tôi. Cái chết của Cha Combes khiến họ trở nên côi cút. Tôi đã khóc với họ, và để an ủi họ tôi lặp lại và giải thích những lời tôi đã khắc trên mộ Giuse Ngui: “Chúng ta không phải như những kẻ khác không có niềm hy vọng”.

Khi tôi đến, xác của người quá cố đã được mặc phẩm phục linh mục và được liệm trong quan tài rồi. Tôi đã cho an táng ngài với tất cả lễ nghi thông thường. Từ đó, Kon Kơ Xâm không hề quên vị tông đồ của mình. Và ngày nay, sau nhiều năm dài, mặc dù mọi cảm xúc của người dân tộc hời hợt, chóng qua; song, đôi khi họ vẫn đến cầu nguyện trước mộ Cha Combes.

 

(Còn tiếp)

 

 

Đọc thêm: 

*DÂN LÀNG HỒ – Chương I: Những Dự Phóng Đầu Tiên Nhằm Thiết Lập Cơ Sở Truyền Giáo Nơi Các Dân Tộc Thiểu Số – Cuộc Hành Trình Khảo Sát Của Thầy Sáu Do

*DÂN LÀNG HỒ- Chương II : Cha Combes Và Cha Fontaine

*DÂN LÀNG HỒ- Chương III : Cuộc Gặp Gỡ Bok Kiêm – Thầy Sáu Do Và Bok Kiêm Kết Nghĩa Anh Em

*DÂN LÀNG HỒ- Chương IV : Cuộc Du Hành Của Các Cha Desgouts Và Dourisboure

*DÂN LÀNG HỒ- Chương V : Những Ngày Ở Kơ Lang

*DÂN LÀNG HỒ – Chương VI: Hành Trình Khảo Sát Tại Kon Kơxâm – Những Nỗ Lực Của Ma Quỷ Nhằm Làm Hại Các Nhà Thừa Sai

*DÂN LÀNG HỒ- Chương VII : Những Mối Quan Hệ Đầu Tiên Với Dân làng Kon Kơxâm – Vụ Hỏa Hoạn – Âm Mưu Sát Hại các Thừa Sai

*DÂN LÀNG HỒ- Chương VIII : Cha Desgouts Và Cha Fontaine Thoát Chết Đuối – Bắt Đầu Học Tiếng Ba Na – Du Hành Từ Kon Kơ Xâm Đến Kon Kơ Lang

*DÂN LÀNG HỒ- Chương IX : Dân Tộc Rơ Ngao – Những Điểm Đến Khác Của các Nhà Thừa Sai

*DÂN LÀNG HỒ- Chương X : Năm Đầu Tiên Ở Kon Trang

*DÂN LÀNG HỒ- Chương XI : Cha Combes Ở Kon Kơxâm – Một Ngày Phúc Lành -Cha Arnoux Đến

*DÂN LÀNG HỒ- Chương XII : Cha Arnoux Cùng Cha Dourisboure Ở Kon Trang – Cuộc Khởi Hành Rời Xứ Dân Tộc – Cha Fontaine Và Cha Desgouts Đi Về Phía Nam

*DÂN LÀNG HỒ- Chương XIII : Ngui Và Pat, Những Dự Tòng Xê Đăng Đầu Tiên – Hmur, Dự Tòng Ba Na Đầu Tiên

*DÂN LÀNG HỒ- Chương XIV : Các Em Ngui Và Pat Lãnh Nhận Phép Rửa Ngày 16 Tháng 10 Năm 1853 – Ông Hmur Lãnh Nhận Phép Rửa Ngày 28 Thánh 12 Năm 1853

*DÂN LÀNG HỒ- Chương XV : Cha Do Tại Rơ Hai – Cái Chết Của Chú Lục, Chú Giúp Việc Của Tôi – Cha Verdier Đến

*DÂN LÀNG HỒ- Chương XVI : Người Đưa Thư Bị Bắt – Bok Kiêm Bảo Vệ Chúng Tôi Thoát Khỏi Tay Nhà Chức Trách An Nam

*DÂN LÀNG HỒ- Chương XVII : Những Kitô Hữu Mới ở Kon Kơ Xâm

*DÂN LÀNG HỒ- Chương XVIII : Những Kitô Hữu Mới Ở Kon Trang – Cuộc Mưu Sát, Một Thử Thách Khủng Khiếp

*DÂN LÀNG HỒ- Chương XIX : Giuse Ngui Lâm Bệnh Và Qua Đời

*DÂN LÀNG HỒ- Chương XX : Andrê Ngam – Ma Quỷ Quấy Phá Anh

*DÂN LÀNG HỒ- Chương XXI : Giữ Ngày Chúa Nhật – Ảnh Hưởng Của Các Nhà Thừa Sai

*DÂN LÀNG HỒ- Chương XXII : Tên Phù Thủy Bị Lột Mặt Nạ

 

 

WGPKT(06/07/2023) KONTUM