Chúng vốn là nòi phản loạn, chúng phải biết rằng có một ngôn sứ đang ở giữa chúng.
Bài trích sách ngôn sứ Ê-dê-ki-en.
2 Bấy giờ, thần khí đã nhập vào tôi đúng như lời Đức Chúa phán với tôi, và làm cho chân tôi đứng vững ; tôi đã nghe tiếng Người phán với tôi. 3 Người phán với tôi : “Hỡi con người, chính Ta sai ngươi đến với con cái Ít-ra-en, đến với dân phản nghịch đang nổi loạn chống lại Ta ; chúng cũng như cha ông đã nổi lên chống lại Ta mãi cho đến ngày nay. 4 Những đứa con mặt dày mày dạn, lòng chai dạ đá, chính Ta sai ngươi đến với chúng : ‘Đức Chúa là Chúa Thượng phán thế này.’ 5 Còn chúng, vốn là nòi phản loạn, chúng có thể nghe hoặc không nghe, nhưng chúng phải biết rằng có một ngôn sứ đang ở giữa chúng.”
Đ.Mắt chúng ta hướng nhìn lên Chúa,
tới khi Người xót thương chút phận.
1Con ngước mắt hướng nhìn lên Chúa,
Đấng đang ngự trên trời.2aQuả thực như mắt của gia nhân
hướng nhìn tay ông chủ.
Đ.Mắt chúng ta hướng nhìn lên Chúa,
tới khi Người xót thương chút phận.
2bcdNhư mắt của nữ tỳ hướng nhìn tay bà chủ,
mắt chúng ta cũng hướng nhìn lên Chúa
là Thiên Chúa chúng ta,
tới khi Người xót thương chút phận.
Đ.Mắt chúng ta hướng nhìn lên Chúa,
tới khi Người xót thương chút phận.
3Dủ lòng thương, lạy Chúa, xin dủ lòng thương,
bởi chúng con bị khinh miệt ê chề ;4hồn thật quá ê chề vì hứng chịu
lời nhạo báng của phường tự mãn,
giọng khinh người của bọn kiêu căng.
Đ.Mắt chúng ta hướng nhìn lên Chúa,
tới khi Người xót thương chút phận.
Tôi tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Ki-tô ở mãi trong tôi.
Bài trích thư thứ hai của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.
7 Thưa anh em, để tôi khỏi tự cao tự đại vì những mặc khải phi thường tôi đã nhận được, thân xác tôi như đã bị một cái dằm đâm vào, một thủ hạ của Xa-tan được sai đến vả mặt tôi, để tôi khỏi tự cao tự đại. 8 Đã ba lần tôi xin Chúa cho thoát khỏi nỗi khổ này. 9 Nhưng Người quả quyết với tôi : “Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối.” Thế nên tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Ki-tô ở mãi trong tôi. 10 Vì vậy, tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Ki-tô. Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh.
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Thần Khí Chúa ngự trên tôi, sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Ha-lê-lui-a.
Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.
1 Khi ấy, Đức Giê-su trở về quê quán của Người, có các môn đệ đi theo. 2 Đến ngày sa-bát, Người bắt đầu giảng dạy trong hội đường. Nhiều người nghe rất đỗi ngạc nhiên. Họ nói : “Bởi đâu ông ta được như thế ? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao ? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì ? 3 Ông ta không phải là bác thợ, con bà Ma-ri-a và là anh em của các ông Gia-cô-bê, Giô-xết, Giu-đa và Si-môn sao ? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao ?” Và họ vấp ngã vì Người. 4 Đức Giê-su bảo họ : “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi.” 5 Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó ; Người chỉ đặt tay trên một vài bệnh nhân và chữa lành họ. 6 Người lấy làm lạ vì họ không tin. Rồi Người đi các làng chung quanh mà giảng dạy.
(Nguồn: ktcgkpv.org)
—————————-
Suy niệm 1: TGM Giuse Vũ Văn Thiên
Thánh Lu-ca kể lại: khi nghe Chúa Giê-su làm phép lạ cho hồi sinh người con trai duy nhất của người đàn bà góa, dân chúng cảm phục và thốt lên: “Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người” (Lc 7, 16). Những người Do Thái thông thạo truyền thống Cựu ước sẽ hiểu khái niệm “ngôn sứ” mà họ dùng để xưng tụng Chúa Giê-su.
Danh xưng ngôn sứ, trước đây chúng ta thường dịch là “tiên tri”, và được giải thích là “biết trước”. Thực ra, ngôn sứ là người được Chúa sai đi để chuyển tải giáo huấn và thông điệp của Ngài (ngôn là lời và sứ là được sai đi). Có thể người sai đi là một người uyên bác, những cũng có thể là một người nông dân bình thường, như trường hợp ngôn sứ A-mốt. Chính ông này đã nói: “Tôi không phải là tiên tri, cũng không phải là con của tiên tri, nhưng là đứa chăn bò (và chuyên) đi hái trái sung. Khi tôi đang đi theo đàn chiên, thì Chúa dẫn tôi đi và nói cùng tôi rằng: “Ngươi hãy đi nói tiên tri cho dân Ít-ra-en của Ta” (Am 7,14-15). Chi tiết này chứng minh: việc loan báo thông điệp của Chúa không hề lệ thuộc vào sự khôn ngoan của con người, nhưng là chính hành động của Thiên Chúa. Chính Ngài soi sáng và làm cho vị ngôn sứ trở nên mạnh mẽ can trường, nhiệt thành loan báo giáo huấn của Ngài. Qua các ngôn sứ, lịch sử Ít-ra-en chứng minh rằng: chính Thiên Chúa mới là Đấng giáo huấn và điều khiển dân tộc được tuyển lựa. Các vua hay những người lãnh đạo chỉ là những dụng cụ Ngài dùng mà thôi.
Trong khi dân chúng tung hô Đức Giê-su là Vị Ngôn Sứ vĩ đại, thì đồng hương của Người lại không nhận ra điều ấy. Phúc âm hôm nay kể lại một chuyến thăm quê hương của Chúa Giê-su. Thay vì đón nhận lời giáo huấn của Người, họ lại “tỉa tót” những chi tiết liên quan đến tuổi thơ, về gia đình và họ hàng của Người. Những người đồng hương mang nặng thành kiến về Chúa Giê-su, và họ dựa vào đó để từ chối những gì Người giảng dạy. Sự thành kiến và kiêu ngạo là những vật cản không cho họ nhận ra Người là Đấng Thiên Sai. Mặc dù ghi nhận những việc Người làm là phi thường, họ cũng chỉ coi Người là một người xuất thân từ nghề thợ mộc. Chúa Giê-su đã nhắc lại câu ngạn ngữ dân gian: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi”. Câu ngạn ngữ này cũng giống như chúng ta thường nói: “Bụt chùa nhà không thiêng”. Cuộc viếng thăm quê hương của Người xem ra không có cái kết đẹp. Cũng trong trình thuật song song, thánh Lu-ca còn cho chúng ta biết thêm: sau khi Đức Giê-su trưng dẫn hai nhân vật là Ê-li-a và Ê-li-sa để ngầm trách họ, những người đồng hương đã kéo Người lên đỉnh núi với ý định xô Người xuống vực (x. Lc 4,16-30).
Xã hội thời nay cũng vẫn có nhiều người mang nặng thành kiến, như thời của Chúa Giê-su. Khi nói về giáo huấn của Phúc âm và của Giáo hội, họ thường dựa và những sự kiện tiêu cực của Giáo hội trong lịch sử để đánh giá không đúng về Đạo của chúng ta. Họ chỉ quan sát và đánh giá Giáo hội theo cái nhìn thuần tuý trần tục, thậm chí bằng sự ghen tương hiềm thù. Chính Chúa Giê-su đã thành lập Giáo hội, và Giáo hội lại bao gồm những thành viên. Trong số các thành viên, có người tốt và có người chưa tốt. Có người lợi dụng Giáo hội để làm những điều không đúng. Ánh sáng và bóng tối luôn đan xen trong từng trang của lịch sử Giáo hội cũng như lịch sử xã hội. Người tín hữu chân chính cần biết sàng lọc và phân định để đón nhận và sống như con cái của sự sáng.
Người tín hữu không chỉ đón nhận đức tin, mà còn là những người rao giảng đức tin. Bí tích Thanh tẩy trao cho chúng ta ba chức năng: ngôn sứ, tư tế và vương đế. Đức Giê-su cũng có ba chức năng này. Những ai được xức dầu trong Bí tích Thanh tẩy đều được gọi là Ki-tô, tức là người được xức dầu. Như thế, mỗi Ki-tô hữu là một ngôn sứ, tức là người được Chúa sai đi để nói Lời của Người. “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21). Đây là lời của Đức Giê-su phục sinh nói với các môn đệ. Vâng, hôm nay Chúa Giê-su vẫn sai chúng ta vào lòng cuộc đời, để trở nên muối và ánh sáng. Với nỗ lực cố gắng, chúng ta sẽ góp phần làm lan tỏa những giá trị Tin Mừng trong môi trường cuộc sống.
Chúa Giê-su là vị Ngôn sứ đang sống giữa chúng ta. Người ban cho chúng ta Thần Khí của Người, tức là Chúa Thánh Thần, như thánh Phao-lô quả quyết: “Anh em không bị tính xác thịt chi phối, mà được Thần Khí chi phối, bởi Thần Khí của Thiên Chúa ngự trong anh em” (Bài đọc II). Nhờ Thần Khí hướng dẫn, chúng ta sẽ trở nên con người hoàn hảo, trong mối tương quan với Chúa và với anh chị em.
Ơn gọi ngôn sứ là một vinh dự lớn lao, nhưng cũng phải trải qua nhiều thử thách. Cuộc đời các ngôn sứ trong lịch sử Cứu độ đã chứng minh điều đó. Chúa Giê-su, vị Ngôn sứ vĩ đại cũng đã bị chống đối và bị giết chết. Để thực thi sứ vụ cao cả này, Ki-tô hữu cũng phải đối diện với nhiều khó khăn, nhưng Chúa luôn ở với chúng ta, và Người trấn an chúng ta như Người đã nói với thánh Phao-lô: “Ơn của Thầy đã đủ cho con, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối.” (2 Cô-rin-tô 12,9).
+TGM Giu-se Vũ Văn Thiên
—————————-
Suy niệm 2: Lm. Lu-y Gonzaga Nguyễn Quang Vinh
ĐỨC GIÊSU LÀ AI VẬY ?
Đức tin cần phải có để phép lạ xảy ra. Có điều gì đó bất ổn khi đọc Bài Tin Mừng Chúa Nhật 14 B so sánh với bài Tin Mừng Chúa Nhật 13 B tuần trước. Tại sao một nhân vật đầy quyền năng đã ra lệnh cho bão tố cuồng phong im lặng, đã chữa bệnh cho con gái ông Gia-ia chết được sống lại, đã làm cho người đàn bà loạn huyết mười hai năm được lành bệnh mà nay lại thốt lên lời này: “‘Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và gia đình mình mà thôi’. Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó. Người lấy làm lạ vì họ không tin” (x. Bài Tin Mừng. Mc 6,1-6).
Đức Giêsu bắt đầu rao giảng tại thành Caphácnaum, sự việc xảy ra khá thuận lợi lúc ban đầu, Người được dân chúng lắng nghe và thán phục khi họ nhìn thấy các việc lạ Người làm: “Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Đức Giêsu” (Mc 1, 22). Tuy nhiên sau đó đám đông đã thay lòng đổi dạ và không tin, bởi vì lý lịch bình dân của Người, họ làm sao có thể chấp nhận một Thiên Chúa xuất thân từ đám dân đen như họ. Thiên Chúa phải cao sang, Đấng Mêsia phải uy quyền lộng lẫy theo quan niệm bình dân Do thái.
Có lẽ người Do thái cho rằng gốc tích của Đấng Mêsia phải là mung lung huyền bí, khó truy cứu, thì mới thật là Đấng Mêsia. Quan niệm nầy được thánh Gioan chia sẻ: “Ông ấy, chúng tôi biết xuất thân từ đâu rồi, còn Đấng Kitô khi người đến, thì chẳng ai biết Người xuất thân từ đâu cả” (Ga 7, 27). Và vì biết rõ gốc tích lý lịch, nên đám đông ngã theo quan niệm “con vua thì lại làm vua, con sãi giữ chùa lại quét lá đa”. Có sự huyền bí xoay quanh con người Đức Giêsu! Thật vậy, dân thành Nadarét không chấp nhận Đức Giêsu bởi vì họ biết nguồn gốc của Người, khiến họ không tin Người là Đấng Mêsia. Cho nên “Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó”.
Như vậy đức tin là điều kiện cần và đủ để Đức Giêsu thực hiện phép lạ. Đức Giêsu thường cổ vũ kẻ đến với Người: “Niềm tin của bà đã cứu bà” hay “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi”, những kiểu nói tán dương đức tin và động viên này, thường xuất hiện nơi môi miệng Đức Giêsu khi Người làm phép lạ. Có khi Người đòi hỏi đức tin trước khi thi hành phép lạ, như trường hợp cho Ladarô sống lại, Đức Giêsu hỏi bà Matta có tin vào sự sống lại không, bà thưa có, sau đó Người mới làm phép lạ. Thiên Chúa toàn năng sẵn sàng ban tặng ân huệ, nhưng con người cũng cần phải có đức tin để lãnh nhận. Đức tin như điều kiện tối cần thiết, là cửa mở cho Thiên Chúa thực thi phép lạ. Trong đức tin có cái gì đó khó hiểu mà con người phải vượt qua, tức là hy sinh phần nào lý trí để nắm bắt thực tại thần linh. Đức tin không thuộc lãnh vực duy lý, tức là do suy luận mà có, dầu vậy đức tin có tính hợp lý của nó.
Người ta vấp ngã về Đức Giêsu bởi vì người ta thiếu kinh nghiệm về Thiên Chúa, thiếu kinh nghiệm về sự kiện có một không hai xảy ra nơi nhân loại, về một con người có hai bản thể, Người vừa là Thiên Chúa thật vừa là người thật. Người trần mắt thịt chỉ thấy cái bên ngoài, phê phán từ bên ngoài, đánh giá từ bên ngoài. Họ chỉ thấy bác phó mộc nơi Đức Giêsu tầm thường, mà không nhận ra Thiên Chúa nơi bác phó mộc lao động.
Một nguyên tắc cơ bản trong Kitô giáo chi phối tất cả đời sống đức tin và đời sống tâm linh của người Kitô hữu, đó là Kitô giáo phải luôn được ngắm nhìn dưới hai lăng kính, một đàng nhìn thấy được, một đàng phải có mắt đức tin mới đạt thấu được. Nếu người ta không nhận ra nơi bác thợ mộc tầm thường có tên là Giêsu thành Nadarét là Con Thiên Chúa thì người ta cũng chẳng bao giờ nhận ra Thiên Chúa trong Giáo Hội, và người ta cũng không nhận ra hiệu năng ân sủng của các bí tích mà Giáo Hội ban phát.
Và cứ suy luận như thế, người ta có thể nói nước lã chỉ là nước lã mà thôi, chứ làm sao có chức năng thanh tẩy con người khỏi tội lỗi và làm cho họ trở nên con cái Thiên Chúa được. Cái khó khăn này thật sự đã xảy ra thời các tiên tri, khi dân chúng từ chối không coi các ngôn sứ là người của Nhà trời: “dân chúng vốn là nòi phản loạn, chúng có thể nghe hoặc không nghe (lời các tiên tri), nhưng chúng phải biết rằng có một ngôn sứ đang ở giữa chúng” (x. Bài Đọc 1. Ed 2,2-5).
Bởi vì tiên tri cũng là người bình thường được Thiên Chúa tuyển chọn, vốn thân phận yếu đuối, lại mang trong mình một sứ mạng cao cả. Nhà tiên tri phải nói cho dân chúng biết ý muốn của Thiên Chúa; tuy nhiên có khi sự yếu đuối của thân phận ngôn sứ che lấp sứ mạng cao cả của tiên tri và vì vậy họ bị dân chúng từ chối. Đức Giêsu ở vào hoàn cảnh tương tự như thế này, Người là Ngôn sứ cao trọng nhất lại xuất hiện trong thân phận người lao động tầm thường của bác phó mộc, do vậy Người đã bị bạc đãi.
Lạy Chúa Giêsu, con tin vững vàng Người là Thiên Chúa thật và là người thật, xin thêm đức tin cho con để con nhận ra các thực tại mầu nhiệm trong đạo thánh Chúa. Amen
Lm Luy Gonzaga Nguyễn Quang Vinh
—————————-
Suy niệm 3: Lm. Thái Nguyên