DÂN LÀNG HỒ – CHƯƠNG XXV
Cha Verdier Qua Đời – Cha Dourisboure Đi Sài Gòn – Cha Besombes Đến Miền Dân Tộc
Nguyên tác: “LES SAUVAGES BAHNARS”
P. DOURISBOURE (MEP)
Biên dịch: TGM Kontum
Giọng đọc: Lm Giuse Tiến Lộc (CSsR)
Youtube: Chủng Sinh TV
DÂN LÀNG HỒ
HÀNH TRÌNH TRUYỀN GIÁO VÀ KHAI PHÁ
MIỀN TÂY NGUYÊN KONTUM
Nguyên tác
“LES SAUVAGES BAHNARS”
-
DOURISBOURE
De la Société des Missions Étrangères
– PARIS 1929 –
Giáo Phận Kontum
Tái bản lần thứ hai
– 2008 –
CHƯƠNG XXV
CHA VERDIER QUA ĐỜI – CHA DOURISBOURE ĐI SÀI GÒN – CHA BESOMBES ĐẾN MIỀN DÂN TỘC
Trong khi tôi làm việc như vậy để thiết lập cộng đoàn Kitô hữu ở Pơ Năng, thì tại vương quốc An Nam đã xảy ra nhiều biến cố hết sức quan trọng đối với công cuộc truyền giáo của chúng tôi. Ít lâu, sau khi chiếm được Đà Nẵng, quân đội Pháp, dưới sự chỉ huy của đô đốc Rigault de Genouilly đã chiếm Sài Gòn vào tháng hai năm 1859. Theo hệ lụy tự nhiên của những thành công quân sự này, cuộc bắt Đạo đã và đang hoành hành ở Bắc Bộ và Nam Bộ nay lại gia tăng cường độ. Các tay đao phủ giận dữ điên cuồng. Không phải chỉ có các thừa sai ngoại quốc, các linh mục bản xứ, các Kitô hữu có ảnh hưởng bị truy nã và bị tống giam mà thôi; nhưng tất cả Kitô hữu đều bị lùng bắt, bị đuổi khỏi thôn xóm, bị phân tán đi các tỉnh xa xôi giữa những người ngoại giáo, chồng một nơi, vợ một ngã, con cái thơ dại phải chia lìa cha mẹ. Tất cả đều lâm vào một số phận còn tệ hơn là số phận một nô lệ khổ nhục nhất. Người ta có thể nói là hỏa ngục muốn triệt hạ đạo thánh của chúng ta.
Tôi không có gì để tường thuật về cuộc bách hại này. Sở dĩ tôi đề cập đến nó là vì hậu quả gián tiếp mà miền truyền giáo dân tộc đã phải gánh chịu. Nhờ sự an bài đầy khoan dung của Chúa Quan Phòng mà giữa cơn nguy biến toàn diện đó, tỉnh Bình Định tiếp tục được bình yên trong một thời gian. Nhờ đó, Đức Giám Mục và các bạn đồng nghiệp người Âu của chúng tôi, đang ẩn trốn trong những nơi an toàn, vẫn có thể liên lạc thư từ với chúng tôi và thông tin cho chúng tôi biết những biến cố đang xảy ra. Nhưng cuối năm 1860, sự an ủi cuối cùng này cũng đã bị lấy đi. Cơn giông tố nổ ra ở Bình Định cũng khốc liệt như những nơi khác. Các liên lạc giữa chúng tôi với Trung Châu hoàn toàn bị cắt đứt và như thế, bị cắt đứt luôn với toàn thế giới.
Vài tháng sau, một bất hạnh khác xảy đến cho tôi. Tuy tai họa này đã được báo trước từ lâu, nhưng không vì thế mà nó bớt phần xót xa. Cha Verdier, bạn đồng nghiệp người Âu duy nhất của tôi còn lại ở miền dân tộc, đã lìa bỏ tôi để về một thế giới tốt hơn. Như đã nói, ngài cư ngụ ở Kon Trang, khi tôi đến Kon Kơ Xâm thay thế Cha Combes. Sức khoẻ của ngài vốn rất yếu kém từ đó càng ngày càng tuột dốc. Ngài mắc bệnh suy nhược mà tôi không biết gọi chính xác là bệnh gì. Mặc dù hiếm khi ngài lên cơn đau dữ dội, nhưng tôi e là rất có thể ngài chịu đau đớn hơn cả cơn đau chết dần chết mòn, ngày này sang ngày khác, trong nhiều năm như vậy. Ngay khi thấy bệnh tình của mình xem ra không thể chữa lành được ở xứ dân tộc, ngài đã nghĩ đến việc chữa trị ở một nơi khác tốt hơn. Tôi đã viết thư cho Đức Cha Cuénot xin Đức Cha gọi ngài về và gửi ngài đi chữa bệnh ở một nơi khác để phục hồi sức khoẻ, Singapore chẳng hạn. Nhưng vì lý do gì tôi không rõ, Đức Cha đã không đáp ứng ngay lời yêu cầu này. Chẳng bao lâu sau, cuộc bách hại đã phong tỏa mọi nẻo đường và ngài không thể khởi hành được nữa. Chúng tôi đều bị nhốt ở xứ Ba Na như trong ngục tù.
Cha Verdier đã đối diện với cái chết không thể tránh khỏi của mình với lòng can trường và hoàn toàn vâng theo Thánh ý Chúa. Trong một thời gian khá lâu, tuy không còn đủ sức để bước đi cũng như không thể thi hành một cách nghiêm túc tác vụ thánh nữa, thỉnh thoảng ngài vẫn còn được hạnh phúc bước lên bàn thờ dâng lễ. Nhưng về sau, sức khoẻ yếu dần và niềm an ủi cuối cùng này cũng bị lấy đi. Suốt ngày, suốt tuần, suốt tháng, ngài nằm dài trên chiếu, gần như bất động và không còn sức sống. Cuối cùng, thấy ngài không còn sống được bao lâu nữa, chúng tôi đã cho khiêng ngài về làng Rơ Hai. Ở đó vừa được hai tuần, một hôm ngài nói với tôi: “Vì Chúa muốn tôi chết bây giờ, tôi xin vâng theo Thánh ý Chúa. Nhưng tôi muốn được chết giữa giáo dân, con cái của tôi”.
Để làm vui lòng ngài, chúng tôi lại phải cho khiêng ngài trở về Kon Trang. Ngài cực kỳ ốm, có thể đếm được tất cả xương sườn của ngài. Yếu nhược đến nỗi nhiều lần tôi tưởng ngài đã chết. Cuối cùng, ngài đã tắt thở, an bình và nhẫn nhục, lãnh nhận đầy đủ các Bí Tích của Giáo Hội. Đó là tháng tư năm 1861. Thi hài của ngài được mai táng bên cạnh Giuse Ngui trong khu rừng ở Kon Trang. Và tôi, một kẻ tội lỗi khốn nạn, buộc phải chôn cất các bạn đồng nghiệp của mình xuống lòng đất, tôi vẫn còn sống, vì tôi chưa được chuẩn bị sẵn sàng như họ để ra trình diện trước tòa Chúa!
Mất đi bạn đồng nghiệp người Âu duy nhất này khiến tôi đau lòng khôn tả. Thật ra, vẫn còn hai vị linh mục người Kinh rất tốt là Cha Do và Cha Bảo. Nhưng tôi không còn cách nào liên lạc với Đức Giám Mục và các thừa sai khác. Trên thực tế, tôi đang chìm trong một sự cô đơn sâu thẳm, xa cách quê hương năm ngàn dặm, sống giữa những anh em dân tộc, không có một lời khuyên, không có một người bạn, không có một sự đỡ nâng nào! Trong những lúc bối rối, khó xử, bị bỏ rơi một mình, tôi, một người yếu đuối nhất, dốt nát nhất, khốn nạn nhất trong số các thừa sai, buộc phải tự mình giải quyết tất cả những khó khăn! Ôi! Nhờ ơn Chúa, không phải sự nghèo khó, cũng chẳng phải sự thiếu thốn vật chất khiến tôi bận tâm. Thật sự, sau một thời gian cố gắng tối đa khâu vá lại quần áo cũ, tôi buộc phải ăn mặc rách rưới. Tôi chỉ có mỗi một đôi giày đã mòn mà tôi cẩn thận cất giữ để mang khi lên bàn thánh dâng lễ. Rồi, sợ đường đi bị phong tỏa lâu dài, tôi buộc phải tiết kiệm từng tí bột mì, từng chút rượu nho để cử hành Hiến Lễ Thánh. Chỉ những Chúa Nhật và vài ngày lễ trọng, tôi mới dâng Thánh Lễ. Vì anh em dân tộc tiếp tục xin trở lại và tôi vẫn thường có niềm vui cử hành phép Rửa, nên tôi rất lo thiếu chất liệu để cử hành Bí Tích Thánh Thể, trung tâm của Đạo Công Giáo. Tôi nghĩ trong lòng: “Tôi tạo nên các Kitô hữu, nhưng làm sao họ có thể trở nên vững mạnh khi họ không có ‘Bánh nuôi những người vững mạnh’? Làm sao họ tiến bộ, nếu họ không được tiếp nhận Đấng là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống?”
Người ta nói đến những đau khổ của các vị thừa sai, nào là những thiếu thốn, nào là những mệt nhọc! Tất cả những thứ đó sánh sao được với những nỗi buồn đôi khi tràn ngập tâm hồn họ. Tôi nói gì nhỉ? Bản chất của nhà thừa sai là thế, để những gian truân của thân xác đốt lên ngọn lửa hăng say thay vì dập tắt, để những đau khổ về thể lý kích thích lòng can đảm thay vì quật ngã họ. Tôi cũng như biết bao bạn đồng nghiệp của tôi đã trải nghiệm điều này. Nhưng khi cuộc chiến đấu diễn ra trong tâm hồn, khi nỗi buồn, sự chán nản, sự lo âu, kèm theo nỗi đau sống trong đêm tối, chụp xuống một tâm hồn cô đơn, thì hỡi ôi! lúc ấy, nếu tâm hồn này không được vững mạnh, nếu tâm hồn ấy, giống tâm hồn tôi đây, nghèo nàn, trần trụi, yếu đuối, khốn nạn thì nỗi gian truân kia như dòng nước lũ sẽ nhận chìm tâm hồn ấy hoàn toàn. Trong thời gian u sầu này, biết bao lần, tôi đã ngồi bên bờ sông Kon Kơ Xâm, như khi xưa dân Do Thái ngồi bên bờ sông Babylon! Tôi bắt đầu hát bài “Super flumina Babylonis” (Trên bờ sông Babylon). Nhưng khi tới câu “Quomodo cantabimus” (Chúng tôi hát làm sao) thì tôi nức nở nghẹn ngào không hát được nữa, nước mắt âm thầm tuôn rơi. Bạn đọc yêu quý, xin đừng xấu hổ về sự yếu đuối và khốn khổ của tôi; nhưng tốt hơn hãy cầu nguyện cho tôi vì Chúa là Đấng đã muốn đích thân hứng chịu bao nỗi sợ hãi, âu lo và buồn khổ: cœpit pavere et tœdere et mœstus esse.
Trong hơn hai năm mất mát về nhân sự như thế, tôi đã không còn biết chuyện gì đang xảy ra nơi thế gian này nữa. Duy chỉ biết điều này là, mọi nẻo đường của chúng tôi vẫn bị đóng chặt, chứng tỏ rằng cuộc bách hại đạo vẫn còn kéo dài ở An Nam. Lâu lâu, qua những người Kinh ngoại giáo buôn bán nơi miền Ba Na, tôi biết được rằng tất cả giáo dân đều bị cướp phá và bị sát hại. Nhưng, vì đa số các lái buôn này đến từ An Sơn, một địa điểm khá xa trung tâm bắt Đạo, hơn nữa, họ hoàn toàn dửng dưng với chuyện lành, dữ đang xảy đến cho con cái Giáo Hội, nên tin tức do họ cung cấp không đáng tin cậy lắm. Tuy nhiên, một hôm, có tin đồn một cụ già đáng kính, dáng người cao to, râu bạc xồm xoàm, đã bị bắt gần Huyện đường, và dân chúng đã đổ xô đến nhà tù để xem con người kỳ dị này. Dựa trên những mô tả này, tôi lo sợ rằng đây có thể là Vị Đại Diện Tông Toà của chúng tôi, Đức Cha Cuénot. Những lo ngại của chúng tôi rất có căn cứ. Thật vậy, sau này tôi biết rằng ngài đã bị bắt và bị kết án tử hình, nhưng bệnh kiết lị đã rước ngài đi trước ngày hành quyết.
Trong khi đó, thuỷ quân lục chiến Pháp, sau khi chiếm cứ miền Nam và tuyên bố rằng các tỉnh này thuộc Pháp, đã ép triều đình Huế ký kết một hòa ước, trong số các điều khoản này, có việc bảo đảm tự do cho Kitô giáo và công nhận cho các thừa sai được quyền giảng đạo trong khắp vương quốc. Một thanh niên đến từ An Nam đã báo cho chúng tôi tin vui này. Đồng thời, anh cũng cho biết về những thiệt hại khủng khiếp trong cuộc bắt Đạo: Đức Cha bị chết trong tù, các linh mục bản xứ bị xử trảm, các lãnh đạo cộng đoàn Kitô hữu chết trong cực hình, tra tấn, các tín hữu bị đuổi ra khỏi xóm làng, tài sản của họ bị tịch thu, tất cả những gì mang tên Kitô giáo đều bị truy diệt tận cùng. Một trong những bạn đồng nghiệp người Âu của chúng tôi, Cha Herrengt, đã kịp thoát chết bằng cách chạy vào Sài Gòn ẩn trú dưới lá cờ của Pháp và đang đảm nhận việc cai quản Địa phận thay Đức Cha Cuénot, cho đến khi Rôma bổ nhiệm Giám Mục mới. Tôi vội viết thư cho ngài để biết thêm chi tiết. Trong các câu hỏi, tôi đã hỏi ngài: “Vị Giáo Hoàng nào đang cai quản Giáo Hội? Vua hay Hoàng đế nào đang cai trị ở Pháp?” Tôi còn muốn hỏi thêm, như thánh Phaolô ẩn sĩ hỏi thánh Antôn đến thăm ngài trong sa mạc: “Người ta còn xây nhà nữa không?”
Một vài tháng sau, một mất mát mới đã gây thêm đau khổ cho việc truyền giáo của chúng tôi, vốn chịu quá nhiều thử thách. Cha Herrengt tốt lành này, con người xứng đáng nhất và có khả năng nhất kế vị Đức Cha Cuénot, đã chết ở Sài Gòn vì bệnh thổ tả. Ngài đã nhận được sắc chỉ của Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám Mục. Nhưng ngài đã từ chối vì khiêm nhường, và trong khi sắc chỉ này được gửi trả về Rôma, mới chỉ đến Châu Âu, thì chính ngài đã vĩnh viễn ra đi! Cái chết bất đắc kỳ tử này đã đặt chúng tôi trong nỗi bàng hoàng hỗn loạn. Giờ đây ai sẽ đảm nhận công cuộc truyền giáo? Sẽ liên lạc với ai trong tư cách là Bề trên? Tôi buộc phải xuống tận An Nam để làm sáng tỏ những vấn đề này và một số việc khác nữa.
Sau mười ba năm sống giữa anh em dân tộc, tôi lại đặt chân trên vùng đất nhuốm đỏ máu anh hùng tử đạo này. Tôi có thể nói rằng tôi chưa hề thấy miền đất Trung Châu, bởi vì khi từ Pháp sang, tôi chỉ di chuyển trong đêm tối. Bây giờ cũng vậy, tôi khó lòng di chuyển ban ngày. Thật vậy, mặc dù hoà bình đã được ký kết giữa các bên tham chiến, nhưng làm sao người ta có thể tin vào thiện chí của các Hoàng Đế An Nam, vì họ thường không giữ đúng lời cam kết. Vả lại, tôi không có giấy thông hành mà theo hiệp ước thì mỗi thừa sai phải mang theo bên mình. Không thấy một đồng nghiệp người Âu nào ở Bình Định, tôi quyết định trở vào Sài Gòn.
Trong khi chờ đợi thuyền để ra biển, tôi ẩn trốn trong một cộng đoàn Kitô hữu nhỏ, gần cảng Giã. Khi ấy, một thanh niên người Kinh đến từ Sài Gòn, báo cho tôi biết rằng một thừa sai mới, Cha Besombes, vừa cập bến ngoài cảng và đang đợi thời điểm thuận tiện để làm thủ tục hải quan. Tôi nhanh chóng xuống một chiếc canô và vội vã đi gặp ngài. Từ khi Cha Verdier mất đến nay, tôi đã không thấy một khuôn mặt người Âu nào. Tôi lúng túng như “gà mắc tóc” khi cố gắng nói lại tiếng Pháp mà tôi gần như quên hết rồi. Cha Besombes đã tha hồ đùa cợt khi nghe những câu nói lai tiếng dân tộc của tôi. Ngài được sai đến xứ Ba Na với tôi, nhưng vì ngài đã không thể cho tôi những tin tức mà tôi tìm kiếm, nên tôi buộc lòng để ngài lên xứ dân tộc một mình. Còn tôi thì tiếp tục cuộc hành trình về Sài Gòn. Tôi nói với ngài: “Cha yêu quý, Cha cứ đi và chờ tôi ở xứ Ba Na. Tôi sẽ sớm trở về. Niềm hạnh phúc vì được gặp lại nhiều bạn đồng nghiệp ở Sài Gòn không làm tôi quên nhiệm vụ mà tôi được mời gọi ở xứ dân tộc đâu”.
Đến Sài Gòn, tôi tưởng mình đã đến nước Pháp. Khi tôi nhìn thấy cảng Sài Gòn tấp nập tàu thuyền, thuỷ thủ và binh lính Pháp; khi tôi rảo bước trên những đường phố, đi qua những dinh thự giống như ở quê hương; và nhất là khi tôi vào các thánh đường, được nghe lại các bài thánh ca mà tôi đã từng nghe và từng hát thuở xưa tại các nhà thờ ở Pháp; khi tôi, một người dân tộc tội nghiệp được chứng kiến cảnh trang nghiêm của các nghi thức lễ trọng và các buổi Chầu Mình Thánh Chúa, thì ôi! lúc đó tôi như vừa bước ra khỏi một giấc mơ dài, và thế là lệ vỡ tràn mi. Vài ngày sau khi đã thu xếp xong mọi việc, tôi nghĩ đến việc rời khỏi Sài Gòn để trở về miền Truyền giáo. Tâm trí tôi luôn hướng về anh em dân tộc yêu quý của tôi, và tôi nóng lòng muốn gặp lại họ. Nhưng Đức Cha Lefèbre, Giám Mục hiệu tòa ở Nam Kỳ, ép tôi ở lại Sài Gòn thêm ít nữa để hồi phục sức khoẻ vì đã quá sa sút. Tôi nghỉ ngơi được vài tuần thì một rắc rối lại xảy đến khiến cho chuyến trở về của tôi thêm chậm trễ. Cuộc bắt Đạo vừa mới lại nổ ra ở tỉnh Bình Định.
Sau đây là lý do. Thật ra, Cha Besombes có giấy thông hành hợp lệ, và trong giấy thông hành này có đề cập rõ ràng vài khẩu súng săn mà ngài mang theo lên xứ truyền giáo dân tộc. Nhưng vì người ta chưa biết được cách hành xử của triều đình Huế đối với các nhà thừa sai, và cũng chưa biết họ có thi hành đúng hoà ước đã ký kết với người Pháp không, nên Cha Besombes nghĩ rằng tốt hơn là nên di chuyển kín đáo như trước kia, hơn nữa ngài không phải lưu trú ở Trung Châu mà chỉ đi qua tỉnh Bình Định thôi. Bản thân ngài đã may mắn thoát khỏi sự theo dõi của các nhân viên hải quan và đã đến xứ Ba Na một cách an toàn. Nhưng, hành lý di chuyển theo sau ngài đã bị chặn lại và trong rương của ngài, người ta đã tìm thấy mấy khẩu súng nói trên. Bấy nhiêu đó đã đủ làm bùng phát cơn bắt Đạo. Các quan tỏ ra hồ hởi vì đã gặp được dịp may để lấy lòng triều đình và để được thăng quan tiến chức. Vì thế, họ đã làm xôn xao vụ khám phá này. Dĩ nhiên, tất cả đều đổ lên đầu người Công giáo. Tội nghiệp cho những anh chị em tín hữu này, vừa mới thoát khỏi ách đày ải, đang dựng lại nhà cửa đã bị đổ nát, thì cơn giông tố lại kéo đến và ập xuống trên đầu họ.
Khi hay tin, Cha Besombes từ miền dân tộc xuống, đi thẳng đến Huyện đường để trình giấy thông hành và nhận mình là chủ sở hữu của những khẩu súng mới bị tịch thu. Đúng lúc ấy, một quan lớn từ kinh đô Huế cũng đến đó để giúp kết thúc vụ việc. Nhà vua đùng đùng nổi giận khi biết cách xử lý của quan tổng đốc, chỉ vì vài khẩu súng khốn kiếp kia mà khơi lại cuộc bắt bớ, và do lòng hăng hái không đúng lúc của ông ta đã làm phương hại đến nền hoà bình mới được ký kết với nước Pháp. Tất cả các nhân vật liên quan đến việc này đều bị giáng chức, và sự bình yên đã được tái lập. Hơn nữa, từ tai hoạ thoáng qua này, Thiên Chúa đã rút ra được một lợi ích lớn. Từ trước đến nay, triều đình Huế chưa hề nghe nói đến địa phận truyền giáo miền dân tộc của chúng tôi, nay nhân dịp này đã chính thức thừa nhận. Chúng tôi đã tận dụng cơ hội và ngay lập tức, chúng tôi xin các giấy thông hành cần thiết cho mọi di chuyển theo nhu cầu của miền truyền giáo đòi hỏi. Tất cả đều được chấp thuận.
Trong thời gian biến loạn ở Bình Định, tôi buộc phải ở lại Sài Gòn, xa cách các tân tòng của mình, dù ước ao cháy bỏng gặp lại họ. Đức Cha Lefèbre đã khẩn khoản yêu cầu tôi tạm trông coi xứ đạo Cảng Sài Gòn vì ngài không còn một thừa sai nào để đảm nhận việc này. Tôi đã nhận lời. Tôi đã nhận sứ vụ từ tháng hai đến tháng chín năm 1864. Vừa nghe Bình Định đã yên tĩnh trở lại, tôi tức khắc lên đường.
Tại Sài Gòn, tôi đã gặp được nhiều bạn hữu đầy lòng nhân ái đối với tôi. Vì thế, khi chia tay, tim tôi quặn đau. Tôi từ giã họ mà lệ ứa tràn mi. Tôi cũng ghi nhớ mãi những tình cảm nồng hậu mà các chị dòng kín Carmêlô và dòng thánh Phaolô thành Chartres đã dành cho tôi. Cuối cùng, các giáo dân người Kinh trong xứ đạo cũng đã khóc rất nhiều khi tiễn chân tôi. Khi thuyền của chúng tôi xuôi dòng ra biển đã khá lâu, bỗng tôi thấy một chiếc thuyền nhỏ đang cố sức đuổi theo và ra dấu hiệu bảo chúng tôi chờ. Đó là viên lý trưởng và một số nhân vật quan trọng khác trong xứ đạo mà tôi vừa từ biệt. Những người này, vì chưa gặp mặt tôi khi tôi xuống thuyền, nên họ nhất quyết bằng mọi giá phải chào từ biệt tôi và đem biếu tôi mười con vịt làm thức ăn đi đường. Ôi, những con người tốt bụng biết bao! Tôi mủi lòng trước cử chỉ đầy tình người này. Chuyến đi rất may lành. Khi đến Bình Định, tôi gặp Cha Besombes đang chờ tôi, và vài hôm sau, chúng tôi cùng lên miền đất của người Ba Na.
(Còn tiếp)
Đọc thêm:
*DÂN LÀNG HỒ- Chương II : Cha Combes Và Cha Fontaine
*DÂN LÀNG HỒ- Chương III : Cuộc Gặp Gỡ Bok Kiêm – Thầy Sáu Do Và Bok Kiêm Kết Nghĩa Anh Em
*DÂN LÀNG HỒ- Chương IV : Cuộc Du Hành Của Các Cha Desgouts Và Dourisboure
*DÂN LÀNG HỒ- Chương V : Những Ngày Ở Kơ Lang
*DÂN LÀNG HỒ- Chương IX : Dân Tộc Rơ Ngao – Những Điểm Đến Khác Của các Nhà Thừa Sai
*DÂN LÀNG HỒ- Chương X : Năm Đầu Tiên Ở Kon Trang
*DÂN LÀNG HỒ- Chương XI : Cha Combes Ở Kon Kơxâm – Một Ngày Phúc Lành -Cha Arnoux Đến
*DÂN LÀNG HỒ- Chương XVII : Những Kitô Hữu Mới ở Kon Kơ Xâm
*DÂN LÀNG HỒ- Chương XIX : Giuse Ngui Lâm Bệnh Và Qua Đời
*DÂN LÀNG HỒ- Chương XX : Andrê Ngam – Ma Quỷ Quấy Phá Anh
*DÂN LÀNG HỒ- Chương XXI : Giữ Ngày Chúa Nhật – Ảnh Hưởng Của Các Nhà Thừa Sai
*DÂN LÀNG HỒ- Chương XXII : Tên Phù Thủy Bị Lột Mặt Nạ
*DÂN LÀNG HỒ- Chương XXIII : Cha Combes Qua Đời Ngày 14 Tháng 9 Năm 1857
*DÂN LÀNG HỒ- Chương XXIV : Cha Dourisboure Về Kon Kơ Xâm – Thiết Lập Địa Sở Truyền Giáo Pơ Năng
WGPKT(20/07/2023) KONTUM