DÂN LÀNG HỒ- Chương XXVI : Dịch Đậu Mùa Nơi Anh Em Dân Tộc

 

DÂN LÀNG HỒ – CHƯƠNG XXVI

Dịch Đậu Mùa Nơi Anh Em Dân Tộc

Nguyên tác: “LES SAUVAGES BAHNARS”

P. DOURISBOURE (MEP)

Biên dịch: TGM Kontum

Giọng đọc: Lm Giuse Tiến Lộc (CSsR)

 

Youtube: Chủng Sinh TV

 

DÂN LÀNG HỒ

HÀNH TRÌNH TRUYỀN GIÁO VÀ KHAI PHÁ

MIỀN TÂY NGUYÊN KONTUM

Nguyên tác

“LES SAUVAGES BAHNARS”

  1. DOURISBOURE

De la Société des Missions Étrangères

– PARIS 1929 –

Giáo Phận Kontum

Tái bản lần thứ hai

– 2008 –

 

CHƯƠNG XXVI

DỊCH ĐẬU MÙA NƠI ANH EM DÂN TỘC

 

Cộng đoàn Kitô hữu đang vui hưởng một cuộc sống yên lành. Những người ngoại giáo không còn tìm cách gây chuyện với những tân tòng của chúng tôi nữa. Đàn chiên nhỏ bé của Vị Mục Tử Nhân Lành càng ngày càng thêm đông. Và tôi, một vị thừa sai đáng thương, khi xưa thường hay buồn bực, thì nay cũng đã bắt đầu vui vẻ và hài lòng. Bỗng, Thiên Chúa tốt lành gửi đến cho chúng tôi một đau khổ lớn lao, chắc chắn là lớn hơn tất cả những đau khổ khác mà việc truyền giáo cho anh em dân tộc của chúng tôi đã từng phải chịu đựng. Tôi muốn nói đến cơn dịch đậu mùa trong suốt hai năm đã tàn phá cả miền, cướp đi gần một nửa số dân, và làm giảm hơn một phần ba số Kitô hữu. Tai họa này hầu như còn xa lạ đối với người dân tộc; chỉ những người già mới nghe nói đến, lúc thơ ấu, và họ còn giữ những kỷ niệm ghê gớm về cơn dịch đến nỗi không một ai dám nhắc đến tên nó. Bất hạnh thay, hoàn cảnh đã khiến người ta tin rằng những Kitô hữu đã đem đến cơn dịch này. Sự việc xảy ra như sau.

Một tín hữu người Kinh ở gần An Sơn, đã mệt mỏi vì cuộc sống khốn khổ lầm than, mặc dù đã hết sức cố gắng, từ lâu anh ta và gia đình sống leo lắt qua ngày. Vì thế, anh đã bỏ làng cũ để đến định cư lập nghiệp gần chúng tôi. Dọc đường, anh đã mắc bệnh đậu mùa, và lúc anh đến, trước khi chúng tôi biết được bản chất bệnh tình của anh, thì anh đã truyền bệnh sang cho mấy người nhà của Cha Do ở Rơ Hai. Cha Do vừa mới đi Trung Châu, nhưng còn một linh mục khác ở làng Kontum, cũng là một chi nhánh của địa sở Công giáo Rơ Hai. Ngay khi người dân tộc biết tin này, thì một nỗi kinh hoàng bao phủ toàn vùng, trải rộng đến hai mươi dặm quanh Rơ Hai. Dân làng Kontum, kể cả những Kitô hữu, cắt đứt liên lạc với Rơ Hai, đốn cây chắn ngang đường, cắm chông xung quanh hai làng.

Họ cấm tất cả mọi người, kể cả linh mục, không được tiếp xúc với bệnh nhân. May thay, vị linh mục ở đó tuân giữ lời của Thầy Chí Thánh: “Mục Tử nhân lành hy sinh tính mạng vì đàn chiên”. Và đây là cách hành xử của vị linh mục trong suốt thời gian tai họa còn bó hẹp trong phạm vi Rơ Hai. Khi cơ thể phát ra những ung nhọt, ta dễ dàng nhận biết bệnh nhân đó sắp chết hay chưa. Vì thế, khi một người nào đó mắc bệnh trầm trọng, thì một người Kinh ở Rơ Hai, lợi dụng đêm tối, mở một con đường xuyên qua hàng rào chắn và chông gai, đến gặp vị linh mục. Sáng hôm sau, lúc bình minh, bệnh nhân đã lãnh nhận các Bí Tích sau hết, và vị linh mục cũng đã trở về nhà mình. Không ai nghi ngờ về trò gian lận bác ái này. Và mãi về sau, bản thân tôi mới biết được những chi tiết này, vì mọi liên lạc thông thường đã bị tê liệt giữa làng bị nhiễm bệnh và các vùng lân cận.

Trong vài tuần, bệnh dịch dường như chỉ hoành hành ở mỗi làng Rơ Hai thôi. Nhưng chẳng bao lâu, nó đã lan sang một số vùng cách xa đó nữa, và cuối cùng tai họa vượt mọi rào cản để xuất hiện đồng loạt ở khắp nơi. Sự khủng khiếp lúc ấy không sao kể xiết. Một người nào đó mắc bệnh, lập tức cả làng bỏ vào rừng. Tình bạn, những mối quan hệ huyết thống, những tình cảm thắm thiết và sâu nặng nhất, không gì có thể ngăn chặn người dân khỏi chạy trốn. Họ tản mác, mỗi người một nơi, trong rừng hoang vắng nhất, nơi đó họ sống bằng lá cây, rễ cỏ. Các bệnh nhân bị bỏ mặc cho đói khát. Người ta nhìn thấy những nạn nhân bất hạnh này, trong cơn sốt mê sảng, bò ra các con suối gần đó để uống nước. Họ thường ngã xuống suối, không còn đủ sức để đứng dậy, và bỏ mạng luôn ở đó. Mỗi bước đi trong rừng, người ta thường gặp những xác chết bị thú dữ “xơi tái” một nửa, để lại sọ và xương. Những người chết trong làng thường cũng chẳng được chôn cất, xác thối rữa càng làm gia tăng cường độ bệnh dịch.

Lúc bấy giờ, tôi đang ở Kon Kơ Xâm, và trong một thời gian dài, bệnh đậu mùa đã tha cho cộng đoàn Kitô hữu ở đây. Tại các làng chung quanh, dân số đã giảm đi một nửa, trong khi đó chúng tôi vẫn bình an vô sự. Một đêm nọ, người ta gõ cửa nhà tôi: “Thưa Cha, xin Cha đến nhà con để xem một thanh niên trong nhà con có phải mắc bệnh đậu mùa hay không?” Tôi liền đi theo anh ta. Không còn nghi ngờ gì nữa, đúng là bệnh đậu mùa. Những con người tội nghiệp này muốn rời bỏ làng ngay tức khắc. Tôi nói với họ: “Đừng đi đâu cả, nếu Thiên chúa muốn thử thách chúng ta, thì xin chúc tụng Thánh Danh Người! Nhưng chúng ta, những Kitô hữu, chúng ta không thể, như những người ngoại giáo, bỏ mặc lẫn nhau được. Sáng mai, Cha sẽ triệu tập dân làng, và chúng ta sẽ sắp xếp chuyện này. Can đảm lên nào.”

Ngay lập tức, tôi sai những thành viên mạnh khoẻ trong nhà, cùng với sự hỗ trợ của một số thanh niên niên người Kinh dựng một chòi tranh trong rừng. Rồi, trước khi ngày mới bắt đầu, khi chưa một ai trong làng nghi ngờ điều gì đã xảy ra, chúng tôi đã di chuyển bệnh nhân ra chòi tranh đó.Tất cả những người Kinh đã mắc bệnh này lúc nhỏ, còn tôi đã được tiêm chủng lúc hai hay ba tuổi; vì thế, chúng tôi không sợ hãi lắm.

Hôm sau, tôi vội tập hợp dân làng tại nhà rông. Ở đó, tôi đã tiết lộ cho họ thấy sự việc khủng khiếp này và nói thêm: “Các con yêu quý, dù thế nào đi nữa, chúng ta hãy ở lại với nhau; đừng rời xa nhau. Chúng ta là con cái Chúa, chỉ có một điều chúng ta phải sợ hơn sự chết, đó là chết mà không gặp được Linh mục, không được chịu các Bí tích. Nếu các con phân tán, thì làm sao Cha có thể giúp đỡ hết mọi người các con? Làm sao Cha biết các con ở đâu và có cần đến Cha hay không?”

Từ khắp nơi, người ta trả lời tôi: “Không, không, chúng con sẽ không lìa bỏ nhau. Nếu Chúa muốn chúng con chết, thì chúng con sẽ chết chung với nhau và được Cha viếng thăm.”

Đạt được điểm chính yếu này, tôi cho dựng lên một số chòi tranh ở trong rừng khá xa làng, để mang những người nhiễm bệnh ra ở đó.

Trong gần hai tháng, cho đến khi bệnh nhân đầu tiên được chữa lành hẳn, không một ai dám đến gần anh ta, ngoại trừ tôi và các anh em người Kinh. Không có trường hợp nào khác xảy ra trong làng, và chúng tôi bắt đầu hy vọng rằng Kon Kơ Xâm đã thoát khỏi tai họa này. Nhưng bầu không khí trong toàn vùng đã bị ô nhiễm, dịch đậu mùa đã xâm nhập vào tận những nơi hoang vắng nhất trong rừng sâu. Và một ngày đẹp trời kia, nó tái xuất hiện ở Kon Kơ Xâm, để rồi chỉ biến mất sau khi đã hành hạ, ít hay nhiều, gần như tất cả dân làng. Người ta đã tuân theo kế hoạch của tôi. Người nào mắc bệnh, lập tức sẽ được đem ra ngoài rừng; những người bệnh nặng thì cho ở riêng một chỗ. Chính với những người bệnh nặng này mà tôi đã phải thi hành, không mệt mỏi, cùng lúc hai nhiệm vụ, vừa là nhà thừa sai vừa là nữ tu dòng bác ái.

Tôi không có cách nào diễn tả nổi cảnh tượng ghê rợn của buổi tập hợp những người dân tộc tội nghiệp mắc bệnh đậu mùa này. Phần đông, dường như không còn hình dáng con người nữa. Khi ngồi xuống bên cạnh những người bất hạnh này, chân dẫm lên chiếu họ nằm nhầy nhụa máu mủ hôi thối, tai kề sát miệng họ để ban phép Giải tội cho họ, đặc biệt khi làm phép Xức Dầu, cứ mỗi lần xức, tôi lại phải lau sạch ngón tay để khỏi vấy mủ vào lọ dầu thánh; ôi! chính lúc đó tôi phải nỗ lực tối đa để không biểu lộ sự kinh tởm, để giữ vững con tim đang yếu dần đi. Thú thật, một lần kia, khi mới bắt đầu, tôi đã không thể hãm được cơn nôn mửa; nhưng chỉ lần đó thôi, và từ đó tôi trở nên dày dạn hơn đến nỗi không có gì làm tôi phải nhăn mặt nhíu mày nữa. Việc chôn cất người chết cũng không kém phần vất vả: bởi nên nhớ rằng chúng tôi không cho phép anh em dân tộc còn khoẻ mạnh đến giúp chúng tôi.

Nhưng nếu thân xác phải chịu đau khổ trong thời gian xảy ra bệnh dịch này, thì Thiên Chúa nhân lành đã gia tăng gấp bội những an ủi tinh thần cho chúng tôi. Những tín hữu mắc bệnh đã dọn mình chết cách gương mẫu khiến tôi có cơ sở để hy vọng rằng tất cả họ đều được lên thiên đàng. Còn những ai chưa có diễm phúc gia nhập Giáo Hội, thì hầu hết họ đã trở lại Đạo trước khi ra trình diện trước tòa của vị Thẩm Phán Chí Tôn. Những sự chăm sóc tận tình, vui vẻ mà chúng tôi dành cho họ trong giờ hấp hối đã chinh phục được lòng tin của họ, đã làm cho tâm hồn họ dễ dàng đón nhận ơn Chúa. Tôi vui sướng không nói nên lời khi được tái sinh họ trong phép Rửa tội vào giờ sau hết. Ôi! Thiên Chúa nhân lành biết bao ngay cả trong sự công chính của Người! Biết bao linh hồn đáng thương, những linh hồn mà có lẽ sẽ không bao giờ yêu mến Chúa ở đời này cũng như đời sau, bỗng chốc đã tìm thấy sự sống đích thực xuyên qua tai họa hồng phúc này (felix calamitas), tai họa đã bắt họ phải chết sớm!

Thông thường, nếu chúng ta thấy rõ ràng không thể nào tránh được bệnh nữa, thì chúng ta không cần cách ly bệnh nhân như trước đây. Tuy nhiên, chúng tôi thật có lý khi vẫn hành động như thế. Trong các làng ngoại giáo, người ta không theo kế hoạch như chúng tôi; vì vậy sự truyền nhiễm lây lan rất nhanh, gần như cả làng đều đồng loạt mắc bệnh. Số ít người còn khoẻ chỉ lo chạy trốn, đồng ruộng bỏ hoang, không trồng trọt gì nữa đến nỗi sau cơn dịch, người ta lâm vào cảnh đói kém. Trái lại, nơi chúng tôi, không những tất cả các bệnh nhân đều được chăm sóc, nhưng những người đã được chữa khỏi hoặc chưa mắc bệnh đều lo việc đồng áng. Vì thế, khi cơn dịch biến mất, ở Kon Kơ Xâm nhà nào cũng ấm no.

Thế còn, Cha Besombes, người bạn đồng nghiệp mới của tôi ra sao trong những tháng dài thử thách này? Tại sao tôi chưa đề cập đến ngài? Than ôi! Không những ngài không thể tham gia vào công tác bác ái của chúng tôi, mà còn là một bệnh nhân trong suốt thời gian tai họa này xảy ra. Ngài thoát khỏi bệnh dịch vì đã được tiêm chủng hai lần rồi, nhưng ngài phải trả món nợ thông thường cho khí hậu độc hại của núi rừng. Trong những tháng đầu, sức khoẻ của ngài thật tuyệt vời, đôi khi ngài nói với tôi:

-Cha sẽ thấy tôi đứng vững cho mà xem. Tôi chưa bao giờ cảm thấy khoẻ mạnh như lúc này.

-Vâng, để rồi xem.

 Tôi trả lời ngài như vậy, vì qua kinh nghiệm bản thân, tôi đã biết rõ điều đó. Thật vậy, chúng tôi thấy rằng có lẽ ngài chỉ được ưu đãi lúc đầu để rồi sau đó bị hành hạ gay gắt. Ngoài những cơn sốt rét, ngài còn bị ghẻ chốc, đau dạ dày triền miên, suy nhược thần kinh, khiến ngài luôn cảm thấy như bị say sóng, và cứ phải nằm trườn dài ra chiếu. Do vậy, trong suốt thời gian bệnh dịch hoành hành, thánh giá của ngài nặng hơn của tôi rất nhiều.

Tiện thể, tôi xin lặp lại điều mà tôi đã nói nhiều lần và đã được minh chứng qua những trang hồi ký này. Trong chốn núi rừng tự do, trong cái xứ độc lập tuyệt đối này, có một nữ hoàng bạo chúa, khắt khe, mà không ai thoát khỏi ách thống trị của bà. Nữ hoàng ấy chính là bệnh sốt rét rừng. Chính những người dân bản xứ thỉnh thoảng cũng phải trả món nợ này. Còn những người ngoại quốc, không ai tránh khỏi. Đa số bị nó đánh gục, và những người còn sức để tồn tại thì cũng khó mà phục hồi lại được tình trạng sức khoẻ ban đầu. Đặc biệt, tôi nói điều này cho những vị kế nghiệp chúng tôi sau này, không phải để làm họ thối chí, – một vị thừa sai đích thực không thể nản lòng một cách dễ dàng như thế – nhưng để cảnh báo và an ủi họ trước. Một vị thừa sai trẻ luôn ấp ủ trong tận sâu đáy lòng ít nhiều niềm hy vọng được phúc tử đạo. Thế thì, đối với tất cả những ai được sai đến miền truyền giáo dân tộc của chúng tôi, tôi hứa là họ sẽ được tử đạo, tử đạo không hào quang, không gông cùm, không đòn vọt, không tra tấn, không đổ máu, nhưng việc tử đạo đó không kém phần đau đớn và dài lâu hơn nhiều. Tôi hy vọng rằng phúc tử đạo ấy cũng đẹp lòng Thiên Chúa, Đấng chúng ta rao giảng, và cũng đẹp lòng Chúa Giêsu chịu đóng đinh.

 

(Còn tiếp)

 

Đọc thêm: 

*DÂN LÀNG HỒ – Chương I: Những Dự Phóng Đầu Tiên Nhằm Thiết Lập Cơ Sở Truyền Giáo Nơi Các Dân Tộc Thiểu Số – Cuộc Hành Trình Khảo Sát Của Thầy Sáu Do

*DÂN LÀNG HỒ- Chương II : Cha Combes Và Cha Fontaine

*DÂN LÀNG HỒ- Chương III : Cuộc Gặp Gỡ Bok Kiêm – Thầy Sáu Do Và Bok Kiêm Kết Nghĩa Anh Em

*DÂN LÀNG HỒ- Chương IV : Cuộc Du Hành Của Các Cha Desgouts Và Dourisboure

*DÂN LÀNG HỒ- Chương V : Những Ngày Ở Kơ Lang

*DÂN LÀNG HỒ – Chương VI: Hành Trình Khảo Sát Tại Kon Kơxâm – Những Nỗ Lực Của Ma Quỷ Nhằm Làm Hại Các Nhà Thừa Sai

*DÂN LÀNG HỒ- Chương VII : Những Mối Quan Hệ Đầu Tiên Với Dân làng Kon Kơxâm – Vụ Hỏa Hoạn – Âm Mưu Sát Hại các Thừa Sai

*DÂN LÀNG HỒ- Chương VIII : Cha Desgouts Và Cha Fontaine Thoát Chết Đuối – Bắt Đầu Học Tiếng Ba Na – Du Hành Từ Kon Kơ Xâm Đến Kon Kơ Lang

*DÂN LÀNG HỒ- Chương IX : Dân Tộc Rơ Ngao – Những Điểm Đến Khác Của các Nhà Thừa Sai

*DÂN LÀNG HỒ- Chương X : Năm Đầu Tiên Ở Kon Trang

*DÂN LÀNG HỒ- Chương XI : Cha Combes Ở Kon Kơxâm – Một Ngày Phúc Lành -Cha Arnoux Đến

*DÂN LÀNG HỒ- Chương XII : Cha Arnoux Cùng Cha Dourisboure Ở Kon Trang – Cuộc Khởi Hành Rời Xứ Dân Tộc – Cha Fontaine Và Cha Desgouts Đi Về Phía Nam

*DÂN LÀNG HỒ- Chương XIII : Ngui Và Pat, Những Dự Tòng Xê Đăng Đầu Tiên – Hmur, Dự Tòng Ba Na Đầu Tiên

*DÂN LÀNG HỒ- Chương XIV : Các Em Ngui Và Pat Lãnh Nhận Phép Rửa Ngày 16 Tháng 10 Năm 1853 – Ông Hmur Lãnh Nhận Phép Rửa Ngày 28 Thánh 12 Năm 1853

*DÂN LÀNG HỒ- Chương XV : Cha Do Tại Rơ Hai – Cái Chết Của Chú Lục, Chú Giúp Việc Của Tôi – Cha Verdier Đến

*DÂN LÀNG HỒ- Chương XVI : Người Đưa Thư Bị Bắt – Bok Kiêm Bảo Vệ Chúng Tôi Thoát Khỏi Tay Nhà Chức Trách An Nam

*DÂN LÀNG HỒ- Chương XVII : Những Kitô Hữu Mới ở Kon Kơ Xâm

*DÂN LÀNG HỒ- Chương XVIII : Những Kitô Hữu Mới Ở Kon Trang – Cuộc Mưu Sát, Một Thử Thách Khủng Khiếp

*DÂN LÀNG HỒ- Chương XIX : Giuse Ngui Lâm Bệnh Và Qua Đời

*DÂN LÀNG HỒ- Chương XX : Andrê Ngam – Ma Quỷ Quấy Phá Anh

*DÂN LÀNG HỒ- Chương XXI : Giữ Ngày Chúa Nhật – Ảnh Hưởng Của Các Nhà Thừa Sai

*DÂN LÀNG HỒ- Chương XXII : Tên Phù Thủy Bị Lột Mặt Nạ

*DÂN LÀNG HỒ- Chương XXIII : Cha Combes Qua Đời Ngày 14 Tháng 9 Năm 1857

*DÂN LÀNG HỒ- Chương XXIV : Cha Dourisboure Về Kon Kơ Xâm – Thiết Lập Địa Sở Truyền Giáo Pơ Năng

*DÂN LÀNG HỒ- Chương XXV : Cha Verdier Qua Đời – Cha Dourisboure Đi Sài Gòn – Cha Besombes Đến Miền Dân Tộc

 

WGPKT(28/07/2023) KONTUM