DÂN LÀNG HỒ- Chương XXVIII : Công Trình Của Cha Besombes – Cái Chết Của Ngài

DÂN LÀNG HỒ

HÀNH TRÌNH TRUYỀN GIÁO VÀ KHAI PHÁ

MIỀN TÂY NGUYÊN KONTUM

Nguyên tác

“LES SAUVAGES BAHNARS”

  1. DOURISBOURE

De la Société des Missions Étrangères

– PARIS 1929 –

Giáo Phận Kontum

Tái bản lần thứ hai

– 2008 –

 

CHƯƠNG XXVIII

CÔNG TRÌNH CỦA CHA BESOMBES –

CÁI CHẾT CỦA NGÀI

 

Dịch đậu mùa đã cướp đi gần một nửa số Kitô hữu của chúng tôi, và bất hạnh thay, nhất là tại Kon Kơ Xâm, chính những Kitô hữu tốt nhất, được kính trọng nhất lại bị quật ngã. Trước trận dịch, sức mạnh và tầm ảnh hưởng thuộc về các Kitô hữu: tất cả các công việc chung đều được điều hành đúng theo ý họ. Dân ngoại không hề nghĩ đến việc đi ngược lại với những quyết định của các Kitô hữu. Lúc đó, Kon Kơ Xâm không phải là một làng hỗn hợp, mà là một làng Công giáo, trong đó còn một số dân ngoại cư trú. Vì những người đứng đầu cộng đoàn này thường tham khảo ý kiến của vị thừa sai trong các trường hợp khó khăn, nên đã không bao giờ xảy ra bất công, và việc sống đạo cũng tốt đẹp. Trong tất cả những người dân tộc có thế giá này, chỉ một mình ông Hmur còn sống sót. Đức tin và lòng đạo đức của ông vẫn vững mạnh hơn bao giờ hết. Nhưng ông đã già yếu, chính vì vậy, thế giá của ông cũng giảm dần. Nơi người dân tộc, không có cái uy quyền nào ngoài uy quyền mà người ta tự tạo cho mình bằng lòng can đảm của chính mình. Và uy quyền này sẽ biến mất một khi người ta không còn đủ sức để dẫn đầu kẻ khác trong các cuộc chiến tranh. Đây chính là trường hợp của ông Hmur.

Mặt khác, trong số những người ngoại giáo sống sót, vẫn còn một vài người luôn tỏ ra thù nghịch với Đạo và với các vị thừa sai. Cái chết của các Kitô hữu đã cho họ “có đất dụng võ” và họ sung sướng biểu lộ lòng ghen ghét và thù hận mà từ lâu họ đã buộc phải giấu kín. Trong những lần xảy ra tranh chấp khá nghiêm trọng với một làng lân cận, nhiều vụ việc đã được giải quyết, ngay tại làng Kon Kơ Xâm, bất chấp công lý. Không ít lần chúng tôi đã cảnh báo các Kitô hữu, kể cả dân ngoại nữa, về cách hành xử cần phải có, nếu muốn ở trong lẽ phải và không làm thương tổn lương tâm. Họ đã chẳng nghe lời chúng tôi. Tôi nói: chúng tôi, vì Cha Besombes đã trở lại ở với tôi từ vài tuần nay sau khi về Trung Châu gần một năm, từ mùa thu năm 1865 đến mùa thu năm 1866. Cách cư xử mới mẻ này của những người dân tộc là một bài học mà Chúa Quan Phòng dạy chúng tôi: nó làm chúng tôi hiểu rằng, nếu chúng tôi muốn bảo đảm cho công trình của mình được bền vững thì đã đến lúc cần phải thay đổi phương thức truyền giáo.

Cho đến lúc này, chúng tôi cứ nối tiếp nhau cư trú trong các làng dân tộc và xây dựng nhà của mình bên cạnh nhà của dân làng. Phương thức này, lúc đầu tỏ ra hiệu quả, nhưng về sau đã gây trở ngại lớn khiến việc trở lại đạo khó khăn hơn, và thường là phó mặc cho các tân tòng cam chịu thái độ đầy ác ý của đa số dân làng còn chưa theo đạo. Giờ đây, cần phải thay đổi kế hoạch: rời khỏi nơi cư trú của kẻ khác và thiết lập nơi trú ngụ cho riêng mình. Sau khi suy xét, chúng tôi đã đi đến quyết định là mỗi chúng tôi sẽ dựng nhà ở nơi có đất canh tác, đồng thời về sau có thể chứa được một làng đông đảo. Dần dần anh em dân tộc sẽ đến xin gia nhập vào làng mới này, và để được chấp nhận, họ phải hứa tự nguyện tuân phục những luật lệ công bằng và khôn ngoan đã được thiết lập ở đó. Chúng tôi đã bảo nhau: “Có lẽ, ban đầu anh em dân tộc mà chúng ta lìa bỏ và cả những tín hữu nữa, sẽ phải chịu nhiều thiệt thòi vì vắng mặt chúng ta, không chừng có người bỏ Đạo nữa. Nhưng, biết làm sao được? Mặc dù có nhiều bất lợi, nhưng thiết lập một cái gì vững chắc vẫn hơn ở mãi trong tình trạng tạm thời.”

Vì ở xứ này, đất đai không thuộc quyền sở hữu của ai cả và mỗi người muốn chiếm góc nào tùy thích. Cho nên, chúng tôi không phải lo lắng nhiều đến sự chống đối của các làng ở gần hai vùng đất mà chúng tôi đã chọn. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã tặng họ những món quà hậu hĩnh để ngăn ngừa những khiếu nại. Mỗi người chúng tôi đem theo những tín hữu nào muốn đi theo. Những tín hữu nào không đồng ý bỏ làng cũ thì cứ ở lại dưới sự chăm sóc của một linh mục người Kinh. Hơn nữa, chúng tôi cố ý tìm nơi định cư mới khá gần Kon Kơ Xâm để có thể dễ dàng liên lạc với họ. Cha Besombes và tôi đồng loạt bắt tay vào việc, mỗi người một hướng. Trước hết, tôi xin nói đến công việc của người bạn đồng nghiệp của tôi.

Cộng đoàn Kitô hữu Kon Sơ Lăng nhỏ bé nằm trên bờ sông Mơ Tông, cách Kon Kơ Xâm hai giờ đi đường, đã bị dịch đậu mùa tiêu diệt gần hết. Một ít người còn sống sót thì liên tục bị bộ tộc Ha Drong quấy nhiễu, nên họ muốn di tản. Cha Besombes đề nghị họ nhập chung với ngài để làm thành phần nòng cốt cho một làng mới mà ngài sắp thiết lập. Họ đã vui vẻ nhận lời. Nhưng để hiểu sự việc sắp xảy ra, thiết tưởng bạn đọc cần biết đôi điều về bộ tộc Ha Drong.

Về phía Nam sông Mơ Tông, trước hết người ta sẽ thấy những đồng bằng rộng lớn, rồi đến những ngọn đồi không cao lắm, xen vào đó là những thung lũng phì nhiêu, cuối cùng là một dãy núi cao chạy dài từ Đông sang Tây. Chính ở triền núi phía Nam của dãy núi này, cách sông Mơ Tông khoảng hai ngày đường, có một đồng bằng mênh mông do bộ tộc Ha Drong chiếm đóng. Những người dân tộc này rất hiếu chiến, dã man và hung bạo hơn tất cả các bộ tộc khác mà tôi từng biết. Đất đai của họ rất tốt, dễ canh tác, nhưng thường chỉ có đàn bà chăm lo công việc đồng áng thôi, còn đàn ông thì họp nhau thành từng nhóm và đi thật xa quấy nhiễu những người Ba Na đáng thương. Cứ mỗi lần xuất quân là họ kiếm được một vài tù binh, hoặc bắt làm nô lệ cho họ hoặc bán sang Lào. Hơn một trăm làng dân tộc Ba Na, khi chúng tôi đến cao nguyên vẫn còn định cư ở phía Nam sông Mơ Tông và sông Dak Bla, nay đã phải phân tán và sát nhập vào các làng ở bên kia sông vì những cuộc tấn công liên tục của bọn Ha Drong. Chính vì vậy, một miền rộng lớn trước kia rất đông dân và đất đai rất thuận lợi cho việc trồng trọt, nay đã bị bỏ hoang. Ở cạnh người Ha Drong là một tai hoạ thường xuyên đối với người Ba Na; chỉ nghe cái tên Ha Drong thôi cũng đủ làm trẻ em Ba Na rùng mình khiếp sợ.

Cha Besombes đã rảo khắp cánh rừng từ Kon Sơ Lăng đến Ha Drong để chọn một nơi thuận lợi ngay giữa thung lũng phì nhiêu. Ngài có ý định thiết lập tại đây một cộng đoàn Kitô hữu, để rồi một ngày nào đó nó có thể trở thành một cứ điểm cản bước đột kích của bọn cướp Ha Drong này. Riêng bản thân chúng tôi thì không có gì phải e sợ bọn chúng. Chúng đã luôn tỏ ra thực sự kính trọng chúng tôi. Nhưng tại nơi chúng tôi đang ở, không chỉ có người Âu và người Kinh mà thôi.  Biết đâu khi gặp anh em Ba Na thuộc cộng đoàn Kitô hữu của chúng tôi ở ngoài rừng, bọn Ha Drong sẽ tấn công và bắt giữ, rồi lấy cớ là không biết những người này thuộc cộng đoàn của chúng tôi. Chúng tôi rất có lý để e ngại chuyện đó. Tuy nhiên, Cha Besombes hy vọng là bọn Ha Drong phải khiếp sợ vì thấy ngài cả gan định cư ngay trên tuyến đường hành quân bất chính của chúng. Vậy, tốt nhất là đích thân Cha Besombes cùng vài người bạn đến định cư trong khu rừng này, phát quang làm rẫy ở đó. Và nếu sau mùa gặt mà mọi sự đều tốt đẹp thì dân làng Kon Sơ Lăng sẽ đến hoà nhập với ngài, rồi sẽ dựng nhà bên cạnh nhà ngài.

Xin được nói qua một chút rằng Cha Besombes là một người can đảm và gan dạ khác thường. Đối diện với mối nguy hiểm lớn lao đến mấy đi nữa, ngài vẫn bình tĩnh, nét mặt vẫn thản nhiên, đôi mắt vẫn tự tin; có thể nói hoặc ngài đã không nhìn thấy sự nguy hiểm, hoặc ngài tin chắc mình sẽ thoát khỏi mà không hề hấn gì. Sự việc sau đây sẽ giúp bạn đọc biết rõ về ngài hơn những gì tôi nói. Khi còn ở Trung Châu, một đêm nọ, người ta đến báo với ngài rằng một con cọp đang rình rập quanh nhà ngài. Lập tức, ngài lấy súng và một mình xông ra ngoài. Giữa đêm tối, hai điểm loé sáng trong lùm cây như hai ngôi sao. Đó là đôi mắt cọp tạo thành điểm ngắm. Ngài tiến đến gần, viên đạn phóng đi và con cọp đã chết tươi. Người ta còn kể lại nhiều trường hợp gan dạ tương tự như vậy của ngài. Vì thế, dân làng Kon Sơ Lăng chỉ tin vào mỗi mình ngài như thể tin vào một đạo quân. Điều này giải thích vì sao họ bằng lòng sát nhập với ngài để hình thành một làng mới ngay trên đường xâm nhập của bọn Ha Drong, chỉ với một điều kiện là ngài phải đích thân đến đó ở trước.

Vào khoảng cuối năm 1866, Cha Besombes đã từ giã tôi để đến Kon Sơ Lăng và ở đó trong rừng. Như vậy, Cha Bảo không cần ở Kon Sơ Lăng nữa và tôi đã trao cho ngài coi sóc Kon Kơ Xâm mà tôi vừa rời bỏ để đi thiết lập một làng mới. Cha Besombes có mười bảy hay mười tám bạn trẻ ở với ngài để giúp việc, trong đó có sáu người Kinh. Những anh em khác là người Ba Na, vài người đã có vợ. Tất cả những anh em này, trước đó, đều là thành phần nhân sự của nhà Cha Bảo. Nơi được chọn cho làng mới này nằm về phía Nam làng Kon Sơ Lăng, cách xa khoảng một dặm. Nếu cứ sáng đi chiều về thì quá mệt, vì thế Cha Besombes bắt đầu bằng việc dựng lên một lán trại, sau đó người ta chỉ phát rừng, dọn đất đủ để làm một rẫy lúa lớn. Vạn sự khởi đầu nan, và Cha Besombes đã chịu đủ mọi thiếu thốn. Tôi đã mua được ít con dê từ An Nam đem lên. Tôi đã cho ngài mấy con để có chút ít sữa cho ngài bồi dưỡng khi mọi thứ đã cạn kiệt, nhưng cọp đã vồ mất mấy con dê. Tôi cho ngài một con ngựa vừa mua từ Trung Châu để ngài có thể đi đường rừng đến làng. Rồi cọp cũng xơi tuốt. Vì dân của Cha khiếp sợ bọn Ha Drong nên suốt ngày ngài phải ở bên họ và ban đêm họ cũng không cho ngài về Kon Sơ Lăng. Ngài phải ở lại ngủ đêm với họ.

Sự sợ hãi của những người đáng thương này không phải là chuyện ảo tưởng. Một hôm, khi Cha Besombes đi ra rừng để kiếm măng hay săn bắn gì đó, thì bọn Ha Drong xông vào chỗ anh em dân làng đang làm việc và cướp đi một thiếu nữ. Khi trở về, Cha Besombes thấy nhóm người đang làm việc còn khiếp đảm. Ai nấy đều ca thán về sự liều lĩnh khi thành lập làng mới này. Phải bỏ làng thôi! Vị thừa sai không hề bối rối chút nào, ngài trấn an họ rằng thiếu nữ bị bắt cóc sẽ được trả về. Khi đã biết chắc chắn quân cướp đó ở làng nào, ngài liền sai hai người Kinh đến đó với thông điệp như sau: “Cô gái này là người nhà của Cố Kính (tên của Cha ở miền dân tộc). Nếu Cố Kính đã làm gì bất công với các ngươi thì các ngươi hãy nói ra. Còn nếu không có lý do chính đáng nào mà các ngươi bắt lấy cô gái thì các ngươi hãy lo trả lại cho Cố Kính ngay lập tức.”

Kỳ lạ thay! Có lẽ đây là lần đầu tiên bọn Ha Drong đã trả lại người chúng đã bắt. Tiếng đồn về việc này lan ra khắp xứ, và danh tiếng của Cha Besombes vốn đã vang dội, nay lại thêm nổi như cồn. Anh em làm việc với ngài hoàn toàn được vững tâm, tiếp tục công việc đầy phấn khởi hơn bao giờ hết.

Khi rừng đã được phát quang, người ta dọn sạch sẽ nơi muốn dựng nhà. Xong việc, người ta châm lửa đốt và sửa soạn rẫy để gieo lúa. Lúa trổ rất tốt. Trong khi lúa mọc thì anh em người Kinh và các anh em dân tộc bắt tay dựng môt ngôi nhà rông rất lớn ngay giữa khu đất đã được san bằng. Làm xong nhà rông, anh em lại làm nhiều kho lúa. Khi tất cả các công việc này được hoàn thành tốt đẹp thì lúa đã chín vàng, hứa hẹn một mùa bội thu. Mọi người đều vui mừng. Nhưng niềm vui quá ngắn ngủi! Bởi vì Cha Besombes đột ngột ngã bệnh nặng.

Người báo tin Cha Besombes đau nặng thấy tôi đang nằm dài trên chiếu, vì đang lên cơn sốt rét dữ dội. Nhưng người bạn đồng nghiệp của tôi đang lâm bệnh nguy kịch hơn, nên tôi vội vã lên đường. Cha Besombes cho tôi biết bệnh ngài có vẻ nghiêm trọng và cả hai chúng tôi đều không biết là bệnh gì. Bất kỳ món ăn nào cũng làm ngài ghê sợ và nếu ngài cố gắng ăn được một chút gì thì dạ dày của ngài không thể dung nạp được. Đối với chúng tôi, những thừa sai ở xứ dân tộc, không thầy không thuốc, thì phương sách duy nhất và tốt nhất khi bị bệnh là phó dâng cho Chúa. Chúa chữa lành hay Chúa để chết là việc của Người!

Tôi đã ở suốt đêm bên bạn tôi. Sáng hôm sau, ngài có vẻ khá hơn một chút, tôi chỉ cần ban phép giải tội cho ngài rồi trở về dâng lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Chuyến đi này đã làm gia tăng bệnh tình của tôi. Và hai hôm sau, người ta đến báo tin cho tôi rằng Cha Besombes sắp chết, tôi đã không còn đủ sức để đến với ngài trong giờ phút lâm chung được nữa. Cha Bảo đã chạy đến. Lúc ngài đến Kon Sơ Lăng thì bệnh nhân hầu như không nói được nữa. Ngài còn tỉnh nhưng đã hoàn toàn cấm khẩu. Ngài ra dấu hiệu xin Cha Bảo giải tội cho ngài. Và khi Cha Bảo đọc công thức giải tội thì hai giọt nước mắt liền tuôn chảy. Linh mục vừa làm xong phép xức dầu thì người bạn đồng nghiệp yêu quý của tôi cũng đã phó dâng linh hồn trong tay Chúa. Hôm đó là ngày 16 tháng 8 năm 1867, một ngày sau đại lễ của Đức Mẹ Maria. Có lẽ lòng Mẹ ưu ái đã muốn cho con mình lìa đời đúng vào ngày này để về trời, hợp cùng các thiên thần và chư thánh, ca tụng vinh quang của Đấng mà muôn thế hệ tung hô là có phúc.

Ý định của Thiên Chúa huyền nhiêm dường bao! Xem ra người bạn đồng nghiệp của tôi, vừa trẻ trung vừa nhiệt thành, rất cần cho miền truyền giáo Ba Na khốn khổ của chúng tôi, thế mà Thiên Chúa lại gọi ngài về, trong khi ngài chỉ mới bắt đầu công việc! Ngài đã ngã gục trên chiến trường, mỏi mòn vì lao nhọc trong cuộc đời thừa sai của mình, và đã được lãnh nhận triều thiên. Lạy Cha chúng con ở trên trời, xin cho thánh ý Cha được thể hiện! Tôi không muốn nói đến nỗi đau buồn của riêng tôi, khi chính tôi đang bệnh nặng mà lại mất đi người bạn đồng nghiệp và cũng là nguồn an ủi duy nhất mà tôi có trên đời. Mỗi bạn đọc dễ dàng hiểu được điều này.

Tôi không muốn thi hài của Cha Besombes nằm ở một nơi chưa có gì ổn định và chắc chắn. Nhưng tại xứ này, việc di chuyển tử thi từ làng này sang làng kia là điều chưa thấy bao giờ. Trong trường hợp như thế, làng mà có xác chết đi qua luôn đòi cống nộp một khoản lệ phí khá lớn, bởi vì người dân tộc tin rằng xác chết đi qua như thế sẽ kéo theo nhiều người chết trong làng. Lệ phí này dùng để mua lễ vật cúng tế cầu mong thoát khỏi tai ương. Tôi cũng có thể điều đình với các làng đó nhưng tôi không muốn phiền phức nên đã bảo anh em người Kinh và các tân tòng có nhiệm vụ khiêng xác phải mở một lối đi bên tả ngạn sông Dak Bla, vì phía ấy không có làng nào cả. Khởi hành tại Kon Sơ Lăng lúc vừa tối, họ đã đến Rơ Hai vào sáng hôm sau. Còn tôi, mặc dù đang bệnh, tôi cũng xuống Rơ Hai bằng đường sông. Tôi cũng được an ủi khi thi hành những nghĩa vụ cuối cùng cho người bạn thân yêu của tôi.

Để không còn phải nói đến công trình đã bị ngưng trệ do cái chết của Cha Besombes nữa, tôi xin đề cập ngay đến thành tựu của nó. Phải bỏ luôn hay tiếp nối công trình của ngài? Đó là vấn đề mà lúc đầu tôi khá phân vân. Cuối cùng, tôi quyết định tiếp tục. Và tôi đã gửi đến đó một linh mục người Kinh là Cha Đắc, ngài vừa lên ở trên miền truyền giáo được ít lâu. Các việc đã được thực hiện thì không có gì đáng kể nhưng uy tín của Cha Besombes để lại đã bao bọc, che chở cho vị linh mục kế nhiệm ngài. Và ở trên trời, ngài đã phù giúp chúng tôi nhiều hơn là khi còn ở dưới thế. Mùa màng rất tốt đẹp. Sau mùa gặt, tất cả các tín hữu trong các cộng đoàn đã đến giúp đỡ để hoàn thành những công trình xây dựng cần thiết, và dân làng Kon Sơ Lăng đã kéo đến định cư như họ đã hứa. Ít lâu sau, một làng ngoại giáo cũng đã xin và được chấp nhận gia nhập làng mới này. Làng được đặt tên là Plei Tou Er (làng Trà Oe), tên của một con suối khá lớn chảy từ những dãy núi phía Nam đổ vào sông Mơ Tông. Hiện giờ làng có ba trăm cư dân. Kitô hữu còn là thiểu số nhưng dân ngoại đã trở lại dần dần, và trong các buổi dạy giáo lý ban chiều, luôn có một số rất đông các dự tòng đến tham dự.

 

(Còn tiếp)

 

 

Đọc thêm: 

*DÂN LÀNG HỒ – Chương I: Những Dự Phóng Đầu Tiên Nhằm Thiết Lập Cơ Sở Truyền Giáo Nơi Các Dân Tộc Thiểu Số – Cuộc Hành Trình Khảo Sát Của Thầy Sáu Do

*DÂN LÀNG HỒ- Chương II : Cha Combes Và Cha Fontaine

*DÂN LÀNG HỒ- Chương III : Cuộc Gặp Gỡ Bok Kiêm – Thầy Sáu Do Và Bok Kiêm Kết Nghĩa Anh Em

*DÂN LÀNG HỒ- Chương IV : Cuộc Du Hành Của Các Cha Desgouts Và Dourisboure

*DÂN LÀNG HỒ- Chương V : Những Ngày Ở Kơ Lang

*DÂN LÀNG HỒ – Chương VI: Hành Trình Khảo Sát Tại Kon Kơxâm – Những Nỗ Lực Của Ma Quỷ Nhằm Làm Hại Các Nhà Thừa Sai

*DÂN LÀNG HỒ- Chương VII : Những Mối Quan Hệ Đầu Tiên Với Dân làng Kon Kơxâm – Vụ Hỏa Hoạn – Âm Mưu Sát Hại các Thừa Sai

*DÂN LÀNG HỒ- Chương VIII : Cha Desgouts Và Cha Fontaine Thoát Chết Đuối – Bắt Đầu Học Tiếng Ba Na – Du Hành Từ Kon Kơ Xâm Đến Kon Kơ Lang

*DÂN LÀNG HỒ- Chương IX : Dân Tộc Rơ Ngao – Những Điểm Đến Khác Của các Nhà Thừa Sai

*DÂN LÀNG HỒ- Chương X : Năm Đầu Tiên Ở Kon Trang

*DÂN LÀNG HỒ- Chương XI : Cha Combes Ở Kon Kơxâm – Một Ngày Phúc Lành -Cha Arnoux Đến

*DÂN LÀNG HỒ- Chương XII : Cha Arnoux Cùng Cha Dourisboure Ở Kon Trang – Cuộc Khởi Hành Rời Xứ Dân Tộc – Cha Fontaine Và Cha Desgouts Đi Về Phía Nam

*DÂN LÀNG HỒ- Chương XIII : Ngui Và Pat, Những Dự Tòng Xê Đăng Đầu Tiên – Hmur, Dự Tòng Ba Na Đầu Tiên

*DÂN LÀNG HỒ- Chương XIV : Các Em Ngui Và Pat Lãnh Nhận Phép Rửa Ngày 16 Tháng 10 Năm 1853 – Ông Hmur Lãnh Nhận Phép Rửa Ngày 28 Thánh 12 Năm 1853

*DÂN LÀNG HỒ- Chương XV : Cha Do Tại Rơ Hai – Cái Chết Của Chú Lục, Chú Giúp Việc Của Tôi – Cha Verdier Đến

*DÂN LÀNG HỒ- Chương XVI : Người Đưa Thư Bị Bắt – Bok Kiêm Bảo Vệ Chúng Tôi Thoát Khỏi Tay Nhà Chức Trách An Nam

*DÂN LÀNG HỒ- Chương XVII : Những Kitô Hữu Mới ở Kon Kơ Xâm

*DÂN LÀNG HỒ- Chương XVIII : Những Kitô Hữu Mới Ở Kon Trang – Cuộc Mưu Sát, Một Thử Thách Khủng Khiếp

*DÂN LÀNG HỒ- Chương XIX : Giuse Ngui Lâm Bệnh Và Qua Đời

*DÂN LÀNG HỒ- Chương XX : Andrê Ngam – Ma Quỷ Quấy Phá Anh

*DÂN LÀNG HỒ- Chương XXI : Giữ Ngày Chúa Nhật – Ảnh Hưởng Của Các Nhà Thừa Sai

*DÂN LÀNG HỒ- Chương XXII : Tên Phù Thủy Bị Lột Mặt Nạ

*DÂN LÀNG HỒ- Chương XXIII : Cha Combes Qua Đời Ngày 14 Tháng 9 Năm 1857

*DÂN LÀNG HỒ- Chương XXIV : Cha Dourisboure Về Kon Kơ Xâm – Thiết Lập Địa Sở Truyền Giáo Pơ Năng

*DÂN LÀNG HỒ- Chương XXV : Cha Verdier Qua Đời – Cha Dourisboure Đi Sài Gòn – Cha Besombes Đến Miền Dân Tộc

*DÂN LÀNG HỒ- Chương XXVI: Dịch Đậu Mùa Nơi Anh Em Dân Tộc

*DÂN LÀNG HỒ- Chương XXVII: Một Đêm Phiêu Lưu Mạo Hiểm – Chúa Quan Phòng Cứu Chúng Tôi Thoát Khỏi Cuộc tấn Công Của Người Xê Đăng

 

WGPKT(15/08/2023) KONTUM