DÂN LÀNG HỒ- Chương XXIX : Thành Lập Làng Jơ Ri Krong – Cha Suchet Đến Và Cái Chết Của Ngài – Tình Hình Cộng Đoàn Kitô Hữu Nơi Miền Dân Tộc

DÂN LÀNG HỒ

HÀNH TRÌNH TRUYỀN GIÁO VÀ KHAI PHÁ

MIỀN TÂY NGUYÊN KONTUM

Nguyên tác

“LES SAUVAGES BAHNARS”

  1. DOURISBOURE

De la Société des Missions Étrangères

– PARIS 1929 –

Giáo Phận Kontum

Tái bản lần thứ hai

– 2008 –

 

CHƯƠNG XXIX

THÀNH LẬP LÀNG JƠ RI KRONG –  CHA SUCHET ĐẾN VÀ CÁI CHẾT CỦA NGÀI – TÌNH HÌNH CỘNG ĐOÀN KITÔ HỮU NƠI MIỀN DÂN TỘC

 

Trong khi Cha Besombes làm việc ở Plei Tou Er, tôi cũng không nhàn rỗi. Người ta nhớ rằng bắt đầu ở Kon Kơ Xâm là một đồng bằng rộng lớn của người Rơ Ngao, trải dài hai bên bờ sông Dak Bla đi về hướng Tây ròng rã một ngày đường mới hết. Chính trên đồng bằng này bên hữu ngạn con sông, Rơ Hai, cơ sở trọng yếu của chúng tôi được hình thành. Tôi đã chọn một nơi để thiết lập một sơ sở mới cũng nằm bên hữu ngạn sông Dak Bla, ở giữa quãng đường từ Kon Kơ Xâm đến Rơ Hai. Cả vùng bình nguyên này được hình thành từ đất phù sa nên rất phì nhiêu.Với kiều dân Âu châu, sau vài năm, họ sẽ biến bình nguyên này thành một khu vườn xinh đẹp. Chưa nói đến việc, hằng năm, nước sông Dak Bla tràn ngập một phần dải đất này trong suốt mấy ngày. Rồi còn những con suối nhỏ từ núi chảy xuống mà chỉ cần ta biết cách dẫn nước lên để có thể tưới mát tất cả mọi ngõ ngách của đồng bằng. Cũng có những vùng đầm lầy mênh mông mà chỉ cần đánh vài ba mương tiêu nước thì sẽ thành hình những thửa ruộng tuyệt vời. Thế nhưng, với phương tiện canh tác quá thô sơ, anh em dân tộc chưa bao giờ có can đảm biến chỗ này thành ruộng vườn.

Điều này cũng dễ hiểu thôi, vì tại xứ sở này, một việc như thế là vượt quá tài sức của những con người tội nghiệp này. Vì, có thể nói họ canh tác đất đai chỉ với hai bàn tay trần, không trâu bò, không cày bừa, cũng không có bất cứ một dụng cụ lao động nào. Tại sao người dân tộc lại chọn các sườn đồi, vách núi và những cánh rừng sâu để canh tác ruộng đồng? Chính bởi kẻ thù mà họ e ngại nhất, đó là cỏ dại. Nếu gieo trồng ở những vùng ẩm thấp, thì cỏ dại lại mọc nhanh hơn cả lúa nữa. Họ sẽ phí công từ sáng đến chiều để nạo cỏ với chiếc cuốc nhỏ tí tẹo, bởi họ chưa kịp làm xong cỏ phía trước mặt thì sau lưng, cỏ đã mọc lên tươi tốt hơn trước rồi. Họ không biết làm cỏ chỗ nào nữa, và cây lúa sẽ bị chèn ngộp khi vừa chồi lên khỏi mặt đất. Vả lại, trong một vùng đất mà thảo mộc rất phong phú và phát triển mạnh mẽ đáng kinh ngạc này, thì việc dãy cỏ hay nhổ cỏ chưa đủ để tiêu diệt nó, mà sau đó phải đem nó vứt ra khỏi rẫy lúa, nếu không, một cơn mưa nhỏ qua đêm sẽ làm nó sống lại và xanh tốt trên khắp mảnh đất đã được đào xới hôm trước. Chính vì vậy mà người dân tộc đành phải bỏ hoang vùng đất ẩm thấp phì nhiêu, để rồi chịu vất vả khổ nhọc suốt năm trên những vùng đất cao cằn cỗi.

Ngoài những lý do đã được dẫn giải ở chương trên, tôi còn có một động lực mạnh hơn khiến tôi phải rời bỏ Kon Kơ Xâm và đến định cư ở vùng đồng bằng. Làng Kon Kơ Xâm, nơi mà tất cả các rẫy lúa đều nằm trên các sườn đồi chẳng mấy tươi tốt, sẽ không có khả năng trở thành một làng lớn được, và nhất là trong một địa hình quá dốc dác, gồ ghề như ở đây thì không dễ gì sử dụng cày bừa. Thế rồi, chúng tôi hiểu được những ích lợi và sự cần thiết trong việc dạy cho giáo dân biết sử dụng trâu bò, cày bừa và những nông cụ khác, để họ có thể làm ra nhiều gạo hơn mà không phải vất vả nhiều như lúc trước. Và một khi đã khai hoang một nơi nào rồi, thì người ta không buộc phải bỏ hoang nó thành rừng nữa. Dĩ nhiên, đó là phương thế duy nhất để thành lập những làng ổn định và đông dân, từ đó, sẽ dần tập hợp thành một vài trung tâm lớn gồm những người dân tộc đang sống rải rác trong những thôn xóm nhỏ bé, và như thế sẽ loại bỏ bớt một trong những trở ngại lớn cho hoạt động của các nhà thừa sai.

Theo kế hoạch của tôi, làng Công giáo mới phải đồng thời là một nông trại kiểu mẫu. Vì thế tôi đã cử một vài thanh niên người Kinh đi trước để mua một ít trâu bò nơi bộ tộc Ha Gou; một số khác thì xuống Trung Châu để mua cày bừa và những nông cụ khác mà người Kinh thường sử dụng để canh tác lúa nước. Cha Do ở Rơ Hai cũng đã làm giống như tôi, vì đất đai chung quanh làng của ngài có thể cày bừa được. Công việc của ngài cũng dễ dàng hơn tôi, vì ngài không phải di chuyển đi đâu, trong khi tôi phải dẫn đưa người nhà của mình đi đến một nơi khá xa để dựng nhà, đồng thời phát dọn đất canh tác. Chính vì vậy, ngài đã có thể bắt tay vào việc trước tôi. Vả lại, từ lúc đầu cũng như về sau, cả hai địa điểm đều luôn hỗ trợ lẫn nhau trong các công việc lớn.

Tưởng chừng cũng không vô ích khi nhắc lại ở đây, thành phần nhân sự trong nhà của linh mục, dù đó là nhà của linh mục người Âu hay người Kinh. Trước hết là một số thanh niên người Kinh đã tự nguyện hy sinh, rời bỏ quê hương để giúp đỡ các Cha trong việc rao giảng Tin Mừng. Họ đảm nhận cùng những công việc như các thầy giúp việc trong rất nhiều dòng tu. Một vài người được giao phụ trách dạy giáo lý, một số khác thì lao động tay chân; nhưng hầu hết đều biết làm nông. Chính những người này đã dạy cho người dân tộc biết sử dụng cày bừa. Tiếp đến là những người dân tộc mà chúng tôi đã chuộc khỏi kiếp nô lệ, như tôi đã có lần đề cập đến trong thiên hồi ký này. Rất tiếc là chúng tôi đã không thể giải thoát hết những nạn nhân chiến tranh bất hạnh này. Vì phương tiện quá hạn chế, nên trong trường hợp có thể được, chúng tôi chỉ chuộc về những trẻ em hoặc những thanh niên nam, nữ thôi. Trong số đó, những em chưa đến tuổi khôn thì chúng tôi rửa tội ngay; còn những người khác thì chúng tôi bắt đầu giảng dạy cho họ ngay ngày đầu về ở với chúng tôi. Hầu hết nhân sự người dân tộc trong nhà tôi là những người được tôi chuộc về khi còn ấu thơ. Đương nhiên, tôi cũng chuộc những người đã lập gia đình nhưng ít thôi, bởi vì tôi thích chọn những người đang còn ở độ tuổi dễ tiếp thu bài học hơn. Vì vậy, tất cả những tân tòng này, những người đã sống gần như cả đời bên cạnh tôi, nói chung là những người có học thức nhất và cho tôi nhiều niềm an ủi nhất. Khi họ đến tuổi kết hôn thì tôi dựng vợ gả chồng cho họ. Mỗi người đến bày tỏ với tôi những tâm sự thầm kín của mình và cuộc hôn nhân sẽ nhanh chóng được tác thành. Không bàn đến chuyện của hồi môn, cũng chẳng cần đến chưởng khế hay xã trưởng chứng nhận, đôi bạn trẻ, trước tiên, đưa nhau đến Toà cáo giải, rồi ra trước bàn thờ để lãnh nhận Bí Tích Hôn Phối. Và thế là xong! Cũng nên nói lướt qua cho biết sự trung thành trong hôn phối của người dân tộc rất đáng khâm phục. Trong hai mươi năm qua, tôi chưa gặp một trường hợp ngoại tình nào trong các làng Công giáo. Tôi xin trở lại với chủ đề của tôi.

Khi đất đã được chọn xong, vị trí ngôi làng mới đã được xác định, thì tôi mới ra sức thuyết phục giáo dân làng Kon Kơ Xâm ra đi với tôi. Ban đầu, một số đông chấp thuận, sau đó, họ đắn đo do dự, rồi lại hứa sẽ đi, rốt cuộc họ đã rút lại lời hứa. Cuối cùng, khi đến lúc rời bỏ Kon Kơ Xâm để đến đồng bằng thì chỉ có hai gia đình đi theo tôi. Tôi cảm thấy quá đau buồn khi phải lìa bỏ đàn chiên của mình, nhưng tôi không thể và cũng không muốn thoái lui. Tương lai của miền truyền giáo buộc tôi hành động như thế. Và tôi đã nhất quyết tiến bước dù chỉ có một mình tôi với các anh em người Kinh của tôi mà thôi. Một trong hai gia đình đi theo tôi, chắc bạn đọc đã đoán được, đó là gia đình ông Hmur, người Công giáo Ba Na đầu tiên. Ngay trong ngày khởi hành, một người chủ gia đình cũng là dân xa lạ mới đến ở Kon Kơ Xâm, xin nhập đoàn. Tôi vui sướng nhận lời. Tôi thầm nghĩ: “Rất có thể đây là người ngoại giáo đầu tiên sẽ lãnh nhận phép Rửa trong ngôi làng mới của mình”. Gia đình này có mười sáu người, hai phần ba là trẻ con và thanh niên nam nữ chưa lập gia đình.

Đoàn di dân của chúng tôi gồm bốn gia đình, kể cả “gia đình” của tôi, rời Kon Kơ Xâm vào tháng mười hai năm 1866. Vào tháng mười một, miền này hoàn toàn hết mưa, khoảng chừng tháng ba hoặc tháng tư mới có mưa lại. Đó là một mùa thuận lợi cho những kẻ không nhà. Vài tháng trước, tôi đã cho phát dọn nhiều thửa đất để trồng lúa xung quanh vị trí của ngôi làng mới. Và vì chúng tôi không còn thời giờ cũng như chưa đủ phương tiện để cày bừa, nên tôi nghĩ rằng cần phải cẩn thận trong năm đầu tiên, cứ canh tác theo lối cổ truyền của người dân tộc, không đụng đến các vùng đầm lầy, các thửa đất thấp và ẩm. Chúng tôi còn phải dựng nhà và phát quang rừng. Sau khi suy xét kỹ xem cần phải làm việc gì trước, và mọi người đều nhất trí rằng vì đang mùa khô và chúng tôi có thể nghỉ đêm hai tháng ngoài trời, nên việc khẩn thiết nhất là phát quang rừng để chuẩn bị đất trồng lúa vào tháng tư tới. Đốn rừng xong, trong khi chờ đợi cây khô, chúng tôi lo việc dựng chòi. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã thoả thuận trong năm đầu tiên này, mọi người sẽ làm việc chung với nhau trong bất kỳ công tác gì, từ việc phát dọn đất đai đến việc xây dựng nhà cửa. Ai nấy đều hăng hái bắt tay vào việc, nhờ vậy mà đã hoàn thành được nhiều việc trong thời gian ngắn. Chiều tối, mọi người vây quanh nơi để đồ đạc và đốt lên một đống lửa lớn. Trong khi tôi giảng dạy cho gia đình ngoại giáo mới xin nhập với chúng tôi, thì mấy chị em phụ nữ lo nấu cơm, còn đàn ông thì miệng ngậm ống điếu, tay vót mây chẻ lạt cho việc dựng nhà; người khác thì gắng bắt cho được ít cá ở sông Dak Bla. Trong lúc đốn rừng, chúng tôi chọn ra những cây gỗ thích hợp cho việc dựng nhà, để đến chiều, kéo chúng về nhà. Sau bữa ăn tối, chúng tôi đọc kinh chung, rồi chia thành từng nhóm sáu bảy người, nam nữ tách biệt. Mỗi nhóm đốt một đống lửa riêng, rồi nằm xung quanh đánh một giấc ngủ say trong cảnh “màn trời chiếu đất”. Bạn có thể tin tôi, kiểu sống như thế này có những hấp dẫn riêng của nó! Giá như tôi còn khoẻ mạnh như xưa, thì tôi chẳng ước muốn gì hơn nữa.

Nhà tôi được làm xong trước tiên. Tôi với các anh em người Kinh sống trong một nửa gian nhà, còn nửa kia dành làm nhà nguyện, trong khi chờ đợi sẽ làm một nhà nguyện xứng hợp hơn vào năm sau. Trước mùa gieo trồng, mọi công việc xây dựng nhà cửa đều đã được hoàn tất. Chúa nhân lành đã ban cho chúng tôi một mùa bội thu.

Sau vụ mùa, vì mỗi gia đình đều có nhà riêng, nên họ yêu cầu tôi phân chia lúa cho họ dựa theo số nhân khẩu. Suốt năm 1867, mọi người đã sống đoàn kết và vui vẻ hơn bao giờ hết. Nếu có chút bất hòa nào, tôi chỉ nói một tiếng thì mọi sự trở lại yên lành. Ngày chúng tôi bắt đầu ăn lúa mới, Thiên Chúa đã ban cho chúng tôi hồng ân là đón nhận mười lăm người lớn chịu Phép Rửa. Làng mới của tôi dứt khoát đã được thành lập và lấy tên là Jơ Ri Krong. Chúng tôi vui sướng cùng nhau chúc tụng Thiên Chúa Quan Phòng.

Năm sau, sự thịnh vượng càng gia tăng hơn nhờ việc áp dụng những tiến bộ quan trọng trong canh tác nông nghiệp. Lần đầu tiên, các tân tòng của tôi tra tay cày đất. Tôi cũng đã có thể kiếm được một chú voi rất tuyệt từ bộ tộc Ha Drong; rồi bán lại cho triều đình Huế lấy tám nén bạc, với số tiền này, tôi đã mua được nhiều nông cụ. Vì các gia đình dân tộc không thể mua sắm mọi vật dụng cần thiết trong một lần, nên tôi đã cho họ mượn trâu, bò và nhiều dụng cụ lao động khác. Anh em người Kinh của tôi cũng đi làm giúp họ, nay cho nhà này, mai cho nhà kia, để tập cho họ làm quen với việc cày bừa và canh tác ruộng nước. Mặt khác, các anh em dân tộc ở các làng lân cận cũng thường đến xem người của chúng tôi làm việc, và đến mùa thu hoạch họ đều ngạc nhiên trước sự trù phú và dồi dào lúa thóc của chúng tôi. Chính vì thế mà ngay năm đầu tiên định cư ở Jơ Ri Krong, nhiều gia đình ở các làng lân cận đã đến xin gia nhập vào làng mới của chúng tôi. Và trong năm 1868, dân số ít ỏi trong ngôi làng mới của chúng tôi đã tăng lên gấp đôi. Tôi luôn có một vài dự tòng để giảng dạy. Và mỗi tối, sau một ngày làm việc vất vả, căn nhà của tôi lại chật kín những đàn ông, đàn bà và cả trẻ em đến học kinh nguyện.

Thật là tốt đẹp khi dân số trong làng không ngừng gia tăng và kéo dài mãi. Lý do của việc ấy rất đơn giản. Cứ một người dân tộc mới nào đến với tôi, thì tôi liền khắc ghi vào tâm trí người đó những ý tưởng của chúng tôi, vốn rất khác ý tưởng của người đó ở nhiều điểm. Tôi phải làm sao để người đó đi vào quan điểm và tư tưởng của chúng tôi. Sự biến đổi này nhanh chóng xảy ra nơi người ấy, khi anh ta là người xa lạ duy nhất sống giữa đám đông đã thấm đượm tư tưởng của chúng tôi. Nhưng nếu cả làng hay một nửa làng xin gia nhập cùng một lúc, thì sẽ rất khó cho tôi để uốn nắn và đưa vào khuôn khổ số đông người như vậy. Tôi ao ước thiết lập ở Jơ Ri Krong một cộng đoàn Kitô hữu đông đảo; nhưng nó càng được hình thành chậm bao nhiêu, thì càng vững chắc bấy nhiêu. Điều kiện đầu tiên mà người ta phải chấp nhận khi gia nhập làng mới là phải từ bỏ thực hành những mê tín dị đoan công khai; nhất là không được gán những bất hạnh, những bệnh tật, cái chết cho rằng số phận đã bị  những người thù ghét trù ếm. Qua thiên hồi ký này, bạn đọc đã thấy rằng chín phần mười những bất công lớn và chiến tranh giữa những người dân tộc với nhau đều xuất phát từ thành kiến phi lý này, nhưng khốn thay, thành kiến này đã ăn sâu vào tâm thức của người dân tộc. Tôi không bao giờ bó buộc những người mới đến phải theo Đạo; một sự trở lại như thế sẽ không thành tâm và không thể đẹp lòng Thiên Chúa được. Nhưng thường họ cho các trẻ em chịu phép Rửa ngay, và để cho các em đến tuổi khôn học Đạo. Còn người lớn, có người phải mất một thời gian dài mới theo Đạo, thậm chí vài ba người nhất quyết từ chối. Tôi hy vọng rằng việc sống lâu dài trong môi trường hoàn toàn Kitô giáo sẽ làm suy yếu những thành kiến của họ, và sẽ giúp cho ân sủng của Chúa dễ dàng tác động nơi tâm hồn họ.

Chúng tôi không còn ở trong thời kỳ là đối tượng làm cho người dân tộc khiếp sợ, không nơi nào muốn đón tiếp chúng tôi, đến nỗi chúng tôi buộc phải tự tay dựng một cái chòi tồi tàn ở giữa rừng, sống bằng măng tre, rễ cỏ. Bây giờ sự phú túc đã ngự trị giữa chúng tôi. Không kể lúa gạo mà chúng tôi làm ra từ đồng ruộng, chúng tôi còn có bắp, và bắp ở xứ này thì tốt hơn ở Âu Châu rất nhiều. Chỉ có điều, chúng tôi buộc phải ăn nguyên trái bằng cách luộc hoặc nướng, vì không thể xay thành bột làm bánh được. Bên Pháp, nơi miền Pyrénées quê tôi, người ta làm bánh với bột bắp, mà ít ra theo khẩu vị của tôi, thì ngon hơn cơm. Chúng tôi nhất thiết cần có một cối xay bột; đó sẽ là một lợi ích không thể đếm được cho miền dân tộc này, vì trồng bắp cần ít công sức hơn trồng lúa. Một khi đã mọc lên, bắp phát triển rất nhanh, hầu như không sợ cỏ dại nữa. Ngoài những nông sản này, hiện nay trong nhà chúng tôi còn có gà, heo, dê, bò, trâu, chim câu, cả vài chú ngựa và voi nữa. Nhưng để cưỡi ngựa phải có đường đi. Cho đến nay, tôi chưa thể đi đến đâu bằng ngựa, ngoại trừ đi từ nhà tôi đến nhà Cha Do ở Rơ Hai. Chúng tôi đã làm một con đường rất đẹp nối liền hai địa điểm này. Chúng tôi dùng voi để chở đồ nặng; sau mùa gặt, voi chở lúa từ đồng về làng. Voi còn đi đến An Nam chở muối và các vật dụng khác mà người ta gửi cho chúng tôi từ Pháp hay từ miền Nam.

Song song với những tiến bộ liên quan đến tiện nghi vật chất, còn phải thêm rằng tôi thực sự đã là một ông vua ở Jơ Ri Krong. Nói thật là uy quyền của tôi không trải rộng bao nhiêu; nhưng nếu tôi có những sở thích như Xêda, thích làm nhân vật số một trong một làng nghèo nàn ở trên núi hơn là nhân vật số hai ở kinh thành Rôma, thì tôi có lý để hài lòng về vị trí của tôi. Lợi ích lớn lao nhất của những điều này, hơn cả tình trạng tôi vừa nói, đó là Đạo thánh của chúng ta có lẽ phải được thiết lập cố định ở làng này, nếu không nhanh, thì ít ra là vững chắc. Đó chính là mục đích to lớn và duy nhất của tất cả các công trình cũng như tất cả những khó nhọc của tôi. Ở Rơ Hai, Cha Do cũng đã hành động hoàn toàn giống tôi ở Jơ Ri Krong; xét về mặt vật chất, ngài còn có một cơ sở đầy đủ và hoành tráng hơn tôi.

Tuy nhiên, thật đúng khi nói rằng người ta không thể có cùng một lúc tất cả các hạnh phúc. Khi những phương tiện để sống trở nên dồi dào hơn, thì tôi lại lâm vào tình trạng không thể tận hưởng chúng được nữa. Dạ dày của tôi hoàn toàn suy yếu đến nỗi từ hai, ba năm nay không tiêu nổi một miếng thịt. Khi xưa, lúc chúng tôi không có gì để ăn, thì tôi ăn ngon và sức khoẻ ổn định; còn bây giờ, cuộc sống no đủ thì tôi không thể vui hưởng, lại còn lâm bệnh. Khi Cha Besombes trở lại xứ dân tộc, Đức Cha Charbonnier cũng đã gọi tôi về ở với ngài để phục hồi sức khoẻ. Tôi đã xin ngài ở lại xứ dân tộc ít ra là trong năm đầu tiên này, vì tôi tuyệt đối cần thiết cho cơ sở mới của tôi. Bây giờ khi cơ sở mới đã được thiết lập và vì sau cái chết của Cha Besombes, tôi là thừa sai người Pháp duy nhất ở miền dân tộc, nên tôi không thể nghĩ đến việc rời bỏ họ. Một hôm, tôi yếu mệt hơn thường ngày. Tôi buồn bã nghĩ rằng nếu tôi chết hay vắng mặt thì có lẽ, chẳng bao lâu, tất cả các công trình xây dựng với biết bao khổ nhọc sẽ bị sụp đổ tan tành. Bất ngờ, tôi trông thấy một thừa sai trẻ đến. Đó là Cha Suchet mà Đức Cha gửi đến giúp tôi.

 Phải có ở trong cuộc mới hiểu được niềm vui sướng và xúc động của tôi như thế nào. Cha Suchet cũng vui mừng rạng rỡ. Nhìn ánh mắt, nét mặt, cử chỉ của ngài, ta đoán được nhiệt huyết tông đồ đang sục sôi trong trái tim ngài. Ngài mới hai mươi bốn tuổi. Ngài nói với tôi: “Chúa sai con đến làm việc với Cha. Cha đang bệnh, không gánh vác nổi nữa. Con đang khoẻ mạnh, con sẽ giúp Cha.”

Tôi nghĩ trong lòng: tội nghiệp cho người bạn trẻ của tôi, những cơn sốt rét chẳng mấy chốc sẽ làm tái xanh nước da đỏ tươi này và sẽ bẻ gãy thân xác rất cường tráng đó! Nhưng nào ai có thể đoán được rằng chỉ trong vòng hai tháng, ngài đã lìa bỏ tôi mà lên Trời ? Đây chính là sự ưu ái của Chúa Quan Phòng khi không cho người ta biết trước những tai ương sắp đến, nếu không thì chẳng có ai có thể hưởng được hạnh phúc hiện tại. Cha Suchet đến là một niềm vui chung cho cả làng. Hôm đó mọi người không đi làm rẫy. Tất cả các tân tòng đều kéo đến chào mừng ngài và bày tỏ với ngài niềm hân hoan của họ. Cha Suchet mới đến chưa biết tiếng dân tộc, nên tôi đã thay ngài nói với họ: “Các con yêu quý, các con thấy đó, Chúa thương yêu các con biết bao! Các con đã lo buồn vì thấy Cha bệnh, và các con sợ Cha chết, bỏ các con mồ côi. Bây giờ Cha đã có người thay thế, và các con có một Cha mới. Cha vui mừng lắm, và các con cũng có lý do để vui mừng như Cha. Nếu ngài đã bỏ cha, bỏ mẹ và mười ba anh chị em rất yêu quý của ngài để từ một nơi xa xăm mà đến đây với các con là vì ngài quá yêu thương linh hồn các con. Vậy các con phải càng yêu thương linh hồn của mình và phải ra sức làm việc để cứu thoát linh hồn các con.”

Chẳng cần phải đợi lâu, tôi cũng đã biết tôi có một kho tàng quý giá biết bao nơi người bạn đồng nghiệp trẻ tuổi của tôi. Ngài có lòng đạo đức, khiêm nhường và bác ái hiếm thấy, và tôi chắc chắn rằng mình đã tìm thấy nơi ngài một người bạn quý báu. Chỉ hai ba ngày sau khi đến, ngài đã viết thư cho Đức Cha Charbonnnier biết ngài rất vui thích ở với anh em dân tộc. Ngài cũng có lòng tốt chăm sóc tôi và nói với Đức Giám Mục của chúng tôi rằng bệnh tình của tôi rất nặng, và Đức Cha nên gọi tôi về ở với Đức Cha một thời gian để dưỡng bệnh. Đức Cha đã ra chỉ thị cho tôi về Trung Châu; nhưng, khi tôi nhận được lá thư này, Cha Suchet đã không còn nữa. Ba cơn sốt rét độc hại đã đủ đưa ngài xuống mồ, và chiếc quan tài mà người ta làm cho tôi, giờ lại đón nhận thân xác của nhà thừa sai trẻ. Tôi sẽ không bao giờ quên tấm gương sáng chói, nhưng, than ôi quá ngắn ngủi mà ngài đã nêu lên cho chúng tôi trong vài tuần lễ! Bên mộ ngài, tôi muốn nói vài lời với chính những Kitô hữu mà tôi đã nói lời chia vui khi ngài mới đến, và lúc này đây họ đang đứng đó để khóc thương ngài. Vừa mở miệng, thì tôi đã nghẹn lời, oà khóc nức nở. Trong mọi sự, xin cho Thánh ý Chúa luôn được thể hiện!

Tôi viết thư báo tin buồn cho Đức Cha Charbonnier và nói với ngài rằng, hoàn cảnh nay đã thay đổi, tôi chờ chỉ thị mới trước khi rời nhiệm sở của mình, vì bây giờ tôi không còn một bạn đồng nghiệp nào để thay thế tôi ở đó.

Đức Cha trả lời tôi: “Anh em dân tộc của Cha sẽ được lợi gì, nếu như Cha chết? Phải chăng tốt hơn là để họ chịu đựng sự vắng mặt của Cha trong một thời gian, rồi sau đó Cha sẽ trở về với họ với một sức khoẻ có thể làm việc được. Tôi nghĩ rằng Cha nên xuống đây ngay. Tôi chờ Cha.” Ban đầu, chúng tôi nghĩ rằng vài tháng ở Trung Châu đủ để giúp tôi hồi phục sức khoẻ để tôi có thể trở lại nhiệm sở của tôi. Nhưng, thay vì lành bệnh, tôi đã suýt chết trong nhà Đức Cha. Thấy bệnh trạng của tôi ngày càng trầm trọng, ngài đã gửi tôi về Pháp ít lâu.

Hiện nay, số Kitô hữu người dân tộc Ba Na là từ tám đến chín trăm người. Họ ở trong bảy làng. Làng xa nhất cách trung tâm truyền giáo Rơ Hai non một ngày đường. Chung quanh Rơ Hai và Jơ Ri Krong, người ta làm lúa nước như ở Trung Châu. Người ta đã có nhiều gia súc và càng ngày càng có nhiều hơn. Từ khi ở Pháp, tôi đã nhận được một lá thư của Cha Do trong đó ngài cho biết nhiều tin tốt lành, và ngài quả quyết với tôi rằng anh em dân tộc đang nóng lòng chờ tôi trở lại với họ. Ngài còn dặn tôi phải học cách làm bánh bằng bột bắp và tìm mua một cối xay tay. Một thứ mà có lẽ miền truyền giáo cần hơn hết, đó là súng. Cuộc sống của các cộng đoàn Kitô hữu, gần các bọn cướp như bọn Ha Drong sẽ rất bấp bênh bao lâu họ chưa được vũ trang. Nếu chúng tôi có súng, chúng tôi sẽ được kiêng nể mà không bao giờ cần bắn một phát súng nào. Chỉ cần người ta biết chúng tôi có súng, thì không một người dân tộc nào dám sinh sự với chúng tôi. Xin Thiên Chúa nhân lành gìn giữ các tân tòng yêu quý này, và ban cho tôi sớm trở lại gặp họ!

Tôi xin những ai đọc thiên hồi ký này, đừng quên cầu nguyện cho những anh em dân tộc Ba Na đáng thương.

(Bắt đầu viết tại Kon Kơ Xâm năm 1865; viết xong tại Chủng Viện Hội Thừa Sai ở Paris, ngày 28.01.1870).

                                                                           

Dourisboure

                                        Thừa sai Truyền giáo

(Còn tiếp)

Đọc thêm: 

*DÂN LÀNG HỒ – Chương I: Những Dự Phóng Đầu Tiên Nhằm Thiết Lập Cơ Sở Truyền Giáo Nơi Các Dân Tộc Thiểu Số – Cuộc Hành Trình Khảo Sát Của Thầy Sáu Do

*DÂN LÀNG HỒ- Chương II : Cha Combes Và Cha Fontaine

*DÂN LÀNG HỒ- Chương III : Cuộc Gặp Gỡ Bok Kiêm – Thầy Sáu Do Và Bok Kiêm Kết Nghĩa Anh Em

*DÂN LÀNG HỒ- Chương IV : Cuộc Du Hành Của Các Cha Desgouts Và Dourisboure

*DÂN LÀNG HỒ- Chương V : Những Ngày Ở Kơ Lang

*DÂN LÀNG HỒ – Chương VI: Hành Trình Khảo Sát Tại Kon Kơxâm – Những Nỗ Lực Của Ma Quỷ Nhằm Làm Hại Các Nhà Thừa Sai

*DÂN LÀNG HỒ- Chương VII : Những Mối Quan Hệ Đầu Tiên Với Dân làng Kon Kơxâm – Vụ Hỏa Hoạn – Âm Mưu Sát Hại các Thừa Sai

*DÂN LÀNG HỒ- Chương VIII : Cha Desgouts Và Cha Fontaine Thoát Chết Đuối – Bắt Đầu Học Tiếng Ba Na – Du Hành Từ Kon Kơ Xâm Đến Kon Kơ Lang

*DÂN LÀNG HỒ- Chương IX : Dân Tộc Rơ Ngao – Những Điểm Đến Khác Của các Nhà Thừa Sai

*DÂN LÀNG HỒ- Chương X : Năm Đầu Tiên Ở Kon Trang

*DÂN LÀNG HỒ- Chương XI : Cha Combes Ở Kon Kơxâm – Một Ngày Phúc Lành -Cha Arnoux Đến

*DÂN LÀNG HỒ- Chương XII : Cha Arnoux Cùng Cha Dourisboure Ở Kon Trang – Cuộc Khởi Hành Rời Xứ Dân Tộc – Cha Fontaine Và Cha Desgouts Đi Về Phía Nam

*DÂN LÀNG HỒ- Chương XIII : Ngui Và Pat, Những Dự Tòng Xê Đăng Đầu Tiên – Hmur, Dự Tòng Ba Na Đầu Tiên

*DÂN LÀNG HỒ- Chương XIV : Các Em Ngui Và Pat Lãnh Nhận Phép Rửa Ngày 16 Tháng 10 Năm 1853 – Ông Hmur Lãnh Nhận Phép Rửa Ngày 28 Thánh 12 Năm 1853

*DÂN LÀNG HỒ- Chương XV : Cha Do Tại Rơ Hai – Cái Chết Của Chú Lục, Chú Giúp Việc Của Tôi – Cha Verdier Đến

*DÂN LÀNG HỒ- Chương XVI : Người Đưa Thư Bị Bắt – Bok Kiêm Bảo Vệ Chúng Tôi Thoát Khỏi Tay Nhà Chức Trách An Nam

*DÂN LÀNG HỒ- Chương XVII : Những Kitô Hữu Mới ở Kon Kơ Xâm

*DÂN LÀNG HỒ- Chương XVIII : Những Kitô Hữu Mới Ở Kon Trang – Cuộc Mưu Sát, Một Thử Thách Khủng Khiếp

*DÂN LÀNG HỒ- Chương XIX : Giuse Ngui Lâm Bệnh Và Qua Đời

*DÂN LÀNG HỒ- Chương XX : Andrê Ngam – Ma Quỷ Quấy Phá Anh

*DÂN LÀNG HỒ- Chương XXI : Giữ Ngày Chúa Nhật – Ảnh Hưởng Của Các Nhà Thừa Sai

*DÂN LÀNG HỒ- Chương XXII : Tên Phù Thủy Bị Lột Mặt Nạ

*DÂN LÀNG HỒ- Chương XXIII : Cha Combes Qua Đời Ngày 14 Tháng 9 Năm 1857

*DÂN LÀNG HỒ- Chương XXIV : Cha Dourisboure Về Kon Kơ Xâm – Thiết Lập Địa Sở Truyền Giáo Pơ Năng

*DÂN LÀNG HỒ- Chương XXV : Cha Verdier Qua Đời – Cha Dourisboure Đi Sài Gòn – Cha Besombes Đến Miền Dân Tộc

*DÂN LÀNG HỒ- Chương XXVI: Dịch Đậu Mùa Nơi Anh Em Dân Tộc

*DÂN LÀNG HỒ- Chương XXVII: Một Đêm Phiêu Lưu Mạo Hiểm – Chúa Quan Phòng Cứu Chúng Tôi Thoát Khỏi Cuộc tấn Công Của Người Xê Đăng

*DÂN LÀNG HỒ- Chương XXVIII: Công Trình Của Cha Besombes – Cái Chết Của Ngài

WGPKT(23/08/2023) KONTUM