DÂN LÀNG HỒ – Phụ Lục 2
Thư Của Cha Combes Gửi Cho các Cha Trong Ban Giám Đốc Chủng Viện Hội Thừa Sai
Nguyên tác: “LES SAUVAGES BAHNARS”
P. DOURISBOURE (MEP)
Biên dịch: TGM Kontum
Giọng đọc: Lm Giuse Tiến Lộc (CSsR)
Youtube: Chủng Sinh TV
DÂN LÀNG HỒ
HÀNH TRÌNH TRUYỀN GIÁO VÀ KHAI PHÁ
MIỀN TÂY NGUYÊN KONTUM
Nguyên tác
“LES SAUVAGES BAHNARS”
-
DOURISBOURE
De la Société des Missions Étrangères
– PARIS 1929 –
Giáo Phận Kontum
Tái bản lần thứ hai
– 2008 –
PHỤ LỤC 2
THƯ CỦA CHA COMBES GỬI CHO CÁC CHA TRONG BAN GIÁM ĐỐC CHỦNG VIỆN HỘI THỪA SAI
Kon Kơ Xâm, ngày 29 tháng 9 năm 1853
Kính thưa quý Cha và quý đồng nghiệp,
Thế là sắp tròn một năm từ khi con hứa gửi cho quý Cha một vài ghi chép về bộ tộc Ba Na, nơi Chúa Quan Phòng đã sai con đến để loan báo Tin Mừng Cứu Độ. Vậy, đây là dịp thuận tiện để con thực hiện lời hứa của mình. Nhiệm vụ này càng êm dịu hơn cho con khi biết rằng tất cả quý Cha đều quan tâm đặc biệt đến các cứ điểm truyền giáo vừa được Vị Đại Diện Tông Toà đáng kính của chúng con thiết lập nơi miền dân tộc. Con rất muốn miêu tả thật chi tiết về những vùng đất mà cho đến nay chưa một ai biết đến. Nhưng vì quá bận bịu trong viêc học thổ ngữ để dịch kinh nguyện và các bài giáo lý; đàng khác, bị cắt ngang bởi những cuộc viếng thăm thường xuyên của anh em dân tộc, vì thế, hôm nay con cũng không thể cung cấp cho quý Cha điều gì khác ngoài những cái nhìn khái quát nhất và vô trật tự về sắc dân mà con đang rao giảng Tin Mừng, cũng như các bộ tộc sống quanh đó.
Người Ba Na sinh sống tại vùng đất, nằm ở 14º vĩ Bắc và 104º kinh Đông, tính từ Paris. Lãnh thổ phía Đông và Đông Bắc được phân định ranh giới bởi bộ tộc Bơ Nâm, phía Bắc và Tây Bắc có đồng bào Xê Đăng, phía Tây có người Rơ Ngao và Hơ Lâng, còn ở phía Nam là nơi cư trú của bộ tộc Jrai, một bộ tộc đông dân nhất và quan trọng nhất về mọi phương diện.
Số làng của người Ba Na tăng lên khoảng từ chín mươi đến một trăm, và tổng số dân không vượt quá 25.000 người. Họ chiếm một vùng không gian từ mười lăm đến hai mươi dặm, trải rộng từ Đông sang Tây và kéo dài từ Bắc xuống Nam.
Toàn vùng này được bao phủ bởi rừng nguyên sinh dày đặc mà búa rìu của người dân tộc có thể đốn chặt sử dụng dần dần, nhưng cây con vẫn phát triển và hồi sinh một cách nhanh chóng đến không ngờ. Không thấy có đồng bằng nào ở đó, ngoại trừ lệch về hướng Đông Nam và một phần phía Tây, tiếp giáp với vùng đất của bộ tộc Rơ Ngao. Khắp nơi chỉ thấy núi đồi, chúng không cao lắm nhưng đan xen, chồng chất nhau về mọi hướng. Hiển nhiên, địa hình như thế sẽ dễ làm phát sinh ra những nguồn nước, khe rãnh, để từ đó hình thành nên những con sông lớn xuôi chảy xuống những cánh đồng phía Đông Trung Châu. Còn những dòng chảy trên những triền núi đối diện đã tạo thành dòng sông Dak Bla, bắt nguồn từ lãnh thổ bộ tộc Xê Đăng, chảy quanh vùng đất người Ba Na về phía Bắc và phía Tây, và cuối cùng đổ vào con sông lớn bên Lào. Nơi đây, người ta không thể chiêm ngưỡng những cảnh đẹp nên thơ như khi đi dạo trong những khu rừng nguyên sinh ở Châu Mỹ. Cảnh vật ở đây cứ na ná tương tự nhau, không có những thác nước tuôn đổ ầm ầm, không có những vực sâu hun hút, cũng chẳng có những bóng cây cổ thụ mà trí tưởng tượng của con người có thể hình dung ra tại những vùng đất có người dân tộc cư trú. Cho nên, niềm vui duy nhất mà chúng con cảm nghiệm được trong những cuộc hành trình vất vả chính là ý nghĩ rằng chúng con ra đi nhân danh Chúa, là hy vọng chinh phục các linh hồn cho Người. Chừng ấy thôi liệu có đủ để nâng đỡ nhà truyền giáo vượt qua mọi nỗi khó nhọc và tạo cho họ niềm say mê không?
Thổ nhưỡng nơi bộ tộc người Ba Na xem ra khá màu mỡ, mặc dù vẫn còn kém phì nhiêu hơn những vùng lân cận. Nhiều làng có thể gieo một gặt trăm, những làng nào thu hoạch kém hơn thì chỉ đạt từ mười lăm đến hai mươi thôi. Những sản lượng ấy cho phép kết luận rằng người dân nơi đây không hề biết đến cảnh thê lương vì đói, tuy nhiên, cũng rất hiếm khi họ có đủ gạo để có thể dùng đến vụ mùa kế tiếp. Điều này có nhiều nguyên nhân nhưng phần lớn là do hệ thống canh tác của họ. Khi người Ba Na đốn chặt một góc rừng và đốt để phát quang làm rẫy, thì đất đai thật màu mỡ, nhưng bù lại, chỉ trong hai ba năm sau đất lại bạc màu và người ta phải dốc biết bao công sức, lao nhọc để canh tác đất đai. Thế nhưng, những nông cụ mà họ sử dụng không thể duy trì độ màu mỡ cho đất. Tất cả những gì họ làm và có thể làm được là dùng một cây gậy nhọn chọt lỗ trỉa hạt vào lòng đất, rồi tốn công vô ích dãy cỏ bằng chiếc cuốc nhỏ, kích thước bằng ba ngón chân cái. Họ không muốn cày xới đất, hay đúng hơn là họ không có phương tiện cũng như sức lực để làm điều đó; cho nên, đất dần dần bạc màu, và chỉ sau ba vụ thu hoạch, nó đã bị bỏ hoang và người ta lại đi tìm khai hoang một mảnh đất khác trong rừng. Rồi cứ như vậy, mảnh đất mới cũng trở nên cằn cỗi và người ta lại phải sang canh tác một mảnh đất khác. Ngoài cách xử lý đất đai như thế, cộng thêm những cuộc chiến tranh dai dẳng và mọi thứ mê tín dị đoan đã làm lãng phí biết bao thời gian, chúng ta càng dễ dàng hiểu được tại sao người dân tộc thường xuyên phải đối đầu với cơn đói kém đến như vậy. Nhưng cũng may là họ biết can đảm chịu đựng, và tình cảnh ấy khiến họ cần cù lao động hơn. Khi thiếu thốn lúa gạo, họ chỉ biết ăn lá cây và rễ cây trong rừng. Người phụ nữ phải đảm đương công việc hái lượm những thứ đó, và khi không thể một mình nuôi sống cả gia đình, thì người chồng mới chia sẻ bổn phận hàng ngày và vô bổ này. Thật dễ động lòng thương hại những con người khốn khổ này khi thấy họ phải trải qua suốt buổi sáng chỉ đào bới được sáu bảy rễ cây chôn sâu dưới vài tấc đất. Vì thế, họ trở nên gầy yếu đi, da xanh xao và không còn sức sống, nhưng họ cố tìm cách duy trì sự sống thậm chí còn biết tự tạo niềm vui sống trong những lúc khủng hoảng mà nếu là ai khác thì sẽ khó tránh khỏi nanh vuốt tử thần. Hằng năm, hai phần ba dân chúng phải đối đầu với cơn đói kém như vậy, nhưng nếu năm nào tệ hại hơn thì toàn thể dân làng đều cùng chung số phận đau thương này.
Những sản phẩm từ đất tạo ra cũng khá hạn chế; người ta chỉ thu hoạch lúa, bắp, khoai lang, bí ngô, chuối, thơm, nhiều loại dưa kém chất lượng, bông vải, thuốc lá, và một ít mía đường. Việc canh tác những nông sản vừa kể trên cũng như các loại khác đạt được những thành công mỹ mãn; thế nhưng, người dân tộc chỉ biết gieo lúa đủ để sinh sống thôi chứ không trồng trọt các loại cây khác, nếu có trồng, có lẽ cũng cốt để duy trì giống cây mà thôi. Còn về việc chăn nuôi, người Ba Na chỉ nuôi chó, gà, dê và heo để làm vật cúng tế cho các nghi lễ mê tín dị đoan của họ. Họ có thể nuôi một đàn trâu cả trăm con, nhưng khi có sự kiện gì trong làng, họ không ngần ngại sát tế con vật, hoặc để lấy lòng các thần linh, hoặc để thiết đãi các vong hồn của tổ tiên vào những ngày giỗ kỵ. Việc cúng tế con vật rất hợp với sở thích của người bản xứ, cho nên các vật sát tế này ngày càng gia tăng nhất là tại các bộ tộc Ba Na ở phía Tây, nơi mà việc buôn bán trao đổi trâu bò với người Lào khá dễ dàng.
Những loài thú hoang dã đều sống trong rừng, nhưng các loài gây hại cho con người thường ít lộ diện. Những con tê giác và voi thường xuất hiện thoáng qua chứ không ở lâu. Chúng thường sống trong các khu rừng của người Bơ Nâm, người Xê Đăng và người Jrai ở phía Tây. Cá sấu hay sống bên bờ sông Dak Bla, trong những vùng đầm lầy của người Rơ Ngao, và thỉnh thoảng chúng lại bơi ngược lên phía thượng nguồn, nơi hội tụ của các dòng nước chảy từ trên núi xuống. Cọp, chó sói, heo rừng, nai, hươu, mang, nhiều loại chồn, trăn, rắn lục và nhiều loại rắn khác cũng sinh sống với số lượng lớn trong khắp vùng. Thỉnh thoảng, người ta thấy từng đàn đông đảo trâu bò rừng lang thang trên những bình nguyên bao la của người Ba Na mà không di trú đến vùng đất chúng con sinh sống. Con chưa kể đến một loạt những loài thú bốn chân khác mà con không biết tên.
Nơi đây, mỗi năm chỉ có hai mùa rõ rệt: mùa mưa và mùa khô. Vào khoảng cuối tháng tám, mặt trời xuyên thủng những đám mây và chỉ trong vài ngày, sức nóng như thiêu đốt, khiến người ta vô cùng khó chịu. Các suối nước đều khô cạn, lá rừng vàng úa, lả tả rơi, cỏ cây héo tàn, thiên nhiên buồn bã, hiu quạnh. Thế nhưng, ban ngày sức nóng càng gay gắt, oi bức bao nhiêu thì ngược lại, ban đêm càng lạnh buốt bấy nhiêu. Không hiếm khi thấy nhiệt kế hạ xuống 2ºC, có khi đến dưới 0ºC vào 5 giờ sáng, và tăng lên 37ºC thậm chí cao hơn nữa vào khoảng trưa, trong những tháng mười hai và tháng giêng. Sự thay đổi nhiệt quá đột ngột này, theo con nghĩ, là một trong những nguyên nhân làm cho khí hậu trở nên hết sức độc hại đối với những người ngoại quốc. Vào khoảng tháng tư, mây đen giăng kín cả bầu trời, và những cơn mưa to, bão lớn liên tục kéo đến. Chiều chiều, sấm chớp nổi lên ầm ầm, mưa như thác đổ kèm theo những hạt đá lớn, báo hiệu chuyển sang mùa mới. Chẳng mấy chốc, bầu trời như sập xuống, theo kiểu nói của người Ba Na; không gian trở nên tối mịt, mây mù phủ kín: mùa mưa bắt đầu. Thế là, trời mưa liên tục, như người ta thường dùng kiểu nói rằng đó là một cái bể lớn từ trên không trung trút nước xối xả xuống mặt đất qua một chiếc van lớn. Đặc biệt năm nay, thật sự là một cơn lụt hồng thuỷ; người Ba Na đồn rằng mặt đất sắp bị nhấn chìm trong biển nước như thời ông Noê, và người ta lo lắng hỏi con liệu có tai biến gì sắp xảy ra chăng. Vào mùa này, không khí ẩm thấp, hoà lẫn với những mùi hôi xông lên từ những xác cây thảo mộc bị nước mưa làm thối rữa. Con nghĩ có lẽ đó là nguyên nhân thứ yếu gây ra bệnh sốt rét, ghẻ lở và vài chứng bệnh khác mà chúng con đã từng mắc phải và vẫn còn đang chịu đựng. Và rốt cuộc, các nguồn nước đã trở nên ô nhiễm cũng chính bởi lý do ấy.
Kính thưa quý Cha Bề trên và quý đồng nghiệp! Sau khi trình bày khái quát về mặt địa dư của vùng đất người Ba Na sinh sống, con xin đề cập đến những phong tục tập quán và những niềm tin mà con đã tìm hiểu nơi các bộ tộc ấy. Trước hết, người Ba Na thuộc chủng người nào? Đó là câu hỏi đầu tiên con đã tự đặt ra cho mình ngay ngày đầu mới đến đây. Nhưng thú thật là đến hôm nay con cũng chưa biết trả lời câu hỏi ấy như thế nào nữa. Tất cả những gì con có thể nói là người Ba Na hoàn toàn khác biệt với người An Nam, và người Trung Hoa, họ không giống người Lào, cũng chẳng giống người Campuchia; có lẽ họ có cùng nguồn gốc với người Bơ Nâm, Xê Đăng, Hơ Lâng, Rơ Ngao và Jrai, những láng giềng của họ. Những tộc người này có diện mạo, phong tục tập quán, và tín ngưỡng gần như giống nhau; còn về ngôn ngữ, tuy có chút khác biệt theo từng bộ tộc, song vẫn cùng chung một số từ ngữ và cấu trúc câu thì hoàn toàn giống nhau. Con chưa có dịp tiếp xúc với nhiều bộ tộc sinh sống ở phía Nam, nhưng theo những gì con đã nghe nói về họ, con có thể kết luận rằng những nhận xét trên đây đều đúng, và rằng tất cả những người dân tộc sinh sống trên một vùng đất rộng lớn nằm giữa Trung Châu, Campuchia và Lào đều cùng thuộc một nhánh phả hệ trong đại gia đình nhân loại.
Ngôn ngữ mà người Ba Na sử dụng không có nét gì tương đồng với ngôn ngữ của người Kinh. Hết sức đơn giản về cấu trúc câu, giọng điệu nhẹ nhàng, trôi chảy và dễ phát âm. Con nghĩ rằng người ta thông hiểu ngôn ngữ này không vất vả lắm, không như chúng con phải đoán già đoán non đủ điều để hiểu ý nghĩa của từ. Thế nên, nếu như ta không có sách hướng dẫn khi nghiên cứu một ngôn ngữ, mà chỉ quan sát, thì khó lòng đạt được những bước tiến nhanh chóng. Ngôn ngữ này rất giàu từ vựng liên quan đến cuộc sống gia đình, mua bán, công việc đồng áng, và hàng loạt những ý tưởng mộc mạc khi quan sát cảnh vật tự nhiên; nhưng những gì thuộc lĩnh vực cao hơn về những chân lý tinh thần, ngôn ngữ này xem ra rất nghèo nàn, hạn chế cách thức diễn đạt. Tuy nhiên, ta sẽ ít ngạc nhiên hơn, khi biết rằng thế giới sinh hoạt của người Ba Na chỉ giới hạn trong những điều cụ thể, vật chất của cuộc sống. Trí thông minh của một dân tộc, khuynh hướng tinh thần và tình cảm của họ được phác họa một cách tự nhiên ngay trong chính ngôn ngữ mà họ sử dụng.
Chữ viết hoàn toàn xa lạ đối với tất cả những người dân tộc ở xứ này; họ chỉ có thể trao đổi những ý tưởng với nhau thuần tuý qua ngôn ngữ nói mà thôi. Cho nên khi họ thấy chúng con đọc sách, họ đặt nhiều câu hỏi hết sức ngộ nghĩnh: “Giấy nói gì với Cha vậy? Khó hiểu quá! Thật huyền bí! Sao, nó nói với Cha thật chứ? Cha nghe nó nói được hả? Còn chúng con thì chẳng nắm bắt được gì cả!” Rồi họ hỏi chúng con về tương lai, khi tin rằng ai nắm được sự hiểu biết từ giấy thì sẽ biết tất cả. Trên nguyên tắc, nhiều lần họ đã đến tham vấn tờ giấy lạ kỳ này như thể tham khảo ý kiến của một ông thầy bói toán nổi tiếng thời xưa. Một người đến nói: “Con đã đánh mất vật này, xin Cha thử hỏi ‘giấy’ xem con có thể tìm thấy nó ở đâu?” Người khác lại nói: “Người ta đòi con món nợ do tổ tiên để lại, Cha xem liệu cha của con đã trả chưa?” Một vài người đến dò hỏi xem liệu có xảy ra một cuộc chiến tranh nào không; một số khác muốn biết mình còn sống được bao lâu nữa. Nếu chúng con mà nhẫn tâm khai thác “của hời” này, thì chắc chúng con đã giàu to! Chúng con đã phải luống công vô ích giải thích cho họ hiểu rằng giấy chẳng thể giải mã được những chuyện như vậy. Họ vừa rút lui vừa lầm bầm với nhau: “Mấy ổng biết hết, mà chẳng chịu nói cho bọn mình biết”. Ít lâu sau khi đến đây, con đã nhờ một người dân tộc đi giao một lá thư cho một người Kinh mà chúng con quen biết, cuối thư con viết: “Đừng cho người đưa thư gì cả, anh ta đã nhận tiền công rồi”. Người Ba Na này lại đòi thêm tiền nữa, người kia trả lời: “Ông Cố đã trả tiền cho anh rồi, chính giấy nói đây này, anh còn đòi gì nữa?” Người Ba Na tội nghiệp này rút lui, tâm hồn bấn loạn, và đi kể nỗi thất vọng của mình cho mọi người trong làng nghe, ai nghe xong cũng đều lấy làm sửng sốt về sức mạnh kỳ diệu của tờ giấy. Điều này chứng tỏ sự đơn sơ, chất phác của người dân tộc vốn ít được tiếp xúc với những người được xem là văn minh.
Cuộc sống xa cách, biệt lập giữa núi rừng trùng trùng điệp điệp đã giải thích vì sao người dân tộc chậm phát triển về mặt nghệ thuật và nghề nghiệp; tất cả những gì họ biết làm thuộc loại này, chính vì cái nhu cầu và sự cần thiết để sinh tồn dạy họ mà thôi. Họ tạo ra cái nồi mộc mạc để nấu cơm với vài thứ rau dại; họ rèn đúc rìu, liềm, cuốc chuyên dùng cho việc canh tác đất đai; gươm giáo để săn thú rừng hay để tự vệ chống lại kẻ thù. Họ làm ra cái dao nhỏ, cán dài để chế khắc ra vô số đồ dùng lặt vặt, rất khéo tay: nào là cung nỏ cũng như mũi tên nhọn hoắt, nào là ống điếu bằng đất được trang trí thêm nhờ lá cây và vỏ sò, tất cả đều là sản phẩm thủ công khéo léo của người dân tộc. Phần mình, phụ nữ dệt nên một tấm vải màu trắng hoặc đen dùng để che thân, cũng là vật trao đổi có giá trị giữa người Ba Na và người Xê Đăng ở phía Bắc và Tây Bắc. Những làng sinh sống ở hai bên bờ sông Dak Bla đã đóng được những chiếc thuyền nhẹ, chắc, và đẹp chỉ từ một thân cây. Đây là những sản phẩm từ sự khéo tay của người Ba Na, tuy có phần thô thiển, nhưng hứa hẹn sự thành công về mặt nghệ thuật. Cái mà họ thiếu chính là óc sáng tạo. Tuy nhiên, con tin rằng nếu có ai đó dạy bảo họ, nếu người ta cung cấp cho họ đầy đủ dụng cụ, và nhất là chỉ cho họ thấy lợi ích to lớn từ những việc họ làm, thì họ sẽ tiến bộ nhanh chóng. Thỉnh thoảng, con rất thích kể cho cho họ nghe về cách dệt vải của người Âu, về nghề rèn đúc và về việc xây dựng, v.v…. Họ chăm chú lắng nghe và liên tục chất vấn đủ điều, chứng tỏ một thái độ ham muốn tiếp thu những điều con trình bày với họ.
Dân Jrai, những người láng giềng của họ ở phương Nam, đã tỏ ra vượt trội hơn họ khi để lại trên tất cả những sản phẩm của mình một dấu ấn của sự khéo léo và nét đẹp nghệ thuật thể hiện qua những sản phẩm rất có giá trị: vải của người Jrai thì mịn và sắc xảo hơn của người Ba Na, và đôi khi họ còn trang hoàng thêm một vài hoa văn rất đẹp mắt, mà con chắc rằng ngay cả người Âu cũng phải trầm trồ thán phục. Họ cũng biết rèn đúc và tạo ra những sản phẩm kim khí có hình dáng rất thanh nhã nhờ có kỹ thuật luyện thép tinh xảo hơn các bộ tộc khác. Họ còn biết nấu chảy và đổ khuôn một số sản phẩm bằng đồng với sự tinh tế nhất định. Vượt trội hơn hẳn người Rơ Ngao, nhưng có lẽ họ không sánh được với người Hơ Lâng vốn thường xuyên giao tiếp với người Lào.
Người Xê Đăng là một bộ tộc chuyên rèn kim khí. Xứ sở của họ được hình thành từ một hệ thống núi đồi dồi dào các mỏ sắt thiên nhiên. Khi kết thúc công việc đồng áng, hơn bảy mươi làng đều tập trung vào việc khai thác quặng mỏ, nấu chảy, rồi rèn đúc nên những chiếc rìu, cuốc, liềm, dao, giáo mác và đem ra buôn bán, trao đổi. Dù rằng họ đã cung cấp dồi dào những nông cụ cho các bộ tộc láng giềng, nhưng có lẽ họ còn xuất khẩu với số lượng lớn các sản phẩm nếu được trang bị đầy đủ thiết bị và phương pháp để khai thác nguyên liệu thiên nhiên. Một ống thổi lửa gồm hai ống tròn bên trong có pittông làm bằng da mang vận hành lên xuống, một khối đá cứng làm đe và miếng đá khác làm búa; tất cả đó là những dụng cụ cần thiết của một xưởng rèn. Họ phải tiêu hao biết bao công sức; thế nhưng những sản phẩm tạo thành so với những lao nhọc họ phải trải qua, thật không hề cân xứng! Người Xê Đăng không dệt vải; việc rèn đúc đã chiếm hết thời gian thư giãn, nghỉ ngơi của họ bởi nó có thể giúp họ có được mọi thứ họ cần nhờ việc trao đổi sản phẩm rèn đúc ấy.
Việc trao đổi buôn bán của người Ba Na chỉ giới hạn ở một vài sản phẩm tối cần thiết và có giá trị tương đối thôi. Họ rất sợ mang nợ, kéo theo sự mất tự do, nên không dám theo đuổi những cơ hội trao đổi buôn bán với quy mô lớn hơn. Với vài tấm vải dệt được và ít sáp ong của những đàn ong di trú hằng năm đến làm tổ trong rừng cây của mình, người Ba Na đã đổi lấy muối, sắt, ghè, nồi đồng, và chiêng, những thứ mà người Ba Na nào cũng ham muốn nhưng lại quá đắt. Và họ rất hiếm khi có thể mua được những vật này. Những gia súc, lúa, bắp và nhiều vât dụng lặt vặt khác do chính tay họ làm ra cũng được đem ra trao đổi hàng ngày. Những bộ tộc sống xung quanh cũng trao đổi buôn bán như vậy nhưng có quy mô hơn, và mỗi bộ tộc còn thêm vào những sản phẩm đặc trưng của riêng mình: người Hơ Lâng đem vài dát vàng đổi cho người Lào để lấy trâu; người Jrai, Rơ Ngao, Xê Đăng chuyên buôn bán một số lượng lớn nô lệ, cồng chiêng và ghè trong đó một vài chiếc ghè lên đến giá bằng một đàn trâu, thậm chí bằng nhiều nô lệ. Tuy nhiên, chỉ ít người dân tộc có khả năng làm giàu như thế; trái lại, người ta cũng thấy nhiều người trong số họ nợ nần chồng chất và cuối cùng rơi vào kiếp nô lệ. Người Xê Đăng, vốn rành nghề rèn đúc, có thu nhập bảo đảm hơn từ những sản phẩm quặng mỏ của họ. Còn người Bơ Nâm phía Bắc thì làm giàu từ thứ quế hảo hạng mà họ trao đổi lấy hàng hoá với người An Nam thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Tại những vùng này, những người An Nam có thể kiếm lợi từ vài con voi, ngà voi, sừng tê giác, bông vải, mật ong và nhiều sáp ong. Nơi đây, việc mua bán chỉ được thực hiện qua những tay trung gian, và vì những người này thường là những người nghèo, hay không thành thật, nên dễ làm phát sinh những bất công, hận thù và chiến tranh.
Bộ tộc Ba Na cũng như tất cả các bộ tộc khác sống tập trung thành những làng gồm từ hai mươi đến một tăm hộ gia đình. Giữa mỗi làng, một ngôi nhà rông được dựng lên sừng sững, dễ dàng phân biệt nhờ mái cao và được trang trí rất đẹp. Những chỗ quần cư đông dân có đến sáu hay bảy nhà rông. Thông thường, số nhà rông này chỉ rõ số làng, trước đây bị phân tán, nay hợp nhất thành một. Những việc sát nhập khá thường thấy này vẫn tôn trọng tập tục riêng của từng làng, mỗi làng đều gìn giữ biểu tượng cho sự hợp nhất này, nơi mà họ hội họp, tổ chức lễ hội, cúng bái thần linh. Nhà ở của người dân tộc tập trung xung quanh nhà rông, không theo trật tự và không cân xứng. Nhà thường rộng rãi, thoáng mát, đơn sơ và đẹp đẽ, nhất là khi còn mới. Hai hàng cột bằng gỗ chống đỡ toàn bộ ngôi nhà, sàn nhà bên dưới bằng tre được đập dẹp, rồi được đan bện rất công phu, cách mặt đất khoảng hai hay ba mét, tường được làm bằng những tấm phên tre được đan xen hơi hở. Mái nhà, mảnh mai nhưng có độ dốc cao, được lợp bằng những tấm cỏ tranh rất dài mà các phụ nữ đã chọn lựa từng cọng một; cọng mây thay thế những cây đinh trong việc lợp nhà. Trước cửa chính của căn nhà, ở độ cao bằng tầng một, có một sàn lộ thiên, rộng rãi và chắc chắn, nơi mà mỗi sáng các phụ nữ giã gạo đủ cho ba bữa ăn trong ngày. Người ta leo lên sàn lộ thiên này bằng một chiếc cầu thang rời, thực chất là một khúc gỗ thô, còn rất tươi mà họ đã đục đẽo thành từng bậc thang. Theo sở thích cá nhân của con, những ngôi nhà sàn này thoáng mát và dễ chịu hơn nhà của người An Nam. Bên trong được chia thành từng ngăn cho các gia đình; người ta dành một ngăn rộng nhất để đón tiếp khách; một vài ghè rượu là vật trang trí duy nhất trong nhà.
Ở giữa mỗi ngăn, có một bếp lửa để nấu ăn, quanh đó các thành viên trong gia đình nằm nghỉ đêm trên những chiếc chiếu cói. Vợ, chồng và những đứa con thơ là những người duy nhất được ưu tiên ngủ quanh bếp lửa này mà thôi; con gái lớn hơn một chút thì có một chỗ riêng. Còn thiếu niên từ mười ba mười bốn tuổi đến tuổi kết hôn thì đi ngủ ngoài nhà rông. Tập tục chung cho các bộ tộc khác nhau mà con biết, có mục đích thuần tuý về luân lý mà thôi; đây là một tấm gương đáng khen nơi một dân tộc còn bán khai và ngoại giáo này. Như vậy, nhà rông, nói riêng, là nơi ở của giới trẻ, và trong trường hợp bị kẻ thù tấn công bất ngờ vào ban đêm thì họ sẽ là những chiến sĩ đích thực. Nhà rông rộng rãi, vững chắc đặc biệt, vì nó có thể chống chọi với những cơn gió thường xuyên và mạnh mẽ trong vùng. Trước cửa chính, có một ban công rất rộng bằng gỗ, làm cho ngôi nhà dễ chịu hơn. Bên trong, theo hai dãy, là những bếp lửa mà thanh niên trai tráng trong làng phải luân phiên canh giữ. Nơi người Jrai, Rơ Ngao, và một vài bộ tộc khác, người ta cấm đàn bà, con gái lai vãng đến nhà rông; còn nơi người Ba Na, tập tục nới lỏng hơn một chút, họ cho phép phụ nữ đến đó để chia sẻ niềm vui và những bữa tiệc tập thể trong những ngày vui của cả làng; nhưng ngoài những dịp này, họ không bao giờ được phép lên đó nếu không có gì thực sự cần thiết. Nhà rông có nhiều chức năng tuỳ theo hoàn cảnh: xưởng thợ, chợ búa, nhà trọ, phòng thảo luận, nơi tế tự. Chính ở đó mà nhà thừa sai tìm thấy dịp thuận lợi để dần dần hướng người dân tộc đến những chân lý Đạo thánh qua những cuộc trò chuyện thân mật, thường xuyên, mà bề ngoài xem ra chẳng có mục đích gì cả. Phần con, con tự buộc mình phải đến đó một hay hai lần trong ngày khi điều kiện cho phép. Thế là, con kể cho họ nghe một vài câu chuyện hấp dẫn bên trời Âu hay ở nơi khác để lôi cuốn sự chú ý của họ. Họ chăm chú lắng nghe những gì đang diễn ra vì đã đánh trúng trí tưởng tượng của họ, và thỉnh thoảng con cố gắng lồng vào đó những suy tư có thể mang lại hoa trái của ơn cứu độ, nếu Thiên Chúa đoái thương chúc lành.
Nhìn chung, nơi người Ba Na hơn là nơi các bộ tộc khác, các thành viên trong làng với nhau có tinh thần cộng đồng rất cao. Bởi vậy, nhà này không bao giờ uống rượu mà không mời nhà khác, miễn là ghè rượu không quá nhỏ; đôi khi người nào đó giết thịt heo, dê, hay trâu, họ đều chia phần cho từng người trong làng, và phần họ dành cho chính chủ nhân cũng không lớn hơn phần dành cho người khác. Không ai bị quên lãng trong sự phân chia đầy tình huynh đệ này, từ em bé còn đang bú mẹ đến cụ già đáng kính nhất trong làng, tất cả đều sẽ lãnh một phần bằng nhau. Khi săn được nai, heo rừng, mang, họ cũng chia đều như thế; có chăng thì những người đi săn được thêm một chút gọi là phần thưởng cho những lao nhọc của họ. Con đã từng chứng kiến một con gà mái được chia thành bốn mươi hoặc năm mươi phần! Trẻ em, ngay từ rất sớm đã được huấn luyện noi theo gương sáng của cha ông, chúng sẽ bắt chước hành vi này ngay khi lớn hơn một chút, và khi bắt được một con rắn, thằn lằn, hay chuột người ta sẽ thấy đứa lớn nhất trong bọn chia con vật thành nhiều phần, chúng sẽ không bao giờ dám vi phạm những luật lệ chặt chẽ này. Những hành vi thân ái này, mà người ta tưởng được vay mượn từ tinh thần bác ái của những Kitô hữu tiên khởi nếu như người dân tộc đã có thể nghe nói đến, đã thắt chặt thêm những mối liên hệ bà con của tất cả các thành viên trong một làng với nhau, và làm cho tình huynh đệ ngày càng thắm thiết hơn. Những bộ tộc xung quanh cũng tuân thủ những luật lệ như thế, nhưng ở mức độ lỏng lẻo hơn.
Không có gì mang đậm tính cách cha chú cho bằng việc điều hành của người Ba Na. Mỗi làng đều độc lập, tự trị, mà những người già khôn ngoan nhất đương nhiên trở thành những bậc bô lão. Tuy nhiên, ý kiến của họ chỉ được tôn trọng trong mức độ hợp lý mà thôi. Những cuộc bàn luận diễn ra hết sức đơn giản, họ vừa nói chuyện vừa hút ống điếu. Mỗi người có quyền tự do nói ra điều mình suy nghĩ, không cần phải xin phép ai; hiếm khi thấy giới trẻ lên tiếng, họ thường im lặng và chăm chú lắng nghe; chỉ khi nào sắp có chiến tranh, họ mới tỏ ra mạnh mẽ, sôi động và hăng say phát biểu ý kiến. Người Ba Na không phải trả một khoản thuế nào, và ai phải mắc nợ người xa lạ, thì trong mắt họ, người đó là một người nô lệ. Như tất cả các bộ tộc khác, họ khao khát tự do, và về điểm này, họ không muốn chịu sự ràng buộc nào, trừ phi họ bị đe dọa chiến tranh với một làng nào mạnh hơn; lúc đó họ chịu nhún nhường và chấp nhận những điều kiện biết tôn trọng danh dự của họ.
Người Ba Na tuân thủ các tập tục một cách chi ly hơn các bộ tộc láng giềng của họ. Không những ý muốn chung của làng cấm chỉ tuyệt đối những hành vi phạm tội mà còn đưa ra những hình phạt rất nặng nề và nhục nhã như bắt làm nô lệ hay đuổi ra khỏi làng, dành cho kẻ nào vi phạm. Ngay cả việc tự sát, càng ngày thấy càng tăng, cũng bị nghiêm trị trong bộ luật của người dân tộc: kẻ nào phạm tội tự sát thì sẽ bị chôn cất ở một góc hoang vắng trong rừng, cách xa mồ mả của anh em họ hàng mình; và tất cả những ai chôn cất kẻ ấy cũng phải chịu thanh tẩy sau đó theo những nghi lễ rất đặc biệt bởi họ xem như đã nhiễm ô uế khi tham gia một việc an táng bất bình thường. Như người ta thấy, những luật lệ này cũng đưa ra nhiều đạo lý và lẽ khôn ngoan, song ở một số điểm, chúng bắt nguồn từ những sai lạc của những hủ tục mê tín dị đoan, dẫn đến vô số điều bất công và đôi khi gây ra những cuộc chiến tranh tàn bạo. Chính những điều mê tín dị đoan đã làm tổn hại đến luật pháp. Phần lớn những bất hạnh đã gây biết bao đau khổ cho người dân tộc; họ nhẹ dạ tin tưởng vào những người được xem là biết những ý muốn của thần linh; sự mê tín dị đoan sẽ dẫn đường cho họ đi tìm thủ phạm, và khi thầy cúng cho là đã xác định được ai đó là thủ phạm rồi, thì người này bị phạt rất nặng và thường là bị bán làm nô lệ. Nếu bị cáo kêu oan và từ chối đáp ứng yêu cầu của nguyên đơn, thì chiến tranh được tuyên bố với làng chứa chấp bị cáo. Sau đây là cách thức mà người ta thường thực hiện trong các vụ kiện nghiêm trọng, và những bằng chứng rõ ràng nhất mà người ta dựa vào đó để kết án hay tha tội cho một người nào đó. Trước tiên, kẻ bị tình nghi bị buộc phải trả một khoản tiền phạt rất nặng. Vào ngày nộp phạt, bên nguyên đơn có một trạng sư giỏi bào chữa và có cả giới trẻ của làng cùng tháp tùng, càng đông càng tốt và được trang bị rất chu đáo. Người ta tham khảo việc bói toán, chăm chú lắng nghe tiếng chim hót, và khi thấy tất cả mọi sự đều tốt đẹp, họ mới khởi hành. Đến gần làng chứa chấp bị cáo, họ dừng lại bên ngoài hàng rào. Họ họp nhau tại đây và thường kéo dài một hay hai ngày liên tiếp. Nếu bị cáo hay làng chứa chấp anh ta sợ xảy ra chiến tranh, thì một sự thoả thuận sẽ diễn ra và kết thúc vụ án; nhưng nếu cả hai bên vẫn giằng co mãi thì người ta phải xem bên nào có lý hơn. Thế là hai cây sào sẽ được cắm ở nơi khúc sông gần đó, nguyên đơn cầm một cây để khỏi trôi theo dòng nước, bị cáo cầm một cây, và rồi cùng một lúc cả hai đều lặn xuống nước. Lẽ phải thuộc về người có lá phổi mạnh hơn để lặn dưới nước lâu hơn. Nếu kẻ bị tình nghi ngoi đầu lên trước, thì anh ta đích thị là thủ phạm mà người ta quy gán cho, và phải chịu nộp phạt như hội đồng xét xử đã ấn định, hoặc là chiến tranh giữa hai làng là điều không thể tránh khỏi; nhưng nếu bị cáo lặn lâu hơn người tố cáo, thì người tố cáo phải chịu nộp tiền phạt. Quả là cảnh tượng náo nhiệt trong những cuộc tranh luận dai dẳng như thế này. Đôi khi sự bất công diễn ra một cách tỏ tường; nếu bị cáo can đảm và được làng mình ủng hộ, anh ta cương quyết từ chối thử thách, hoặc thậm chí không thèm trả lời bên nguyên cáo, nhưng trường hợp này rất hiếm. Và, vì người ta chỉ tố cáo những người thuộc làng yếu hơn, nên sự việc thường kết thúc bằng một cuộc thương lượng. Thử thách dưới nước là cách thức thông dụng nhất và chắc chắn nhất: người ta thường dùng thử thách này trong các cuộc tranh luận quan trọng, và người dân tộc tin rằng Thần Linh sẽ không cho phép kẻ phạm tội lặn dưới nước lâu hơn người vô tội.
Còn một loại thử thách khác nực cười hơn: đó là thử thách xem trứng gà mà người ta hay nhờ đến trong các vụ kiện cáo nghiêm trọng. Ví dụ: một người đang hấp hối tuyên bố rằng một bàn tay tàn ác nào đó đã “thư” anh bằng một mũi tên độc. Nhưng không có vết thương nào, cũng chẳng hề đổ máu! Mặc kệ, anh ta đã khẳng định như thế trong cơn mê sảng; có lẽ mụ phù thuỷ của làng, được kêu đến để chữa bệnh cho anh, đã hút mũi tên định mệnh này ra khỏi người bệnh bằng một phép thuật kỳ diệu và giơ lên cho mọi người cùng thấy, khiến ai cũng sững sờ kinh ngạc. Còn gì đáng tin hơn khi được chứng kiến tận mắt như thế? Sự việc rõ như ban ngày, và trong khi người ta đang bàn tán thì người bệnh qua đời. Chôn cất xong, gia đình bắt đầu tìm kiếm thủ phạm. Người ta nhờ đến một người nổi tiếng trong vùng qua việc bóp bể những quả trứng để tìm ra sự thật và ấn định ngày cho cuộc thử thách. Trước khi mở cuộc điều tra, mỗi sáng người ta lắng nghe tiếng chim hót, và nếu chim báo điềm xấu, người ta lại đổi ngày khác. Cuối cùng, khi thấy chim báo điềm tốt, người ta tiến hành việc xét xử. Ngày đó, nhiều ghè rượu đã được chuẩn bị trong nhà người quá cố. Tất cả mọi người trong làng, những người ngoài làng đến chứng kiến sự việc, và nhất là người được nhờ bóp bể trứng, đều được mời uống rượu thỏa thuê để chuẩn bị cho buổi lễ. Sau khi uống rượu, người ta ra khỏi làng và tìm một nơi thuận tiện để mỗi người có thể chứng kiến những gì sắp xảy ra. Bảy, tám quả trứng gà đã được đặt sẵn trong một chiếc giỏ. Người chủ sự, trước hết lau sạch những quả trứng; rồi vừa ngậm một chiếc rìu nhỏ vừa thề rằng ông ta sẽ tiến hành với tất cả tấm lòng thành; sau đó ông ta cầm quả trứng thứ nhất kẹp giữa ngón cái và ngón trỏ của bàn tay phải. Mọi người chờ đợi để biết ai là người xấu đã “thư” người khác bằng những mũi tên vô hình.
Người chủ sự hô hoán với quả trứng: “Nếu làng nào bị ‘deng’, trứng ơi, hãy vỡ ra”. Rồi ông ta cố ép mạnh hay giả vờ ép mạnh vào quả trứng giữa hai ngón tay của mình đến độ thở gấp; nếu trứng không vỡ, ông ta lại kêu tên làng khác chung quanh; sau cùng trứng vỡ, kêu tiếng “bụp”: đúng làng có “deng” ! Dân chúng trở nên ồn ào, đồng thanh lặp lại tên làng. Người chủ sự dừng lại một lát và rảo mắt nhìn quanh như thể hãnh diện với chiến thắng ban đầu. Ông ta cầm quả trứng thứ hai và tiếp tục: “Nếu phải người này, thì hãy vỡ”. Ông ta liệt kê tất cả tên những người có trong làng được cho là đang chứa chấp tội phạm, và khi trứng vỡ thì kẻ sát nhân đã được tìm thấy. Rất hiếm khi trứng không chịu vỡ. Tuy nhiên, thỉnh thoảng cũng đã xảy ra như thế. Trong trường hợp này, người dân tộc cho rằng người chết là do số mạng đến ngày phải chết thôi.
Khi thủ phạm đã được tìm ra, anh ta trở thành đối tượng thù ghét của cả làng. Trong những bộ tộc ở miền Trung, chỉ có phụ nữ mới có khả năng “deng”, nghĩa là “thư” người khác bằng những mũi tên vô hình. Một khi bị tố giác, người phụ nữ này bị đem bán không chút thương tiếc, nếu như không có người bà con nào mạnh thế, kiên quyết đối đầu và buộc những người tố cáo phải câm miệng. Điều này hiếm khi xảy ra, vì thử thách thường không dành cho những người giàu có và mạnh thế. Sự mê tín này, vừa nực cười vừa thương tâm, lại ăn rễ sâu vào não trạng của tất cả những người dân tộc; mỗi năm, nó đã gây ra rất nhiều nạn nhân. Nó là sáng kiến xuất phát từ lòng tham của một vài kẻ xấu, những người xưa kia đã bịa đặt ra chuyện này nhằm dễ dàng áp bức những người yếu thế hơn, hay nó bắt nguồn từ những truyền thống xa xưa vốn tin rằng đàn bà lôi kéo đàn ông vào sự bất tuân, vào sự trừng phạt như là hậu quả kèm theo, nghĩa là vào đau khổ và cái chết? Con không biết nữa; nhưng ngày nay, một điều khá phổ biến là chính người phụ nữ một khi bị gán cho là có “deng”, thì chị ta không dám từ chối mà chỉ biết thốt lên: “Có lẽ, trong lúc ngủ, con đã làm điều gì xấu mà bây giờ con không nhớ ra”; và chị ta đành chấp nhận số phận hẩm hiu của mình. Người ta tròng dây vào cổ chị, lôi ra khỏi nhà, và khi có dịp, sẽ bán cho người Lào như một người nô lệ, sau khi đổi lấy năm hay sáu con trâu.
Trong vài bộ tộc ở phía Nam, không chỉ phụ nữ mới biết thư người khác; đôi khi nam giới cũng có khả năng chết chóc này. Khi một người nào đó bị nghi ngờ là biết bí mật đáng ghê tởm này, người ta đổ chì đang chảy vào lòng bàn tay người ấy, hoặc nhúng bàn tay người đó vào nồi nhựa dính đang sôi sùng sục; nếu bàn tay anh ta không sao, thì anh là người vô tội, nhưng nếu bàn tay anh ta bị thương, thì anh là thủ phạm; ngay lúc đó anh ta sẽ bị giết hại cách tàn nhẫn, và gia đình anh bị đày làm nô lệ.
Thưa quý Cha và quý đồng nghiệp, theo những gì con vừa kể trên đây, thì chiến tranh là một trong những tai họa gây đau khổ nhất cho xứ này: vì thế, người dân tộc phải thường xuyên sống trong sợ hãi và cảnh giác cao độ. Đi đâu cũng phải mang theo vũ khí và họ không bao giờ xuất hành mà không rút xăm bói toán trước để xem liệu mình có bị rơi vào vòng phục kích của kẻ thù không. Hầu như tất cả các làng, ít nhiều đều có xây công sự, thành luỹ dày và được bao bọc bởi hàng nghìn chông tre nhọn hoắc, tua tủa khắp mọi hướng. Tất cả những biện pháp đề phòng ấy vẫn chưa đủ để họ an tâm: họ luôn để tâm lắng nghe những tiếng động nhỏ nhất. Nếu họ nghe được một tiếng động nào bất thường xung quanh mình, dù là ban ngày hay ban đêm, họ liền thét lên báo động và trong chốc lát, trống cũng nổi lên; thế là tất cả dân làng đều chuẩn bị để đánh đuổi quân thù, thường chỉ là tưởng tượng thôi, nhưng đôi khi cũng có thực. Dân Ba Na gần như không bao giờ gây chiến nếu không có một nguyên cớ thật sự nghiêm trọng. Còn dân Xê Đăng, Rơ Ngao, và Jrai thì ít đắn đo hơn, nhất là những người Jrai, họ sẵn sàng giao chiến chỉ để đoạt lấy vài con trâu và cũng xem như là dịp vui chơi tập thể vậy! Dân Xê Đăng và Jrai nổi tiếng là những chiến binh anh dũng nhất trong số các bộ tộc; còn dân Ba Na thì điềm đạm hơn, trừ một số làng ở phía Tây, có lẽ vì ít dân cư và có tính hiếu hòa, và chỉ chiến đấu cho chính nghĩa mà thôi.
Khi làng này đi tấn công một làng khác, họ sẽ không bao giờ tiến quân nếu chưa xem bói để biết có gặp thuận lợi hay không. Họ luôn có đủ mọi cách để tự trấn an mình. Trước khi rời khỏi nhà rông, họ tra vấn một loại rễ cây có công dụng như một điềm báo. Người cầm đầu sẽ cắt rễ cây ra thành ba miếng, bày lên trên một lưỡi đao và thả rơi từng miếng trên mặt chiếc thuẫn, rồi miệng lẩm bẩm câu thần chú; nếu những miếng rễ rơi xuống theo cách họ mong muốn, nghĩa là cuộc tấn công sẽ thắng lợi và bình an. Thế là, một chiến binh can đảm và dày dạn kinh nghiệm trận mạc nhất đứng dậy cầu xin thần linh ban cho thắng lợi suôn sẻ, đồng thời nêu ra những lý do phải giao chiến. Rồi anh ta lên đường. Những người khác bước theo sau một cách vô trật tự, tất cả đều được trang bị gươm, đao, giáo, thuẫn. Ngày này, họ trưng diện bộ đồ thật đẹp, mang thắt lưng, trên áo được choàng thêm một miếng vải trắng hoặc xanh bắt chéo qua ngực cốt để trang hoàng hơn là để che thân. Lương thực dự trữ chủ yếu gồm khẩu phần cơm và thuốc lá dùng trong hai hoặc ba ngày. Các chiến binh được chia thành nhiều nhóm, và ấn định một nơi nào đó để tập hợp lại. Vừa ra khỏi làng, họ luôn gióng tai lắng nghe tiếng chim hót trong lúc hành quân: nếu là điềm lành, nếu không gặp thấy chuột trên đường đi, và không nghe tiếng hoẵng kêu trong rừng, như thế họ mới hăng hái và can đảm tiến bước. Thỉnh thoảng, họ nhìn thấy chim diều hâu bay lượn trên không trung và thốt ra những tiếng kêu thất thanh: thế là tất cả tràn trề vui sướng; họ phấn khởi nói với nhau: “Nào anh em, diều hâu đã kêu rồi, chắc là miếng mồi béo bở lắm đây!” Thông thường, họ đi theo những lối mòn ít người qua lại vì sợ quân thù phát hiện kịp thời, và tìm cách đề phòng cảnh giác. Rất hiếm khi họ dám tấn công trực diện với cả một làng; thường là bất ngờ đột kích và lợi dụng bóng đêm để hành động. Trước hết, họ muốn tránh để xác chết lại chiến trường và cũng không muốn hoà lẫn nước mắt vào trong niềm vui chiến thắng. Thường thì họ chỉ phục kích xung quanh một cánh đồng hoang vắng và kiên nhẫn chờ đợi kẻ thù tự đến nộp mạng. Và thế là họ chỉ việc siết chặt vòng vây, tóm lấy, tròng dây vào cổ và khẩn cấp lôi về, đồng thời thể hiện sự vui thú một cách hoang dã, và những cử chỉ đe doạ hết sức man rợ như thể họ sắp xé xác kẻ thù ra thành từng mảnh vậy. Khi quân thù là những phụ nữ hay trẻ em bị rơi vào vòng phục kích của họ thì việc bắt giữ thật dễ dàng; nhưng nếu là những thanh niên hay những người đã trưởng thành thì thật khó để tóm được họ mà không phải đổ máu, bởi vì họ không bao giờ buông vũ khí một cách hèn nhát.
Những cuộc chiến này còn thảm hại hơn nhiều khi người dân tộc quyết định tấn công vào tận trung tâm ngôi làng của kẻ thù. Thế là, với đoàn lũ thuộc hạ, họ cùng nhau tiến lên, và tiếp cận căn cứ quân địch nhờ vào đêm tối. Nếu có thể phá được chiến luỹ mà không bị phát hiện, họ sẽ nhanh chóng xông vào từng nhà, cắt cổ hết những kẻ nào kháng cự, kể cả những người già, kẻ mà họ không thể thu lợi được gì; còn phụ nữ và trẻ con thì họ bắt làm tù binh. Họ cướp phá mọi thứ rồi nhanh chóng rút lui vì sợ các làng lân cận sẽ kịp thời chặn đường tháo lui. Khi cuộc xâm lược thắng lợi, các chiến binh trở về làng mình, vừa đi vừa reo hò ầm ĩ, nhảy múa điên cuồng, tay vung cao lưỡi gươm một cách ngạo nghễ. Ngay lập tức, họ giết dê để cúng tế tạ ơn thần linh. Nhiều ghè rượu được đem ra thiết đãi, tất cả say sưa trong tiếng trống giục, tiếng phèng la inh ỏi, và người ta còn thổi một giai điệu buồn tẻ với chiếc tù và làm bằng sừng trâu, một nhạc cụ dành để ca ngợi niềm vui chiến thắng.
Dầu sao thì vui say nhưng vẫn không quên cảnh giác, vì họ biết rõ rằng sớm muộn gì quân địch cũng xuất hiện, đùng đùng nổi giận và quyết chí trả thù. Vì thế, họ gia tăng cảnh giác và đề phòng để có thể tránh sự đột kích phục thù đáng sợ của quân địch.
Sự cảnh giác đề phòng sau cuộc xâm lược ấy chỉ giảm dần sau khi họ đã bán hết số tù binh hoặc cho làng bại trận chuộc lại, và hoà bình đã được khôi phục.
Mọi cuộc chiến giành thắng lợi nhất định sẽ kéo theo những cuộc hoan lạc cộng đồng. Số trâu bò được cúng tế trong dịp lễ này cũng tương đương với số tù binh mà người ta bắt được từ phía quân thù; rất nhiều khách được mời đến tham dự dịp lễ này. Người ta sẽ thông báo trước đó mười hay mười lăm ngày bằng tiếng trống, tiếng phèng la mà hàng đêm, tại nhà rông, các thanh niên trong làng cùng gõ nhịp nhàng theo bước hành quân của các chiến binh. Hôm trước ngày hội long trọng ấy, những nhân vật cốt cán trong làng hôi họp vào buổi sáng để bàn việc cột trâu; một vài thanh niên được cử đi tìm nhổ loại rễ cây tốt nhất có khả năng giữ cho các cọc nêu không bị lung lay. Họ ăn mặc chỉnh tề và nghiêm túc lên đường hoàn thành nhiệm vụ được giao. Lúc trở về, các bậc kỳ lão cho tiến hành những thủ tục, luật lệ và những lời khẩn cầu truyền thống. Mỗi con trâu được cột riêng vào một cây nêu bằng một sợi dây mây khá dài, để con vật có thể cử động, bật nhảy và tung tăng tứ phía quanh cọc nêu cao hàng chục mét. Những cọc nêu làm bằng một bó cây được buộc chặt với nhau, và được trang hoàng bằng những dây tua phất phới. Những cọc nêu này được xếp thành vòng tròn quanh một cây xanh đang trưởng thành, nhắc nhớ cho các thế hệ tương lai về nghi lễ và vinh quang của các bậc tổ tiên. Đó cũng chính là thời điểm để họ chiêm ngưỡng những con vật trong vòng một ngày một đêm trước khi đem ra sát tế: khi vừa cột chúng vào cọc, mọi người bắt đầu tựu thành vòng tròn, đánh phèng, giục trống, nhảy múa cho đến rạng sáng hôm sau; thỉnh thoảng người ta dừng lại để đồng thanh thét lên những tiếng man rợ chống lại kẻ thù.
Rất nhiều ghè rượu được đặt rải rác trên nền đất, và mọi người cùng nhau nhảy múa xoay vòng thưởng thức chất men say bằng một ống hút dài. Chẳng mấy chốc, khách mời từ khắp nơi kéo đến và đoàn người trở nên đông đảo; tiếng ồn ào huyên náo kéo dài suốt đêm. Hôm sau, khi trời vừa sáng, tiếng nhạc ngừng hẳn và thanh niên cầm lấy vũ khí: những con trâu, hiện thân quân thù bại trận, phải gánh lấy sức nặng của sự thù hận mà nó gợi lại và được nhân cách hóa việc bại trận bằng một cái chết thật dã man. Ngay khi có lệnh, một loạt mũi tên nhọn được bắn ra xối xả cắm đầy mình trâu; chúng rống lên, sùi bọt mép, điên cuồng lao vào những kẻ tấn công. Những cố gắng vô ích! Mỗi lần nhảy chồm lên là một lần thất bại, kéo theo nhiều vết thương mới. Và gươm nối tiếp cung nỏ trong tay người dân tộc; những người thành thạo nhất sẽ hướng nhát gươm về cổ chân, con vật bị trật khớp, tàn phế nhưng vẫn còn kinh khiếp và điên dại khá lâu. Cuối cùng, khi chỉ còn là một đống thương tích nhầy nhụa và đất đã nhuộm đỏ máu, nó quỵ xuống: một lưỡi gươm xuyên qua kết liễu đời nó. Người ta đốt một đống lửa lớn xung quanh để thui lông, xẻo thịt, rồi phân phát cho mọi người, và buổi tiệc bắt đầu. Chiều đến, khách khứa lại lên đường trở về làng mình, vừa đi vừa mơ tưởng đến chiến tranh và chiến thắng. Vì buổi lễ đã có một đêm canh thức hôm trước, nên cũng sẽ có một ngày hôm sau để ăn cho hết các thứ còn thừa.
Sau khi giao chiến, bây giờ đến lúc làm hòa. Đối với việc này, những người trung gian khôn khéo sẽ dàn xếp các khó khăn giữa đôi bên để đi đến chỗ thỏa thuận và hòa hợp. Người ta ấn định ngày ký kết hiệp ước hòa bình, ngày này phải được đánh dấu bằng một lời thề long trọng: hai làng sẽ tập họp tại nhà rông của làng muốn thương lượng, và mỗi bên chọn một bậc kỳ lão để hành động nhân danh cả làng. Bên này chọn một ông thì bên kia chọn một bà. Sau đây là cách thức mà các đại biểu tiến hành: họ dùng một con dao cắt máu ở một ngón tay của mình và cho máu chảy vào một cái chén rồi trộn thật kỹ; kết thúc việc trộn máu đầy ý nghĩa này, mỗi bên còn phải đọc một số công thức nữa, khi ấy việc nối kết được hoàn tất. Ít ngày sau, người ta phê chuẩn hiệp ước bằng cách lặp lại chính những nghi lễ ấy tại nhà rông của làng bên kia.
Bên cạnh những mối thù hận đã được hoá giải như thế, cũng còn có những mối thù hận truyền kiếp qua nhiều thế hệ, hợp với câu châm ngôn mà người dân tộc hay nói: “Nếu hôm nay không trả được thì mai, nhưng nhất định thù phải trả”. Còn nữa, họ chỉ đổ lỗi cho quân thù đã xúc phạm đến họ thôi sao? Không phải thế: họ là những người đã không hề chấp nhận tình liên đới với những gì còn lại, thì sự trả thù cũng bao trùm lên cả một bộ tộc. Họ thường tiến đánh những người yếu nhất khi không dám tấn công những người mạnh nhất, họ đánh mà không phân biệt ai là người vô tội, ai là thủ phạm. Cái hệ thống vừa phổ biến vừa luẩn quẩn này, làm gia tăng chiến tranh triền miên, gây tê liệt lòng tin tưởng, ngăn cản những mối giao hảo giữa những người dân tộc với nhau. Trong mọi việc đều cần phải nhờ đến những người làm trung gian, đây chính là nguyên nhân dẫn đến tai họa cho xứ này.
Về mặt tôn giáo, người Ba Na tin vào rất nhiều thần linh, có lợi hay gây hại cho con người. Theo họ, mỗi ngọn núi, mỗi con sông, mỗi tảng đá, mỗi cây to, tắt một lời, mỗi loại đều có thần linh riêng của mình. Còn ý nghĩ về một Đấng cao cả, Đấng tối thượng và là Đấng tạo dựng muôn loài, thì dường như không có, hay ít ra con không nhận thấy điều đó. Nếu hỏi họ con người bởi đâu mà có, thì họ chỉ có thể trả lời rằng đó là một vị cha chung của nhân loại được cứu khỏi một trận lụt lớn nhờ chui vào một cái thùng. Đừng vội hỏi tiếp về nguồn gốc và tác giả của vị cha chung đó, vì họ chỉ hiểu biết lịch sử đến mức đó thôi. Truyền thuyết không nói xa hơn trận lụt; tuy nhiên họ sẽ nói với bạn rằng, vào thời nguyên thuỷ, một hạt gạo đã đủ làm đầy nồi, và cung cấp một bữa ăn dư dả cho cả gia đình. Đó là một hoài niệm về buổi ban đầu của thế giới, thời kỳ con người còn sống trong vô tội và hạnh phúc, nhưng cũng chóng qua, thời kỳ mà các thi sĩ gọi là thời hoàng kim; nhưng thời kỳ hạnh phúc ấy, người dân tộc không biết xác định nó vào thời điểm nào, cũng chẳng hề biết tại sao nó không còn nữa: chẳng ích lợi gì khi buộc phải tin có thưởng, có phạt ở đời sau. Linh hồn thì bất tử, khi lìa khỏi xác, nó sẽ đi lang thang một thời gian quanh các mồ mả và các núi đồi lân cận. Nó thường hiện ra vào ban đêm làm người ta khiếp sợ, rồi biến mất hút vào vực sâu tăm tối ở phương Nam. Đó là điểm hẹn chung của các linh hồn sau khi chết. Đây là tất cả những gì người Ba Na biết về số phận của chúng ta ở cõi đời sau; tương lai đối với họ là một huyền nhiệm mà họ chẳng cần tìm hiểu, duy chỉ có hiện tại là điều thu hút toàn bộ tâm trí họ, và họ chẳng còn muốn quan tâm đến điều gì khác nữa.
Tất cả các cử hành thờ phượng của người dân tộc bao gồm việc cúng tế, thề nguyền, và tuân giữ vô số luật lệ hão huyền mà họ thực hành với mục đích duy nhất là nguyền rủa những điều bất hạnh, xoa dịu những nỗi đau và trì hoãn giờ chết. Vì, cũng như mọi lương dân, nền tảng của tôn giáo là sự sợ hãi và ích kỷ. Mỗi người chủ gia đình đương nhiên cũng là người lo việc cúng tế. Có rất nhiều sư sãi ở vương quốc An Nam, Campuchia, Lào và Trung Quốc, nhưng ở xứ này thì không hề có. Thế nhưng, có một nhân vật nổi danh có thể truyền đạt đúng ý của thần linh và những quyết định của người này được xem như là lời tuyên sấm của thần và trở nên những quy tắc hành xử chung cho mọi người, người ta gọi kẻ ấy là Bơ Dâu. Loại phù thuỷ này, vì thường là đàn bà, có một chỗ đứng và tầm ảnh hưởng thật sự kỳ quái trong các vùng. Hầu như làng nào cũng có một Bơ Dâu, đôi khi còn có nhiều, nhưng danh tiếng của họ thì không như nhau. Ai nổi tiếng nhất thì đắt khách và thường được người ở xa đến mời, nhất là khi phải chữa trị những bệnh nghiêm trọng. Việc đề cử một bà đồng bóng trong làng là chuyện của trời chứ không phải là chuyện của đất. Vào một ngày đẹp trời, bà ta diễm phúc được thần linh tỏ lộ cho biết những bí mật và ban cho quyền năng thần thánh để thực hiện nhiệm vụ soi sáng và cứu giúp đồng loại; và từ đó, bà ta trở thành Bơ Dâu. Chính bà ta thông báo về việc biến đổi siêu nhiên ấy bằng lời khẳng định đơn giản từ phía bà, và được chấp nhận như một bằng chứng không thể bác bỏ. Bà bắt đầu thi hành chức vụ của mình một cách tuỳ tiện và từ lúc đó, người dân tộc luôn tìm liên hệ tới bà mỗi khi gặp điều bất hạnh nào đó. Bà nói cho họ biết những nguyên nhân, bà thường gán cho việc vi phạm vào luật lệ kỳ quái nào đó, thậm chí bà có thể chỉ cho những phương thuốc chữa trị rất hiệu nghiệm. Khi được mời đến với bệnh nhân, nếu nhận thấy bệnh tình còn nhẹ thì bà ta chỉ cần thắp một ngọn nến, hơ tay và áp vào thân thể người bệnh một cách kỳ bí. Bệnh tật không thể chống chọi với bùa chú lâu được; tuy nhiên nếu bệnh tình ngày càng tồi tệ hơn thì bà ta dùng những phương thức mạnh mẽ hơn, cương quyết hơn: bà áp miệng vào chỗ bị đau và hút thật mạnh để rút ra được một miếng gỗ, một mảnh xương, một hạt cát, hay một vật gì khác tương tự mà bà tạo ra trước mắt những người đang sửng sốt chứng kiến. Đừng cố tìm cách giải thích những điều ấy như một hệ quả của sự lừa đảo, bạn nên xem như không biết gì và cũng đừng tin. Một ngày nọ, tôi đã được chứng kiến những trò ảo thuật này; bà Bơ Dâu mời tôi đến gần để xem cho rõ; bà hành sự vào ban đêm và đứng dưới tận đầu gối; cổ bà được trang điểm nhiều đồ vật linh tinh mà mỗi thứ đều có những năng lực riêng; một người đàn ông cầm nến sáp chiếu sáng cho bà. Nghi lễ được cử hành để thanh tẩy ngôi làng khỏi sự ô uế trong dịp đám tang của một người tự tử vừa diễn ra. Tôi nhận lời đề nghị của bà và tiến đến gần để xem màn diễn ấy. Người dân tộc đoán được ý định của tôi, tất cả đều cúi đầu và đỏ mặt hổ thẹn cho bà đồng bóng tội nghiệp này. Bà ta hồi tâm định trí, lấy hơi hút thật mạnh, rồi trịnh trọng cao rao: “Thưa Cha, máu đây này, đây là máu tôi vừa hút ra!” Tôi cố gắng mở to mắt ra nhưng chỉ thấy toàn là nước miếng. Tôi tỏ vẻ nghi ngờ, thế là bà ta hiểu rằng mình đã đi quá lố; và hoàn toàn chưng hửng trước sự ngờ vực của tôi, bà ta đã dừng lễ nghi trong chốc lát. Mọi người dân tộc đều quả quyết với tôi rằng họ đã thấy máu thật. Nhưng vì tôi cứ khăng khăng phủ nhận, nên họ cố thuyết phục tôi: “Thưa Cha, bà Bơ Dâu đã thấy máu, bà khẳng định như vậy mà! Nếu Cha không muốn tin điều đó, vậy thì Cha sẽ tin điều gì nữa?” Thế rồi, họ lặp lại cho nhau nghe: “Tôi đã mệt quá rồi, tôi không chịu nổi nữa, ông Cố chẳng muốn tin điều gì cả”. Họ còn xác nhận với tôi rằng trước lúc tôi đến đã có một con ma hiện về rất gần họ. Tôi hỏi: “Các người đã thấy nó hả?” Họ đồng thanh trả lời: “Vâng, thấy chứ! Bà Bơ Dâu đã thấy mà”.
Nếu hạn hán và mưa lũ làm thiệt hại cho mùa màng, nếu bão tố đe doạ làm xáo trộn mọi thứ thì họ cứ việc chạy đến cầu cứu bà Bơ Dâu. Năm ngoái, nắng nóng gay gắt hơn một tháng; thế là môt ngày nọ, bà ta đề nghị cả làng cúng tế tập thể và hứa hẹn là với giá đó thì sẽ được ban cho mưa nhiều. Bà nói: “Sáng nay, tôi đã thưa chuyện với Thần Sét, và ngài đã cam đoan như thế”. Họ đã cúng tế, mà hạn hán vẫn còn kéo dài ba tháng nữa. Đáng lẽ, nếu cứ sai trật hoài như thế thì dần dần người ta sẽ giảm bớt lòng tin vào Bơ Dâu, nhưng không hề hấn gì. Dù cho bà ta có ra lệnh kiêng cử gắt gao, hy sinh khổ chế, làm đủ mọi điều thì dân chúng vẫn nhất mực vâng theo. Nói tóm lại, chính các bà Bơ Dâu này củng cố mọi sai lạc, tạo niềm tin vào vô số những điều mê tín dị đoan ở trong xứ sở này. Nói cách khác, họ là một trong những trở ngại chính cho sự cải đạo của anh em dân tộc.
Thưa quý vị, thưa các bạn đồng nghiệp, đó là một vài ghi chép mà hôm nay con có thể trình bày về những người Ba Na thân yêu của con. Cũng khó mà nói chắc được rằng họ sẽ đón nhận Tin Mừng như thế nào; nhưng hy vọng rằng với ơn Chúa và lời cầu nguyện của các thành viên trong Hội Truyền Bá Đức Tin, họ sẽ tỏ ra ngoan ngoãn nghe theo Tin Mừng. Có lẽ nào trời đã dẫn đưa chúng ta đến đây, bất chấp mọi khó khăn cản bước khởi đầu, để rồi bỏ mặc ta thất bại vậy sao? Người Ba Na sắp sửa dâng lên Chúa những hoa quả đầu mùa: chỉ còn vài ngày nữa, con sẽ đổ nước thánh rửa tội trên đầu người tân tòng đầu tiên của con. Với trí thông minh, con tim ngay thẳng, dũng cảm trong chiến đấu, anh này đã chiếm được thiện cảm và lòng quý mến của bạn bè. Anh có đủ khả năng để trở thành một giáo lý viên, và con hy vọng, nhờ cuộc sống gương mẫu của mình, anh có thể động viên khích lệ nhiều người trở lại đạo. Em gái của anh cũng vừa mới xin học đạo; những người bản xứ khác thì chưa dám theo vì sợ thần thánh báo thù, nhưng một khi đã được ơn Chúa thúc đẩy thì đức tin sẽ phát triển nhanh chóng.
Cha Dourisboure còn có nhiều hy vọng gần kề hơn nữa nơi người dân tộc Xê Đăng ở phía Nam, một bộ tộc sâu sắc hơn người Ba Na rất nhiều. Mười lăm ngày nữa, ngài sẽ rửa tội cho hai chú bé đã được dạy dỗ và chuẩn bị kỹ lưỡng; ngoài ra ngài còn có cả chục thanh niên cũng sẽ trở thành Kitô hữu trong nay mai.
Tất cả những điều trên chắc chắn còn quá ít ỏi; nhưng cũng cần có thời gian cho hạt cải nảy mầm, mọc mạnh và lớn lên, trước khi có thể thấy chim trời đến đậu trên cành, tận hưởng những hoa quả, bóng mát cùng hương thơm của nó.
Chân thành cám ơn.
Jean Pierre Combes
Thừa sai Truyền giáo
(Còn tiếp)
Đọc thêm:
*DÂN LÀNG HỒ- Chương II : Cha Combes Và Cha Fontaine
*DÂN LÀNG HỒ- Chương III : Cuộc Gặp Gỡ Bok Kiêm – Thầy Sáu Do Và Bok Kiêm Kết Nghĩa Anh Em
*DÂN LÀNG HỒ- Chương IV : Cuộc Du Hành Của Các Cha Desgouts Và Dourisboure
*DÂN LÀNG HỒ- Chương V : Những Ngày Ở Kơ Lang
*DÂN LÀNG HỒ- Chương IX : Dân Tộc Rơ Ngao – Những Điểm Đến Khác Của các Nhà Thừa Sai
*DÂN LÀNG HỒ- Chương X : Năm Đầu Tiên Ở Kon Trang
*DÂN LÀNG HỒ- Chương XI : Cha Combes Ở Kon Kơxâm – Một Ngày Phúc Lành -Cha Arnoux Đến
*DÂN LÀNG HỒ- Chương XVII : Những Kitô Hữu Mới ở Kon Kơ Xâm
*DÂN LÀNG HỒ- Chương XIX : Giuse Ngui Lâm Bệnh Và Qua Đời
*DÂN LÀNG HỒ- Chương XX : Andrê Ngam – Ma Quỷ Quấy Phá Anh
*DÂN LÀNG HỒ- Chương XXI : Giữ Ngày Chúa Nhật – Ảnh Hưởng Của Các Nhà Thừa Sai
*DÂN LÀNG HỒ- Chương XXII : Tên Phù Thủy Bị Lột Mặt Nạ
*DÂN LÀNG HỒ- Chương XXIII : Cha Combes Qua Đời Ngày 14 Tháng 9 Năm 1857
*DÂN LÀNG HỒ- Chương XXIV : Cha Dourisboure Về Kon Kơ Xâm – Thiết Lập Địa Sở Truyền Giáo Pơ Năng
*DÂN LÀNG HỒ- Chương XXVI: Dịch Đậu Mùa Nơi Anh Em Dân Tộc
*DÂN LÀNG HỒ- Chương XXVIII: Công Trình Của Cha Besombes – Cái Chết Của Ngài
*DÂN LÀNG HỒ- Phụ Lục I: Thư Của Cha Dourisboure
WGPKT(18/09/2023) KONTUM